Chưa bao quát doanh nghiệp nhà nước

Thứ Sáu 09:56 26-05-2006
Chưa bao quát doanh nghiệp nhà nước

Thái Thanh - Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tuần trước đã đi đến quyết định không đưa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vào làm đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (thống nhất).

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói rằng, dự kiến ban đầu của Ban soạn thảo là trong luật chung sẽ có một chương riêng về DNNN, trong đó nhấn mạnh đến các quy định về quản lý vốn, nhân sự, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Cách làm như vậy đã gặp phải nhiều ý kiến cho rằng về thực chất, Luật Doanh nghiệp (thống nhất) chỉ là sự gộp lại của hai luật khác nhau một cách cơ học. Ông Phúc nói rằng trong khoảng ba năm nữa, khi các DNNN hoàn thành việc chuyển đổi, đa phần sẽ chuyển sang hoạt động theo luật này.

Một trong những thành viên của Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung, cho biết muốn đưa DNNN vào chơi trên một sân chơi bình đẳng thì vấn đề nằm ở chỗ cải cách DNNN chứ không phải nằm trong luật.

Theo phân tích của ông Cung, loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có bốn đặc điểm (trách nhiệm hữu hạn của nhà đầu tư; pháp nhân độc lập; khả năng chuyển nhượng được của cổ phần hoặc phần góp vốn; quản lý tập trung và thống nhất) thì các DNNN chỉ có hai đặc điểm đầu tiên, trong đó “trách nhiệm hữu hạn của chủ đầu tư” cũng không được rõ vì bấy lâu nay mỗi khi không trả được nợ, Nhà nước vẫn thường khoanh, xóa nợ chứ không phải là các chủ đầu tư.

Ông Cung phân tích tiếp, ở các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, các quyết định cơ bản, quan trọng nhất thuộc về chủ sở hữu và được thông qua bởi đại hội cổ đông (vốn, đầu tư, chiến lược, nhân sự…). Nhưng ở DNNN, có rất nhiều cơ quan được phân công thực hiện quyền sở hữu (Thủ tướng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành khác…) và các quyền sở hữu này được thực hiện một cách riêng lẻ, hành chính, không có cơ chế phối hợp, không có tiêu chuẩn rõ ràng. Kết quả là các quyết định được đưa ra một cách chậm chạp, cứng nhắc và cuối cùng là không có cơ quan, cá nhân cụ thể nào trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của khu vực DNNN nói chung và của từng doanh nghiệp nói riêng. Với cách quản lý như vậy, theo ông Cung, trước mỗi sai phạm ở DNNN, việc tìm ra người chịu trách nhiệm là rất khó.

Điểm mấu chốt của chuyển đổi phải là từ bỏ khái niệm “hành chính chủ quản” và thay bằng một “chế độ chủ quản mới”, tách chức năng “chủ quản” ra khỏi bộ máy thực hiện chức năng quản lý nhà nước, thay bằng cơ chế của người đầu tư kinh doanh và tất cả quyền của chủ sở hữu phải được thực hiện một cách tập trung và thống nhất.

Muốn làm được như vậy, hàng loạt khái niệm phải thay đổi từ tư duy về loại hình doanh nghiệp theo thành phần kinh tế đến quyền sở hữu nhà nước trong công ty… và có lẽ từ nay đến cuối năm là thời gian quá ngắn cho sự thay đổi này nên Thường vụ Quốc hội đã quyết định không đưa DNNN trở thành đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp lần này.

Các văn bản liên quan