Chế định trách nhiệm bồi thường nhà nước trong Pháp luật Cộng hòa Pháp – TS. Nguyễn Thị Thu Vân

Thứ Sáu 09:57 04-07-2008



 
1. Sự ra đời chế định trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong pháp luật Cộng hoà Pháp

Khác với một số quốc gia theo hệ thống pháp luật thành văn khác (như Nhật Bản, Trung Quốc), Cộng hoà Pháp không có một đạo luật riêng biệt về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Chế định về trách nhiệm bồi thường Nhà nước trong pháp luật Pháp nằm tản mạn ở nhiều văn bản khác nhau và có phạm vi khá rộng. Vào thời điểm khi mới hình thành, chế định này không phải là kết quả trực tiếp của một quy trình pháp điển hoá các quy phạm pháp luật cụ thể, nghĩa là không xuất phát từ ý chí của nhà lập pháp, mà nó là kết quả của thực tiễn xét xử của các toà án Pháp. Sau nhiều năm, việc hoàn thiện chế định này mới được thực hiện qua việc ban hành một số đạo luật. Hiện nay, Pháp cũng không có hướng ban hành một đạo luật riêng biệt điều chỉnh vấn đề này.

Quá trình phát triển chế định bồi thường Nhà nước của Cộng hoà Pháp cho thấy, trước năm 1873, trong pháp luật Pháp cũng như trong thực tiễn xét xử không tồn tại chế định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước đối với cá nhân. Trong thời kỳ này, trừ một số trường hợp ngoại lệ mà cơ quan Nhà nước phải bồi thường thiệt hại do việc thực hiện công trình công cộng gây ra, Nhà nước không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công dân. Chỉ đến ngày 8/02/1873, lần đầu tiên, qua Bản án Blanco[2] – bản án tạo ra một điểm mốc quan trọng trong sự hình thành chế định bồi thường Nhà nước của Cộng hoà Pháp và được coi là một "hòn đá tảng" trong nền pháp luật hành chính của Pháp – các thẩm phán của Toà án xung đột thẩm quyền đã thừa nhận trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tuy nhiên, dù thừa nhận về mặt nguyên tắc rằng Nhà nước phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công dân do lỗi của nhân viên Nhà nước gây ra, nhưng Toà án xung đột thẩm quyền của Pháp - qua Bản án Blanco - vẫn đưa ra ba nhận định quan trọng liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đó là:

Thứ nhất, trách nhiệm của Nhà nước đối với thiệt hại do lỗi của viên chức Nhà nước gây ra cho người dân không thể chịu sự điều chỉnh của các nguyên tắc quy định trong Bộ luật dân sự giống như quan hệ giữa cá nhân với cá nhân;
Thứ hai, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước không phải là tuyệt đối và cũng không đặt ra trong tất cả mọi trường hợp;
Thứ ba, cơ chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được điều chỉnh bởi những nguyên tắc riêng, và những nguyên tắc đó có thể thay đổi tuỳ thuộc vào nhu cầu thực hiện dịch vụ công.

Với những lý lẽ nêu trên, có thể nhận thấy, mặc dù thừa nhận trách nhiệm bồi thường (về mặt dân sự) của một chủ thể đặc biệt là Nhà nước, các thẩm phán Pháp vào thời đó vẫn cho rằng, trách nhiệm này không xuất hiện trong tất cả mọi trường hợp, nghĩa là, không phải cứ nhân viên Nhà nước gây thiệt hại thì đều phải bồi thường, trách nhiệm này chỉ được coi như một ngoại lệ đặt ra trong một số trường hợp hết sức đặc biệt mà thôi. Bên  cạnh đó, dù được xác định đây là một dạng của trách nhiệm dân sự, nhưng không thể áp dụng các nguyên tắc bồi thường của Bộ luật dân sự mà việc bồi thường phải được điều chỉnh bởi những nguyên tắc riêng, tuỳ từng trường hợp.

Những lý lẽ nêu trên đã được Toà án xung đột thẩm quyền đưa ra trên cơ sở nghiêng về hướng có lợi cho cơ quan Nhà nước và toà án này đã dựa trên lý lẽ cho rằng nếu mở rộng quá phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì sẽ có nguy cơ tác động tiêu cực đến hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, qua hơn một thế kỷ, chế định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ở Cộng hoà Pháp đã có nhiều thay đổi. Các trường hợp phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày càng mở rộng. Bên cạnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi, đã xuất hiện nhiều trường hợp trong đó cơ quan Nhà nước có thể phải bồi thường ngay cả khi không có lỗi.

2. Phân biệt giữa lỗi công vụ và lỗi cá nhân, việc phối hợp trách nhiệm  bồi thường và yêu cầu bồi hoàn
 
Trong chế định bồi thường của Nhà nước, có hai mối quan hệ cơ bản cần giải quyết đó là:

- (1) quan hệ giữa Nhà nước với người bị thiệt hại, và

- (2) quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân công chức, viên chức trực tiếp gây ra thiệt hại.

Nhóm quan hệ (1) cần được xác định để áp dụng những quy định điều chỉnh nghĩa vụ trả tiền giữa nguyên đơn và bị đơn. Còn nhóm quan hệ (2) cần được xác định để thực hiện cơ chế đóng góp vào khoản tiền bồi thường phải trả.

Nhóm quy định thứ nhất có xu hướng ưu tiên bảo vệ quyền của người bị thiệt hại, bằng cách buộc mọi cơ quan Nhà nước có liên quan phải đứng ra bồi thường. Nhóm quy định thứ hai cho phép cơ quan Nhà nước yêu cầu người gây thiệt hại đích thực bồi hoàn khoản tiền bồi thường[3].

Để làm rõ mối quan hệ thứ nhất, một hệ thống các quy định liên quan đến các điều liện chung về việc bồi thường đã được pháp luật Pháp quy định rất rõ ràng (nội dung này sẽ được trình bày ở mục 3). Còn để làm rõ mối quan hệ thứ hai, pháp luật Pháp đã xây dựng một loạt tiêu chí để phân biệt giữa lỗi công vụ và lỗi cá nhân. Việc xác định lỗi của người gây ra thiệt hại là lỗi công vụ hay lỗi cá nhân rất quan trọng, vì nếu đó là lỗi công vụ, thì việc giải quyết sẽ thuộc phạm vi của chế định bồi thường Nhà nước và trình tự tố tụng được áp dụng là tố tụng hành chính. Còn nếu đó là lỗi cá nhân, thì vụ việc sẽ được giải quyết dựa trên quy định của Bộ luật Dân sự trước toà án tư pháp theo thủ tục tố tụng dân sự.

Tuy nhiên, vì trong thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp mà cá nhân không đủ khả năng tài chính để bồi thường cho người bị hại theo thủ tục dân sự, nên pháp luật Pháp đã có những quy định cho phép người bị thiệt hại (nguyên đơn) được yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường cho họ ngay cả khi thiệt hại là do lỗi cá nhân của công chức gây ra. Đây là cơ chế phối hợp trách nhiệm bồi thường giữa Nhà nước và cá nhân trực tiếp gây ra thiệt hại.

Lỗi cá nhân:

Trong quan niệm của pháp luật Pháp, lỗi cá nhân được gọi là lỗi ngoài công vụ, nghĩa là lỗi đó độc lập với với việc thực hiện công vụ. Được coi là lỗi cá nhân khi công chức phạm lỗi ngoài thời gian thực hiện công vụ và không liên quan đến việc thực hiện công vụ.

Trong thực tiễn, án lệ của Pháp công nhận lỗi cá nhân với nội hàm khá rộng. Lỗi vẫn có thể được coi là độc lập với việc thực hiện công vụ ngay cả trong trường hợp công chức phạm lỗi trong quá trình thực hiện công vụ nhưng phạm lỗi đó vì động cơ cá nhân (như để trả thù hoặc trục lợi).

Lỗi độc lập với công vụ cũng có thể là hành vi thái quá, như nói năng thô lỗ, nhục mạ người khác, đe doạ bạo lực, phạm lỗi vì "thiếu cẩn trọng đến mức không thể hình dung được", hoặc phạm lỗi vì sự thiếu ý thức nghề nghiệp của người vi phạm v.v...
Trong những trường hợp nêu trên, trách nhiệm bồi thường Nhà nước không đặt ra (mà là trách nhiệm dân sự của giữa cá nhân với cá nhân), vì cá nhân công chức phạm lỗi độc lập với việc thi hành công vụ.

Lỗi công vụ:

Lỗi công vụ là lỗi mà công chức phạm phải trong khi thi hành công vụ hoặc có liên quan đến việc thi hành công vụ. Trường hợp này đặt ra trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Tuy nhiên, khái niệm này cũng có nội hàm khá rộng. Cũng coi là thuộc trách nhiệm bồi thường Nhà nước nếu như công chức phạm lỗi ngoài thời gian thi hành công vụ nhưng đã sử dụng phương tiện do cơ quan Nhà nước cung cấp.

Lỗi công vụ còn có thể xuất phát từ việc "không hành động" của cơ quan Nhà nước hoặc từ sự hoạt động yếu kém của cơ quan Nhà nước mặc dù không xác định được cụ thể công chức nào có hành vi vi phạm.

Lỗi công vụ cũng có thể là lỗi tập thể của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Phối hợp trách nhiệm bồi thường:

Như trên đã nói, pháp luật Pháp cho phép bên bị thiệt hại yêu cầu cơ quan Nhà nước bồi thường cho họ, ngay cả khi thiệt hại do lỗi của cá nhân công chức gây ra. Trong trường hợp này, người bị hại có quyền lựa chọn một trong hai khả năng: khởi kiện công chức ra toà án tư pháp để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo thủ tục dân sự, hoặc khởi kiện cơ quan Nhà nước ra trước toà án hành chính để yêu cầu bồi thường theo thủ tục bồi thường nhà nước.

Điều kiện quan trọng của việc phối hợp trách nhiệm bồi thường, đó là lỗi đó (lỗi cá nhân) xảy ra trong thời gian làm việc tại cơ quan Nhà nước hoặc được thực hiện bằng những phương tiện do cơ quan nhà nước cung cấp. Tuy nhiên, trong trường hợp nhân viên Nhà nước cố ý sử dụng phương tiện do cơ quan Nhà nước trang bị để gây hại cho người khác, thì toà án không chấp nhận khả năng Nhà nước phải bồi thường.

Yêu cầu bồi hoàn: 

 Vì pháp luật Pháp cho phép ngay cả trong trường hợp công chức Nhà nước phạm lỗi cá nhân, người bị thiệt hại cũng vẫn được khởi kiện cơ quan Nhà nước để đòi bồi thường, nên, để tránh tình trạng vô trách nhiệm của công chức Nhà nước, pháp luật Pháp đã quy định cho phép cơ quan Nhà nước có quyền khởi kiện lại công chức phạm lỗi để yêu cầu người này bồi hoàn một phần hoặc toàn bộ số tiền mà cơ quan đó đã bỏ ra để bồi thường cho người bị thiệt hại.

Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan Nhà nước hiếm khi thực hiện quyền yêu cầu bồi hoàn của mình trừ khi việc yêu cầu bồi hoàn đó được thực hiện kèm theo một biện pháp xử lý kỷ luật[4].

Về mặt thủ tục tố tụng, toà án hành chính là cơ quan có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi hoàn.

3. Các điều kiện bồi thường thiệt hại

Thiệt hại chỉ có thể được bồi thường nếu thoả mãn các điều kiện sau đây: (1) Thiệt hại phải hội tụ một số đặc điểm nhất định; (2) Phải tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa lỗi và thiệt hại; (3) Phải xác định được cơ quan Nhà nước nào có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó.

Các đặc điểm của thiệt hại

Thiệt hại, muốn được bồi thường phải hội tụ hai đặc điểm sau đây: thứ nhất, thiệt hại phải tồn tại thực tế, nghĩa là thiệt hại đó phải được xác định một cách chắc  chắn; và thứ hai, thiệt hại đó phải định giá được bằng tiền.

Để xác định rằng thiệt hại có chắc chắn hay không, pháp luật Pháp quan niệm rất mềm dẻo, theo đó, không nhất thiết chỉ những thiệt hại đã xảy ra và hiện đang tồn tại mới có thể được bồi thường, mà chấp nhận cả trường hợp thiệt hại tuy chưa xảy ra nhưng chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai. Ví dụ, sự tàn tật của đứa trẻ dẫn đến khả năng chắc chắn sẽ làm trẻ bị giảm khả năng lao động khi lớn lên. Việc bị mất đi một cơ hội cũng được coi là thiệt hại chắc chắn và có thể được bồi thường. Việc đánh giá thiệt hại đó có được coi là chắc chắn hay không thuộc thẩm quyền của thẩm phán.

Việc định giá thiệt hại bằng tiền không có gì khó khăn nếu đó là các khoản thu nhập của người bị thiệt hại. Khó khăn thường đặt ra đối với việc định giá những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tinh thần và trong trường hợp này, toà án thường đưa ra một mức tiền bồi thường nhất định nhưng toà án không có các tiêu chí cụ thể để giải thích vì sao đã đưa ra mức đó.

Quan hệ nhân quả

Trách nhiệm bồi thường chỉ đặt ra khi chứng minh được có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại. Thực tiễn xét xử của toà án Pháp cho thấy toà án đòi hỏi phải có mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa sự kiện và thiệt hại. Việc đánh giá tính chất trực tiếp của mối quan hệ nhân quả thuộc thẩm quyền của thẩm phán.

Pháp luật Pháp cũng quy định một số trường hợp được miễn trách nhiệm bồi thường, đó là trường hợp sau đây:

Người bị thiệt hại cũng có lỗi;

Lỗi của bên thứ ba;
Sự kiện bất khả kháng;
Tình huống bất ngờ.
Xác định chủ thể bồi thường thiệt hại

Việc xác định chủ thể gây thiệt hại không khó khăn nếu đó là cơ quan duy nhất gây thiệt hại cho công dân. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp nhiều cơ quan nhà nước cùng phối hợp với nhau để thực hiện một nhiệm vụ của Nhà nước và gây thiệt hại. Đối với trường hợp này, án lệ cho phép người bị thiệt hại được quyền yêu cầu một trong số các cơ quan đó bồi thường toàn bộ thiệt hại, sau đó cơ quan nào đã đứng ra bồi thường có quyền yêu cầu các cơ quan có liên quan bồi hoàn một phần hoặc toàn bộ khoản tiền đã trả.

4. Xác định mức bồi thường

Về nguyên tắc, bồi thường thiệt hại trong luật hành chính và luật dân sự đều là bồi thường toàn bộ thiệt hại. Khi đánh giá thiệt hại, án lệ Pháp đã phân biệt đánh giá thiệt hại về tài sản và đánh giá thiệt hại về người.

Nếu đó là thiệt hại về tài sản, thì thời điểm đánh giá thiệt hại là thời điểm có thể thực hiện các công việc nhằm khắc phục thiệt hại đó, sau khi nguyên nhân dẫn đến thiệt hại đã chấm dứt và thiệt hại đã được xác định về phạm vi. Mức bồi thường đối với thiệt hại về tài sản không được vượt quá giá trị thực của tài sản vào thời điểm trước khi thiệt hại xảy ra.

Nếu đó là thiệt hại về người, khoản bồi thường thiệt hại phải đủ để bồi thường toàn bộ thiệt hại được đánh giá vào ngày ra bản án. Nguyên tắc này ra đời nhằm mục đích khắc phục sự trượt giá của đồng tiền do việc giải quyết bồi thường trước toà hành chính thường kéo dài có khi đến vài năm.

Tùy từng trường hợp cụ thể, những thiệt hại được bồi thường bao gồm:

Thiệt hại đối với quyền được bảo vệ toàn vẹn thân thể;

Thiệt hại về thu nhập, chi phí chữa trị, mọi rối loạn về điều kiện sống;

Thiệt hại về sức khỏe, thiệt hại về thẩm mỹ;

Trong trường hợp người bị thiệt hại đã chết, thì những thiệt hại phát sinh đối với vợ, chồng, cha, mẹ, con và người thân thích khác của người bị thiệt hại cũng được bồi thường. Thiệt hại được bồi thường trong trường hợp này bao gồm cả thiệt hại về kinh tế - ví dụ mất nguồn thu nhập của người đó cho gia đình -  và thiệt hại về tinh thần - bởi vì họ bị mất đi một người thân.

Danh sách các loại thiệt hại nêu trên không phải là một danh sách đóng, và có thể được kéo dài thêm tùy thuộc vào hậu quả xảy ra trong từng vụ việc cụ thể.  Tòa án cũng có thể xem xét những thiệt hại như : người bị thiệt hại không được đề bạt lên chức vụ cao hơn theo dự kiến, người bị thiệt hại không tham dự được kỳ thi vì hành vi của cơ quan hành chính.

Một điểm cần lưu ý là, trong các trường hợp bị giam để điều tra thì chỉ những thiệt hại trực tiếp mới được bồi thường, những thiệt hại gián tiếp dù rất lớn cũng không được bồi thường. Ví dụ: trường hợp một chủ doanh nghiệp bị bắt và doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Trong tình huống này, những thiệt hại do sự phá sản của doanh nghiệp sẽ không được bồi thường vì việc phá sản có thể do lỗi thuộc về trình độ yếu kém của người quản trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tình huống khác, khi thanh tra thuế của một địa phương ở Pháp thực hiện kiểm tra một doanh nghiệp, dẫn đến kết quả là đã áp một mức thuế rất cao cho doanh nghiệp này và do phải chịu  mức thuế quá cao này mà doanh nghiệp bị phá sản; Tham chính viện Pháp đã giải quyết chung thẩm vụ việc này và phán quyết cơ quan thuế phải bồi thường vì việc bị phá sản là thiệt hại phát sinh trực tiếp từ việc bị áp thuế quá cao.

5. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường Nhà nước và thủ tục bồi thường Nhà nước
 
a. Toà án có thẩm quyền giải quyết bồi thường nhà nước

ở Pháp, tòa án hành chính - cơ quan xét xử về tính hợp pháp của quyết định hành chính - cũng là tòa án có thẩm quyền chung trong giải quyết bồi thường nhà nước. Khi thực thi thẩm quyền xét xử chung về bồi thường nhà nước, thông thường, Tòa án hành chính Pháp áp dụng nguyên tắc bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra, nhưng phải có hai điều kiện sau: (1) Có hành vi gây thiệt hại là căn cứ để truy cứu trách nhiệm bồi thường nhà nước; và (2) Có mối quan hệ nhân quả trực tiếp và chắc chắn giữa hành vi gây thiệt hại và thiệt hại xảy ra.

Bên cạnh hệ thống toà án hành chính có thẩm quyền chung giải quyết bồi thường nhà nước, pháp luật Pháp cũng cho phép hệ thống toà án tư pháp được giải quyết một số vụ án hành chính, đó là các trường hợp sau đây:
Giải quyết bồi thường thiệt hại do phương tiện giao thông của cơ quan hành chính gây ra. Thẩm quyền xét xử của Tòa án tư pháp trong trường hợp này áp dụng đối với mọi loại phương tiện giao thông của cơ quan hành chính, bất kể là cơ quan hành chính dân sự hay cơ quan quân sự. Thuật ngữ "phương tiện giao thông" bao hàm không chỉ ô tô mà còn cả máy tay và tàu thủy đường sông và đường biển. Đó có thể là phương tiện dùng cho vận tải hoặc cho những công việc khác. Không nhất thiết phải có tiếp xúc vật lý với phương tiện, ví dụ trong trường hợp thiệt hại do máy bay quân sự gây ra do tiếng ồn quá lớn ("tiếng nổ siêu âm") thì việc bồi thường thiệt hại sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án dân sự.

Giải quyết bồi thường đối với những thiệt hại gây ra do lỗi của cán bộ giáo dục, không phụ thuộc vào tính chất của lỗi, dù lỗi đó là lỗi cá nhân hay lỗi công vụ. Theo quy định của Luật ngày 05/04/1937, Tòa án ngạch tư pháp có thẩm quyền xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường đối với:

Thiệt hại gây ra cho một học sinh do lỗi của cán bộ giảng dạy. Ví dụ như thiệt hại là hậu quả của sự vụng về của giáo viên hoặc trường hợp ít gặp hơn là do xử sự bạo lực của giáo viên; hoặc

Thiệt hại gây ra bởi một học sinh trong trường hợp giáo viên có lỗi trong việc để thiệt hại xảy ra, ví dụ như trường hợp giáo viên không giám sát.

Trong những trường hợp này, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sẽ được đặt ra thay cho trách nhiệm của cá nhân giáo viên có lỗi. Tuy nhiên, nếu cơ quan hành chính cho rằng thiệt hại xảy ra tất cả hoặc một phần do lỗi cá nhân chứ không phải do lỗi công vụ, thì cơ quan nhà nước có quyền yêu cầu người giáo viên hoàn trả toàn bộ hoặc một phần khoản tiền mà cơ quan đã bồi thường cho người bị thiệt hại, theo thủ tục "yêu cầu bồi hoàn".

- Theo quy định của Luật ngày 12/11/1965 và Luật ngày 30/10/1968, Tòa án tư pháp cũng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường nhà nước trong những trường hợp thiệt hại do tai nạn có nguồn gốc hạt nhân gây ra.

- Luật ngày 31/12/1991 đã thiết lập nên Quỹ bồi thường cho người bị nhiễm HIV do truyền máu, hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước và một phần đóng góp của các công ty bảo hiểm.

Bên cạnh những trường hợp nêu trên, gần đây một số đạo luật đã được ban hành trao cho toà án tư pháp thẩm quyền giải quyết đơn kiện đòi huỷ bỏ hoặc sửa quyết định do các cơ quan hành chính độc lập trong lĩnh vực kinh tế ban hành, ví dụ, Luật ngày 06/7/1987 quy định Toà án phúc thẩm Paris có thẩm quyền giải quyết các vụ kiện chống lại mọi quyết định của Hội đồng cạnh tranh (Hội đồng cạnh tranh của Pháp có quy chế là cơ quan hành chính); hoặc Luật ngày 02/8/1989 trao cho Toà án phúc thẩm Parí thẩm quyền xét xử đơn kiện chống lại một số quyết định của Uỷ ban chứng khoán nhà nước. Tuy nhiên, có thể cho rằng, trong những trường hợp nêu trên, không phải là toà án tư pháp (Toà án phúc thẩm Paris) đã can thiệp vào những lĩnh vực đó với tư cách giống như một toà án hành chính[5]

Những trường hợp đã được liệt kê nêu trên chỉ là những ngoại lệ mà toà án tư pháp có thẩm quyền giải quyết bồi thường nhà nước. Trong thực tế, Tòa án hành chính mới là cơ quan có vai trò chủ đạo trong việc giải quyết bồi thường  Nhà nước ở Pháp. Đại đa số các vụ khởi kiện trong lĩnh vực này được đưa ra tòa án ngạch hành chính xét xử, bao gồm:

Khởi kiện yêu cầu bồi thường sau khi có quyết định hủy một quyết định hành chính trái pháp luật;

Khởi kiện yêu cầu bồi thường nhưng không liên quan đến việc hủy quyết định hành chính, mà là yêu cầu bồi thường thiệt hại do xử sự (hành động hoặc không hành động) của cơ quan nhà nước gây ra.

b. Thủ tục giải quyết một vụ án hành chính
 
Khi một người cho rằng mình bị thiệt hại do một hành vi hành chính hoặc một quyết định hành chính và muốn khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính đó thì thủ tục thực hiện như sau:

- Trước hết người đó làm đơn khiếu nại đến cơ quan đã có hành vi hành chính hoặc quyết định hành chính gây thiệt hại cho mình. Nội dung đơn bao gồm: căn cứ khởi kiện, yêu cầu hủy quyết định hành chính, yêu cầu chấm dứt hành vi hành chính, yêu cầu bồi thường thiệt hại.v.v..

- Cơ quan hành chính đã có quyết định hành chính, hành vi hành chính phải thụ lý đơn để trả lời về việc có đồng ý hay không đồng ý với yêu cầu của bên bị thiệt hại.

- Trong trường hợp nếu cơ quan hành chính không đồng ý với yêu cầu của bên bị thiệt hại thì bên bị thiệt hại có quyền khởi kiện ra Tòa án hành chính.

- Tại phiên tòa xét xử, bên bị thiệt hại phải chứng minh được lỗi của cơ quan hành chính, chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi, quyết định hành chính với thiệt hại của mình.

Một điểm cần lưu ý, thủ tục nêu trên là thủ tục chung, nhưng trên thực tế thì bên bị thiệt hại có yêu cầu khác nhau, họ có thể chỉ yêu cầu hủy quyết định hành chính, chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc yêu cầu cả hai nội dung trên.

Nếu bên bị thiệt hại khởi kiện yêu cầu hủy quyết định hành chính thì có thể khởi kiện ngay ra Tòa án hành chính.

Nếu bên bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại thì thủ tục khiếu nại lên cơ quan trực tiếp ra quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính là bắt buộc.

Kinh phí bồi thường thiệt hại được lấy từ ngân sách nhà nước do Bộ tài chính cấp hàng năm cho từng pháp nhân công. Đối với các cơ quan ở Trung ương thì không có việc mua bảo hiểm, tuy nhiên đối với các pháp nhân công khác (chính quyền địa phương hoặc các bệnh viện công, trường học công.v.v..) thì việc mua bảo hiểm là khá phổ biến để phòng trừ các trường hợp phải bồi thường quá lớn.

Về nguyên tắc, việc khiếu nại lên cơ quan cấp trên của cơ quan đã có hành vi hành chính, quyết định hành chính là không có quy định trong pháp luật, tuy nhiên, hiện nay ở Pháp, hoạt động khiếu nại lên cơ quan cấp trên đang được khuyến khích vì cơ chế này tạo khả năng tối đa cho việc giải quyết yêu cầu của bên bị thiệt hại, ngoài ra, nó còn giảm gánh nặng cho các Tòa án hành chính.
 
 
 
 
 
 


[1] Bài viết này được tổng hợp lại từ các tài liệu và án lệ sau đây: Pháp luật hành chính của Cộng hoà Pháp của các tác giả Martine Lombard và Gilles Dumont; Kỷ yếu hội thảo Luật Bồi thường Nhà nước tại Nhà Pháp luật Việt – Pháp; Báo cáo chuyến khảo sát pháp luật về bồi thường Nhà nước tại Cộng hoà Pháp; Bản án Blanco ngày 08/02/1873; Bản án Demoiselle Mineur ngày 18/11/1949; Trang từ điển bách khoa trực tuyến Wikipédia (tiếng Pháp), mục "Droit de la responsabilité" và "Droit administratif".

[2]Arrêt Blanco, Tribunal de conflit, 08/02/1873, GAJA, n° 1. Nội dung sơ lược của vụ kiện như sau: Cô bé Agnès Blanco, 5 tuổi, khi đang băng qua đường thì bị một xe goòng do bốn công nhân đẩy đâm phải và bị thương rất nặng. Xe goòng này thuộc sở hữu của một nhà máy sản xuất thuốc lá ở Bordeaux và nhà máy này thuộc sở hữu của Nhà nước. Bốn công nhân đẩy xe goòng là nhân viên của nhà máy. Cha của nạn nhân đã khởi kiện bốn công nhân nói trên lên Toà án tư pháp để đòi bồi thường thiệt hại theo thủ tục tố tụng dân sự. Và vì bốn công nhân đó là viên chức nhà nước nên trong trường hợp này Nhà nước chính là bị đơn của vụ kiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vì bên bị đơn là nhân viên Nhà nước gây ra thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ còn bên nguyên đơn là cá nhân công dân, nên đã xảy ra sự xung đột về thẩm quyền giữa Toà án tư pháp và Toà án hành chính. Trong trường hợp này, theo pháp luật Pháp, Toà án xung đột thẩm quyền sẽ xét xử vụ kiện.

[3] Martine Lombard và Gilles Dumont, Pháp luật hành chính của Cộng hoà Pháp, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2007, n° 896.

[4] Thực tiễn khảo sát tại Cộng hoà Pháp cho thấy, quy định này rất ít khi được thực hiện. Ông Bruno Odent, Luật sư tại Toà hành chính tối cao cho biết, trong ba mươi năm hành nghề luật sư của mình, ông chưa thấy trường hợp nào công chức nào phải thực hiện việc hoàn trả cho Nhà nước (Nguồn: Báo cáo khảo sát tại Cộng hoà Pháp, trang 11).

[5] Martine Lombard và Gilles Dumont, Pháp luật hành chính của Cộng hoà Pháp, sách đã dẫn, trang 550.
 
(Nguồn: Tạp chí Dân chủ & Pháp luật)

Các văn bản liên quan