Các đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Hoá chất

Thứ Tư 22:31 09-05-2007
Đại biểu Hoàng Thanh Phú - Tỉnh Thái Nguyên
Kính thưa Quốc hội.

Tôi nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất và nhất trí với quan điểm thứ ba mà trong Tờ trình của Chính phủ nêu lên là luật này cần phải cụ thể và được thực hiện trong thực tiễn. Và cũng đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường cho rằng, quan điểm này thì không thực hiện trong luật này, còn tới 23 điều trên 64, 65 điều quy định trong luật là Chính phủ hướng dẫn. Cũng qua dự thảo những Nghị định gọi là thi hành chi tiết, hướng dẫn chi tiết thi hành luật này cũng không đủ để hướng dẫn thực hiện luật này. Như vậy đây là một trong những vấn đề mâu thuẫn rất lớn giữa phạm vi điều chỉnh của luật với mong muốn vấn đề cụ thể hoá của luật, chi tiết của luật. Tôi thấy nếu Luật Hoá chất cũng như phạm vi điều chỉnh như thế này thì có thể nói hoá chất nó ở quanh ta, chỗ nào cũng có, có rất nhiều loại, ta điều chỉnh tất cả các loại hoá chất thì không điều chỉnh được.

Trước hết phải xác định đối tượng hoá chất cần điều chỉnh trong luật này, nếu không xác định được đối tượng hoá chất điều chỉnh trong luật này, thì toàn bộ nội dung của luật này không cụ thể được. Cho nên, tôi đề nghị đối tượng hoá chất để điều chỉnh trong luật này là đối với hoá chất gây độc hại cho người, gây huỷ hoại tài sản và môi trường thì phải khoanh lại đối tượng hoá chất đấy. Còn tất cả các loại đối tượng hoá chất, bây giờ ta hàng ngày đều tiếp xúc với hoá chất tất, con người ta cũng từ hoá chất sinh ra, ăn hàng ngày cũng từ hoá chất, tất cả các thứ đều là hoá chất cả, mà ta bảo ta điều chỉnh tất cả hoá chất ấy, đưa vào luật này có lẽ không điều chỉnh được, không thể nào cụ thể được. Cho nên, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu cái đó, hoá chất nhưng đối với đối tượng là hoá chất nào thôi. Hoặc một số vấn đề có quy định về hoá chất độc hại, loại bỏ những cái liên quan bây giờ nó rất đang bức xúc đến đời sống liên quan đến phụ gia thực phẩm, đến chuyện này chuyện khác, liên quan đến rau sạch, cái A, cái B sử dụng trong hoá chất này. Ta lại loại nó ra, tức là cái mà đời sống đang cần, luật loại nó ra, cái mà đời sống chưa cần, tức là không cần điều chỉnh nó, vì nó diễn ra hàng ngày thì ta đưa vào điều chỉnh ở luật này, nó trở thành mẫu thuẫn rất lớn. Cho nên, tôi đề nghị cần xác định lại đối tượng hoá chất điều chỉnh trong luật này là như thế nào. Trên cơ sở đó mới điều chỉnh quá trình từ đầu tư cho đến vấn đề tiêu dùng, cho đến huỷ hoá chất đó đi, điều chỉnh tất cả các loại hoá chất, thì thưa các đồng chí không thể nào cụ thể được. Đấy là vấn đề đặt ra như vậy.

Từ đó, chúng tôi đề nghị khái niệm về hoá chất nên làm rõ về khái niệm hoá chất, tên có thể để đó cũng được, hoặc ghi rõ tên của luật này là Luật Hoá chất gây độc hại, hoặc tên để thế cũng được, nhưng phạm vi điều chỉnh tôi đề nghị một trong yếu tố rất quan trọng hoá chất này là hoá chất nào? Tôi đồng tình nên viết gọn lại theo phạm vi điều chỉnh của luật, mà theo Báo cáo thẩm tra luật này quy định về hoá chất gây độc hại cho người, tài sản và môi trường, quyền và nghĩa vụ của tổ chức cá nhân tham gia hoạt động hoá chất, quản lý Nhà nước hoạt động hoá chất. Còn hoạt động hoá chất từ đầu tư cho đến huỷ hoại ra làm sao, đưa vào khái niệm. Đấy là tôi đề nghị như vậy, nhưng phải phân loại cho được loại hoá chất nào trong phạm vi điều chỉnh này, chứ nếu không đưa được loại hoá chất nào vào trong loại điều chỉnh này thì luật này không điều chỉnh được. Đấy là vấn đề chúng tôi thấy như vậy.

Từ vấn đề đó thể hiện như Báo cáo thẩm tra tôi cũng không đồng tình lắm nếu mà ta xác định đối tượng là hoá chất độc hại thì trong sản xuất kinh doanh ta không khuyến khích sản xuất kinh doanh đối với hoá chất độc hại, thì nên ngược lại chứ không phải khuyến khích. Chứ nếu là Luật hoá chất thì lại khuyến khích phát triển hoá chất từ hoá chất tất cả các thứ này, nhưng nếu như xác định nó là đối tượng mà ta điều chỉnh trong luật này là điều chỉnh đối với những hoá chất gây độc hại thì trong sản xuất kinh doanh ta không khuyến khích phát triển và từ cái đó thì sản xuất kinh doanh hóa chất này mới là sản xuất kinh doanh có điều kiện. Tức là đã là sản xuất hóa chất gây độc hại thì sản xuất kinh doanh này là sản xuất kinh doanh có điều kiện. Đấy là tôi đề nghị như vậy, kể cả kinh doanh. Từ cái đó liên quan đến vấn đề vận chuyển hóa chất, cũng chỉ quy định cho vận chuyển hóa chất độc hại thôi, còn vận chuyển những hóa chất thông thường thì chẳng quy định làm gì. Bây giờ người ta vận chuyển bình thường thôi, thịt lợn, gia cầm, gia súc người ta vận chuyển cái đó là bình thường. Bây giờ mình quy định những thứ đó làm gì, đấy là chúng tôi đề nghị từ cái đó nó sẽ có những quy định ngược trở lại một số liên quan đến Luật. Ý thứ nhất chúng tôi thấy như vậy.

Ý thứ hai, ở đây cần có quy định cụ thể, nếu nói một loại hóa chất thì có thể gây độc hại cho lĩnh vực sử dụng này, có thể trong lĩnh vực khác lại không phải là độc hại, cần có những quy định cụ thể liên quan đến cái đó. Ví dụ, trong sản xuất bánh phở hoặc thực phẩm là hóa chất là hàn the thuộc loại độc hại, nhưng trong công nghiệp thì hàn the không phải là hóa chất độc hại. Ví dụ, công nghệ hàn thì độc hại lại là gây cháy nổ, lại là ôxi, thế còn hàn the lại không phải là loại độc hại. Về điều này thì ta phải có phân biệt những thứ đó, những hóa chất đó để làm sao quy được cụ thể, chứ nếu không có quy định cụ thể thì tôi thấy luật sẽ không đi vào cuộc sống.

Vấn đề nữa là đã quy định về hóa chất độc hại thì quy định ở tất cả lĩnh vực, từ sản xuất cho đến tiêu dùng. Trong tiêu dùng thì cả tiêu dùng trong công nghiệp, tiêu dùng trong đời sống hàng ngày, chứ chúng ta không loại trừ trong đời sống hàng ngày, nhưng chỉ khoanh lại trong hóa chất độc hại thôi. Đấy là ý thứ nhất liên quan đến phạm vi điều chỉnh mà tôi cho là đối tượng thì rất quan trọng trong luật này. Đấy là ý thứ nhất thì chúng tôi thấy như vậy.

Ý thứ hai, tuy là ý nhỏ, khi trước chúng tôi đã tham gia rồi, nhưng chưa thấy tiếp thu là liên quan đến khái niệm về sự cố hóa chất. Ở đây ghi là: sự cố hóa chất là tình trạng cháy nổ, rò rỉ, phát tán hóa chất ngoài dự kiến và không kiểm soát được. Nếu chúng ta đưa sự cố hóa chất hoặc là tất cả các sự cố khác nữa mà những sự cố này gọi là "không kiểm soát được" thì thưa với các đồng chí là không quy được trách nhiệm cho ai. Tức là cái này vô can, vì chẳng ai chịu trách nhiệm về vấn đề này cả. Đưa một khái niệm như thế thôi, rất nhỏ như thế thôi, nhưng nó lại có tác động rất lớn tới toàn bộ điều chỉnh của luật này. Anh không sửa được nếu khái niệm nó là sự cố, cái này nó đương nhiên, không có ai ngăn cản được nó, cái này không phải. Tức là ngoài kiểm soát, không kiểm soát được thì cái này không phải mà bắt buộc con người, đối tượng con người phải kiểm soát nó để ngăn chặn những sự cố đó. Cho nên sự cố nào đã xảy ra rồi thì phải tìm cho đến cùng trách nhiệm cá nhân ra sao, không thể nào để sự cố này đương nhiên được.

Các văn bản liên quan