Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:29 09-05-2007
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết - Tỉnh Lạng Sơn

Kính thưa Quốc hội!

Vê cơ bản tôi tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và môi trường. Sau đây tôi xin phát biểu 4 vấn đề, nếu còn thời gian thì xin phát biểu thêm về vấn đề thứ năm, vấn đề chi tiết. Tôi xin phát biểu 4 vấn đề về dự thảo Luật Hóa chất.

Vấn đề thứ nhất, tôi xin phát biểu ý kiến về phạm vi điều chỉnh, định nghĩa hóa chất, tên gọi của luật. Ba vấn đề này có liên quan chặt chẽ đến nhau. Chúng tôi thấy về phạm vi điều chỉnh thì chúng tôi tán thành với quy định ở trong dự thảo luật là loại trừ ra một số lĩnh vực. Bởi vì những lĩnh vực này thì đã có luật khác điều chỉnh rồi. Ví dụ như về ma túy, chất hướng thần, phóng xạ, vật liệu hạt nhân, dược phẩm, phụ gia v.v. Tất cả những lĩnh vực này đã có luật khác và Pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm điều chỉnh cho nên không đưa vào đây là đúng. Thứ hai là cũng loại trừ bớt những cái mà trong Tờ trình nói là sản phẩm hóa chất để phân biệt với hóa chất thì chúng tôi cũng tán thành. Nhưng giữ lại thuốc bảo vệ thực vật được quy định trong luật này thì chúng tôi thấy tuy nó không được lôgic lắm, nhưng chúng tôi nghĩ trong tình hình mà chúng ta chưa có luật nào hay pháp luật nào điều chỉnh lĩnh vực này thì cũng nên giữ. Tóm lại là về phạm vi điều chỉnh thì chúng tôi đồng ý.

Nhưng chúng tôi cho rằng, tất cả những điều loại trừ thì ta nên đưa vào phạm vi điều chỉnh chứ không nên đưa vào định nghĩa, bởi vì ở định nghĩa ở Điều 3 chúng ta nói hoá chất là cái gì đấy, sau đó lại trừ các chất sau, thế thì làm cho người ta hiểu rằng các chất sau, ví dụ như ma tuý, chất phóng xạ v.v... những cái đấy nó không phải là hoá chất. Theo tôi định nghĩa là định nghĩa, còn cái gì mình gạt ra khỏi phạm vi điều chỉnh mình sẽ đưa vào phạm vi điều chỉnh để nó đúng hơn.

Thứ hai, về phần phạm vi điều chỉnh chúng tôi đề nghị cách viết cần gọn hơn, ở đây các đồng chí rất cẩn thận, kê rất đủ, nhưng kinh nghiệm cho thấy càng kê đủ thì càng thiếu, cho nên ta nói nó một cách khái quát thôi. Nhân đây chúng tôi xin nói luôn vấn đề nhỏ về thuật ngữ, trong này có sử dụng thuật ngữ là "hoạt động hoá chất", thuật ngữ này được dùng một cách rất phổ biến trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường cũng nói lên quy định luật này điều chỉnh các hoạt động hoá chất. Tôi thấy rằng gọi ngắn gọn như thế rất tiện, xin các đồng chí cân nhắc lại về mặt thuật ngữ xem như thế có ổn không. Vì tôi nhớ khi thông qua Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật lúc đầu các đồng chí bên Bộ Khoa học công nghệ đưa ra thuật ngữ là "hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật", bản thân chúng tôi được phân công thẩm tra thấy cũng được, không có vấn đề gì, nhưng khi ra đến Hội trường Quốc hội nhiều vị đại biểu bảo thuật ngữ đó không đúng tiếng Việt, bởi vì sau chữ "hoạt động" thường phải là "hành động" chứ nó không phải là dự luật, nó phải là động từ chứ không phải là danh từ, ví dụ hoạt động liên quan đến hoá chất, hoạt động sử dụng kinh doanh hoá chất thì được, còn hoạt động hoá chất thì không được. Cho nên, chúng tôi đề nghị vì đây là thuật ngữ liên quan rất nhiều đến các điều khoản của luật, cho nên chúng ta cân nhắc lại xem có nên dùng thuật ngữ đó không hay sửa nó đi.

Vấn đề thứ hai, về bố cục của luật, chúng tôi thấy trong bản dự kiến tiếp thu ý kiến của các đại biểu để chỉnh sửa dự Luật Hoá chất, Ban soạn thảo đã thống nhất sẽ nhập Chương V và Chương VIII, hai chương này đều về vấn đề khai báo thông tin là một, tôi thấy như thế là đúng. Nhưng chúng tôi cũng xin đề nghị là nhập nốt Chương III và Chương IX, cùng quy định về an toàn vào làm một, trong bản giải trình tiếp thu các đồng chí ở Ban soạn thảo có nói Chương III quy định về an toàn trong sản xuất, chỉ đối với môi trường sản xuất, đối với những người trực tiếp tham gia sản xuất, còn Chương IX quy định về an toàn đối với cộng đồng dân cư, chúng tôi thấy đây đều là vấn đề về an toàn cả, người tham gia sản xuất cũng là người, người sống ở bên cạnh khu vực sản xuất của chúng ta có thể bị ảnh hưởng thì cũng là người, môi trường sản xuất cũng là môi trường, môi trường xung quanh doanh nghiệp cũng là môi trường, chúng ta ý thức ở đây có hai vấn đề cần quy định là đúng, nhưng theo tôi tốt nhất nên nhập thành một chương. Nếu tách thành hai chương để cách xa nhau như thế đúng là khó, hai nữa cũng không tránh khỏi có những lúc mình quy định nó sẽ trùng lặp. Tôi xin đề nghị thêm.

Ý kiến thứ ba trong vấn đề bố cục, theo tôi cần phải có riêng một chương về xử lý vi phạm. Vì thực sự ra hoạt động hoá chất này nó liên quan đến an toàn, liên quan đến sức khoẻ, liên quan đến môi trường rất nhiều. Hiện nay chúng ta cũng biết dân người ta cũng kêu ca rất nhiều về chuyện này. Ví dụ như những chuyện về làng ung thư liệu có liên quan đến các doanh nghiệp ở xung quanh không? liên quan đến các chất thải công nghiệp không? Hay toàn bộ sông Cầu hiện nay nhất là từ khu vực nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ ở Thái Nguyên trở đi xuống dưới này như thế nào? Rồi rất nhiều lần các đồng chí ở Hà Nam cũng kêu sông Nhuệ, nước thải ở khu công nghiệp, nước thải sinh hoạt từ Hà Nội và các nguồn ở trên đổ về gây ảnh hưởng đến đời sống của bà con Hà Nam như thế nào? Theo tôi những vấn đề này nó đang là những vấn đề rất bức xúc, nên cần phải có chương riêng về xử lý vi phạm. Tất nhiên ở đây chúng ta có thể nói sợ là đưa xử lý vi phạm vào nó cụ thể quá, nhưng theo tôi chính trong luật cần phải cụ thể mà nhất là cần phải cụ thể về xử lý vi phạm để chúng ta chấn chỉnh tình hình hiện nay.

Vấn đề thứ tư, chúng tôi thấy ở đây trong dự thảo Luật giao cho Chính phủ và Bộ hướng dẫn nhiều quá. Chúng tôi cũng nghĩ cái này không sợ làm tăng cường quyền của bên này, giảm quyền của bên kia nhưng như thế rất nặng nề cho Chính phủ và như thế Quốc hội không thực hiện đúng chức năng của mình, phải có những quy định cụ thể thì Luật mới có thể thi hành được và đây là thể hiện ý chí của toàn dân. Nếu bây giờ mình giao như theo thống kê của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường giao đến 23/63 điều cho Chính phủ quy định, còn nhiều điều khác giao cho Bộ quy định. Tôi lấy ví dụ có những điều giao cho Chính phủ quy định, nhưng đến lúc chúng tôi đọc bản quy định dự thảo kèm theo thì không thấy quy định. Ví dụ, Điều 19, điều dân người ta rất quan tâm là xử lý, thải bỏ hóa chất độc tồn dư, chất thải và các loại bao bì chứa hóa chất độc. Quy định thứ nhất là tổ chức, cá nhân kinh doanh v.v... phải thực hiện các quy định pháp luật về xử lý thải bỏ các chất thải v.v...
Thứ hai là Bộ Công nghiệp chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên môi trường, các Bộ liên quan trình Thủ tướng quy định về xử lý chất độc tồn dư do chiến tranh, do sự cố hóa chất và xử lý chất thải v.v...

Chúng tôi thấy luật quy định quá đơn giản, trong khi đó tôi giở Nghị định ra thì không có một điều nào trong Nghị định quy định về vấn đề này. Nếu hiện nay chúng ta quy định như thế thì không thể nào thực hiện được, mà đây lại là một vấn đề rất bức xúc, đặc biệt là chất độc tồn dư sau chiến tranh, chuyện này tồn tại 30 năm nay rồi, bây giờ mình mới nói Bộ này trình, Bộ kia trình và vẫn chưa có một quy định nào cả, như thế nhân dân cũng có thể không bằng lòng, người ta thắc mắc và cho rằng như thế mình chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này. Hoặc một số quy định khác chúng tôi thấy cũng không ổn. Ví dụ, về vận chuyển hoá chất, trong bản giải trình của Ban soạn thảo nói là Nghị định 13 năm 2004 đã quy định rõ. Theo chúng tôi cái gì trong Nghị định đã quy định mà mình thấy nó chắc chắn rồi, nó tương đối ổn định rồi thì nên đưa vào luật cho cụ thể, không nên để dành cho Nghị định. Hoặc danh mục hoá chất được phép sử dụng, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng thì trong bản tiếp thu giải trình Ban soạn thảo cũng nói vấn đề này mỗi Bộ sẽ có quy định riêng.

Ví dụ chất Craphericol không được dùng trong thuỷ sản nhưng được dùng trong y tế như chất khử trùng. Chúng tôi cũng hiểu như thế, nhưng nếu bây giờ không có Nghị định thống nhất chất chung thì có thể có những chỗ người ta lợi dụng quy định của Bộ Y tế làm ảnh hưởng đến sản xuất thuỷ sản thì sao, hoặc ngược lại. Theo chúng tôi cần có một danh mục chung, danh mục ấy sẽ nêu rõ hạn chế sử dụng thì hạn chế trong lĩnh vực nào, lĩnh vực nào thì không hạn chế sử dụng. Như vậy thì khi người ta nhìn vào một bảng như thế, người ta thấy rõ hơn là bây giờ ta để từng bộ làm. Từng bộ làm mà không có bộ nào đứng ở giữa để thẩm định, để báo cáo với Thủ tướng thì tôi nghĩ rất dễ xảy ra tình trạng không thống nhất. Hoặc là về vấn đề xử phạt thì chúng tôi cho là ở chỗ này phải làm rất kỹ, chứ không thể nào không làm kỹ được.

Về những nghị định thì chúng tôi xin nói như sau: về Điều 10, Điều 11, Điều 12, Điều 13 trong Nghị định thì quy định cũng rất chung. Chúng tôi chờ đợi những điều này được quy định kỹ hơn, nhưng thấy rất chung. Trên đây là 4 vấn đề chúng tôi cho là tương đối lớn xin báo cáo với Quốc hội và cũng đề nghị các đồng chí ở Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh luật.

Xin cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan