Dự thảo chưa bao quát hết nội dung của Luật Đầu tư

Thứ Ba 11:35 20-06-2006

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có một số ý kiến như sau:

Ngày 20/4/2005, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội thảo với đại diện các Bộ, ngành, các doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp để lấy ý kiến, sau hội thảo, Hiệp hội Ngân hàng đã có bản góp ý kiến chuyển đến Ban soạn thảo nghị định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi qua emai đến Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Về bản dự thảo NĐ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chuyển đến, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam xin tham gia một số ý kiến như sau:

Bản dự thảo NĐ chuẩn bị tương đối kỹ lưỡng và công phu đã bao quát được các vấn đề cơ bản trong hoạt động đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài, các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, công tác quản lý nhà nước về đầu tư. Bản dự thảo Nghị định lần này so với bản dự thảo góp ý ngày 20/4/2006 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo có sự chỉnh sửa tiếp thu ý kiến tại hội thảo của các đại biểu. Bản dự thảo ngày 20/4/2006 có 158 điều thì bản dự thảo lần này chỉ còn 98 điều giảm 60 điều. Đây là 1 sự cố gắng rất lớn của Ban soạn thảo.

Về nội dung bản dự thảo lần này chúng tôi có một số ý kiến như sau:
 
1.     Về tên của Nghị định

Theo dự thảo ngày 17/4/2006, tên của Nghị định là: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật đầu tư”.
Bản dự thảo lần thứ 11 lấy tên “Nghị định của Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư”.

Theo chúng tôi tên gọi của dự thảo Nghị định ngày 17/4/2006 đúng với quy định tại tiết 3 điều 89 của Luật đầu tư. Do đó chúng tôi đề nghị lấy tên Nghị định này là: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật đầu tư”.

2.    
Nội dung của Bản dự thảo Nghị định

Chương I: Quy định chung

Tại chương này, chúng tôi đề nghị xem xét vấn đề sau:

a, Khoản 1, điều 1: Theo chúng tôi, nêu như dự thảo vừa dài vừa không bao quát hết nội dung của Luật đầu tư. Do vậy chúng tôi đề nghị sửa lại khoản 1 điều 1 như sau:
“Khoản 1: Nghị định này quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật đầu tư được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Quốc hội khoá XI ngày 29/11/2005 về hoạt động đầu tư”.

b, Khoản 3 điều 2 “Dự án đầu tư mở rộng” giải thích như dự thảo chưa chính xác. Chúng tôi đề nghị sửa lại khoản 3 này như sau: “3. Dự án đầu tư mở rộng là dự án phát triển mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường tại cơ sở đang hoạt động”.
 
Chương II: Hình thức đầu tư

Tại Chương này có một vấn đề cần cân nhắc tại khoản 4, điều 11 đó là: “Doanh nghiệp nhận sát nhập và mua lại kế thừa các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bị sát nhập và mua lại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Nếu đưa “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác thì tạo kẽ hở để họ thoả thuận với nhau từ chối nghĩa vụ và quyền lợi của người lao động tại Doanh nghiệp bị sát nhập, mua lại.

Trong trường hợp này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nên bỏ đoạn “trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác” đoạn cuối của khoản 4.
 
Chương III: Lĩnh vực, địa bàn đầu tư, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư

Chúng tôi đề nghị xem xét một số nội dung sau:

a, Việc dùng cụm từ “đáp ứng” tại khoản 2 và 3 của điều 22 là không phù hợp, chúng tôi đề nghị thay cụm từ “đáp ứng” tại khoản 2 và 3 điều 22 bằng từ “thuộc”.
 
b, Đề nghị xem lại điều 24

“Đầu tư của người Việt Nam định cư nước ngoài”
Khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài họ đưa vốn về đầu tư ở đất nước thì họ là nhà đầu tư ở nước ngoài được hưởng các quyền lợi như các nhà đầu tư khác. Chúng ta không nên phân biệt họ là Việt Kiều để có ngoại lệ với các nhà đầu tư nước ngoài, không tạo nên sân chơi không bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Do vậy chúng tôi đề nghị bỏ tiết thứ 2 điều 24.
“Chính phủ quy định chính sách đặc thù áp dụng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài”.

c, Việc ưu đãi đầu tư nhằm khuyến khích các nhà đầu tư đầu tư vốn để thực hiện các dự án. Tại đất nước ta không nên có ưu đãi riêng cho khu công nghiệp. Do đó chúng tôi đề nghị bỏ ưu đãi khu công nghiệp.
 
