Báo cáo tổng hợp Hội thảo ngày 4/3/2005 tại Hà Nội

Thứ Sáu 10:34 26-05-2006
Ngày 4/3/2005 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất) và Dự án VIE 01/025 tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo 1 Dự án Luật Doanh nghiệp (thống nhất). Trân trọng giới thiệu Báo cáo tổng hợp của Hội thảo này. Những ý kiến phản biện, giải trình của Ban Soạn thảo về từng vấn đề sẽ tiếp tục được đăng tải trên Diễn đàn này.


BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN
HỘI THẢO LẤY Ý KIẾN DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP (THỐNG NHẤT)


I – THÔNG TIN CHUNG
Thời gian: Ngày 04 tháng 03 năm 2005 (từ 8h30' đến 4h30')
Địa điểm: Hội trường lớn, trụ sở Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội

Đơn vị tổ chức: 1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
2. UNDP, Dự án VIE/01/025
3. Ban Soạn thảo Luật Doanh nghiệp (thống nhất)

Chủ trì hội thảo: 1. Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch VCCI
2. Ông Đinh Văn Ân, Trưởng Ban Soạn thảo
3. Ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Ban Soạn thảo
4. Ông Trần Hữu Huỳnh, thành viên Ban Soạn thảo
5. Ông Nguyễn Như Phát, PGS, TS Viện NN và PL

Thành phần tham dự: Khoảng 170 đại biểu từ các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, các luật sư, luật gia, chuyên gia, các cán bộ của các Bộ, ngành, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, đại diện các sở, ngành tại địa phương…
(Danh sách đại biểu tham dự kèm theo).


II – ĐÓNG GÓP TRÊN CÁC VẤN ĐỀ ĐỀ NGHỊ LẤY Ý KIẾN
1. Về Giấy phép kinh doanh
 Kinh doanh là quyền tự do cơ bản của người dân. Mọi sự can thiệp của cơ quan Nhà nước cần quy định trong văn bản Luật trở lên (không phải cấp Nghị định trở lên như hiện nay). Ý kiến khác cho rằng nhất thiết phải do Luật quy định, không giao cho Nghị định vì nhiều bộ, ngành lợi dụng thẩm quyền của mình đưa ra những giấy phép kinh doanh nhằm tạo ra bổng lộc cho cơ quan mình, đưa những điều kiện kinh doanh khó khả thi, gây ra khó khăn cho người kinh doanh dẫn tới những hiện tượng tiêu cực, bôi trơn để đối phó khi kinh doanh.
 Không nên đưa ra định nghĩa về giấy phép như dự thảo mà đưa ra một quy trình ban hành giấy phép đối với ngành nghề kinh doanh, thẩm định lại các giấy phép hiện đang tồn tại.
 Cần có quy định thật cụ thể, rõ ràng về quy chế cấp giấy phép, chỉ cấp giấy phép đối với một số ngành thực sự cần giấy phép.
 Khái niệm đưa ra không hợp lý vì nặng về giải thích khái niệm cấp phép chứ không phải giải thích về giấy phép, khái niệm đưa ra rất chung chung. Định nghĩa như sau: "Giấy phép kinh doanh là giấy do cơ quan có thẩm quyền cấp cho một tổ chức hoặc cá nhân được hoạt động kinh doanh một hay một số ngành nghề nào đó, trên cơ sở xem xét năng lực thực tế của tổ chức hoặc cá nhân đó".
 Việc đưa ra một quy trình bắt buộc phải thực hiện khi cấp phép kinh doanh là cần thiết nhằm tránh sự tùy tiện của các cơ quan có thẩm quyền khi cấp phép, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức hoặc cá nhân khi đi xin phép để được cấp giấy phép kinh doanh một cách nhanh chóng, minh bạch.
