Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:24 09-05-2007
Đại biểu Nguyễn Văn Phát - Tỉnh Thanh Hoá

Kính thưa Quốc hội.

Về cơ bản, tôi thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường. Tôi thấy đây là một thẩm tra có chất lượng, có nhiều điều gợi mở để cho Ban soạn thảo cần phải lưu ý và tiếp thu để làm sao cho bộ luật này khi được thông qua lần thứ hai thì ít có ý kiến khác nhau.

Về cá nhân thì tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất là về phạm vi điều chỉnh
thì tôi nghĩ rằng cần phải xem xét ở một góc độ, tức là luật cần phải mở rộng phạm vi ra. Nếu như những khẳng định ở trong dự thảo thì tôi thấy phạm vi cũng đủ rộng, nhưng những quy định cụ thể, những điều ở trong luật thì lại rút ngắn đi, nó thiếu đồng bộ không đảm bảo tính thống nhất từ khi khẳng định phạm vi điều chỉnh. Ở đây, tôi xin tham gia một số vấn đề chung thế này.

Luật Hoá chất có nhiều chương, nhiều điều đã khẳng định được tính chuyên ngành của nó, nhưng rõ ràng trong từng chương, từng điều có trùng lắp, làm cho người đọc và việc triển khai thực hiện luật sau này sẽ khó khăn. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu để bỏ bớt nội dung trùng lắp, mặc dù có thể có những nghiên cứu để quy định có ý khác của người soạn thảo.
Vấn đề thứ hai, các quy định trong luật đã đề cập đến một số vấn đề, nhưng thực tiễn tôi thấy trong luật chưa được đặt ra, ví dụ việc sử dụng hoá chất trong các phòng thí nghiệm, chúng ta thấy rằng các phòng thí nghiệm, kể cả các phòng thí nghiệm quốc gia hiện nay chúng ta sử dụng rất nhiều, nhưng cũng không thấy có nội dung gì quy định trong này hoặc trong các trường đại học, trong các cơ sở nghiên cứu người ta sử dụng hoá chất cũng nhiều.

Thứ hai, trong sản xuất nông nghiệp, ngay trong phạm vi điều chỉnh cũng có một nội dung trong phần giải thích từ ngữ thì bỏ đi nội dung liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Tôi cho đây là một trong những nội dung hết sức cần thiết, trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đã đặt vấn đề này. Có một bất hợp lý là trong phạm vi điều chỉnh thì bỏ nội dung liên quan đến phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng trong quy định về chế tài về quản lý lại quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Nông nghịêp và Phát triển nông thôn, điều này chúng tôi thấy không hợp lý cả về mặt kết cấu, về mặt lôgic, đồng thời nó thiếu vắng một lĩnh vực rất lớn mà hiện nay trong sản xuất nông nghiệp của chúng ta chắc chắn trong tương lai vẫn phải sử dụng những hoá chất này nhiều.

Về chính sách phát triển công nghiệp hoá chất. Chúng tôi thấy 1 trong những điều hết sức quan trọng của luật này là cần phải phát triển những chính sách làm sao để công nghiệp hoá chất của chúng ta phát triển mạnh hơn. Như đại biểu Phạm Quang Dự đã phát biểu chúng tôi rất đồng tình với việc này, bởi lẽ nếu chúng ta chỉ thực hiện việc quản lý, không chú ý đến chính sách phát triển hoá chất thì điều đó rất lãng phí, nó không phục vụ được cho sự nghiệp phát triển, sự nghiệp đổi mới của đất nước chúng ta.

Vấn đề thứ năm, quản lý Nhà nước. Chúng tôi thấy quy định để khắc phục các tồn tại yếu kém hiện nay, nhưng những quy định Ban soạn thảo đưa ra còn nhiều vấn đề chúng tôi rất khó khắc phục được tình trạng lộn xộn trong kinh doanh, trong sản xuất cũng như lưu thông hoá chất hiện nay. Bởi lẽ những quy định đó chưa đảm bảo những quy định cụ thể, còn đang tính chất khung chung, nhiều điều quy định trong luật khác cũng đã quy định. Nhưng ở đây chúng tôi thấy có thể nếu Ban soạn thảo không nêu được những dẫn chiếu cụ thể thì có thể bỏ sót, hoặc có những vấn đề chúng ta quy định rất chồng chéo và ngay bản thân chúng tôi thấy Ban Soạn thảo cũng đã nêu vấn đề này trong tờ trình của mình.

Một vấn đề nữa là vấn đề liên quan đến đầu tư, tôi xin báo cáo với Quốc hội rằng trong các quy định về các cơ quan quản lý trong luật này rất nhiều các cơ quan, nếu chúng ta quy định như vậy, rõ ràng các nhà đầu tư khi thực hiện quá trình đầu tư đối với công nghiệp hoá chất sẽ phải thực hiện một quá trình xin ý kiến và phải được thẩm định ở nhiều khía cạnh rất khác nhau. Cho nên, tôi thấy rằng nếu làm như vậy sẽ cản trở quá trình đầu tư. Cần thiết trong luật này cũng phải quy định một quá trình làm thế nào đó để cho các nhà đầu tư người ta chỉ cần đi qua một số cửa và ở cửa đó đã khẳng định được tất cả những yêu cầu, những điều trong luật đã nêu ra, tôi xin nói chung như thế.

Về điều cụ thể, tôi xin được nêu mấy vấn đề sau:
Ở Điều 7 những hành vi cấm, một số đại biểu đã nêu chúng tôi thấy rằng cấm này chưa phù hợp với những nội dung quy định trong phạm vi điều chỉnh của luật, cần phải nghiên cứu để làm sao chúng ta thể hiện được những việc cấm, những hành vi vi phạm pháp luật của Luật Hoá chất. Nhưng đồng thời cũng phải suy nghĩ đến việc đó là nếu chúng ta cấm quá nhiều thì hiệu lực, hiệu quả và trong thực tiễn có thể không đáp ứng được. Ví dụ việc chỉ cấm mình việc sử dụng thì nó không đúng, mà ngay cả hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu, hoạt động vận chuyển, các việc đầu tư như đại biểu Phạm Quang Dự nêu chúng tôi thấy cần phải đề cập ở trong phần nội dung này. Liên quan đến nội dung cấm tức là những chế tài làm sao để chúng ta xử lý những người vi phạm này, thì trong Luật chúng tôi vẫn thấy rất chung chung, vì Luật của chúng ta là Luật chuyên ngành và Luật cần phải những điều cụ thể, chí ít cũng phải quy định những điều xử lý đối với những trường hợp sử dụng hóa chất nguy hiểm ở trong luật này, còn các hóa chất khác thì có thể sử dụng trong các điều luật ở trong quy định khác.

Vấn đề thứ hai là thực tế trong sử dụng hóa chất, chúng tôi thấy thuốc trừ sâu và các chất kích thích bảo quản sản phẩm nông nghiệp, kinh doanh nông sản của chúng ta hiện nay chúng tôi thấy đến mức báo động. Rõ ràng người tiêu dùng thì rất băn khoăn, bản thân chúng ta cũng thấy rằng không biết nên sử dụng sản phẩm nào và khả năng sử dụng sản phẩm như vậy thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe mình hay không.

Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta không có những quy định để quản lý việc  sử dụng các chất kích thích, bảo quản các sản phẩm nông sản thì tôi chắc chắn là nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất kinh doanh, cũng như người sản xuất chân chính. Nó cũng không làm giảm bớt được những hành vi vi phạm pháp luật của những người trục lợi dựa vào những tiến bộ khoa học để mà thu lợi bất chính trong chỗ này. Đó là điều thứ ba.

Thứ tư, chúng tôi thấy có một số điều liên quan đến quy định về cơ quan quản lý Nhà nước. Ở đây tôi thấy trong luật đã quy định rất rõ đối với cơ quan quản lý Nhà nước Bộ Công nghiệp là cơ quan chủ trì, các Bộ, ngành liên quan thuộc quản lý phạm vi của mình. Nhưng ở Trung ương có cơ quan quản lý hoá chất, còn địa phương có một quy định giao cho cơ quan chuyên môn, mà cơ quan chuyên môn này do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự nghiên cứu và tự giao nhiệm vụ vì như thế sẽ bảo đảm không thống nhất được trong toàn quốc. Dẫn tới không thống nhất giữa các cơ quan Trung ương, theo hệ thống dọc và hệ thống ngang thì tuỳ theo địa phương người ta quy định giao cho Sở Tài nguyên môi trường, Sở Nông nghiệp hay Sở Y tế hay Sở Công nghiệp. Cho nên tôi nghĩ cần phải quy định thống nhất trong luật, tránh trường hợp tuỳ tiện sau này rất khó khăn trong quá trình quản lý.

Một vấn đề nữa liên quan đến khoảng cách an toàn, tôi thấy trong luật quy định cũng chưa phù hợp. Quy định như vậy nó có những vấn đề không phù hợp với Luật bảo vệ môi trường. Bởi vì không phải chỉ quy định mình cái khoảng cách công trình mà phải quy định cả những công trình dân sinh, các công trình sử dụng nước và kể cả vùng sản xuất thực phẩm, như vậy mới đảm bảo vấn đề an toàn trong vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như phục vụ đời sống nhân dân. Một điểm cuối cùng tôi muốn nói liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành. Tôi đề nghị không nên quy định cụ thể, chi tiết nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong luật này. Vì quy định như thế cung không hoàn toàn đủ, quy định như vậy cũng có thể sẽ thiếu sót và chồng chéo. Ví dụ, quy định về trách nhiệm của Bộ Công nghiệp liên quan đến phê duyệt tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn của chúng ta có tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở. Theo Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn thì trách nhiệm ban hành tiêu chuẩn quốc gia thuộc về Bộ Khoa học Công nghệ, điều này cần xem xét để làm sao có một quy định cơ quan quản lý thống nhất, đồng thời các cơ quan quản lý Nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện cho cụ thể, còn nhiệm vụ cụ thể do Chính phủ quy định thì tốt hơn.
Tôi xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan