Chống TN trong cq thực thi pháp luật:Chuyện cốt tử

Thứ Bảy 18:00 20-05-2006
Chống tham nhũng trong cơ quan thực thi pháp luật: Chuyện cốt tử!...

N.V.HẢI - Theo Tuổi trẻ Thứ Sáu, 07/10/2005

TT (Hà Nội) - Các chuyên gia về chống tham nhũng của một số nước châu Á hôm qua 6-10 đã gặp nhau tại Hà Nội nhằm thảo luận làm thế nào để phòng ngừa và ngăn chặn tham nhũng trong các cơ quan thực thi pháp luật. Đó cũng là chủ đề chính của cuộc hội thảo do Thanh tra Chính phủ, Tổ chức Konrad Adenauer Stiftung (KAS - Đức) và Viện Nghiên cứu ngoại vụ Singapore đồng tổ chức.

Tham nhũng đã trở thành nguy cơ, trở lực nghiêm trọng đối với sự phát triển, làm cạn kiệt dần sinh khí và tài lực quốc gia, thậm chí làm lệch hướng phát triển, làm băng hoại đạo đức xã hội”, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Nội chính trung ương - ông Trương Vĩnh Trọng - nhận xét.

Chủ tịch Hội Luật gia VN Phạm Quốc Anh bày tỏ sự quan ngại trước tình trạng tội phạm tham nhũng ngay trong các cơ quan thực thi pháp luật đang có xu hướng gia tăng. “Người phạm tội làm việc trong cơ quan pháp luật nên hiểu rõ luật pháp, biết cách che chắn, cơ quan chức năng rất khó khăn để tìm ra chứng cứ buộc tội và xử lý họ” - ông Quốc Anh nói.

Kết quả điều tra ở 60 nước mới đây - theo ông Peter Rooke - cho thấy tình trạng tham nhũng trong cơ quan thực thi luật pháp là đáng báo động. 100% người dân được hỏi ở Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka và 80% dân chúng được hỏi ở Bangladesh nói rằng cảnh sát ở nước họ đứng “đầu bảng” tham nhũng.

Phó vụ trưởng Ban Nội chính trung ương Lê Văn Lân cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát mới đây ở bảy tỉnh, thành phố và ba bộ của VN, theo đó, trong nhóm “10 cơ quan (lĩnh vực) xảy ra tham nhũng nhiều nhất” thì đứng đầu là địa chính - nhà đất, kế đến là hải quan - quản lý xuất nhập khẩu và đứng thứ ba là cảnh sát giao thông...

Cũng theo ông Lân, tại các cơ quan công quyền hay cơ sở dịch vụ công, ở các tỉnh đều xảy ra chuyện đưa và nhận “tiền bồi dưỡng” với mức độ khác nhau, trung bình một lần giao dịch chi thấp nhất là 94.000 đồng (đăng ký khai sinh), cao nhất là 2,1 triệu đồng (khi đi xin việc).

Một khi chính những người trong cơ quan chống tham nhũng lại đi tham nhũng, đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề sẽ không chỉ các nhà đầu tư mà ngay cả dân nghèo” - giáo sư luật Simon Tay (Viện Nghiên cứu ngoại vụ Singapore) nhận định.

Ông Peter Rooke, giám đốc phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc ban thư ký Tổ chức Minh bạch quốc tế, có cùng quan điểm khi cho rằng “nếu có tham nhũng trong cơ quan thực thi luật pháp, toàn bộ nỗ lực chống tham nhũng sẽ không đem lại hiệu quả”.

Bởi vậy, nhiều ý kiến tán thành nhận xét của Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận, xác định chống tham nhũng trong bản thân các cơ quan thực thi pháp luật là “vấn đề cốt tử” trong đấu tranh chống tham nhũng không chỉ ở riêng VN.

Giáo sư Simon Tay cho biết trong các mục tiêu chống tham nhũng ở Singapore, chống tham nhũng trong cơ quan thực thi pháp luật được Chính phủ đặt lên hàng đầu. Phó tổng Thanh tra Chính phủ Vũ Phạm Quyết Thắng đề xuất ngoài các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi tham nhũng “cũng cần có các cơ chế, chính sách đảm bảo cho công chức thực thi pháp luật không bị sai trái”, hay nói cách khác như “dây bảo hiểm” cho công chức ở các cơ quan này.

Ông Peter Rooke cho biết để hạn chế tiêu cực, tham nhũng, nhiều nước đặt ra hệ thống chuẩn mực đối với quan chức, nhân viên cảnh sát hay đưa ra hình thức bảng tự đánh giá đối với công chức hải quan, cũng như thường xuyên thay đổi vị trí làm việc khoảng ba năm một lần. Cảnh sát làm việc ở những vị trí “nhạy cảm” thậm chí phải báo cáo tình hình vay nợ của mình, bất cứ trường hợp nào “có vấn đề” về tài chính (như vay nợ quá ba tháng lương) sẽ buộc phải xem xét, vì đây là những cơ hội dễ dẫn tới hành vi tiêu cực của cảnh sát - giáo sư Jon Quah của Đại học quốc gia Singapore (từng có tám năm làm việc trong ngành cảnh sát) cho hay.

Còn theo kinh nghiệm của ông Ricky Chu thuộc Ủy ban độc lập chống tham nhũng Hong Kong (ICAC), mọi đối tượng gia nhập lực lượng cảnh sát đều phải thực hiện kê khai tài sản và hằng năm phải khai báo tài sản của bản thân, vợ, con và những họ hàng gần. “Tài sản, thu nhập chỉ có ngần này nhưng đám cưới con lại tổ chức long trọng ở khách sạn năm sao, rõ ràng không tương xứng với thu nhập của người đó, ban kỷ luật sẽ phải vào cuộc ngay, điều tra xem tiền đó từ đâu ra” - bà Chung Tsu Tuan (trưởng Ban thư ký thực thi và giám sát các khuyến nghị của Ủy ban hoàng gia, thuộc Bộ Nội vụ Malaysia) nêu ý kiến.

Ông Ricky Chu cho biết “công chức nào có mức sống quá cao so với thu nhập của họ trong quá khứ và hiện tại, chúng tôi đều theo sát, không cần chứng minh anh ta nhận tiền hối lộ từ đâu mà vẫn bị coi là phạm tội và mức phạt tối đa là 1 triệu đôla Hong Kong”.

Cuộc hội thảo “Ngăn chặn tham nhũng trong các cơ quan thực thi pháp luật: từ phòng ngừa đến xử lý” tiếp tục diễn ra hết ngày 7-10.


Các văn bản liên quan