Chỉ áp dụng lãi suất cơ bản trong giao dịch dân sự: Ngân hàng được “cho vay nặng lãi”?

Thứ Ba 15:09 11-05-2010

Chỉ áp dụng lãi suất cơ bản trong giao dịch dân sự: Ngân hàng được “cho vay nặng lãi”?

Nhà đầu tư chứng khoán có thể được tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng. Quốc hội duyệt dự án đầu tư quan trọng ra nước ngoài.

Đề xuất không áp dụng lãi suất cơ bản đối với hoạt động ngân hàng, chỉ áp dụng đối với giao dịch dân sự đã vấp phải sự phản đối tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sáng 6-5.

Không nên bỏ lãi suất cơ bản

Trình bày báo cáo chỉnh lý, tiếp thu dự án luật, với quan điểm lãi suất cơ bản không thể áp dụng chung cho các ngân hàng và các quan hệ dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền đưa ra phương án: Các ngân hàng sẽ thực hiện lãi suất thỏa thuận, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp trực tiếp bằng lãi suất cụ thể khi có diễn biến bất thường của thị trường. Lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ áp dụng đối với giao dịch của các cá nhân, tổ chức theo Bộ luật Dân sự.

Theo ông Hiền, giữa hoạt động ngân hàng và giao dịch dân sự khác “có những khác biệt rất căn bản”. Hoạt động ngân hàng được cấp phép hợp pháp, kiểm soát chặt chẽ… Trong khi đó, cho vay khu vực dân sự là vay mượn nhỏ lẻ, không chính thức, cơ quan quản lý khó giám sát chặt chẽ thường xuyên, ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi…

Tuy nhiên, những lập luận trên không được Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình. Ông nói: “Lãi suất cơ bản chỉ áp dụng với cá nhân, tổ chức cho vay ngoài ngân hàng thì công bằng ở chỗ nào? Chỉ cho ngân hàng cho vay nặng lãi, còn các tổ chức khác không được phép à?”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba, không phải vô cớ Bộ luật Dân sự quy định lãi suất cơ bản. “Bỏ lãi suất suất cơ bản với ngân hàng, người túng bấn vay bằng mọi giá, đến lúc không có khả năng thanh toán, cả hệ thống ngân hàng chịu rủi ro. Như một hồ nước xây dựng phải có van an toàn, đến mức nào đó phải thoát, không thì ngập lụt cả vùng…” - bà cảnh báo.

Ngân hàng sẽ được cho vay chứng khoán

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết hiện nay nhiều ngân hàng đang thiếu vốn, quản trị còn yếu trong khi kinh doanh chứng khoán rủi ro rất cao. Luật hiện hành cho phép các ngân hàng thành lập công ty chứng khoán nhưng ngân hàng không được cho vay kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đồng quan điểm: Không nên cấm cho vay chứng khoán nhưng để hạn chế rủi do, việc cho vay phải có điều kiện và khống chế tổng dư nợ của mỗi ngân hàng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, ông Vũ Viết Ngoạn (nguyên là chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietcombank), cho rằng việc cho phép ngân hàng nước ngoài đầu tư vốn, mua cổ phần tổ chức tín dụng trong nước nhưng lại cấm các ngân hàng trong nước là tạo ra sân chơi bất bình đẳng. Theo ông, nhiều ngân hàng của Việt Nam không hề thua kém các ngân hàng ngoại, riêng bốn ngân hàng lớn được xếp vào tốp 40-50 ở châu Á. Tuy nhiên, để cho phép các ngân hàng trong nước mua cổ phần của nhau phải có điều kiện cụ thể về tỉ lệ vốn, kỹ thuật…

Hai dự luật nói trên sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy (khai mạc vào ngày 20-5 tới), dự kiến có hiệu lực từ 1-1-2011.


Theo Pháp luật thành phố HCM ngày 7/5/2010

 

Các văn bản liên quan