Ý kiến của ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Toàn Cầu

Thứ Năm 00:19 29-09-2011

GÓP Ý VỀ LUẬT ĐẤU THẦU VÀ LUẬT XÂY DỰNG

 

Sự cần thiết phải rà soát và hoàn chỉnh Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng là quá rõ. Chúng ta đang trong quá trình điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật để có thể vận hành tốt cơ chế quản lý kinh tế thị trường theo định hướng XHCN ở nước ta đồng thời có thể hòa nhập với môi trường khu vực và thế giới.

Rõ ràng trong gần 6 năm thực hiện Luật Đấu thầu và gần 8 năm thực hiện Luật Xây dựng không phủ nhận vai trò và sự đóng góp của 2 luật này là những viên gạch đầu tiên trong nền tảng luật pháp ở lĩnh vực này ở nước ta. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành nó cũng bộc lộ một số hạn chế mà chắc chắn chúng ta cần đề nghị Quốc hội, chính phủ rà soát điều chỉnh.

Điều đầu tiên là sự thiếu nhất quán, không đồng bộ giữa các văn bản luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh bất động sản và bộ luật gốc là Bộ luật Dân sự Việt Nam đấy là chưa kể sự không tương thích của một loạt các văn bản dưới luật như Thông tư, Nghị định, Quyết định …. (Đúng với luật này nhưng lại sai với luật khác và ngược lại). Sự rối rắm của hệ thống văn bản pháp luật này gây nhiều khó khăn thậm chí tranh cãi cho các đối tượng bị luật chi phối. Do vậy việc VCCI tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia để kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ rà soát lại là một việc rất đáng trân trọng và nên làm. Nhưng rà soát, điều chỉnh thế nào cũng là một việc phải bàn. Ví dụ: Theo khuyến nghị của Ban soạn thảo về những nội dung lựa chọn thì ngay phạm vi điều chỉnh đã đưa ra ba phương pháp tiếp cận. Cụ thể:

- Phương án 1: Hiệu chỉnh trực tiếp Luật đấu thầu theo cách tư vấn đề xuất.

- Phương án 2: Soạn Luật mới thay thế Luật Đấu thầu với phạm vi điều chỉnh toàn diện các hoạt động mua sắm, dịch vụ, xây lắp …

- Phương án 3: Tương tự như phương án 2 với việc điều chỉnh quản lý theo gói thầu.

Ở đây nếu chúng ta lựa chọn tiếp cận theo phương án 1, chỉ sửa Luật Đấu thầu theo ý kiến đề xuất như vậy nếu các sửa đổi này vẫn mâu thuẫn với các luật khác liên quan không sửa thì xử lý thế nào?

Vấn đề ở đây là các luật được Chính phủ giao cho các Bộ chuyên ngành soạn thảo. Ví dụ: Luật Đấu thầu do Bộ Kế hoạch và đầu tư chấp bút, Luật Xây dựng do Bộ Xây dựng soạn thảo mà không có các cơ quan chuyên trách về luật pháp của Quốc hội soạn thảo chung, chính vì vậy không thể tránh khỏi ý kiến, quan điểm chủ quan thậm chí đôi khi là lợi ích cục bộ của các cơ quan soạn thảo và hệ quả tất yếu là nó có sự vênh nhau giữa các luật nên việc áp dụng luật này thì mâu thuẫn với luật khác ….Vì vậy cần giải quyết vấn đề gốc rễ này trước và nếu đã thống nhất quan điểm thì nên dùng phương án tiếp cận thứ 2 là soạn luật mới với phạm vi điều chỉnh toàn diện các hoạt động mua sắm, dịch vụ, xây lắp … cho phù hợp với các cam kết chúng ta đã chấp nhận khi hội nhập quốc tế đồng thời cũng phù hợp với các tập quán và thông lệ quốc tế và cơ quan soạn thảo phải là một bộ phận am hiểu luật pháp, nghề nghiệp và có trách nhiệm chứ không nên nằm ở một Bộ nào.

Trước mắt, về các vấn đề cụ thể, chúng tôi có một số kiến nghị như sau:

1. Phạm vi áp dụng của luật đấu thầu:

Các dự án, các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn của các doanh nghiệp có từ 30% vốn nhà nước trở lên (kể cả nguồn vốn vay thương mại của các doanh nghiệp này) đều phải áp dụng luật đấu thầu vì suy cho cùng dù là nguồn vốn vay thương mại nhưng trách nhiệm trả nợ thì doanh nghiệp nhà nước vẫn phải lo trên 30%. Vì vậy về cơ bản sâu xa đó vẫn là vốn của Nhà nước dẫn đến việc áp dụng là bắt buộc còn các doanh nghiệp dưới 30% vốn của doanh nghiệp Nhà nước thì chỉ khuyến nghị tham khảo cách làm mà không bắt buộc;

2. Về quản lý hợp đồng:

Hiện nay lĩnh vực đầu tư xây dựng thông thường có 2 khái niệm Hợp đồng:

Thứ nhất: Hợp đồng trọn gói được hiểu là nhà thầu phải chịu trách nhiệm đến cùng cả về khối lượng và biến động giá của thị trường

Thứ hai: Hợp đồng có điều chỉnh: Thông thường loại Hợp đồng này được áp dụng là khối lượng và đơn giá tạm tính theo thực tế và dự toán của Chủ đầu tư hoặc nhà thầu chỉ đến khi nghiệm thu thực tế nếu khác biệt sẽ được điều chỉnh.

Như ở nước ta có quy định Hợp đồng có điều chỉnh phải có thời gian và thực hiện trên 12 tháng mới được điều chỉnh giá. Ở đây có sự lẫn lộn giữa việc điều chỉnh giá do khối lượng thay đổi và việc điều chỉnh giá do đơn giá thay đổi để đối phó với chỉ số CPI tăng cao. Hiện ta có quy định khi lập dự toán phải có dự phòng 15%, trong đó 5% dự phòng khối lượng tăng và 10% là dự phòng trượt giá. Như vậy, việc sử dụng từ ngữ ở đây trong văn bản luật cần làm rõ để khi vận dụng không bị hiểu lầm. Chúng tôi cho rằng đối với hợp đồng trọn gói nên được hiểu là nhà thầu phải chịu trách nhiệm về sự chính xác của khối lượng công việc trong hồ sơ dự thầu của mình nhưng phần trượt giá vẫn phải tính đến cho nhà thầu.

Một khái niện nữa cần phải làm rõ khi đánh giá các hồ sơ thầu là “Giá đánh giá”. Sở dĩ có khái niệm này vì các nhà thầu khi chào thầu có thể dùng các loại vật liệu khác nhau hoặc các biện pháp kỹ thuật khác nhau nên giá dự thầu có thể khác nhau nhưng không phản ánh đúng bản chất cạnh tranh của từng hồ sơ do vậy cần đưa về một mặt bằng để có tiêu chí đánh giá. Việc làm này là cần thiết và đúng đắn, tuy nhiên cách áp dụng cụ thể cho việc quy về một mặt bằng lại không rõ ràng nên việc đưa về một tiêu chí “Giá đánh giá”còn hết sức trừu tượng và khó thực hiện.

Về vấn đề luật nên chỉnh sửa thế nào để hỗ trợ các nhà thầu trong nước phát triển mà không mâu thuẫn với các cam kết hội nhập của chúng ta? Rõ ràng hiện nay các gói thầu, dự án sử dụng vốn WB, ADB, FDI hoặc ODA của nước ngoài, cơ hội của các nhà thầu Việt Nam là rất nhỏ nếu không muốn nói là không có. Nhưng không chỉ có các dự án dùng vốn nước ngoài hoặc các tổ chức quốc tế mà ngay cả một số dự án dùng vốn trong nước thậm chí vốn ngân sách nhà nước thì các nhà thầu Trung Quốc cũng đang chiếm ưu thế như một số dự án xi măng, điện, khai thác bô xít …. Đây là một vấn đề cần được giải quyết kịp thời. Sở dĩ có hiện tượng này là do một số chủ đầu tư chỉ đặt một tiêu chuẩn giá thuần túy mà không quan tâm tới xuất sứ của vật tư, thiết bị (lại quay lại vấn đề giá đánh giá). Vì vậy, cần có những điều chỉnh bổ sung đối với các gói thầu dùng vốn trong nước để có thể hạn chế được hiện tượng các nhà thầu Trung Quốc đang phá giá để chiếm ưu thế.

Về vấn đề quản lý Hợp đồng trong luật Đấu thầu: Lâu nay chỉ quan tâm đến các chế tài đối với nhà thầu nhưng gần như không ai quan tâm tới quyền lợi của các nhà thầu một cách bình đẳng. Đại đa số các gói thầu dùng vốn trong nước, đặc biệt dùng vốn ngân sách nhà nước thì việc thanh toán hết sức chậm trễ, có khi làm xong 2, 3 năm mới được thanh toán. Lý do thì nhiều nhưng cơ bản là ngân sách còn hạn chế và thủ tục rất nhiêu khê nên nhiều chủ đầu tư lấy lý do là thủ tục chưa hoàn chỉnh lên chậm thanh toán. Chúng tôi cho rằng trong quản lý Hợp đồng cần làm rõ trách nhiệm của chủ đầu tư trong thanh toán chậm.

Về một số khái niệm, thuật ngữ trong Luật Xây dựng: Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với các ý kiến đóng góp về khái niệm thuật ngữ “Thiết kế cơ sở” ở bước làm dự án, báo cáo đầu tư không nêu yêu cầu phải có thiết kế cơ sở ở đây vì lúc đó không đủ điều kiện để thực hiện.

Chúng ta chỉ nên có khái niệm Thiết kế sơ bộ – Concept design – Thiết kế kỹ thuật và Thiết kế bản vẽ thi công. Giai đoạn thiết kế cơ sở hiện nay nằm giữa thiết kế sơ bộ và thiết kế kỹ thuật lại đang được sử dụng khá nhiều trong các bước lập dự án và thực hiện dự án.

Riêng về thủ tục cấp phép xây dựng hiện nay sau khi thiết kế cơ sở được góp ý của các cơ quan có thẩm quyền (thực chất vẫn là thẩm định mặc dù không dùng từ thẩm định), có quyết định giao đất, có bản đồ đo đạc mốc giới do Xí nghiệp đo đạc bản đồ lập thì cơ quan cấp phép xây dựng nên xem xét thủ tục cấp phép. Những thủ tục này quá rắc rối và mất thời gian chu chủ đầu tư. Thậm chí ngay một cán bộ có thẩm quyền cấp phép cũng đồng ý rằng để cấp phép cơ quan quản lý không cần phải chi tiết mốc giới của từng góc nhà mà vấn đề là phải quản lý mật độ xây dựng có đúng số đã được duyệt không? Chiều cao tòa nhà (hệ số sử dụng đất và chiều cao tĩnh không) đúng với các chỉ tiêu được duyệt là đủ, các nhà có xê dịch so với mốc giới ban đầu nhưng không tăng diện tích xây dựng, không tăng chiều cao thì không có vấn đề gì. Vì thực chất các yếu tố như kết cấu tòa nhà, công tác cấp thoát nước, điện, PCCC đã được các cơ quan có thẩm quyền xem xét hoặc thẩm định rồi. Vì vậy thủ tục cấp phép cần phải rút gọn là một bước cải tiến cần thực hiện.

Trên đây là một vài ý kiến đóng góp cho việc rà soát điều chỉnh Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng. Chúng tôi cho rằng rà soát là hết sức cần thiết nhưng để việc rà soát có hiệu quả thì giải pháp và cách thức rà soát cũng cần trao đổi để rà soát điều chỉnh một lần có thể loại bỏ được cơ bản những bất cập, vênh giữa các luật với nhau đồng thời đảm bảo được yêu cầu hội nhập với khu vực và quốc tế mà chúng ta đang phải thực hiện.

 

Hà Nội, ngày 28 tháng 9 năm 2011

NGUYỄN QUỐC HIỆP

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc

Công ty cổ phần đầu tư dầu khí Toàn Cầu

 

 

 

Các văn bản liên quan