Cần quan tâm hơn đến vai trò của xã hội

Thứ Bảy 18:01 20-05-2006
Cần quan tâm hơn đến vai trò của xã hội

Lê Khánh Linh

Xây dựng một đạo luật phòng, chống tham nhũng (PCTN) là yêu cầu cấp thiết của xã hội trong quá trình phát triển. Đó không chỉ là một công cụ hữu hiệu để phòng chống và phát hiện tham nhũng, mà thực chất là khung pháp lý toàn diện nhằm giải quyết vấn đề tham nhũng đang gia tăng, góp phần bình ổn xã hội và củng cố lòng tin của nhân dân. Dự luật PCTN đang được trưng cầu ý kiến nhân dân là một trong những cố gắng của Nhà nước ta trong cuộc đấu tranh nhằm xử lý vấn nạn tham nhũng. Tuy nhiên, những quy định của Dự luật về vai trò của xã hội trong cuộc đấu tranh này còn nhiều điểm cần được cân nhắc.

Đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên

Với nội dung của Điều 9 và Điều 79 trong Dự luật, vai trò và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức thành viên vẫn chưa được đề cập một cách đầy đủ và cụ thể. Ai cũng nhận thấy vai trò của xã hội, đặc biệt là các tổ chức xã hội, trong cuộc đấu tranh PCTN là rất lớn, nhưng theo Dự thảo, vai trò này mới chỉ được quy định về hình thức: “Phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tuyên truyền, giáo dục”, “gương mẫu thực hiện”, “kiến nghị các biện pháp”, “động viên nhân dân”, “cung cấp thông tin” và “giám sát”. Như vậy, Dự thảo đã quan tâm không đủ đến “thiết chế” phòng ngừa tham nhũng hiệu quả này.

Câu hỏi đặt ra là nếu những “trách nhiệm” mà Dự thảo quy định cho MTTQ và các tổ chức thành viên không được thực hiện nghiêm túc hoặc không nhận được sự phối hợp đúng mức thì cơ chế và chế tài nào sẽ được áp dụng? Ngay cả những “trách nhiệm” đó được thực hiện như thế nào cũng không được đề cập cụ thể, cho thấy sẽ nảy sinh những lúng túng trong quá trình áp dụng. Khoản 2 Điều 79 Dự thảo quy định “quyền yêu cầu” áp dụng biện pháp phòng ngừa, xác minh vụ việc, xử lý người có hành vi tham nhũng của MTTQ và các tổ chức thành viên, nhưng thiếu quy định giải quyết nếu “cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền” không xem xét hoặc trả lời không đúng thời hạn (15 ngày hoặc 30 ngày) đối với những yêu cầu do các tổ chức xã hội này đưa ra. Bên cạnh đó, không có quy định nào về hình thức đưa ra yêu cầu, phạm vi được yêu cầu của MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong PCTN.

Riêng đối với trách nhiệm “giám sát thực hiện pháp luật về PCTN” (điểm d khoản 1 Điều 79), Dự thảo chỉ đơn giản đưa ra quy định mà không có hướng dẫn chi tiết để MTTQ và các tổ chức thành viên cũng như những đối tượng có liên quan phối hợp thực hiện. Điều đó sẽ khiến MTTQ và các tổ chức thành viên gặp nhiều khó khăn khi thực hiện trách nhiệm này. Vì vậy, cần sửa đổi và bổ sung Điều 79 để đề cao hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong PCTN.

Mở rộng quyền hạn của cơ quan báo chí

Theo kinh nghiệm của nước ngoài, cơ quan báo chí đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn và đưa các hành vi sai trái, trong đó có hành vi tham nhũng ra trước dư luận và công lý. Tuy nhiên, Dự thảo mới dành ra hai điều Điều 10 – Quy định chung và Điều 80 – Quy định cụ thể) về vai trò và trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc phòng ngừa và phát hiện tham nhũng.

Cả hai chỉ mới đề cập đến chủ thể “cơ quan báo chí” như vậy là quá chung chung và không thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hiện và phòng ngừa hành vi tham nhũng. Trong thực tế, việc phát hiện và phòng ngừa hành vi tham nhũng thường xuất phát từ quá trình tác nghiệp của phóng viên. Nếu theo quy định của Dự thảo, khi phóng viên muốn tìm hiểu thông tin hay tiến hành các hoạt động nghiệp vụ thì sẽ phải có giấy tờ chứng minh sự đại diện của mình đối với cơ quan báo chí, thậm chí nhiều cơ quan, tổ chức cố tình đòi hỏi phải có giấy giới thiệu của cơ quan cả khi phóng viên đã có thẻ nhà báo. Điều đó, vô hình chung đã tạo thêm một thủ tục “phức tạp” không cần thiết và làm lỡ mất nhiều cơ hội tác nghiệp của phóng viên. Vì thế, Dự luật nên thay thế cụm từ “cơ quan báo chí” hoặc bổ sung cụm từ “phóng viên” để nhấn mạnh vai trò cũng như phát huy khả năng của từng phóng viên.

Quy định tại Điều 80 trong Dự luật còn nặng về trách nhiệm của cơ quan báo chí mà chưa chú trọng đến mở rộng quyền của cơ quan báo chí (cụ thể là phóng viên) khi thu thập thông tin. Theo Dự luật, cơ quan báo chí chỉ có quyền “yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng”. Với phạm vi quyền hạn quá hẹp như vậy, cơ quan báo chí (phóng viên) khó có thể thực hiện hết vai trò của mình trong PCTN. Dự luật cũng không quy định rõ thời hạn trả lời yêu cầu cung cấp thông tin và trách nhiệm nếu không cung cấp thông tin mà không giải thích rõ lý do. Như vậy, khi yêu cầu cung cấp thông tin của cơ quan báo chí không được đáp ứng, cơ quan báo chí sẽ phải làm gì tiếp theo? Và những người làm chậm trễ hoặc không thực hiện yêu cầu đó sẽ bị xử lý như thế nào? Cơ quan nào sẽ giải quyết?

Dự luật cần quy định rõ loại “thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi tham nhũng” nào mà cơ quan báo chí được quyền yêu cầu; cần có thêm nhiều quy định nhằm nhấn mạnh vai trò ngăn ngừa tham nhũng của cơ quan báo chí chứ không nên bao hàm cả hoạt động “xử lý tham nhũng” vì đó là thẩm quyền của các cơ quan tư pháp; mở rộng quyền hạn và vai trò của cơ quan báo chí trong việc công khai phiên toà và kết quả xét xử các vụ án tham nhũng…

Báo Pháp luật ngày 7/10/2005

Các văn bản liên quan