Công văn góp ý của VCCI đối với Dự thảo Thông tư ban hành Biểu thuế xuất khẩu – nhập khẩu ưu đãi 2014

Thứ Sáu 15:50 01-11-2013

Số:             2827        /PTM-PC

V/v:  Góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Biểu thuế xuất khẩu – nhập khẩu ưu đãi 2014

       Hà Nội, ngày   01   tháng   11   năm 2013

Kính gửi:    Vụ Chính sách Thuế - Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 13972/BTC-CST ngày 18/10/2013 của Quý Cơ quan về việc xin ý kiến cho Dự thảo Thông tư ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2014, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở tư vấn của chuyên gia có một số ý kiến như sau:

Về tổng thể, VCCI nhất trí với cách tiếp cận trong điều chỉnh Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với các cam kết và khung thuế suất của UBTVQH của Quý Cơ quan. VCCI cũng đánh giá cao tinh thần cầu thị và thái độ xem xét cẩn trọng các đề xuất cụ thể của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong việc điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu, xuất khẩu.

Tuy nhiên, riêng đối với trường hợp điều chỉnh các mức thuế nhập khẩu, xuất khẩu theo kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, cần có sự kiểm chứng đầy đủ hơn về các thực tế mà doanh nghiệp, hiệp hội cung cấp trong kiến nghị của mình, hạn chế tối đa các hiện tượng vì các lý do khác nhau, doanh nghiệp hoặc hiệp hội có thể cung cấp các thông tin không sát thực tế, dẫn tới việc điều chỉnh thuế theo kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội có thể ảnh hưởng tới các chính sách lớn hơn của Nhà nước hoặc lợi ích chính đáng của các chủ thể khác.

Từ góc độ này, VCCI cho rằng một số dự kiến điều chỉnh trong Biểu thuế dự thảo cần được cân nhắc lại:

A.   Liên quan tới Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

1.    Đối với mặt hàng phân bón NPK mã 31.05

Theo giải trình thì các mặt hàng phân bón NPK được điều chỉnh thuế lần này hiện áp 02 mức thuế suất là 0% (cho nhóm trong nước chưa sản xuất được) và 6% (cho nhóm đã sản xuất được ở trong nước). Đề xuất điều chỉnh các nhóm này về cùng một mức 3% (hay 5%??? – Trang 2 Công văn lúc thì nêu là 5%, lúc lại nêu 3%, Biểu thuế đi kèm thì thiếu dòng thuế 31.05) xuất phát từ lý do việc phân loại 2 nhóm này khó khăn và “để bảo hộ sản xuất trong nước, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp”.

Mặc dù đồng tình với việc chuyển hai nhóm này về cùng một mức thuế nhằm giải quyết các vướng mắc, gian lận trong quá trình thực hiện, mức thuế được điều chỉnh (3% hay 5%???) có lẽ cần được cân nhắc thêm:

-        Việc tăng mức thuế đối với các sản phẩm phân bón 31.05 mà trong nước chưa sản xuất được đồng nghĩa với việc giá các sản phẩm này sẽ tăng lên ít nhất là tương ứng với mức thuế tăng (3% hoặc 5%), thậm chí còn có thể hơn, do đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp;

-        Số liệu dự kiến về thay đổi số thuế thu được từ việc điều chỉnh này (tăng 72 tỷ đồng) cho thấy trong tổng thể việc điều chỉnh mức thuế ảnh hưởng tới nhóm sản phẩm bị điều chỉnh tăng thuế (nhóm hiện tại đang có mức thuế suất 0%) lớn hơn nhiều so với nhóm sản phẩm được điều chỉnh giảm thuế. Như vậy, trong khi sản xuất phân bón trong nước được lợi không đáng kể từ việc giảm thuế suất (từ 6% xuống 3-5%) thì người sử dụng phân bón cho sản xuất nông nghiệp lại bị ảnh hưởng đáng kể từ việc điều chỉnh này.

Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc hoặc là điều chỉnh tất cả về 0%, hoặc là giữ nguyên 02 mức thuế suất như hiện tại để ít nhất là sản xuất nông nghiệp không bị ảnh hưởng bởi việc điều chỉnh này.

2.    Đối với mặt hàng bột nhựa PVC nhũ tương mã 39.04

VCCI ủng hộ phương án 1 của Quý Cơ quan (giữ nguyên mức thuế suất của PVC nhũ tương là 5%) với lý do các lập luận của doanh nghiệp nhằm đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất cho mặt hàng này xuống 0% là chưa thuyết phục:

-        Việc duy trì mức thuế suất 5% đối với cả hai mặt hàng PVC sản xuất theo công nghệ huyền phù và PVC dạng bột nhũ tương không thể xem là “gây nên sự mất công bằng cho các công ty sử dụng bột PVC sản xuất theo công nghệ nhũ tương”: Về lý thì thuế suất bằng nhau là công bằng nhất, việc giảm thuế suất sản phẩm PVC nhũ tương trong khi vẫn giữ nguyên thuế suất PVC huyền phù mới là tạo ra sự không công bằng cho các công ty sử dụng PVC huyền phù.

-        Thông tin về việc Việt Nam chỉ có 02 công ty sản xuất bột nhựa và chỉ sản xuất PVC nguyên sinh là chưa được kiểm chứng.

3.    Đối với mặt hàng bình bơm thuốc trừ sâu động cơ điện mã 84.24

Dự thảo đề xuất điều chỉnh tăng thuế suất của sản phẩm này từ 0% lên 3% theo kiến nghị của doanh nghiệp.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại đề xuất điều chỉnh này bởi các lý do sau:

-        Lập luận của doanh nghiệp rằng doanh nghiệp này có thể sản xuất đáp ứng khoảng 40% nhu cầu trong nước là chưa được kiểm chứng.

-        Từ giải trình của doanh nghiệp về việc doanh nghiệp này đang phải cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu cùng loại cho thấy giá cả của hàng nhập khẩu là tương đối thấp trong so sánh với giá sản phẩm của doanh nghiệp này. Như vậy, nếu tăng thuế suất đối với sản phẩm này thì người sử dụng sản phẩm này (chủ yếu là nhóm sản xuất nông nghiệp) sẽ chịu thiệt hại (do giá của các sản phẩm nhập khẩu liên quan tăng).

-        Hơn nữa, cùng với việc tăng thuế từ 0% lên 3% đối với mặt hàng bình bơm thuốc trừ sâu động cơ điện, vì lý do kỹ thuật, sẽ phải tăng thuế các thiết bị dùng trong nông nghiệp và làm vườn khác từ 0% lên 3%. Điều này rõ ràng gây ảnh hưởng đến người sử dụng nhóm sản phẩm rộng hơn nhiều.

-        Việc thuế suất ATIGA, ACFTA, AKFTA đối với mặt hàng này đều là 0% (trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore.. . là nguồn cung chủ yếu cho thị trường Việt Nam về các mặt hàng này) cho thấy việc tăng thuế suất MFN lên 3% cho mặt hàng bình bơm động cơ điện hầu như rất ít ý nghĩa về mặt chính sách nhập khẩu nói chung (trong khi lại làm thay đổi thuế của một loạt sản phẩm cùng mã và đưa ra tín hiệu không phù hợp với chính sách trong nước về việc tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp).

4.    Đối với các vấn đề khác

 VCCI nhất trí với đề xuất của dự thảo.

