Có cần Luật Đầu tư không?

Thứ Sáu 14:26 26-05-2006
Có cần Luật đầu tư không?

TT - Hiện có nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật đầu tư (dự kiến nếu được thông qua sẽ thay thế Luật đầu tư nước ngoài 1996 (sửa đổi năm 2000) và Luật khuyến khích đầu tư 1998, đang được đưa ra lấy ý kiến) sẽ cản trở sự phát triển kinh tế gây thêm phiền hà cho doanh nghiệp. Vì sao vậy?

Thứ nhất, cả Luật doanh nghiệp (thống nhất) lẫn Luật đầu tư đều thay thế Luật đầu tư nước ngoài, thế là có sự chồng chéo không tránh khỏi (thực tế nó vô hiệu hóa nhiều tiến bộ của Luật doanh nghiệp 2005). Về mặt thành lập, vận hành các công ty, Luật doanh nghiệp thay thế cho Luật đầu tư nước ngoài, như thế là đủ. Chính vì thế không nên gọi là Luật đầu tư mà nên gọi là Luật khuyến khích (và bảo hộ) đầu tư thì sẽ tránh được chồng chéo và mới đúng thực chất.

Thứ hai, dự thảo Luật đầu tư tạo cơ hội cho các cơ quan nhà nước can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp (kể cả 200.000 doanh nghiệp hiện đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp 1999 sẽ bị luật này thay thế); tạo cơ hội cho việc hình thành nhiều loại giấy phép và giấy phép con, tạo cơ hội cho các cơ quan hành doanh nghiệp, tạo cơ hội cho tham nhũng nảy nở, cản trở ngay Luật doanh nghiệp qua việc gộp giấy chấp nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, gây lãng phí lớn cho Nhà nước do phải tăng chi phí cấp phép đầu tư, thẩm định, kiểm tra là những việc không thể làm được và không nên làm. Chưa kể với qui định này cơ quan cấp giấy phép sẽ có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu dự án được họ thẩm định hóa ra không đúng, mà lẽ ra chỉ chủ đầu tư phải chịu, vậy thì có ai dám làm.

Thứ ba, về qui định quản lý các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Đối với các dự án đầu tư mà doanh nghiệp dùng tiền của mình (hay tiền vay ngân hàng) thì phải để họ tự quyết tự chịu trách nhiệm và không phải xin giấy chấp nhận đầu tư (một loại giấy phép nữa bên cạnh các loại giấy phép khác như về sử dụng đất, môi trường...), bất luận tổng đầu tư của họ là bao nhiêu miễn không vi phạm các qui định về an ninh quốc gia, trật tự công cộng và gây ô nhiễm môi trường hay ảnh hưởng đến nơi ở của nhiều người (là các lĩnh vực bị cấm hay có điều kiện phải thẩm định).

Họ là người bỏ tiền đầu tư, họ là người phải tự chịu trách nhiệm, cơ quan nhà nước không thể thẩm định được thay họ. Định kỳ các doanh nghiệp phải báo cáo, có cả báo cáo về các dự án đầu tư của họ theo Luật doanh nghiệp, và như thế là đủ để Nhà nước quản lý (cùng với các qui định của các luật chuyên ngành khác). Lẽ ra nên sửa các qui định của các luật chuyên ngành khác để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thay vì đưa vào dự thảo Luật đầu tư thêm các giấy phép mới.

Tóm lại, nếu vẫn giữ dự luật này thì nên đổi tên, hạn chế phạm vi điều chỉnh, xóa bỏ tất cả các rào cản như nêu ở trên. Hoặc chỉ cần có luật sửa đổi Luật khuyến khích đầu tư trong nước 1998 (mở cho mọi loại hình doanh nghiệp không phân biệt chủ sở hữu).

NGUYỄN QUANG A
Đăng tại Tuổi trẻ số ra ngày 17/8/2005

Các văn bản liên quan