Cán bộ phải kê khai TS, tài khoản ở nước ngoài

Thứ Bảy 18:10 20-05-2006
Cán bộ phải kê khai tài sản, tài khoản ở nước ngoài

(VietNamNet - 24/10/2005) - Những cán bộ quản lý tài sản, ngân sách của nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc cho dân; người ứng cử đại biểu QH... phải kê khai tài sản, mọi diễn biến về tài sản thuộc sở hữu của mình và của vợ (chồng), con chưa thành niên

Đây là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng do Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Vũ Đức Khiển trình ra Quốc hội chiều 24/10, sau khi đã tiếp thu ý kiến của nhân dân.

Trách nhiệm của người đứng đầu được loại trừ khi họ không thể biết được?

Theo ông Vũ Đức Khiển, dự luật xác định nguyên tắc chung là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình phụ trách, quản lý.

Cụ thể, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ; chịu trách nhiệm liên đới về tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong các đơn vị do cấp phó của mình trực tiếp phụ trách.

Cấp phó của người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tham nhũng trong lĩnh vực công tác và trong đơn vị do mình trực tiếp phụ trách. Người đứng đầu đơn vị trực thuộc các cơ quan, tổ chức phải chịu trách nhiệm trực tiếp về tham nhũng trong đơn vị mình quản lý

Theo dự thảo luật, người đứng đầu để tham nhũng ở cán bộ, lĩnh vực, đơn vị trực tiếp do mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp liên đới chỉ bị kỷ luật.

Để có cơ sở xử lý, trong kết luận thanh tra, kiểm toán, kết luận điều tra vụ việc tham nhũng phải nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xẩy ra tham nhũng theo các mức độ: yếu kém năng lực quản lý; thiếu trách nhiệm trong quản lý; bao che cho hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, dự luật quy định rõ: Trách nhiệm của người đứng đầu được loại trừ khi họ không thể biết được (?) hoặc đã áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn.

Họ cũng được xem xét miễn giảm trách nhiệm pháp lý nếu thực hiện các biện pháp cần thiết trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình nhằm báo cho cơ quan, tổ chức, có thẩm quyền về hành vi tham nhũng, ngăn chặn hoặc khắc phục hậu quả của tham nhũng.

Người đứng đầu và các cá nhân khác có trách nhiệm trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác có thụ hưởng ngân sách nhà nước để xẩy ra tham nhũng cũng bị xử lý theo (dự) luật này

Dự luật bỏ quy định người có hành vi tham nhũng có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác được giảm nhẹ trách nhiệm khi bị xử lý về tham nhũng vì như vậy trong thực tế rất dễ bị lạm dụng.

''Phải thấy rằng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ở nước ta hiện nay đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước và của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị, sự tham gia, đồng tình, ủng hộ của nhân dân; đồng thời đề cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trước nhân dân; nâng cao bản lĩnh và tính tự trọng của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là người có chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ''. Ông Vũ Đức Khiển nói như vậy khi trình bày chỉnh lý, tiếp thu dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng.

Phải kê khai cả tài sản, tài khoản ở nước ngoài

Sau khi tiếp thu ý kiến của nhân dân, dự luật đã thu gọn đối tượng phải kê khai tài sản. Đó là cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên và tương đương trong các cơ quan, tổ chức đơn vị; một số chức danh cán bộ, công chức cấp xã; cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý tài sản, ngân sách của nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc cho dân; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.

Những người này phải kê khai tài sản, mọi diễn biến về tài sản thuộc sở hữu của mình và của vợ (chồng), con chưa thành niên.

Tài sản phải kê khai gồm: nhà quyền sử dụng đất; kim khí quý, đá quý, tiền và giấy tờ có giá và tài sản khác có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên; tài sản, tài khoản ở nước ngoài; thu nhập phải chịu thuế theo quy định của pháp luật.

Băn khoăn của nhiều người là kê khai tài sản được công khai và xác minh như thế nào? Theo ông Vũ Đức Khiển, xác minh kê khai tài sản chỉ được thực hiện khi có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (?) và trong trường hợp phục vụ cho bầu cử, bổ nhiệm, cách chức, miễn nhiệm, kỷ luật, có tố cáo về việc người có nghĩa vụ kê khai không kê khai trung thực hoặc theo yêu cầu của Hội đồng bầu cử, cơ quan có thẩm quyền khác.

''Trong trường hợp người đại diện của pháp nhân hoặc người được pháp nhân giao thực hiện hành vi đã hối lộ vì lợi ích của pháp nhân bị kết án vì tội đưa hối lộ thì pháp nhân đó bị phạt tiền gấp 5 lần giá trị hối lộ và bị đưa vào danh sách các pháp nhân liên quan đến tham nhũng để công bố công khai. Ngoài ra còn có thể bị tước giấy phép hoạt động hoặc thu hồi đăng ký kinh doanh.''
(Điều 75, dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng):


Cơ quan ''nắm người'' quản lý cán bộ có trách nhiệm xác minh và ra kết luận về sự minh bạch trong kê khai tài sản.

Dự luật cho thấy, công khai kết luận minh bạch tài sản chỉ được thực hiện khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền (?). Công khai tại cơ quan nơi người kê khai tài sản làm việc khi được bổ nhiệm, bầu cử, phê chuẩn; tại hội nghị cử tri nơi cư trú, công tác với người ứng cử Quốc hội, HĐND; tại cơ quan nơi người được đề nghị để Quốc hội, HĐND hoặc Đại hội của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội bầu, phê chuẩn. Kết luận về sự minh bạch kê khai tài sản của người bị khởi tố vì tham nhũng được công khai tại cơ quan, đơn vị nơi người đó làm việc.

Ngày 25/10, Quốc hội sẽ thảo luận về Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (được truyền hình tường thuật trực tiếp)

Văn Tiến

Các văn bản liên quan