Công văn góp ý của VCCI đối với Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 117/2011/TT-BTC hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài

Thứ Năm 14:23 31-10-2013


Số:   2822  /PTM-PC

Vv: góp ý Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 117/2011/TT-BTC

Hà Nội, ngày  31 tháng 10 năm 2013

Kính gửi: Tổng cục Hải quan

                  Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 11789/BTC-TCHQ của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, nghiên cứu của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

Các quy định tại Dự thảo chủ yếu liên quan đến trình tự thủ tục nên cần phải rõ ràng, cụ thể, tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng, đảm bảo thuận lợi khi triển khai áp dụng và hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, cửa quyền từ phía các cán bộ cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, một số quy định tại Dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu này.

1.     Liên quan tới các điều khoản về Hợp đồng gia công (Điều 2, 3, 4)

(i)      Về việc quy định hình thức, nội dung và các yêu cầu liên quan tới điều chỉnh hợp đồng gia công

Dự thảo hiện tại dành 03 Điều trong số các Điều khoản đầu tiên để quy định về hợp đồng gia công.

Mặc dù các quy định này không mới (đã có trong Thông tư 117/2011/TT-BTC, hiện đang có hiệu lực cho tới khi Dự thảo này được thông qua và thay thế), với việc xây dựng Dự thảo sửa đổi này, có lẽ cần cân nhắc quy định về hợp đồng gia công trong Dự thảo này bởi:

-          Thông tư này “hướng dẫn thủ tục hải quan”, tức là văn bản chuyên biệt quy định về thủ tục, trong lĩnh vực hải quan (chứ không phải trong những vấn đề chung, mang tính nội dung như hợp đồng). Vì vậy, việc Thông tư quy định những vấn đề của pháp luật nội dung, về một loại hợp đồng thương mại chung có lẽ là không thích hợp;

-          Liên quan tới vấn đề nội dung và hình thức của hợp đồng gia công, Thông tư này cần phù hợp với Nghị định 12/2006/NĐ-CP và Luật Thương mại 2005 và vì vậy về nguyên tắc không thể đặt thêm những điều kiện mang tính hạn chế hơn so với quy định trong các văn bản này.

Do đó, về tổng thể, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại việc quy định về hợp đồng gia công cũng như các điều kiện có tính hạn chế đối với nội dung và hình thức hợp đồng gia công trong Dự thảo này.

(ii)                                            Hình thức Hợp đồng gia công (Điều 2)

-          Dự thảo quy định Hợp đồng gia công phải được phía Việt Nam ký, đóng dấu theo quy định của pháp luật Việt Nam (nếu là hộ kinh doanh thì “ký và ghi rõ số chứng minh thư, nơi cấp”).

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của pháp luật về hợp đồng (Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại) thì hợp đồng bằng văn bản hoặc hình thức tương đương chỉ phải ký, không có quy định bắt buộc về đóng dấu hay ghi số chứng minh thư (điều này áp dụng không phụ thuộc vào chủ thể hợp đồng là Việt Nam hay nước ngoài).

-          Dự thảo cũng quy định chứng từ kèm theo hợp đồng mà bên nước ngoài phát hành qua hình thức điện tử từ phải được thương nhân Việt Nam ký, đóng dấu xác nhận.

Không rõ chứng từ kèm theo hợp đồng là những loại chứng từ gì? Tuy nhiên, cần chú ý rằng dù là loại chứng từ gì thì điều kiện về hình thức của chứng từ đó phải tuân thủ quy định của pháp luật liên quan tới loại chứng từ đó, vậy có chắc pháp luật đều có quy định bắt buộc về việc phải có ký, đóng dấu xác nhận cho tất cả các loại chứng từ này?.

Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại các quy định trong Điều này

(iii)                                          Nội dung hợp đồng gia công (Điều 3)

Dự thảo quy định “trường hợp bên đặt gia công và bên nhận gia công phát sinh giao dịch qua bên thứ ba thì phải thể hiện trên hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng hoặc văn bản tài liệu liên quan để chứng minh”.

Quy định này chưa rõ ở các điểm:

-        Thế nào là “phát sinh giao dịch qua bên thứ ba”? (chú ý, trong pháp luật về hợp đồng chỉ có khái niệm về môi giới hợp đồng, thiết lập hợp đồng, không có khái niệm “phát sinh giao dịch” dù là qua bên nào)

-        “Giao dịch” ở đây là giao dịch gì? (hợp đồng hay các giao dịch trao đổi qua lại trong ký kết và thực hiện hợp đồng)

-        “Phải thể hiện”, “để chứng minh” là thể hiện, chứng minh cái gì? Thể hiện/chứng minh rằng giao dịch phát sinh liên quan phát sinh qua bên thứ ba hay thể hiện/chứng minh danh tính của bên thứ ba?

