Công nhận & thi hành bản án, qđịnh của toà

Thứ Hai 16:22 22-05-2006
Tiến sỹ luật học Nguyễn Trung Tín
Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam


Về công nhận và thi hành bản án, quyết định của toà án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài

Ngoài các mục đích chung, phần này còn có mục đích cụ thể sau: đảm bảo cho việc xét và thực hiện việc công nhận và cho thi hành tại nước ngoài các bản án, quyết định dân sự của toà án, quyết định của trọng tài Việt Nam.

- Về Khoản 2 Điều 352
Khoản 2 Điều 352 quy định về quyền yêu cầu giải thích là khó hiểu và không cần thiết bởi lẽ:
Khó hiểu vì cụm từ "những điểm chưa rõ" là những điểm gì (?). Có những điều chưa rõ ảnh hưởng tới việc cho (hoặc huỷ) việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của toà án nước ngoài. Có điểm không ảnh hưởng tới điều đó. Vậy thì, trong trường hợp thứ hai, không cần thiết phải yêu cầu. Nếu cứ quy định như vậy thì trong thực tế có thể xảy ra việc không rõ bất cứ vấn đề gì theo cách hiểu của các quan toà, việc xét công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài cũng có thể bị kéo dài thêm có thể tới hai tháng.

Do vậy, trong trường hợp này, cần quy định là "những điểm chưa rõ liên quan các điều kiện quyết định tới việc công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của toà án nước ngoài".

Việc yêu cầu toà án nước ngoài giải thích có nên chăng vì việc thực hiện quyền yêu cầu công nhận và thi hành là thuộc về các đương sự chứ không phải là toà án.

- Về khoản 4 Điều 356:
Cần sửa là: "Về cùng vụ án (vụ việc) này, đã có bản án, quyết định dân sự của toà án Việt Nam có hiệu lực pháp luật hoặc của toà án nước ngoài được hoặc đang được xét công nhận và thi hành tại Việt Nam hoặc đã được thi hành ở nước ngoài hoặc trước khi cơ quan nước ngoài thụ lý vụ án, toà án Việt Nam đã thụ lý và đang giải quyết vụ án đó".
Bởi nếu không, sẽ có nguy cơ một bản án quyết định của toà án nước ngoài về cùng vụ việc như vậy đang được xét ở Việt Nam về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, vẫn được xét tiếp, hoặc bản án quyết định được thi hành ở nước ngoài đó hoặc nước ngoài khác.

- Về khoản 2 Điều 367 (giống như khoản 2 Điều 353)
- Về điểm b khoản 1 Điều 370:
Cần sửa là "thoả thuận trọng tài không có giá trị pháp lý theo pháp luật của quốc gia có trọng tài nếu pháp luật đó không quy định khác".
Bởi, thứ nhất trọng tài nước ngoài ở đây không có nghĩa chỉ là trọng tài của quốc gia nước ngoài, mà còn là trọng tài của tổ chức quốc tế (ví dụ, trọng tâm trọng tài Quốc tế Cua - Lăm - pua ở Ma - Lai - Xia).

Thứ hai, việc các bên có được chọn pháp luật điều chỉnh thoả thuận trọng tài hay không phụ thuộc vào pháp luật của quốc gia có trọng tài, chứ không phải theo pháp luật Việt Nam được (điều này đã được quy định trong pháp lệnh trọng tài Việt Nam).

- Điểm d khoản 1 Điều 370:
Cần nữa là: "Thành phần của trọng tài, thủ tục giải quyết tranh chấp của trọng tài không phù hợp với pháp luật của quốc gia có trọng tài đó".
Bởi, thứ nhất, việc các bên thoả thuận về thành phần trọng tài và thủ tục giải quyết tranh chấp của trọng tài cũng phải dựa theo pháp luật đó. Pháp luật đó sẽ quy định phạm vi của thoả thuận. Do vậy, cách quy định như vậy là chuẩn xác trong cả trường hợp khi trọng tài ra quyết định tại quốc gia không phải là trọng tài của quốc gia đó.

Thứ hai, cách quy định như Dự thảo, người ta có thể hiểu là thoả thuận về thành phần trọng tài và thủ tục giải quyết tranh chấp cao hơn pháp luật các quốc gia về điều đó.

- Điểm g khoản 1 Điều 370:
Cần sửa là: "Quyết định trọng tài đã bị cơ quan có thẩm quyền của nước có trọng tài huỷ bỏ hoặc đình chỉ thi hành".
Bởi, cách quy định như Dự thảo cụm từ "hoặc của nước có pháp luật đã được áp dụng huỷ bỏ, hoặc đình chỉ thi hành" là khó hiểu. Vấn đề đặt ra là cơ quan của quốc gia có pháp luật được áp dụng ở đây khi nào có điều kiện và cần ra các quyết định như vậy (?). Pháp luật được áp dụng ở đây là pháp luật gì (về nội dung hay về tố tụng trọng tài) (?).

- Về khoản 1, Điều 374:
Theo cách quy định này thì Quyết định đã tuyên của toà án Việt Nam về việc cho công nhận và thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài có được thực thi trên thực tế hay không còn phụ thuộc vào việc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có xem xét huỷ bỏ hoặc đình chỉ quyết định đó hay không?

Việc một quyết định của trọng tài nước ngoài có thể được yêu cầu công nhận và thi hành hoặc bị yêu cầu huỷ việc công nhận và thi hành có thể ở nhiều quốc gia khác nhau do vì cách quy định của các quốc gia không giống nhau, tài sản của bị đơn có thể ở nhiều quốc gia .... Việc chúng ta quy định điều kiện không công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài khi quyết định đó đã được công nhận và thi hành quốc gia khác là hợp lý bởi không thể về một vụ việc bị đơn lại phải buộc thi hành hai lần. Còn việc công nhận thì có thể yêu cầu ở nhiều quốc gia và các quốc gia đó đều có thể xét theo cách của mình mà không phụ thuộc vào quốc gia khác. Cũng như vậy, việc huỷ quyết định của trọng tài nước ngoài tại quốc gia có trọng tài đó là được nhưng nếu ở quốc gia khác thì không thể cản trở chúng ta tiến hành công nhận và thi hành theo pháp luật của Việt Nam khi chúng ta đã xét điều đó.

Do vậy, theo tôi khoản này nên sửa như sau:
"Trong trường hợp nhận được thông báo bằng văn bản của Bộ Tư pháp về việc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có trọng tài ra quyết định đã được toà án Việt Nam xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam đang xét việc huỷ quyết định đó, thì thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định của trọng tài nước ngoài và gửi bản sao quyết định đó cho toà án đã ra quyết định công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài".

Các văn bản liên quan