Luật Dạy nghề không “khớp” với Luật Giáo dục

Thứ Tư 23:53 07-06-2006

Chưa khớp với Luật Giáo dục 2005 (vừa được sửa đổi, bổ sung), chưa giải quyết thỏa đáng những vấn đề liên quan đến quản lý nhà nước đối với lĩnh vực dạy nghề nằm trong tổng thể giáo dục nghề nghiệp...

Đó là những ý kiến đánh giá, góp ý đối với Dự thảo Luật Dạy nghề (DN) tại phiên họp sáng 15-2 của Thường trực mở rộng Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên nhi đồng (VH-GD-TTN-NĐ) của Quốc hội. Đây là phiên họp thẩm định lần đầu tiên đối với Luật DN vừa được Chính phủ trình Quốc hội.

Luật DN, Luật Học nghề hay Luật Giáo dục nghề nghiệp?

Tại cuộc họp thẩm định với sự tham gia của đại diện các Ủy ban Pháp luật, Ủy ban các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Bộ GD-ĐT... các ý kiến phát biểu đều nhấn mạnh đến việc cần phải làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật DN khi Luật Giáo dục 2005 đã quy định rõ DN (do Bộ LĐ-TB&XH quản lý) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN do Bộ GD-ĐT quản lý) nhưng lại cùng nằm trong giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời cũng cần làm rõ hơn sự cần thiết phải có Luật DN, đóng góp của Luật DN vào giải quyết vấn đề đào tạo nhân lực của đất nước.

Ông Lê Minh Hồng, Phó chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ đề nghị ban soạn thảo của Bộ LĐ-TB&XH phải làm rõ hơn đóng góp giải quyết vấn đề đào tạo nhân lực của Luật DN. Tên luật liên quan đến phạm vi điều chỉnh của luật.

Theo ông Hồng có quan điểm cho rằng TCCN cũng chính là DN. Vì vậy phải làm rõ từ khái niệm, cơ cấu trình độ đào tạo và những vấn đề liên quan. “Nếu hai bên (Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH - PV) chưa thống nhất được, đưa ra Quốc hội thảo luận sẽ gay gắt” - ông Hồng nhận xét.

Chỉ riêng vấn đề tên gọi luật cũng đã có những ý kiến khác nhau. Ông Trương Quang Cẩn (Hội đồng Dân tộc của Quốc hội) cho rằng Giáo dục nghề nghiệp có hai mảng DN và TCCN. Để có tính hệ thống và phù hợp với Luật Giáo dục, luật này phải Luật Giáo dục nghề nghiệp nếu không mỗi bên cơ quan quản lý sẽ phải có một luật riêng chia mảng giáo dục nghề nghiệp thành hai phần riêng biệt”.

Trong khi đó ông Dương Trung Quốc lại đề nghị nên chăng đặt tên luật là Luật Học nghề. Luật nhằm quy định và thực hiện quyền của người dân được học nghề với nhiều loại hình, cấp bậc đào tạo.

Không “khớp” với Luật Giáo dục

Bà Nguyễn Thị Bắc - Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận xét một số nội dung, điều luật cụ thể của dự thảo Luật DN chưa “khớp” với Luật Giáo dục. Bà Bắc cũng chỉ ra điều 98 quy định về ngân sách nhà nước chi cho DN được dự thảo chưa phù hợp với các quy định hiện hành, nếu quy định như vậy sẽ làm khó cho việc Quốc hội khi phân bổ ngân sách.

Dự thảo Luật DN chưa “khớp” với Luật Giáo dục cũng là nhận định chung của nhiều đại biểu khác. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nêu ý kiến một cách mềm mỏng “Theo chúng tôi tiếp cận, Luật Giáo dục 2005 đã quy định DN nằm trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cùng với TCCN. Điều này cũng được đề cập trong Nghị quyết 9 của Đảng bằng việc xếp TCCN và DN cùng vào lĩnh vực đào tạo thực hành. Vì vậy Luật DN là luật chuyên ngành cụ thể phải tuân thủ những quy định trong Luật Giáo dục 2005. Đồng thời phải xây dựng sao cho có sự liên thông với các bậc giáo dục khác”.

Nhưng theo ông Luận, nếu như hiện nay, DN và TCCN sẽ khó liên thông vì DN đi sâu, cụ thể đào tạo một ngành, công việc cụ thể trong khi TCCN đào tạo rộng hơn. Chương trình đào tạo của DN được quy định trong dự thảo Luật DN cũng rất khác biệt so với chương trình đào tạo của TCCN. “Về cơ bản là không khớp” - ông Luận đánh giá.

Có “giẫm chân” lên nhau?

Ông Nguyễn Đình Hương - Phó chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ lại cho rằng khi xây dựng Luật DN cần phải đồng thời quan tâm, giải quyết cả sáu vấn đề: Đối tượng (ai dạy, ai học), hệ thống (dạy ở đâu, học ở đâu), văn bằng chứng chỉ, tài chính (ai nộp tiền, ai thu tiền, chính sách ưu tiên miễn giảm...), liên thông và quản lý nhà nước.

Theo ông Hương để có thể liên thông giữa DN và các bậc giáo dục khác phụ thuộc vào sự phối hợp giải quyết có “khớp” hay không của hai bộ để “sao cho tạo điều kiện tốt nhất cho người dân được học tập thuận lợi nhất. Có vậy người dân mới ủng hộ”.

Bà Trần Thu Hà cũng khẳng định “Phải có sự liên thông trong đào tạo, hệ thống văn bằng chứng chỉ vì DN và TCCN nói riêng và các bậc giáo dục khác cùng nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, liên thông để tạo thuận lợi cho người học được tiếp tục học lên trình độ cao hơn khi có nhu cầu và điều kiện”.

Bà Trần Thu Hà sau khi dẫn ra nhiều ví dụ từ thực tế cũng đề nghị Luật DN phải được soạn thảo sao cho giải quyết thỏa đáng, không chồng chéo, hiệu quả nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người học”. Theo bà Hà, cơ quan quản lý DN phải có sự thống nhất chương trình khung đào tạo với Bộ GD-ĐT. Luật DN phải có tính hệ thống, khi ban hành không tạo ra sự xáo trộn trong quản lý các cơ sở giáo dục đào tạo.

Ông Dương Trung Quốc thẳng thắn nêu vấn đề mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa các luật trong lĩnh vực giáo dục DN: “Luật DN là sự bổ sung những cái thiếu trong hệ thống quản lý giáo dục nhưng không cẩn thận sẽ là “giẫm chân” lên nhau, cạnh tranh nhau về thị trường lao động. Giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần có sự phân công, thảo thuận rõ ràng và phải có cấp cao hơn chỉ đạo các bên phối hợp. Các điều khoản của dự thảo Luật DN có sự chồng chéo có thể gây ra sự phản ứng ngay trong hệ thống quản lý nhà nước dẫn đến gây xáo trộn xã hội”.

Theo ông Dương Trung Quốc, cách quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp hiện nay đang “Mang nặng sự tranh giành thị phần trên thị trường lao động”. Trả lời các ý kiến ngay sau đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Lương Trào - người chủ trì nhóm xây dựng Luật DN cho rằng “tư tưởng làm luật của Bộ LĐ-TB&XH là không “lấn” sang phần khác. Luật này sẽ không “đụng” gì đến TCCN”.

Theo ông Trào, để có thể liên thông từ hệ thống DN lên các trình độ cao hơn cần phải được “mở cửa”. Đó là trách nhiệm cả hai bộ phải phối hợp với nhau. Khó nhưng sẽ có nguyên tắc để thực hiện: Cái gì đã học rồi thì không phải học lại để đỡ tốn phí thời gian, tiền bạc”. Ông Trào khẳng định “Không sợ “giẫm đạp” nhau vì Bộ LĐ-TB&XH sẽ cố gắng làm Luật DN thật chi tiết, rõ ràng, cụ thể…”.

Bà Trần Thị Tâm Đan, chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TTN-NĐ của Quốc hội cho biết đây mới là lần thẩm định đầu tiên, để đi đến hoàn thiện, Luật DN còn phải trải qua nhiều “vòng thẩm định” nữa.

Bà Tâm Đan cũng nhấn mạnh: Luật DN cần được bổ sung, hoàn thiện theo hướng là luật chuyên ngành, cụ thể, không ra nghị định hướng dẫn. Bà Tâm Đan cũng đề xuất luôn: Luật DN sẽ không điều chỉnh, tức là Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ không “quản”các trường thuộc khối năng khiếu, đặc thù như văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, y tế, tài chính... mà chỉ tập trung quản lý đào tạo nhân lực phục vụ sản xuất và dịch vụ theo hướng thực hành. 

THANH HÀ (Tuổi trẻ)

Các văn bản liên quan