Công văn của VCCI góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

Thứ Năm 16:03 22-08-2013

Số:  2126   /PTM-PC

Vv: góp ý Dự thảo Thông tư về hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

Hà Nội, ngày  22 tháng 08 năm 2013

Kính gửi: Tổng cục Thuế

        Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 7417/BTC-TCT của Bộ Tài chính về việc góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của chuyên gia, có một số ý kiến như sau:

Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo là cụ thể, rõ ràng, chi tiết, thống nhất với Dự thảo Nghị định số …/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử lý vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (bản gửi kèm theo Dự thảo Thông tư). Đề hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo xem xét một số vấn đề sau:

1.     Về đối tượng và thủ tục được miễn, giảm chi phí thi hành cưỡng chế (khoản 4 Điều 10): 

Dự thảo quy định: “Cá nhân có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để họ sinh sống bình thường, thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng, thuộc diện tàn tật, ốm đau kéo dài được xem xét giảm chi phí thi hành cưỡng chế. Mức thu nhập tối thiểu được xác định áp dụng theo hướng dẫn tại điểm này là mức thu nhập xác định theo mức lương tối thiểu do nhà nước quy định” (điểm a).

“Đối với đối tượng bị cưỡng chế là cá nhân có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để họ sinh sống bình thường, thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mangh là các thủ tục, hồ sơ theo hướng dẫn của pháp luật hiện hành về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh liệt sĩ” (điểm b).

Quy định trên là chưa rõ ràng ở các điểm:

      -             Mức thu nhập như thế nào được cho là không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để sinh sống bình thường? Dự thảo có hướng dẫn là dựa vào “mức thu nhập xác định theo mức lương tối thiểu do nhà nước quy định” nhưng bao nhiêu tháng lương tối thiểu thì thuộc trường hợp có mức thu nhập trên? Dự thảo cần quy định cụ thể hoặc dẫn chiếu đến văn bản có quy định về vấn đề này.

      -             Dự thảo không có quy định về thủ tục xét miễn, giảm chi phí cưỡng chế đối với trường hợp “đối tượng bị cưỡng chế là cá nhân có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để họ sinh sống bình thường”. Điểm b có nhắc đến đối tượng này trong thủ tục xét miễn, giảm tuy nhiên quy định tại điểm b vừa chưa rõ ràng vừa chưa hợp lý, ở điểm: Trường hợp trên không rõ là cá nhân có đồng thời đáp ứng hai điều kiện là: thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu và điều kiện thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng hay là chỉ cần một trong hai điều kiện. Nếu là một trong hai điều kiện thì “pháp luật hiện hành về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh” không có quy định hướng dẫn cho trường hợp “cá nhân có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để họ sinh sống bình thường”.

Do vậy, để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể, rõ ràng:

      -             Mức thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để họ sinh sống

      -             Thủ tục để xét miễn giảm chi phí cưỡng chế đối với trường hợp cá nhân có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để họ sinh sống bình thường.

2.     Về thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế  (khoản 5 Điều 8)

Dự thảo quy định “Trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một biện pháp đã hết thời hiệu, nếu cơ quan ban hành quyết định thấy vẫn có thể tiếp tục áp dụng đối với biện pháp đó mà vẫn thu được tiền thuế nợ, tiền chậm nộp tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt thì ban hành quyết định khác thay thế quyết định đã hết hiệu lực để tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế đó”. Quy định này là chưa hợp lý và chưa thể hiện đúng bản chất của thời hiệu. Thời hiệu là khoảng thời gian mà hết thời gian đó các chủ thể có quyền/được hưởng quyền thì không có quyền/không được hưởng quyền đó nữa. Bản chất của thời hiệu trong các chế định pháp luật (bao gồm cả chế định mang tính trừng phạt như xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý tội phạm hình sự) là để đảm bảo tính ý nghĩa của hành vi liên quan. Đối với trường hợp xử phạt (hành chính hoặc hình sự) thì thời hiệu được cho là khoảng thời gian mà việc xử phạt là có ý nghĩa nhằm răn đe vi phạm tiếp theo hoặc hạn chế tổn thất cho Nhà nước, xã hội; hết khoảng thời gian này, việc xử phạt là không còn ý nghĩa (vì hành vi vi phạm đã xảy ra quá lâu)..

Do đó, nếu “ban hành quyết định khác thay thế quyết định hết hiệu lực để tiếp tục thực hiện biện pháp cưỡng chế đó” thì quy định về thời hiệu tại khoản 1 Điều 8 không còn ý nghĩa và hoàn toàn đi ngược lại bản chất của một quy định về thời hiệu.

Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định này.

3.     Về Chi phí cưỡng chế (Điều 10)

Dự thảo quy định khá nhiều nội dung chi phí cho các hoạt động cưỡng chế và mức chi “các chi phí: thuê giữ hoặc bảo quản tài sản; giám định tài sản; tiền thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá … được thực hiện căn cứ theo hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ theo quy định”. Các chi phí này được bù đắp từ nguồn tiền khấu trừ và tài sản kê biên đối với tổ chức bị cưỡng chế và các chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế chịu và được lập dự toán đồng thời với việc ban hành quyết định cưỡng chế và được quyết toán khi kết thúc vụ việc cưỡng chế. Để đảm bảo quyền lợi của tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các quy định sau:

      -             Các chi phí phải phát sinh ở mức hợp lý và tiết kệm nhất để tránh gây thêm thiệt hại cho tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế. Ngoài ra, cần quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng tổ chức thực hiện cưỡng chế nếu để các chi phí phát sinh làm thiệt hại đến tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế chứng minh được thiệt hại.

      -             Cần quy định rõ về thời hạn lập dự toán cho các chi phí phát sinh trong quy định: “Các chi phí cho việc thực hiện cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế chịu và được lập dự toán đồng thời với việc ban hành quyết định cưỡng chế và được quyết toán khi kết thuc vụ việc cưỡng chế”.

4.     Về bảo vệ quyền lợi của bên thứ ba

Dự thảo có một số quy định chưa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba liên quan đến các đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hạnh chính, ví dụ:

      -             Về cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (Điều 13): Theo quy định tại Dự thảo thì:

+ “quyết định cưỡng chế được gửi tới cá nhân bị cưỡng chế, cơ quan, tổ chức cá nhân bị cưỡng chế và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan ngay trong ngày ký” (điểm a khoản 3);

+ các thông tin về hóa đơn không còn giá trị sử dụng của đối tượng bị cưỡng chế trên trang thông tin điện tử của ngành thuế; phương tiện thông tin đại chúng ngay trong ngày ký quyết định (điểm b khoản 3);

+ “trong thời gian quyết định cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng còn hiệu lực, tổ chức, cá nhân không được phép thông báo và phát hành hóa đơn mới” (điểm b khoản 4);

+ “Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa đơn không còn giá trị sử dụng là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật về thuế” (điểm đ khoản 4)

Quy định trên là chưa bảo vệ quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba (bên có giao dịch với cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế) ít nhất bởi các lý do sau:

+ Đối với trường hợp hóa đơn liên quan được phát hành trước khi có quyết định cưỡng chế: Trường hợp này, hóa đơn phát hành là hợp pháp, tổ chức cá nhân có giao dịch liên quan không có lý do gì để bị trừng phạt một cách gián tiếp vì sử dụng những hóa đơn này;

+ Đối với trường hợp hóa đơn liên quan được phát hành sau khi có quyết định cưỡng chế: Mặc dù dự thảo đã quy định về việc đăng công khai hóa đơn không có giá trị sử dụng trên website cơ quan Thuế và phương tiện thông tin đại chúng, không có gì đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan sẽ đọc các thông tin này bởi không có quy định pháp luật nào buộc họ phải làm vậy. Hơn nữa, giả sử nếu pháp luật yêu cầu trước khi nhận hóa đơn phải kiểm tra tình trạng của hóa đơn trên website của cơ quan thuế, liệu hiện trạng kỹ thuật của các website này có thể đáp ứng được nhu cầu truy cập của hàng triệu người sử dụng hóa đơn trên toàn quốc vào cũng một thời điểm không?

Như vậy, tất yếu sẽ có  nhiều trường hợp bên thứ ba không thể biết được thông tin về hóa đơn không còn giá trị sử dụng của đối tượng bị cưỡng chế và vẫn thực hiện giao dịch và nhận hóa đơn nếu các thông tin về việc cưỡng chế bị cá nhân, tổ chức cưỡng chế cố tình che giấu khi giao dịch. Trong trường hợp này, họ không có lỗi, nếu bị xử phạt vì hành vi “sử dụng hóa đơn bất hợp pháp” là chưa hợp lý và chưa thống nhất với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (xét yếu tố lỗi trong hành vi vi phạm hành chính của các chủ thể).

Do vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên thứ ba, đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định xử phạt đối với tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế bằng biện pháp này nhưng vẫn phát hành hóa đơn mới và quy định cụ thể về các hình thức xử lý đối với trường hợp bên thứ ba ngay tình. Hơn nữa, Ban soạn thảo cũng cần quy định cụ thể các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định tại điểm a khoản 3, bởi vì quy định này liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của các bên.

      -             Về cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật (Điều 14):

Dự thảo quy định:

+ Chỉ kê biên những tài sản thuộc sở hữu chung của cá nhân bị cưỡng chế với người khác nếu cá nhân bị cưỡng chế không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành quyết định cưỡng chế. Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Cơ quan tiến hành kê biên có trách nhiệm thông báo công khai thời gian, địa điểm tiến hành kê biên để các đồng sở hữu biết. Hết thời hạn 03 tháng, kể từ ngày kê biên mà không có người khởi kiện thì tài sản kê biên được đem bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản (điểm a khoản 7).

+ Nếu đối tượng bị cưỡng chế không có tài sản nào khác thì cơ quan tiến hành kê biên có quyền kê biên cả tài sản của người đó đang cầm cố, thế chấp nếu tài sản đó có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được đảm bảo. Cơ quan tiến hành kê biên có trách nhiệm thông báo cho người nhận cầm cố, thế chấp biết về việc kê biên (điểm e khoản 7).

Theo quy định trên thì cơ quan nhà nước có thể áp dụng kê biên đối với tài sản thuộc sở hữu chung và tài sản đang cầm cố, thế chấp và không thấy có quy định vè việc có sự đồng ý hay không của người thứ ba liên quan (đồng sở hữu/người nhận cầm cố, thế chấp). Quy định này dường như là chưa thống nhất với Bộ luật Dân sự:

Đối với những tài sản thuộc đồng sở hữu thì “mỗi chủ sở hữu chung có quyền và nghĩa vụ đối với tài sản thuộc sở hữu chung tương ứng với phần quyền sở hữu của mình” (Điều 216 Bộ luật Dân sự). Trong trường hợp, kê biên tài sản để hoàn thành nghĩa vụ (thi hành quyết định hành chính) thì lúc này nhà nước đóng vai trò là chủ nợ, có quyền yêu cầu chia tài sản chung và chỉ được nhận phần tiền tương ứng với phần mà cá nhân/tổ chức bị cưỡng chế đó có quyền sở hữu (Điều 224 Bộ luật dân sự). Việc tự định đoạt tài sản chung mà không có ý kiến của các chủ sở hữu khác và không quan tâm đến quyền sở hữu của các chủ sở hữu khác trong tài sản thuộc hình thức sở hữu chung là trái quy định của Bộ luật dân sự.

Đối với tài sản đang bị cầm cố, thế chấp. Lúc này quyền sở hữu của người cầm cố, thế chấp đang bị hạn chế và các tài sản này là tài sản đảm bảo để thực hiện các nghĩa vụ của người cầm cố, thế chấp. Nếu kê biên và bán đấu giá các tài sản thế chấp này thì quyền lợi của người nhận cầm cố, thế chấp sẽ bị ảnh hưởng và quy định này biến một chủ nợ có bảo đảm thành một chủ nợ không có bảo đảm – gần như chuyển từ khó khăn của nhà nước sang cho người dân, doanh nghiệp, …. Dự thảo không có quy định về việc đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các chủ thể này. Điều này là chưa hợp lý.

Hơn nữa, Dự thảo có quy định “Trường hợp tài sản có tranh chấp thì vẫn tiến hành kê biên và giải thích cho những người cùng sở hữu tài sản kê biên về quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự” (điểm a khoản 7 Điều 14). Không rõ những người cùng sở hữu tài sản kê biên sẽ khởi kiện ai? Và khởi kiện về điều gì? Trong khi đồng sở hữu không tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung mà tài sản này bị cưỡng chế bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quy định này tại Dự thảo hướng dẫn theo Nghị định quy định về việc xử lý vi phạm hành chính về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế, tuy nhiên Nghị định này đang ở dạng Dự thảo, nên đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định tại Nghị định và Dự thảo về vấn đề này, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của bên thứ ba và thống nhất với quy định của Bộ luật dân sự.

5.     Về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh

Khoản 5 Điều 16 Dự thảo quy định “Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị cưỡng chế của cơ quan thuế, thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phải thông báo cho cơ quan thuế về việc thực hiện hoặc không thực hiện việc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề”. Ban soạn thảo cần quy định các tiêu chí để xác định trường hợp nào thì thu hồi trường hợp nào thì không và cần liên hệ với quy định của các văn bản pháp luật khác có liên quan để đảm bảo tính minh bạch và thống nhất trong quy định.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan