Cấp phép ĐT:Qua nhiều “cửa” mới đến một “cửa”

Thứ Bảy 17:36 20-05-2006
Cấp phép đầu tư: Qua nhiều ''cửa'' mới đến ''một cửa''?

(VietNamNet) - Chỉ vài giờ nữa QH sẽ thông qua dự thảo Luật đầu tư, khi mà các nhà đầu tư còn lo lắng về quy chế "một cửa". Tuy vậy, theo cách lý giải của Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế và Ngân sách Đặng Văn Thanh, người trực tiếp chủ trì thẩm tra dự án Luật này: "Một cửa'' của Bộ KH-ĐT thực chất sẽ qua "nhiều cửa"!

Trong cuộc trao đổi riêng với VietNamNet, Phó Chủ nhiệm Đặng Văn Thanh khẳng định:

Về mặt nguyên tắc, Quốc hội và Chính phủ cố gắng tới mức tối đa để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, kể cả vấn đề thủ tục, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký kinh doanh. Nhưng hiện nay vẫn còn ý kiến khác nhau: Có nhiều nhà đầu tư muốn ''một giấy'', ghi đồng thời cả đăng ký kinh doanh và đầu tư. Nhưng cũng có nhà tư e ngại rằng, việc ghi ghép như vậy phức tạp.

Vì thế, trong giai đoạn giao thời chưa đi được về ''một cửa, một giấy'' thì chấp nhận ở chỗ: Đối với tất cả nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng như hiện nay là ''một giấy''. Đặc biệt đối với nhà đầu tư thực hiện đầu tư kết hợp đồng thời thành lập doanh nghiệp thì giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy phép kinh doanh. Còn các nhà đầu tư nước ngoài đã hoạt động ở Việt Nam rồi, bây giờ tiếp tục đầu tư mở rộng, đầu tư nâng cấp thì chỉ việc ghi thêm vào giấy đăng ký kinh doanh đã có.

Sẽ "thoáng" đến mức có thể?

- Còn đối với nhà đầu tư trong nước thì sao, thưa ông?

Dự luật quy định dưới 300 tỷ và không phải dự án có điều kiện chỉ cần đăng ký đầu tư. Ngưỡng 300 tỷ này căn cứ vào đâu?


Ông Đăng Văn Thanh: Đưa 300 tỷ là căn cứ vào Hiệp định Thương mại Việt Mỹ (BTA). Mình cam kết với người ta là những dự án dưới 20 triệu USD (khoảng 300 tỷ đồng) chỉ đăng ký và cấp giấy chứng nhận chứ không phải thẩm tra. Còn mình chỉ thẩm tra dự án trên 20 triệu (đô la)!

Từ 2001, bắt đầu VN cam kết với Mỹ theo lộ trình 3-5 năm. Đến 2007 thì ta bắt đầu phải thực hiện cam kết ấy.

- Với nhà đầu tư trong nước, bởi vì chưa quen, còn e ngại, thì chấp nhận ''hai giấy'': Chứng nhận đầu tư riêng và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh riêng. Đó là bước quá độ, và dần dần sẽ tiến tới quy định nhà đầu tư trong nước làm quen với thủ tục như của nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai để cho quá trình bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư của Việt Nam được tổ chức sắp xếp và nâng cao trình độ lên.
Tất nhiên trong đó sẽ phân biệt ra một số trường hợp cụ thể. Ví dụ nhà đầu tư chỉ đầu tư, không thành lập doanh nghiệp thì chỉ cần cấp chứng nhận đầu tư.

Nhưng vừa đầu tư, vừa tiến hành thành lập doanh nghiệp thì tuỳ nhà đầu tư: Nếu họ yêu cầu thì cấp ''một giấy''. Nếu nhà đầu tư hiện đã có giấy phép kinh doanh rồi mà tiến hành đầu tư mở rộng, nâng cấp có yêu cầu thì mình cũng ghi vào giấy đăng ký kinh doanh cho người ta. Nếu DN xin giấy đăng ký đầu tư mới thì cấp giấy đầu tư mới. Tức là giải quyết ở mức thoáng nhất, thuận lợi nhất cho nhà đầu tư tới mức có thể!

Ghi ưu đãi vào giấy phép: Yên tâm nhưng chưa thực chất

- Một băn khoăn của nhà đầu tư trong và ngoài nước là về ưu đãi đầu tư. Họ muốn được ghi ưu đãi đầu tư vào giấy phép để yên tâm và sợ phiền hà khi tiếp xúc với cơ quan thuế?

- Đối với tất cả nhà đầu tư trong nước, việc đầu tư dưới 300 tỷ và dự án không có điều kiện, thì không cần ghi ưu đãi đầu tư trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Mà nhà đầu tư tự xác định và làm thủ tục xin hưởng ưu đãi đầu tư ấy. Làm như vậy nhà đầu tư rất chủ động, không cần xin xỏ ai cả! Nhưng nếu nhà đầu tư có yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư cũng sẽ đồng thời thoả mãn cho người ta (ghi ưu đãi vào giấy phép kinh doanh - PV).

Tất nhiên, trường hợp này, nhà đầu tư phải làm thủ tục như đăng ký hồ sơ rồi mới có thể ghi vào giấy được! Còn trường hợp anh tự xác định (ưu đãi đầu tư), nhà đầu tư chỉ cần dăng ký, không cần phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Nhưng nếu muốn ghi ưu đãi vào giấy phép đầu tư thì buộc tôi phải cấp giấy chứng nhận, tôi mới có cái để ghi vào. Như vậy anh phải làm thủ tục đăng ký kèm theo xin giấy chứng nhận thì tôi sẽ làm cho anh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và ghi ưu đãi đầu tư trên đó.

- Có tình trạng hiện nay, nhà đầu tư chỉ chăm chăm hưởng ưu đãi nhưng thực tế không đáp ứng được điều kiện để hưởng ưu đãi?

- Tất nhiên, đối với nhà đầu tư nước ngoài có chứng nhận đăng ký đầu tư cùng đăng ký kinh doanh rồi thì mình ghi luôn (ưu đãi) trên đó cho người ta yên tâm.

Đây là vấn đề tâm lý! Tức là nhà đầu tư nước ngoài muốn việc ghi ưu đãi đầu tư là sự đảm bảo về mặt cam kết của Nhà nước đối với nhà đầu tư để họ yên tâm.

Nhưng cá nhân tôi cho rằng, việc ghi ưu đãi đầu tư trước thực ra cũng chỉ mang tính hình thức. Bởi vì trong quá trình hoạt động, điều kiện ưu đãi, thủ tục ưu đãi, địa bàn ưu đãi... có sự thay đổi. Sau đó chắc chắn nhà đầu tư buộc phải làm lại nếu như anh muốn hưởng ưu đãi. Lúc đó anh phải làm việc với cơ quan thuế, cơ quan đất đai... Còn ít khi trường hợp không phải làm lại.

Ghi ưu đãi trước như vậy không có nghĩa là được hưởng ngay, mà có giá trị về lâu dài - ví dụ như khi muốn chuyển ưu đãi trước đầu tư sang sau đầu tư. Tức là khi DN thực sự đầu tư có hiệu quả, vào đúng lĩnh vực nào đó thì mới được nhận ưu đãi. Như vậy thực chất hơn! Còn việc ghi ưu đãi đầu tư ban đầu chưa thực chất vì nhà đầu tư chưa được hưởng.

''Một cửa'': Chưa làm ngay được?

- Một vấn đề lớn hiện nay, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp rất băn khoăn với cơ chế ''một cửa'' trong chấp nhận đầu tư. ''Một cửa'' trong dự luật này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- ''Một cửa'' thể hiện, khi ai đó muốn đầu tư thì cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký đầu tư. Trong (dự) luật quy định rõ, chỉ đăng ký (đầu tư), trong bao nhiêu ngày phải giải quyết cho người ta. Nếu trường hợp thẩm tra, thì trong bao nhiêu ngày phải thẩm tra xong, quy định cụ thể thời gian tối đa 15 ngày hay tối đa 30 ngày.

Vấn đề thứ hai, dự luật quy định rõ ràng: Ngoài những hồ sơ quy định trong luật, thì cơ quan quản lý tiếp nhận hồ sơ không được đòi hỏi thêm bất cứ một tài liệu hồ sơ nào khác. Thứ ba, những tài liệu hồ sơ đã có, anh chỉ được thẩm tra nội dung gì trong luật quy định. Ví dụ anh thẩm tra về sự phù hợp với quy hoạch đất đai, thẩm tra xem có gây tổn hại cho môi trường không, thẩm tra tiến độ đầu tư có đảm bảo không? Ngoài những nội dung ấy, anh không được đòi hỏi gì thêm!

- Cơ quan quản lý đầu tư như ông nói là Bộ Kế hoạch Đầu tư hay ở địa phương là Sở Kế hoạch và Đầu tư?

- Hiện nay trong luật giao cho Chính phủ quản lý thống nhất về đầu tư. Chính phủ sẽ có văn bản phân công, phân cấp. Ví dụ như phân công cho bộ nào làm nhiệm vụ gì. Tất nhiên, trước mắt có thể phân công cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn ở tỉnh có thể phân cấp cho địa phương, địa phương phân công cho Sở Kế hoạch Đầu tư.

- Trong các nội dung thẩm định đầu tư có nội dung liên quan đến bộ, ngành khác như về đất đai, bảo vệ môi trường... Liệu ''một cửa'' là cơ quan quản lý đầu tư có làm giúp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư việc phải chạy sang bộ, ngành khác?

- Thực ra, ở đây nói thủ tục ''một cửa'' là ở cơ quan đăng ký đầu tư. Còn tất nhiên trước khi đăng ký có sự phân định lại trách nhiệm rõ ràng. Ví dụ vấn đề môi trường, anh phải có hồ sơ thẩm định của cơ quan quản lý môi trường. Bản thân cơ quan nhà nước về đăng ký kinh doanh không làm thay được. Hay thủ tục mở tài khoản tại ngân hàng thì phải có chữ ký của ngân hàng. Hay anh liên quan đến xác định tư cách pháp nhân của nhà đầu tư thì phải có cơ quan công an, cơ quan nội vụ... Rõ ràng trước khi đến cơ quan đăng ký đầu tư, anh phải làm một số công việc.

Sau này có thể được, Nhà nước sẽ tổ chức một cơ quan làm đầu mối lo tất cả chuyện ấy. Nhưng hiện nay, tôi tin chắc trước mắt chưa làm ngay được, bởi vì vẫn có sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan. Vấn đề lớn nhất là làm sao sau này cải cách hành chính đảm bảo sự phối hợp giữa các cơ quan đó một cách nhanh nhất, gọn nhất để đỡ phiền hà cho các nhà đầu tư.

- Nói như ông, nhà đầu tư ngoài ''một cửa'' của cơ quan đăng ký đầu tư, kinh doanh vẫn phải chạy sang những bộ, ngành khác?

- ''Một cửa'' chỉ thẩm định nội dung đăng ký. Khi người ta thẩm tra như vậy đòi hỏi những hồ sơ anh DN phải hoàn chỉnh, hồ sơ anh phải đi trước. Tức là các thủ tục công việc DN phải lo trước.

Khi đòi hỏi DN không phải chứng minh nhưng phải có báo cáo năng lực tài chính đủ điều kiện. Cơ quan quản lý không cần kiểm tra xác minh mà để sau này sẽ ''hậu kiểm''. Tất nhiên, ít ra anh phải chứng minh triển khai dự án này cần 1 tỷ đồng, nhưng trong tay anh hiện chỉ có 500 triệu, sẽ huy động được thêm 500 triệu. Thì cái đó cần phải thẩm định!

- Tức là chỉ ''một cửa'' khi đã tiếp nhận đầy đủ các hồ sơ?

- Đúng! Đây là ''một cửa'' của cơ quan quản lý về đầu tư và đăng ký kinh doanh. Thế còn để đi đến đăng ký đầu tư buộc anh DN phải làm một số thủ tục khác. Ví dụ anh phải chuẩn bị tiền, chuẩn bị nhân lực, anh phải tìm địa điểm và phải đảm bảo cam kết một số vấn đề khác thì là chuyện đương nhiên.

- Vậy tại sao chúng ta đưa vào luật quy định về "một cửa"? Nếu vậy sao không làm theo cách: UBND tỉnh đứng ra tổ chức ''một cửa'' và mời anh kế hoạch đầu tư, tài nguyên môi trường, tài chính ngồi vào đấy... Nghĩa là nhà đầu tư chỉ đến ''một cửa'' đấy có thể hoàn thành các thủ tục đầu tư từ đầu chí cuối?

- Được như thế là tốt nhất! Cũng có ý kiến như vậy nhưng hiện tại do cách thức tổ chức bộ máy của mình, cái này cũng phải đi từng bước, dần dần. Việc làm như vậy cũng phải tính có lợi gì, có hại gì! Bởi vì ở đó (một cửa), cần cơ quan chuyên môn ngồi vào nhưng cơ quan chuyên môn phải gắn với pháp lý. Nếu anh đưa một số người chuyên môn sang thì trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Vì thế, hiện nay Chính phủ đang phân công riêng. Đó là trách nhiệm thuộc từng bộ chuyên ngành nên người ta sẽ làm đầy đủ và yên tâm hơn!

- Xin cảm ơn ông!
-----------------------------------

Sự thực ''một cửa'' như thế nào?

Về vấn đề ''một cửa'' trao đổi với VietNamNet mới đây (ngày 21/11), Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch Phạm Mạnh Dũng có cách lý giải khác với ông Đặng Văn Thanh. Ông Dũng khẳng định: ''DN chỉ cần qua "cửa" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư''. Trao đổi dưới đây giữa VietNamNet với ông Phạm Mạnh Dũng:

- Theo ông, Luật Đầu tư sẽ giúp quản lý và quy hoạch đầu tư tốt hơn. Nhưng mỗi bộ ngành lại có phạm vi quản lý riêng, ví dụ đất đai thuộc quyền quản lý của Bộ TN - MT. Liệu Bộ KH-ĐT có thể bao trùm lên các bộ ngành khác, thành đầu mối liên hệ giữa DN với tất cả các bộ ngành khác được không?

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư không làm quản lý nhà nước thay các bộ ngành khác, mà chúng tôi là cơ quan tổng hợp để thực hiện các hoạt động đầu tư, có thể nhìn các dự án trên tổng thể, phối hợp giữa các bộ ngành. Thay vì nhà đầu tư đến tất cả các bộ ngành đó thì chỉ cần đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, còn Bộ chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan kia, cả trung ương và địa phương. Đó là chính sách "một cửa".

- Nghĩa là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm làm đầu mối? Bộ có đảm bảo đủ nguồn lực cũng như khả năng để có thể phối hợp với tất cả các bộ ngành khác thay cho DN không?

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm được như thế, nếu không đủ năng lực thì phải nâng cấp, hoàn thiện hệ thống. Từ trước đến nay, thành công của đầu tư nước ngoài là thành công của "một cửa", thành công của các khu công nghiệp, các địa phương như Bình Dương cũng là thành công của "một cửa".

Văn Tiến thực hiện -29/11/2005



Các văn bản liên quan