 Phải có những quy định chống lại sự lạm dụng của một số Ban ngành chức năng đã tùy tiện đưa ra những qui định cốt để giành thuận lợi cho mình đẩy khó khăn cho người khác như đã và đang diễn ra trong quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp. Muốn vậy Luật phải quy định (hay giao cho Chính phủ quy định) danh mục những ngành nghề, ngành hàng chỉ nhà nước mới được phép kinh doanh (mà trước đây gọi là ngành nghề bị cấm), những ngành nghề ngành hàng kinh doanh có điều kiện và điều kiện cần phải hội đủ mới được phép kinh doanh cho đối tượng là nhà đầu tư trong nước và đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài (dĩ nhiên danh mục này càng ít càng tốt), những ngành nghề còn lại mọi nhà đầu tư đều được quyền tự do kinh doanh. Trường hợp Chính phủ ủy quyền cho các Bộ, ngành hay địa phương đưa ra điều kiện, thì phải quy định các thủ tục, quy trình và chế tài buộc các tổ chức có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm chỉnh.
 Định nghĩa như trong Dự thảo là khá phù hợp. Qua thực tế vướng mắc thường xảy ra trong quá trình cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp cần thiết phải ban hành 1 quy trình thống nhất nhưng đảm bảo sự đơn giản tiện lợi và rõ ràng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có được giấy phép nhanh.
 Định nghĩa như Dự thảo là sai lầm về cơ bản. Dự thảo nên định nghĩa "giấy phép kinh doanh" chứ không phải "việc cấp phép". Định nghĩa đề nghị thay thế là: "Giấy phép kinh doanh là sự chứng nhận của chính quyền về việc người có tên trong giấy phép có đủ các điều kiện mà luật pháp đòi hỏi để kinh doanh, được phép giao dịch với những người khác, chịu trách nhiệm và hưởng quyền lợi từ những giao dịch đó và được bảo vệ trong phạm vi của luật pháp".
 Trong phạm vi Luật Doanh nghiệp nên quy định rõ "việc cấp giấy phép kinh doanh chỉ áp dụng đối với các ngành nghề theo danh mục đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Danh mục này được rà soát và cập nhật lại định kỳ (tối thiểu mỗi mỗi năm một lần). Kèm theo danh mục này là các điều kiện, thẩm quyền, thời hiệu… liên quan đến việc cấp phép cũng được ghi cụ thể. Nếu cần thiết, danh mục này cũng sẽ được thông qua Quốc hội.

2. Về một số ngành, nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh
 Nhất trí với thiết kế buộc bốn loại ngành nghề trên phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh. Ngoài ra, cần đưa thêm một số ngành nghề có tính chất "nguy hiểm cao" đối với khách hàng như ngành giám định hàng hóa…
 Sẽ tốt hơn (và cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới) nếu không bắt buộc những người kinh doanh những ngành mang tính chất nghề nghiệp chỉ được lựa chọn hình thức hợp danh để tổ chức công ty của mình nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho những đối tượng này có khả năng hội nhập, tăng sức cạnh tranh để phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Ở các nước phát triển, mô hình công ty hợp danh truyền thống đã được xác định là không còn phù hợp với đòi hỏi của thị trường.
 Không nhất trí. Lý do vì yêu cầu này đã có trong Dự thảo Luật Doanh nghiệp 1999 nhưng đã bị bãi bỏ. Nên rất khó được Quốc hội năm 2005 thông qua. Nên thay bằng cơ chế buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
 Không nhất trí. Trên thực tế, hạn chế đó thể hiện tư duy và nhận thức quá cũ, đơn giản, máy móc và không còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay. Chẳng hạn về dịch vụ luật sư, công ty hợp danh có thể phù hợp với các luật sư chuyên về tư vấn hay tranh tụng dân sự và hình sự, hơn nữa ở các đo thị nhỏ và nông thôn. Còn đối với hoạt động tư vấn về kinh tế, thương mại thì với các luật sư đơn lẻ và chịu TN vô hạn, làm sao một công ty luật hợp danh của Việt Nam có đủ tiềm lực tài chính và năng lực chuyên môn của số đông, có bề dày kinh nghiệm và uy tín, có sự chia sẻ và giới hạn rủi ro để có thể tham gia vào các giao dịch lớn hàng trăm triệu, hay hàng tỷ USD, gắn bó với các quan hệ kinh doanh chiến lược và lâu dài, hơn nữa có khả năng cạnh tranh quốc tế với các công ty luật nước ngoài có hàng trăm, hàng ngàn luật sư (và tất cả họ cũng đều chịu TNHH) (?). Rất tiếc các hạn chế như vậy đã và đang gây ra hậu quả là xé lẻ và làm manh mún đội ngũ luật sư VN, vốn đang được hình thành ở giai đoạn đầu.
 Không nhất trí. Vì trên thực tế qua 4 năm thi hành Luật Doanh nghiệp chưa thấy công ty hợp danh đứng đắn nào phải bồi thường do chất lượng dịch vụ cung cấp kém gây thiệt hại cho người mua, chỉ thấy loại hình công ty này phát triển rất ì ạch; Hơn nữa trong luật còn quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm cả những ngành nghề mà doanh nghiệp phải có bằng cấp chuyên môn hay vốn pháp định tối thiểu mới được đăng ký kinh doanh. Nghĩa là nếu nhà đầu tư hội đủ các điều kiện pháp luật quy định thì đều có quyền kinh doanh. Do vậy không nhất thiết phải quy định loại hình pháp lý riêng. Nếu Luật Doanh nghiệp thống nhất vẫn muốn có loại hình doanh nghiệp này, thì các tổ chức cá nhân đều có quyền thành lập.
 Không nhất trí. Một số ngành nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp danh, trong đó có ngành như "Dịch vụ thiết kế công trình xây dựng". Ta đã có Luật Xây dựng thì tại sao phải hạn chế loại dịch vụ này. Đối với "Dịch vụ khám và chữa bệnh" càng không nên hạn chế. Đề nghị, chỉ trừ những ngành nghề thật "nhạy cảm", ta hãy nên qui định dưới dạng "điều kiện" còn những danh mục nêu trong bản gợi ý thảo luận tôi không thấy loại nào cần hạn chế và nếu phải hạn chế thì cũng không nên nhiều quá và phải hiểu rằng sẽ không lâu nữa sau khi chúng ta tham gia thị trương thế giới, những danh mục hạn chế này đâu còn điều kiện tồn tại mãi được.
 Việc quy định 4 ngành nghề bắt buộc phải theo hình thức công ty hợp danh theo như Dự thảo chưa ổn vì vi phạm quyền tự do lựa chọn hình thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có nghĩa là những nhà đầu tư có quyền lựa chọn bất kỳ hình thức nào miễn là họ phải tuân thủ quy định của pháp luật (cụ thể là họ có thể lựa chọn hình thức Công ty TNHH chẳng hạn). Ngoài ra đối với công ty hợp danh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ pháp lý cho thấy loại công ty này nên áp dụng theo quy định của Pháp lệnh Luật sư chứ không quy định trong Luật doanh nghiệp.
 Cần bãi bỏ quy định này. Vì: Thứ nhất: Đây là các ngành, nghề đang phát triển rất mạnh trong mấy năm trở lại đây và nó đang tồn tại hoạt động dưới nhiều hình thức không phải là công ty hợp danh. Và để điều chỉnh lĩnh vực này, các văn bản luật chuyên ngành như Luật kế toán, Luật Xây dựng, Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân, pháp lệnh luật sư… đã qui định khá chặt chẽ các điều kiện đối với những cá nhân, tổ chức khi đăng ký kinh doanh các ngành nghề trên. Do vậy, nếu trong Luật DNTN lại có qui định như trên thì đây sẽ là một điều kiện tiếp theo gây khó khăn cho những người muốn hoạt động trong lĩnh vực này. Những gì thuộc về điều kiện kinh doanh đã được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành thì Luật DNTN không cần phải đề cập sâu nữa, nếu không sẽ trở thành rào cản trong hoạt động kinh doanh.
Thứ hai: Công ty hợp danh về bản chất pháp lý nó gần giống như Doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể, do vậy nếu cho rằng yếu tố trách nhiệm về tài sản là một căn cứ để ràng buộc trách nhiệm của những người kinh doanh ngành nghề trên thì tại sao một cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề trên theo qui định của pháp luật lại không thể kinh doanh ngành nghề đó dưới hình thức một DNTN? Hay một hộ kinh doanh cá thể? Mục đích chính của việc nhà nước đưa ra các loại hình doanh nghiệp là để khuyến khích, khai thác tối đa sức mạnh tiềm tàng của các cá nhân, tổ chức muốn làm kinh tế chứ không phải là sử dụng nó như một công cụ để hạn chế những hoạt động kinh doanh hợp pháp. Do vậy, ở đây trước khi đưa qui định trên vào luật cần có sự tham khảo lấy ý kiến của những cá nhân, tổ chức và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Thứ ba: Việc bắt buộc các cá nhân, tổ chức muốn kinh doanh các ngành nghề trên dưói hình thức công ty hợp danh cần phải được tính đến sự phù hợp với các Văn bản pháp lý chuyên ngành khác, ví dụ: Theo qui định tại Điều 17 Pháp lệnh luật sư 2001 thì hình thức tổ chức hành nghề luật sư là 1/ Văn phòng luật sư, 2/ Công ty luật hợp danh, tuy nhiên nếu theo qui định trên của Luật DNTN thì kinh doanh dịch vụ pháp lý bắt buộc phải hoạt động dưới hình thức công ty hợp danh? Như vậy là có sự mâu thuẫn giữa luật DNTN và Pháp lệnh luật sư.
Thứ 4: Việc Luật DNTN qui định các ngành, nghề trên phải được kinh doanh dưới hình thức Công ty hợp danh còn không phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Theo qui định tại Chương III và phụ lục G của Hiệp định thương mại Việt Mỹ thì các ngành nghề (các dịch vụ) được liệt kê trên không bị giới hạn chỉ ở hình thức Công ty hợp danh.
 Hợp danh đặt ra trách nhiệm vô hạn. Yêu cầu về hợp danh là để giải quyết vấn đề bồi thường. Nếu việc bồi thường có cách giải quyết khác ngoài việc buộc hợp danh thì không cần buộc một số ngành nghề phải theo hình thức ấy. Khuynh hướng hiện nay ở nhiều nước phát triển là không buộc hợp danh nhưng buộc phải mua bảo hiểm bồi thường. Cốt lõi của vấn đề ở đó chứ không phải bốn loại nghề đang bị buộc phải hợp danh cần tăng lên hay giảm đi.
 Các ngành nghề này có thể quy định theo kiểu loại trừ công ty cổ phần, công ty TNHH và hộ kinh doanh cá thể. Xem lại và cân nhắc "dịch vụ khám và điều trị bệnh". Nghiên cứu và chế định thêm loại hình "hợp danh hữu hạn".

3. Về hạn chế hay khống chế mức góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác
 Không nên. Khả năng góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác trên thực tế không phụ thuộc vào vốn đăng ký của doanh nghiệp, vì thế nếu hạn chế mức góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác căn cứ theo số vốn đăng ký là chưa có cơ sở. Không tìm thấy một quy định nào tương tự như vậy trong các Bộ luật về doanh nghiệp của nước ngoài.
 Không nên hạn chế. Vì: 1) Vốn đăng ký kinh doanh khác vốn sở hữu của doanh nghiệp; 2) Tạo nên sự năng động trong đầu tư, đặt ra trách nhiệm giám sát lẫn nhau giữa các đối tác.
 Nên quy định khống chế tổng mức đầu tư của một doanh nghiệp vào một doanh nghiệp khác để đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp khi đem vốn của mình đi đầu tư (mức độ an toàn tối thiểu) và đảm bảo để doanh nghiệp thực hiện được các nghĩa vụ tài chính của mình với Nhà nước, bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
 Chỉ nên áp dụng đối với những ngành nghề kinh doanh có vốn pháp định, và mức khống chế chỉ trong khuôn khổ số vốn pháp định, không khống chế phần lớn hơn. Vì việc tăng giảm vốn và quyết định đầu tư thuộc quyền của chủ sở hữu, nhà nước chỉ cập nhật sự tăng giảm chứ không quản lý vốn của doanh nghiệp, do đó không cần thiết phải đặt ra “tỷ lệ” làm gì, hãy để cho các chủ sở hữu tự chịu trách nhiệm, luật pháp chỉ bảo đảm chứ không can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp khi đã được pháp luật thừa nhận và chủ sở hữu giao phó.
 Không nên hạn chế: Vì đầu tư bao nhiêu là chủ đích của nhà đầu tư. Mỗi cuộc góp vốn đều có những mục đích riêng, khi người góp vốn đã hình thành chủ ý thì họ phải xác định ngay tới tỷ lệ góp vốn làm sao đủ để chủ ý của mình có thể trở thành hiện thực. Khống chế tỷ lệ góp vốn như qui định của Luật đồng nghĩa với việc ngăn chặn những sáng tạo của các nhà đầu tư, bỏ lỡ những tài năng, tất cả những suy nghĩ về "hạn chế" trong lĩnh vực kinh doanh, nếu không nghiên cứu kỹ, chính là nguyên nhân của sự kìm hãm. Qua kinh nghiệm của nước ta trong thời gian qua cái gì "Hạn chế" thì con người cũng nhanh chóng nghĩ cách biến cái "Hạn chế" thành cái "Có thể" để đưa ngay vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho mình. Tất nhiên là phải tốn kém thêm chi phí và tiêu cực lại có đất phát triển.
 Trừ một số lĩnh vực nhà nước quản lý có những quy định riêng thì không nên hạn chế mà chỉ cần sự đồng ý của các thành viên của doanh nghiệp đó.
 Không nên. Vì nó làm hạn chế quyền tự do kinh doanh một cách không hợp lý. Quy định như thế này sẽ không có hình thức holding company.
 Không nên khống chế theo như quy định của Dự thảo. Bởi vì, việc doanh nghiệp A lấy tiền của mình, ít hay nhiều, để đầu tư vào doanh nghiệp B thì tuỳ thuộc vào (i) nguồn vốn họ có và (ii) trách nhiệm của họ đối với chủ nợ của họ.
Về điểm (i), nếu A có vốn 5 tỉ, nhưng làm ăn lời 10 tỉ sau khi đã đóng thuế, họ ghi tiền đó trong tài khoản lãi không chia hay vốn thặng dư mà không đưa vào vốn để tăng thành 15 tỉ, bây giờ họ lấy số tiền đó đầu tư vào B và ghi –thí dụ – liên doanh với B. Tại sao họ không được lấy số 10 tỉ đó để đầu tư vào B? Nếu bị hạn chế, họ có thể mở thêm C. Luật không ngăn chặn được. Vậy vấn đề là nguồn vốn của họ bỏ vào B chứ không phải số tiền đầu tư vào B cao hơn số vốn của họ. Để giải quyết không phải là hạn chế mà qui định về việc kiểm soát và công khai sổ sách kế toán.
Về điểm (ii), nếu công ty A chỉ bỏ vốn vào các công ty khác, họ không có sản xuất chi để phải có bất kỳ trách nhiệm gì với chủ nợ các loại, thì chuyện họ bỏ vốn vào B nhiều hơn số vốn họ có cũng không gây thiệt hại cho ai. Chủ nợ trông vào vốn của A để đòi nợ A, vào B để đòi nợ B.
Vấn đề là phổ biến, giáo dục cho những người giao dịch với các công ty hiểu rằng khi giao dịch với các công ty phải luôn luôn xem xét khả năng trả nợ của họ, trong đó vốn là một yếu tố, để mà quyết định mức độ giao dịch. Hơn nữa, ban dự thảo cũng cần thay đổi quan niệm là phương tiện để kinh doanh thành ra phương tiện để trả nợ.
Tóm lại, ta phân biệt giữa “vấn đề đặt ra” và “cách giải quyết”. Tìm ra được cách giải quyết thì vấn đề sẽ hết. A đầu tư vào B nhiều hơn số vốn của họ. A ấy là vấn đề. Cách giải quyết theo dự thảo là khống chế. Đề nghị là không, vì A có thể mở thêm C nếu họ không đầu tư vào B được nhiều. Cách giải quyết là báo động cho dân chúng giao dịch với A và B về khả năng trả nợ của chúng.
 Phát biểu của dự thảo là đúng khi dùng thuật ngữ “vốn chủ sở hữu”. Còn gợi ý của câu hỏi ở đây có lẽ chưa chính xác khi dùng khái niệm “vốn đăng ký”. Nếu trả lời dựa theo ý của câu hỏi được nêu thì việc một “doanh nghiệp có vốn đăng ký là 5 tỷ đồng, nhưng lại thành lập công ty con có vốn đăng ký lên đế 10 tỷ đồng” là hoàn toàn có thể – Vì doanh nghiệp ấy có thể có nguồn ‘lợi nhuận giữ lại’ lớn chẳng hạn. Tuy nhiên, nếu gọi lại cho đúng là “vốn chủ sở hữu” thì vấn đề trở nên nghiêm túc và sẽ phức tạp hơn nhiều trong lý giải. Theo như dự thảo và theo tôi thì, ở đây cần thiết phải có khống chế, để hoạt động đầu tư đi vào nền nếp, để nền kinh tế có các công ty lớn mạnh thật sự, tránh tình trạng chẻ nhỏ hoạt động vì nhiều lý do, thường là không tích cực... hoặc đầu tư tùy tiện, khó kiểm soát...

4. Về quy định "người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự"
 Việc quy định như trong Luật DN hiện nay “người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp” là chưa thoả đáng, cần xác định tiêu chí rõ hơn, chỉ nên giới hạn là những người đang bị bắt giam, và chấp hành hình phạt tù giam, tức đang bị tước đoạt tự do. Còn những người khác đang trong thời hạn bị cấm hành nghề theo quyết định của Toà án thì không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp hành nghề đó. Cũng có thể quy định những người bị kết án bằng một bản án có hiệu lực về hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác và chưa được xoá án không được phép tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp.
 Một người bị truy cứu trách nhiệm hình sự chưa chắc đã là người có tội vì đang trong giai đoạn điều tra, xem xét. Do vậy, không nên cấm người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp, chỉ nên cấm những người đã bị Tòa án kết tội về những tội liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến công việc kinh doanh mà người phạm tội có ý định kinh doanh hoặc tham gia thành lập, quản lý doanh nghiệp kinh doanh các ngành nghề đó.
 "Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự" là người đang ở trong giai đoạn bị Cơ quan điều tra khởi tố bị can và đang chờ truy tố, xét xử (nghĩa là chưa có bản án có hiêụ lực pháp luật của toà án tuyên họ là có tội hay không có tội). Việc cấm những người đang ở trong tình trạng này thành lập doanh nghiệp nên quy định cụ thể là khi đã có kết luận của cơ quan điều tra thì không được tham gia thành lập doanh nghiệp.
 Theo qui định của Bộ luật hình sự hiện hành “người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự” được hiểu là một người đã bị cơ quan điều tra khởi tố về một tội phạm được qui định trong Bộ luật hình sự. Tức là nếu một người mà đã bị cơ quan điều tra có quyết định khởi tố bị can về một tội nào đó được qui định trong Bộ luật hình sự thì được coi là “người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Và theo qui định tại Điều 9 của BLTTHS thì một người được coi là có tội chỉ khi có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, không phải ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng đều là người có tội. Do đó, để đảm bảo quyền công dân trong lĩnh vực kinh doanh, Luật DNTN chỉ nên qui định những người đã bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật và chưa được xoá án tích mới không được thành lập, quản lý doanh nghiệp. Qui định như vậy để tránh trường hợp, một người đang quản lý doanh nghiệp nhưng vì lý do nào đó mà bị khởi tố bị can nhưng sau đó lại bị đình chỉ hoặc được coi là không có tội, trong trường hợp này nếu không đựợc tiếp tục quản lý doanh nghiệp thì rất dễ dẫn đến hậu quả là doanh nghiệp không tiếp tục hoạt động đựợc, gây thiệt hại lớn về hậu quả kinh tế không chỉ đối với chủ doanh nghiệp mà cả với các cơ quan nhà nước khác. Thực tế trong những năm qua đã xảy ra tình trạng “hình sự hoá” các quan hệ dân sự, kinh tế dẫn đến nhiều chủ doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp bị truy tố oan sai, kéo theo hậu quả đáng tiếc là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị ngừng trệ. Và đang từ một doanh nghiệp làm ăn phát đạt phải dừng hoạt động, chở thành con nợ của nhiều chủ nợ.