-        Mục đích của quy định này là gì?

Ngoài ra, cần chú ý rằng Thông tư đang đặt thêm các điều kiện không có trong pháp luật về giao dịch trong Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản liên quan.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, làm rõ và đảm bảo tính mục tiêu, minh bạch và hợp pháp của quy định này.

(iv)                                           Phụ lục Hợp đồng gia công (Điều 4)

Dự thảo quy định “Khi hợp đồng gia công đã thực hiện xong, sản phẩm gia công đã xuất khẩu hết thì thương nhân không được tiếp tục gia hạn hợp đồng gia công”. Quy định này hạn chế quyền tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà pháp luật dân sự, thương mại bảo vệ.

Theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật về hợp đồng, việc gia hạn hợp đồng gia công hay không tùy thuộc vào sự thỏa thuận của các bên. Trong khuôn khổ Thông tư này, Nhà nước chỉ quản lý về việc xuất khẩu các mặt hàng gia công theo các công cụ đã quy định tại các văn bản pháp luật (buộc thương nhân phải thông báo hợp đồng gia công, kiểm tra tại cơ sở sản xuất, quy định về các thủ tục hải quan …) chứ không thể can thiệp vào thỏa thuận dân sự hợp pháp của các bên trong hợp đồng.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ quy định này.

2.     Về thủ tục thông báo hợp đồng gia công (Điều 7)

-        Điều kiện được nhận hợp đồng gia công: Theo quy định tại điểm a1.a. khoản 2 Điều 7 thì, đối với trường hợp không kiểm tra cơ sở sản xuất trước khi tiếp nhận hợp đồng gia công, cơ quan hải quan sẽ tiến hành “kiểm tra điều kiện được nhận hợp đồng gia công”. Quy định này được hiểu, các thương nhân nhận hợp đồng gia công phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.

Tuy nhiên, không rõ văn bản pháp luật nào có quy định về những điều kiện này? (phải có văn bản quy định về các điều kiện này thì cơ quan hải quan mới có căn cứ để thực hiện quyền kiểm tra, và mới có tiêu chí để xác định thương nhân có đáp ứng điều kiện hay không khi kiểm tra). Dự thảo hiện không dẫn chiếu tới văn bản pháp luật có quy định; còn Nghị định 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ (quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài) vốn là căn cứ của Dự thảo này lại không quy định về các điều kiện đối với thương nhân nhận gia công.

Đề nghị Ban soạn thảo dẫn chiếu tới văn bản quy phạm pháp luật quy định về những điều kiện này. Trường hợp không có văn bản nào (cấp Nghị định trở lên theo quy định tại Luật Doanh nghiệp) quy định về những điều kiện này thì cần bỏ quy định này khỏi Dự thảo.

-        Hình thức phản hồi của cơ quan Hải quan đối với thủ tục thông báo hợp đồng gia công: điểm c khoản 2 Điều 7 Dự thảo quy định: “Trường hợp cơ quan hải quan không có ý kiến phản hồi trong thời gian quy định tại khoản 2 Điều này thì thương nhân mặc nhiên được phép thực hiện hợp đồng gia công”.

Quy định này được hiểu là trong thời hạn quy định, cơ quan hải quan sẽ có phản hồi đối với hồ sơ thông báo hợp đồng gia công mà thương nhân gửi đến. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định hình thức phản hồi là gì (văn bản chấp thuận việc thông báo, văn bản tiếp nhận hồ sơ hay là hình thức nào khác)? Đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về hình thức phản hồi đối với hồ sơ thông báo hợp đồng gia công.

Quan trọng hơn, quy định này cho thấy thủ tục này không thuần túy là “thông báo” tự động mà là một thủ tục cấp phép kinh doanh (trong đó ý kiến của cơ quan hải quan sẽ có giá trị quyết định đối với việc thương nhân có được phép hay không được phép thực hiện hoạt động gia công liên quan). Do đó, các quy định trong Dự thảo liên quan tới thủ tục thông báo hợp đồng gia công này phải tuân thủ pháp luật liên quan tới giấy phép kinh doanh, bao gồm:

+ Các điều kiện kinh doanh (ở đây là điều kiện cho phép gia công) có được quy định tại văn bản của cấp có thẩm quyền không? (văn bản cấp Nghị định trở lên)

+ Các thủ tục, trình tự, tiêu chí để cho phép (trong trường hợp này là “im lặng”, “không có phản hồi”) hoặc không cho phép cụ thể như thế nào?

Đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định liên quan để đảm bảo các yêu cầu này.

Nhận xét và đề nghị tương tự với tất cả các thủ tục khác có cùng tính chất (thủ tục cho/cấp phép kinh doanh dưới các tên gọi khác nhau) trong Dự thảo này.

