Kiến nghị Quốc hội ra Nghị quyết về TN

Thứ Bảy 18:08 20-05-2006
Đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Ngoạn:

Kiến nghị QH ra nghị quyết về chống tham nhũng

Phạm Dương thực hiện - 23-10-2005 Người Lao động

“Tôi kiến nghị Quốc hội (QH) ra nghị quyết chuyên đề về chống tham nhũng”, phát biểu đó trên diễn đàn kỳ họp thứ 8, QH khóa XI của đại biểu (ĐB ) Đỗ Trọng Ngoạn đã gây sự chú ý và quan tâm của nhiều người. ĐB Đỗ Trọng Ngoạn cho biết:

Một tháng trước, tôi cũng đã gửi dự thảo kiến nghị cho Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và Ủy ban Thường vụ QH. Tôi biết Ủy ban Thường vụ QH đã sao văn bản của tôi gửi tất cả các ĐBQH chuyên trách và đoàn ĐBQH các tỉnh, thành...

. Phóng viên: Trong kỳ họp này, QH cũng thảo luận và thông qua 2 dự án luật quan trọng, làm công cụ pháp lý chống tham nhũng là Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Vậy tại sao ông vẫn kiến nghị ra thêm nghị quyết đột phá chống tham nhũng?

- Ông Đỗ Trọng Ngoạn: Nghị quyết của QH là một chương trình hành động cụ thể, trong một thời gian nhất định để đẩy lên, thực hiện hay giải quyết ngay. Luật là những văn bản pháp lý trong thời gian lâu dài. Thi hành luật nhưng chúng ta vẫn có thể chọn điểm gì nổi bật nhất trong luật để ra nghị quyết nhằm có hành động nhanh, mạnh để giải quyết. Vốn là người lính và từng tham gia nhiều trận đánh, tôi suy nghĩ cần phải làm gì đây, đột phá vào điểm nào đây để chống tham nhũng.
Cũng có người khuyên tôi không kiến nghị ra nghị quyết chuyên đề về chống tham nhũng bởi QH đang bàn và thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng. Tôi có trả lời rằng tham nhũng diễn ra từ lâu rồi, chứ nó không chờ luật. Chúng ta có rất nhiều cơ sở pháp lý chống tham nhũng, không thiếu gì cả nhưng thực tế thì ai cũng thấy là chống chưa hiệu quả.

. Ông cho rằng cần phải có đột phá mới thúc đẩy cuộc đấu tranh chống tham nhũng?

- Muốn chống tham nhũng hiệu quả cần phải có điểm đột phá. Tham nhũng hiện tràn lan nhiều lĩnh vực, khó căng ra chống khắp nơi. Tôi chọn hai vấn đề đột phá, đó là những vấn đề kinh tế và đất đai. Ban đầu tôi chỉ chọn về vấn đề đất đai nhưng nhiều người góp ý nên tôi chọn vấn đề tham nhũng, tiêu cực kinh tế đã rõ, rõ về vụ việc, địa chỉ và danh sách. Những dự án đầu tư lớn thất thoát lớn đã rõ như đánh bắt cá xa bờ, trồng cà phê, vành đai 3 Hà Nội, lúa lai... cùng một loạt dự án đang treo, chậm như khí điện đạm Cà Mau đang gây thất thoát hàng ngàn tỉ đồng. Trong vấn đề đất đai cũng tập trung vào hai điểm là tham nhũng về đất đai lớn, có vụ việc, địa chỉ và danh sách rõ; việc thu hồi đất đai của người dân gây hậu quả lớn.

. Kiến nghị ra nghị quyết chuyên đề của QH đã được triển khai đến đâu?

- Trước hết, Ủy ban Thường vụ QH phải cân nhắc xem có tiếp thu hay không. Nếu tiếp thu thì tiến hành, nếu không thì phải giải trình rõ. Trong gặp gỡ với tôi tại kỳ họp này, rất nhiều ĐHQH, trong đó nhiều vị đang giữ trọng trách trong QH, đã bày tỏ đồng tình và hoan nghênh.

. Lãnh đạo QH và các cơ quan chuyên môn của QH có ý kiến gì trước kiến nghị của ông?

- Khi tôi xin ý kiến sơ bộ Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và một số đồng chí trong Ủy ban Thường vụ QH, có đồng chí trong Ủy ban Thường vụ QH nói rằng anh Ngoạn cứ “phát” nhưng nên đưa vào nghị quyết chung của QH. Tuy nhiên, Chủ tịch QH nói rằng: “Không, cứ để anh Ngoạn làm bởi luật cho phép như vậy”. ĐBQH có quyền đưa ra đề nghị của cử tri và dự án luật nhưng tôi chưa đủ sức đưa ra dự án luật nên tôi muốn biến thành một nghị quyết, đưa ra ngay tại kỳ họp này của QH. Theo tôi, luật hay nghị quyết thì điều quan trọng nhất vẫn là nội dung. Nếu luật mà lơ mơ thì cũng chẳng khác nào cây cảnh.

. Ông có tin rằng kiến nghị của ông sẽ được thông qua thành nghị quyết chuyên đề chống tham nhũng của QH?

- Có ban hành nghị quyết chuyên đề chống tham nhũng hay không thuộc thẩm quyền của QH và Ủy ban Thường vụ QH. Điều quan trọng là tôi phát biểu được những suy nghĩ từ đáy lòng tôi. Tiếp xúc với cử tri, tôi thấy cử tri đang yêu cầu rất gay gắt phải chống bằng được tham nhũng. Tôi cho rằng kiến nghị của tôi ra bằng hình thức nào không quan trọng, vấn đề quan trọng nhất là phải hành động, có hành động mới mang lại hiệu quả. Ra lắm nghị quyết, luật mà không hành động thì cũng chỉ để ngắm mà thôi.


Các văn bản liên quan