Chương IV: Quyền và nghĩa vụ của nhà đầu tư

Nội dung chương này chúng tôi thấy có các vấn đề sau cần bổ sung và làm rõ thêm

a, Điều 35: quyền tiếp cận và sử dụng nguồn lực đầu tư
Theo quy định tại khoản 1 chưa đầy đủ, chúng tôi đề nghị sửa lại khoản này như sau: “Nhà đầu tư có quyền tiếp cận và sử dụng các nguồn lực về tín dụng, về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; không có sự phân biệt giữa các thành phần kinh tế”.

b, Cân đối ngoại tệ, không nên ghi vào giấy chứng nhận đầu tư. Vì vậy, đề nghị bỏ khoản 4 điều 38.

c, Vấn đề nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà đầu tư được quy định tại điều 43 chúng tôi thấy chưa đầy đủ, khi triển khai các dự án đầu tư, người dân bị thu hồi đất, mất đất mất việc làm. Do vậy để giúp người lao động bị mất việc làm do thu hồi đất cấp cho dự án cần phải bổ sung vào điều này một khoản là:
“Nhà đầu tư có trách nhiệm và nghĩa vụ tuyển dụng và đào tạo người lao động bị thu hồi đất cấp cho dự án vào làm việc tại dự án khi dự án đi vào hoạt động”.
 
Chương V: Một số quy định về triển khai dự án đầu tư và tổ chức kinh doanh

Tiêu đề dự thảo của chương này chúng tôi thấy không phù hợp không phản ảnh, bao quát hết nội dung. Chúng tôi đề nghị gửi tiêu đề chương này theo dự thảo ngày 17/4/2006: “Triển khai dự án đầu tư và tổ chức kinh doanh”.

Về nội dung của chương này có một số vấn đề sau dây cần cân nhắc và xem xét để chỉnh lại đó là:

a, Điều 44: Triển khai dự án
Dự thảo điều này có 5 khoản, nội dung 5 khoản không phù hợp với tiêu đề. Nội dung từ khoản 2, 3, 4 và 5 không thể ghép vào điều này. Chúng tôi đề nghị sửa lại điều 44 như sau:

“Điều 44: triển khai dự án:
-         Khoản 1: sử dụng toàn bộ khoản 1 của dự thảo
-         Khoản 2: Sau 1 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đầu tư mà dự án không được triển khai thì bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư”.

Để xử lý trong tình huống khó khăn tạm dừng thực hiện dự án nên bổ sung thêm 1 điều sau điều 44 với tiêu đề: “Tạm dừng thực hiện dự án”.
Nội dung của điều này đưa khoản 2, 3, 4 và 5 của điều 44 làm nội dung điều này.

Cần xem lại nội dung khoản 5. Việc miễn hoặc giảm tiền thuê đất chỉ giải quyết do nguyên nhân khách quan, chủ quan do chủ dự án gây nên không những không miễn giảm mà còn phải phạt vi phạm cam kết.

b, Về thanh lý dự án đầu tư (điều 49)

Nội dung điều này có 2 điểm phải bàn đó là:

- Dự thảo khoản 1, điều 49 “Trong trường hợp dự án đầu tư chấm dứt theo các điều kiện quy định tại điều 45 của NĐ này thì nhà đầu tư thông báo cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư trừ khoản 2 và 3 điều 45 chúng tôi thấy không hợp lý. Trong trường hợp này cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư phải thông báo để thu hồi giấy chứng nhận đầu tư chứ không phải chủ dự án thông báo cho cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đề nghị sửa lại khoản 1 theo ý đó.

- Khoản 5, điều 49: chúng tôi đề nghị xem lại có phải bị nhầm lẫn hay không: “Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư gắn với việc giải thể tổ chức kinh tế nêu tại khoản 3 điều này, nếu các khoản nợ của tổ chức kinh tế không đủ để than toán các khoản nợ thì việc thanh lý sẽ chấm dứt và được đưa ra giải quyết theo thủ tục của pháp luật về phá sản”. Chúng tôi đề nghị thay cụm từ “các khoản nợ” bằng cụm từ  “các khoản thanh lý tài sản” và sửa lại như sau:
“Trong quá trình thanh lý dự án đầu tư gắn với việc giải thể tổ chức kinh tế nêu tại khoản 3 điều này, nếu các khoản thanh lý tài sản nợ của tổ chức kinh tế không đủ để than toán các khoản nợ thì việc thanh lý sẽ chấm dứt và được đưa ra giải quyết theo thủ tục của pháp luật về phá sản”.
 
Chương VI: Quy định thủ tục đầu tư trực tiếp

Nội dung chương này có một số vấn đề góp ý như sau:

a, Điều 54: dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư
Điều này có 2 vấn đề phải xem lại
- Dự thảo có khoản 1 không có khoản 2. Nếu không có khoản 2 thì sửa lại tiêu đề khoản 1.
- Nội dung quy định tại điểm a, b của điều 54 thuộc phạm vi thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại điều 52 trong dự thảo chưa có chỗ nào Thử tướng uỷ quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa uỷ quyền của Thủ tướng để chấp giấy chứng nhận đầu tư cho các loại dự án quy định tại khoản 1, 2 của điều 52. Do vậy cần nghiên cứu chỉnh sửa đúng theo thẩm quyền.

b, Cần thống nhất tên gọi là “giấy chứng nhận đầu tư” không nên để giấy phép đầu tư cấp cho hoạt động đầu tư đặc thù như dự thảo nêu tại khoản 2 điều 53. Sau khi Luật đầu tư có hiệu lực, các dự án đầu tư được triển khai thuộc diện cấp giấy chứng nhận đầu tư thống nhất 1 loại đó là “giấy chứng nhận đầu tư”.

c, Điều 57: Thủ tục đầu tư gắn với thành lập tổ chức kinh tế
Đề nghị xem lại đoạn cuối của khoản 2 quy định như dự thảo chưa chặt chẽ, chỉ phù hợp khi dự án mới có cùng ngành nghề, công nghệ với dự án đã triển khai.

d, Hiện nay một số địa phương có thành lập khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh do tỉnh quyết định do đó đề nghị ban soạn thảo bổ sung nội dung này vào Nghị định để tránh vướng mắc khi thực hiện. Trong dự thảo chỉ mới đề cập các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế do Chính phủ thành lập.

e, Bỏ đoạn “ . . . mà không được yêu cầu bổ sung giấy tờ nào khác” của khoản 4 điều 67.

g, Sửa lại điểm đ, khoản 2 điều 67 như sau: “Đối với dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước phải có văn bản đồng ý đầu tư của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước”. Hội đồng quản trị Tổng công ty không phải là người đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

h, Quy trình thẩm tra dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (điều 66) và của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (điều 67) nội dung thẩm tra hồ sơ dự án đầu tư không được đề cập ở 2 điều này mà đề cập ở khoản 5 điều 83
là không hợp lý. Quy trình kiểm tra hồ sơ để thực hiện cấp giấy chứng nhận phải được gắn liền với nội dung quy định tại điểm 66 và 67. Do đó chúng tôi đề nghị chuyển khoản 5 điều 83 lên thành 1 khoản của điều 66 và 67.
 
i, Về tổ chức bộ máy của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế được quy định ở văn bản khác. Do đó đề nghị bỏ điều 92.
Mặt khác đây là Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đầu tư . Vì vậy đề nghị bỏ khoản 8 điều 91 “Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.
 
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có 1 số ý kiến tham gia như trên, kính chuyển đến VCCI tham khảo tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

                                                                          Phó tổng thư ký 
  
  
                                                                      Nguyễn Đức Quang
 
  
 

Các văn bản liên quan