-        Thủ tục tiếp nhận phụ lục hợp đồng gia công (khoản 3): Dự thảo thiếu quy định về trình tự thủ tục tiếp nhận phụ lục hợp đồng gia công (thời gian cơ quan hải quan phản hồi cho thương nhân gửi thông báo, hồ sơ …).

3.     Kiểm tra cơ sở sản xuất (Điều 8)

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 8 Dự thảo thì “quá 03 tháng (hoặc quá chu kỳ sản xuất một sản phẩm đối với gia công sản phẩm đặc thù như đóng tàu, cơ khí …) kể từ khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu lô nguyên liệu, vật tư lần đầu tiên của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công nhưng không có sản phẩm xuất khẩu” là trường hợp mà cơ quan hải quan sẽ kiểm tra cơ sở sản xuất. Quy định này chưa rõ ràng và hợp lý ở điểm:

-        Thời gian hòan thành sản phẩm gia công phụ thuộc vào quyền thỏa thuận tự do của bên đặt gia công và bên nhận gia công. Việc áp đặt khoảng thời gian 03 tháng kể từ khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu lô nguyên liệu, vật tư đầu tiên của hợp đồng/phụ lục hợp đồng gia công phải có sản phẩm xuất khẩu dường như là chưa phù hợp với tính chất thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng. Nên chăng cần quy định khoảng thời gian này căn cứ vào thời điểm phải giao hàng thỏa thuận trong hợp đồng.

-        Dự thảo cần liệt kê các sản phẩm gia công đặc thù để loại trừ các trường hợp phải kiểm tra theo quy định trên để đảm bảo tính rõ ràng trong quy định. Hoặc Dự thảo có thể lựa chọn cách khác: quy định cụ thể về các đặc tính của “gia công sản phẩm đặc thù”. Còn việc quy định theo dạng “…” như trong Dự thảo là không phù hợp (pháp luật là phải quy định rõ).

4.     Điều kiện điều chỉnh định mức (Điều 9)

Về điều kiện điều chỉnh định mức, điểm b khoản 6 Điều 9 Dự thảo quy định, điều kiện điều chỉnh định mức gồm:

-        (1) Cơ quan Hải quan còn lưu định mức kèm theo thông số kỹ thuật, sơ đồ thiết kế mẫu sản phẩm hoặc quy trình sản xuất (nếu có), sơ đồ giác mẫu (đối với dệt may, da giày)

-        (2) Thương nhân có đủ cơ sở chứng minh (còn phế liệu, phế phẩm hoặc hóa đơn, chứng từ, tài liệu kỹ thuật) và cơ quan hải quan có đủ cơ sở, điều kiện kiểm tra, xác định tính trung thực, chính xác và hợp pháp của việc đề nghị điều chỉnh định mức.

Quy định trên là chưa rõ ràng và chưa hợp lý thể hiện ở các điểm:

-        Điều kiện (1): mang tính chủ quan, phụ thuộc vào việc cơ quan Hải quan còn lưu hay không các tài liệu về định mức. Điều này là chưa hợp lý và có thể gây khó khăn và phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp ở chỗ, nếu cơ quan hải quan không còn lưu định mức kèm theo thông số kỹ thuật, sơ đồ thiết kế mẫu sản phẩm … thì doanh nghiệp không được phép điều chỉnh định mức. Như vậy, việc điều chỉnh này hoàn toàn phụ thuộc vào Hải quan – việc quy định một quyền của doanh nghiệp mà bấp bênh, phụ thuộc vào hành vi và ý chí chủ quan của cơ quan Nhà nước có lẽ là chưa phù hợp.

-        Điều kiện (2) là chưa rõ ràng, như thế nào được cho là “đủ cơ sở, điều kiện kiểm tra xác định tính trung thực, chính xác và hợp pháp của việc đề nghị điều chỉnh định mức”? Dự thảo cần quy định cụ thể hơn.

5.     Thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp (Điều 18)

Theo quy định tại Dự thảo thì để thực hiện thủ tục giao nhận sản phẩm gia công chuyển tiếp, thương nhân giao sản phẩm gia công chuyển tiếp phải có văn bản đề nghị được làm thủ tục chuyển tiếp và được Chi cục Hải quan quản lý hợp đồng gia công giao chấp thuận. Tuy nhiên Dự thảo lại không có quy định về trình tự thủ tục để thương nhân có được sự chấp thuận này cũng như các tiêu chí, điều kiện để cơ quan Hải quan xem xét đơn đề nghị của thương nhân.

Để đảm bảo tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể các vấn đề trên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa gia công với thương nhân nước ngoài. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Ngoài ra gửi kèm theo phụ lục một số góp ý cụ thể về Dự thảo mà một số doanh nghiệp gửi cho Phòng Thương mại và Công nghiệp để Quý Cơ quan tham khảo.

Trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan