Bình luận về dự thảo báo cáo rà soát luật đất đai – TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam

Thứ Tư 13:55 28-09-2011

Thứ nhất, tôi nhất trí dùng quyền sở hữu nhà nước thay cho quyền sở hữu toàn dân. Muốn như vậy thì điều đầu tiên là phải sửa Hiến pháp chứ không phải chỉ có sửa luật.

     Thứ hai, nói Sở hữu nhà nước tuy nhiên nhà nước lại là một phạm trù rất rộng. Tuy luật không đề, thậm chí cấm nhưng UBND xã cũng thu hồi đất của dân với danh nghĩa của nhà nước. Cho nên Nhà nước là phải xác định rõ. Vì vậy, Điều 5, Điều 6, Điều 7 xem có nên bổ sung gì không?

     Về phân loại đất theo Luật năm 1993 đưa ra 6 loại đất trong đó có đất đô thị. Đến Luật năm 2003 bỏ hết chỉ còn 3 loại là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Cách chia này thể hiện quan điểm trọng nông, coi nông nghiệp là trung tâm của vũ trụ. Cái gì không phải là nông nghiệp thì gọi là phi nông nghiệp. Quan điểm này có phù hợp với thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa bây giờ hay không? Trung Quốc cũng chia như thế nhưng họ không gọi là đất phi nông nghiệp là gọi là đất kiến thiết – chúng ta dịch là đất xây dựng. Như vậy là có 3 loại là đất xây dựng, đất nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Đất phi nông nghiệp chúng tôi hiểu các vị hiện nay quản lý đất đai chủ yếu là xuất thân từ ngành nông nghiệp nên chả hiểu gì về các loại đất khác đâu.

     Về cơ chế thu hồi đất.

     Tôi nhớ cách đây 3 năm, Quốc hội Pháp đã chất vấn Chính phủ thu hồi đất ở trong Paris để xây dựng trụ sở, cơ quan của Chính phủ mà không phải dưới hình thức đi mua mà là trưng thu, trưng mua. Quốc hội chất vấn phải giải thích rõ việc trưng mua ấy có vì lợi ích công cộng hay không? Không phải đã xây dựng trụ sở là vì lợi ích công cộng.

    Coi các đối tượng bị thu hồi đất không phải là những người bị thiệt hại trong quá trình phát triển, mà trái lại, đó là những người đóng góp đất đai vào phát triển đất nước, và phải được hưởng lợi từ kết quả của phát triển, cũng như những người bỏ vốn đầu tư và thu được lợi nhuận. Họ bỏ vốn thì có lãi, tại sao tôi góp đất vào lại chỉ có thu hồi vốn tức là bồi thường với giá trị gốc của nó. Vấn đề này là một quan điểm rất quan trọng mà chúng ta tuyên bố rằng mục tiêu là xây dựng dân chủ công bằng văn minh thì nên chấp nhận điều này. Còn chấp nhận rồi thì làm thế nào để áp dụng thì sẽ có cách.

     Trung Quốc cách đây 2 năm ra luật vật quyền pháp – phương Tây gọi là luật về quyền tài sản. Tại sao không gọi là quyền sở hữu mà gọi là quyền tài sản? Ở nước Anh đất đai là thuộc nhà vua nhưng chẳng khác gì của tư nhân vì ở Anh người ta coi quyền sử dụng là tài sản của cá nhân. Trung Quốc  nghiên cứu cái đó và cho ra vật quyền pháp. Tóm lại, một khi đất đã là sở hữu nhà nước thì nên tuyên bố quyền tài sản là quyền tài sản tư nhân và được pháp luật bảo vệ.

 

Các văn bản liên quan