Chưa quy định về bảo đảm đầu tư

Thứ Ba 11:40 20-06-2006
Sau khi nghiên cứu dự thảo Nghị định qui định hướng dẫn thi hành luật đầu tư (LĐT), Thường trực BCH Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam  có ý kiến sau đây:

1- Tên của Nghị định đề nghị bổ sung thêm  3 từ "chi tiết và", cụ thể là "Nghị định của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật đầu tư", đúng với nhiệm vụ được giao tại câu cuối của Điều 89 LĐT số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001. Dự thảo đã thể hiện nhiều quy định chi tiết.

2- Phạm vi điều chỉnh đề nghị viết gọn lại và không lặp nguyên văn Điều 1 LĐT.

Nghị định này qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành LĐT số 51/2005/QH10 (hoặc LĐT của nước CHXHCNVN) được Quốc hội khoá XI thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005.
Hoạt động đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài… (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 1 dự thảo) cần được đưa vào Nghị định này - Không nên tách ra với những qui định riêng lẻ, gây khó cho Doanh nhân, nhà đầu tư khi tra cứu và chấp hành LĐT, làm chậm trễ việc hướng dẫn thi hành LĐT về các nội dung này.

3- Về bố cục đề nghị nên bám sát các chương, Điều của LĐT để người thi hành dễ tham khảo, đối chiếu. Về từ ngữ cũng nên thống nhất với LĐT. Ví như chính sách đầu tư, Nghị định cần qui định rõ hơn các khoản của Điều 4 LĐT (được tự chủ và quyết định hoạt động đầu tư là ra làm sao? thế nào là đối xử bình đẳng trước pháp luật? Làm gì để khuyến khích và tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư?...)

4- Điều 3, có 3 khoản đầu ghi lại đúng nguyên văn Điều 5 LĐT (khoản 1, 2, 3). Riêng khoản 4 Điều 3 thay đổi nội dung của từ hợp đồng trong khoản 4 Điều 5 LĐT là vừa  thừa lại vừa không đủ. Ví như thêm "Điều lệ doanh nghiệp" hay dùng "Hợp đồng thành lập doanh nghiệp và hợp đồng hợp tác kinh doanh" thì chưa đủ vì còn những loại hợp đồng khác. Trong tiếng Việt, việc đảo mệnh đề có thể được hiểu là "có thể thoả thuận việc áp dụng pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế trong hợp đồng hoặc trong Điều lệ", nhưng LĐT chỉ cho phép "có thể thoả thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài và tập quán đầu tư quốc tế", nghĩa là hoàn toàn không qui định được thoả thuận trong điều lệ doanh nghiệp.
Dự thảo đã dùng cụm từ tập quán quốc tế  và bỏ sót 2 chữ "đầu tư", người thi hành sẽ hiểu rộng ra là tập quán quốc tế nói chung".

5- Dự thảo đã không hướng dẫn hoặc qui định chi tiết các Điều thuộc chương II LĐT: Bảo đảm đầu tư. Đối với nhà đầu tư đây là mối quan tâm lớn bởi sự quan ngại về những gì đã xảy ra trong quá khứ.

6- Về hình thức đầu tư.

Dự thảo Nghị định đã bỏ qua chính sách bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài khi qui định tại Điều 6  Khoản 1 đối với nhà đầu tư trong nước có dự án đầu tư gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế thì thực hiện theo Luật doanh nghiệp (LDN), Khoản 2 đối với nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư để được cấp GCNĐT và coi GCNĐT đồng thời  là GCN ĐKKD mà không nói tới dự án đó có gắn với việc thành lập tổ chức kinh tế! Phải chăng nhà đầu tư trong nước không được có các dự án đầu tư được cấp GCNĐT và ngược lại nhà đầu tư nước ngoài không được thành lập tổ chức kinh tế theo LDN.

Điều 8, khoản 1 tại sao không viết "nhà đầu tư nước ngoài đầu tư" tại Việt Nam và nhà đầu tư trong nước được liên doanh với nhau - nghe ra bình đẳng hơn.

7- Khoản 3 Điều 8 Dự thảo đã dùng cụm từ "hợp đồng liên doanh" trong khi khoản 4 Điều 3 Dự thảo lại dùng "hợp đồng thành lập doanh nghiệp" nhưng không có trong "giải thích từ ngữ".

8- Các Điều 6, 7, 8 và 9 Dự thảo có lẽ nên dành cho Nghị định hướng dẫn thi hành luật Doanh nghiệp thì rõ hơn. Các Điều 11, 12 cũng vậy. Ngay khoản 3 Điều 1 Dự thảo đã qui định hoạt động đầu tư gián tiếp dưới hình thức mua cổ phần, cổ phiếu… theo qui định của pháp luật về chứng khoán và các qui định khác của pháp luật có liên quan. Điều 11, 12 cùng theo LDN!.

9- Lĩnh vực đầu tư có điều kiện được qui định tại Điều 29 LĐT có 5 khoản thì khoản 1 đã được Dự thảo qui định tại phụ lục O "Danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện".  4 khoản còn lại Dự thảo không hướng dẫn và cũng không có qui định chi tiết thi hành. Đáng quan tâm là khoản 3 Điều 29 LĐT cần được hiểu thế nào về đoạn cuối "thì nhà đầu tư vẫn được tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực đó", mà lý ra để đảm bảo đối xử công bằng trước pháp luật, dự thảo phải giải thích.

10- Điều 20 ưu đãi về thuế XK, thuế NK.

Dự thảo đã qui định nhà đầu tư được miễn thuế nhập khẩu theo qui định pháp luật về thuế NK đối với việc NK hàng hoá để tạo tài sản cố định; nguyên vật liệu, linh kiện để thực hiện Dự án thuộc danh mục lĩnh vực khuyến khích đầu tư, danh mục địa bàn có điều kiện khó khăn. Nhưng khoản 3 Điều 33 LĐT lại không nói đến điều kiện của luật thuế nhập khẩu để được miễn thuế nhập khẩu. Thực tế hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài và liên doanh có vốn nước ngoài đều được miễn thuế khi nhập khẩu ôtô để kinh doanh vận tải khách, trong khi nhà đầu tư trong nước không được ưu đãi này khi nhập khẩu ôtô để làm phương tiện khai thác vận tải khách. Sự ưu đãi này đối với doanh nghiệp vốn nước ngoài và liên doanh với nước ngoài có lợi thế hơn đối với doanh nghiệp Việt Nam.

11- Về ưu đãi đầu tư trong trường hợp pháp luật có qui định ưu đãi hơn so với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì nên cho phép nhà đầu tư lựa chọn điều có lợi cho đầu tư. Nhưng cần có qui định hạn chế trong lĩnh vực hoặc địa bàn mà nhà nước ta khuyến khích mới được áp dụng điều này.

12- Điều 25 Dự thảo nghị định đã không bám sát nội dung của Điều 88 LĐT.

Nên dành quyền lựa chọn việc áp dụng ưu đãi đầu tư xét ra có lợi. Nhà nước đảm bảo quyền hưởng ưu đãi đầu tư đã được cấp cho nhà đầu tư trước khi LĐT có hiệu lực, song phải có lộ trình tiến tới bảo đảm công bằng cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong cùng lĩnh vực, địa bàn đầu tư.

13- Về thẩm  quyền chấp thuận và cấp GCNĐT.

Dự thảo đưa ra các qui định chi tiết hướng dẫn thi hành LĐT, song chưa bám sát các nội dung qui định tại chương VI LĐT. Vì như Khoản 2 Điều 45 LĐT được phân cấp thẩm quyền cấp GCNĐT theo qui mô vốn đầu tư. Điều 46 LĐT cũng vậy. Điều 47 LĐT giao Chính phủ qui định phân cấp thẩm tra và cấp GCNĐT đối với các dự án có qui mô vốn đầu tư từ 300 tỷ ĐVN trở lên và dự án thuộc danh mục dự án đầu tư có điều kiện. Như vậy, được hiểu là LĐT giao Chính phủ phân cấp đối với các dự án có qui mô vốn đầu tư từ 300 tỷ ĐVN trở lên và dự án đầu tư có điều kiện. Với chức năng của Bộ KH&ĐT vừa tham mưu cho Thủ tướng chấp thuận cấp GCNĐT các dự án có qui mô vốn đầu tư lớn và dự án đầu tư có điều kiện, vừa trực tiếp thực hiện thẩm tra cấp GCNĐT các dự án khác, thống nhất quản lý Nhà nước về đầu tư vì vậy nên có sự phân cấp tập trung hơn.

Trên đây là những ý kiến được tập hợp tham gia dự thảo Nghị định của các thành viên thuộc Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam .

Các văn bản liên quan