B.   Liên quan tới Biểu thuế xuất khẩu

1.    Đối với nhóm sản phẩm chế biến từ quặng titan và tinh quặng titan

Việc điều chỉnh giảm thuế suất của một loạt các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chế biến từ quặng titan và tinh quặng titan (trừ rutile tự nhiên mã 2614.00.10) trong Dự thảo về mặt kỹ thuật thì là do điều chỉnh việc chuyển mã HS áp dụng cho các mặt hàng liên quan (vì chuyển sang mã khác nên chỉ có thể áp dụng mức thuế suất cao nhất của khung thuế suất áp dụng cho mã mới đó, mà các mức này đều thấp hơn so với khung áp cho mã hiện hành).

Xét một cách chặt chẽ, việc điều chỉnh này xuất phát từ kiến nghị của Hiệp hội cùng các số liệu do Hiệp hội cung cấp, và cũng nhằm “tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, liên quan tới thông tin mà Hiệp hội cung cấp (“ngành khai thác khoáng sản Titan trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong 2 năm 2011-2012, sản xuất cầm chừng ở mức tối thiểu”), có nhiều thông tin khác cho thấy một bức tranh ngược lại, ví dụ:

-        Theo Thời báo kinh tế Việt Nam (bài ngày 26/9/2013) thì “Trên hai sàn niêm yết, có 3 cổ phiếu khai thác và chế biến Titan hàng đầu Việt Nam là SQC, BMC và KSA. Công ty Cổ phần khoáng sản Bình Định (mã BMC-HOSE) có lợi nhuận tăng đột biến trong hai năm liên tục. Năm 2012, lợi nhuận dù giảm nhẹ so với năm trước nhưng BMC vẫn vượt 12% kế hoạch năm khi đạt lãi sau thuế 86,5 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2013, BMC đạt lãi ròng 42,7 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn (mã SQC-HOSE) là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành khoáng sản năm 2012 lãi ròng lên tới 162 tỷ đồng.”. Tất nhiên, bài báo này cho biết giá cổ phiếu của các công ty này đã giảm trong năm 2013 do khó khăn trong cạnh tranh (phù hợp với thông tin của Hiệp hội).

Tuy nhiên, những thông tin từ bài báo về mức lãi rất lớn và sự tăng mạnh mẽ của giá cổ phiếu các công ty khoáng sản trong năm 2012 cho thấy những khó khăn của ngành titan chỉ là mới gần đây và có mâu thuẫn trong thông tin của Hiệp hội (rằng khó khăn đặc biệt trong năm 2011 và 2012).

Việc điều chỉnh giảm thuế xuất khẩu đối với một sản phẩm nhạy cảm (nằm trong chính sách chung của Chính phủ về việc bảo vệ tài nguyên và hạn chế xuất thô) chỉ dựa trên khó khăn tức thời của ngành có lẽ là chưa thích hợp.

-        Theo Sài Gòn Giải phóng ngày 9/10/2012 và một số bài báo khác trên Thời báo Kinh tế Sài gòn cuối năm 2012 và trong thời gian gần đây thì dường như những khó khăn của ngành titan thực chất không phải do biến động của sản xuất hay thị trường mà chủ yếu là hệ quả của chính sách của Chính phủ liên quan tới việc kiểm soát xuất khẩu loại khoáng sản này tại Thông tư 41/2012/TT-BCT và Thông tư 44/2013/TT-BTC. Nếu xét về sự trùng hợp về thời gian và tình hình thị trường thế giới thì lập luận này không phải không có cơ sở.

Nếu các thông tin nói trên là đúng thì hệ quả khó khăn của ngành titan trong thời gian gần đây là có thể dự doán được (thậm chí là tất yếu) của chính sách đúng đắn nói trên của Chính phủ. Và như vậy không có lý do gì để điều chỉnh thuế suất xuất khẩu của nhóm mặt hàng (kể cả là điều chỉnh gián tiếp thông qua việc chuyển mã HS).

2.    Đối với các vấn đề khác

VCCI nhất trí với đề xuất của dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của VCCI đối với Dự thảo Thông tư ban hành Biểu thuế xuất khẩu và Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2014. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc điều chỉnh để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng./.

Các văn bản liên quan