Do đó khoản 6 Điều 9 Dự thảo cần sửa đổi cụm từ “Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự quyết định khởi tố bị can của cơ quan có thẩm quyền hoặc đang phải chấp hành hình phạt tù …” thành “người đã bị kết án bằng bản án hình sự có hiệu lực pháp luật của Toà án và chưa được xoá án tích…”
 Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự đó là người đã bị công an điều tra do một đơn khởi tố. Môi trường kinh doanh cần phải trong sạch lành mạnh để tạo niềm tin. Cứ bị thưa là bị ngưng kinh doanh cho đến khi sự việc sáng tỏ. Nếu bị truy cứu sai thì có quyền đòi bồi thường. Ta sẽ lấy thực tế để đặt ra nội dung khái niệm. Khi người chủ doanh nghiệp bị gọi lên gọi xuống, rồi bị tạm giam thì họ không còn trông coi việc kinh doanh được nữa. Lúc ấy ý nghĩa “đang bị truy cứu trách nhiệm” phát sinh.

5. Về thực hiện cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thay vì xin phép đầu tư như hiện nay.
 Không nên đặt ra bất kỳ rào cản nào đối với đầu tư nước ngoài, nên đối xử hoàn toàn bình đẳng như doanh nghiệp trong nước vì vốn đầu tư trong nước hay nước ngoài đều tạo ra sản phẩm xã hội, việc làm, thuế..
 Không nên đặt thêm những điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để tạo sự bình đẳng và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, cần có danh mục những ngành nghề cấm các nhà đầu tư nước ngoài nếu đó là những ngành nghề liên quan đến an ninh, quốc phòng.
 Về điều kiện bắt buộc phải ký quỹ 100.000 USD khi thành lập công ty tại Việt Nam đối với cá nhân người nước ngoài. Trước hết, nó trái với tinh thần của Luật Doanh nghiệp hiện hành (là thông thoáng và dỡ bỏ các thủ tục phiền hà không cần thiết) và các cam kết trong Hiệp định thương mại Việt – Mỹ vì tạo nên sự phân biệt đối xử. Nếu quy định như vậy cho mục đích tạo nên sự “bảo đảm” của các cam kết hay tránh sự “lừa dối” thì trên thực tế sẽ dễ dàng được “lẩn tránh” như đối với yêu cầu phải trình sổ tiết kiệm trước đây khi thành lập công ty. Ngoài ra, khi hợp tác làm ăn và thành lập công ty, giữa các bên với nhau, với tư cách là "người làm ăn", đều có sự tìm hiểu kỹ càng và chỉ bắt đầu khởi sự khi đạt được chữ tín. Đó là luật của thị trường và cách ứng xử muôn thủa của giới đầu tư, kinh doanh tư nhân, mà không cần sự can thiệp của “quản lý nhà nước”. Vì cả lý do pháp lý lẫn lý do uy tín chính trị (khi VN đang muốn kêu gọi đầu tư nước ngoài và đàm phán hội nhập), đề nghị nên bỏ các quy định mang tính phân biệt đối xử kiểu đơn giản và không hợp lý này.
 Nên theo thông lệ quốc tế, người Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải có Đề án và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép (trước đây là Chính phủ). Vì vậy, người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng phải có (i) Đề án sản xuất kinh doanh, (ii) giấy phép được đầu tư ra nước ngoài của nước họ, (iii) và mức vốn đầu tư tối thiểu là 100.000 USD. Một khi họ đáp ứng các yêu cầu trên và hội đủ các điều kiện về ngành nghề như nói ở điểm 1 thì họ được quyền đăng ký như những nhà đầu tư trong nước!
 Việc đưa ra mức hạn chế 100.000 USD là sự hạn chế những dự án có ý tưởng tốt nhưng ít vốn.
 Đã là Luật chung cho các doanh nghiệp không phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư thì nên quy định chung là chỉ cần đăng ký thành lập chứ không cần phải xin phép rồi mới được đăng ký kinh doanh. Ngoài ra quy định về vốn 100.000 $ không cần thiết.
 Việc quy định mức đầu tư tối thiểu của người nước ngòa là 100.000USD là không hợp lý, không phù hợp với một nền kinh tế còn nhỏ lẻ như Việt Nam và vô hình trở thành rào cản trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam nói riêng. Thực tế ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ có vốn điều lệ chỉ khoảng vài chục triệu đồng do vậy nếu qui định như trên sẽ vô hình làm cho các doanh nghiệp nhỏ của ta không có điều kiện để phát triển mở rộng sản xuất vì không có cơ hội liên doanh liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài.
Xét trên quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế thì dự thảo qui định như trên là không phù hợp với nguyên tắc “Đối xử quốc gia” được qui định trong Hiệp định thương mại Việt Mỹ. Và không phù hợp với thông lệ quốc tế, dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa luật DN TN với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
 Về nền tảng, người đầu tư nứơc ngoài chỉ đầu tư vào mình ở những ngành nào họ sẽ kiếm được lời; cho nên dù ta có mở ra hết mọi ngành chưa chắc họ đã đầu tư vào. Thứ hai, so với người trong nước việc chính quyền biết tung tích họ khó hơn nhiều, và thứ ba họ có thể “biến mất” nhanh chóng. Giải quyết hai vấn đề sau còn tuỳ thuộc khả năng của công an. Đó là một sự cưỡng chế mà chỉ có thể giải quyết từ từ tuỳ theo sự phát triển khả năng của công an.
Điều kiện kinh doanh cho người nứơc ngoài có rào cản nhiều hay ít thì tuỳ thuộc vào hai sự cưỡng chế ở trên. Ta phân biệt (i) biết họ là ai và (ii) để cho họ kinh doanh. Việc (ii) thì cho họ tự do, việc (i) thì ta phải đề ra biện pháp để khắc phục. Luật pháp bên Mỹ buộc một công ty hoạt động theo luật ở Delaware khi sang hoạt động tại California phải đăng ký ở California như là một công ty ở ngoài bang vào. Bởi thế việc (i) là bắt buộc, ở đâu cũng thế, vấn đề chỉ còn là thực hiện thế nào.
Ta dễ lẫn lộn giửa (i) và (ii) nên đặt ra cách hạn chế họ kinh doanh nghĩa là đánh họ ở điểm (ii) để bảo vệ mình. Bây giờ ta đánh vào điểm (i) vậy là họ có tự do kinh doanh.
Trong việc hạn chế họ kinh doanh cần phân biệt (i) nội dung việc làm và (ii) cách thức sử dụng. Thí dụ (i) họ nói chuyện (ii) bằng điện thoại Nokia. Các ngành nào nằm trong lọai (i) mà họ làm thì hạn chế, còn ở (ii) thì không. Thí dụ có cho họ mở nhà in hay không? Ta thấy, khi mở nhà in họ chỉ làm công việc (ii); nội dung in, tức là việc (i) là do khách hàng đưa ra. Vậy không hạn chế họ. Ta đặt ra nguyên tắc như thế để phân tích ngành nghề nào cần hạn chế họ. Ngoài những ngành nằm trong điểm (i) thì phải hạn chế họ thì còn có những lãnh vực về an ninh phải hạn chế.
Chế độ cấp phép nên tập trung ở trung ương hay giao hết cho địa phương? Cái này tuỳ thuộc (i) quy hoạch chung của cả nước và (ii) việc kiểm soát an ninh. Vấn đề không phải là ở đâu cấp mà là giải quyết hai điểm này. Chúng là giải pháp. Công an có hệ thống bắt tội phạm trên cả nứơc; thí dụ, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt được các trùm ma tuý quê ở Nghệ An, hoạt động ở Long Khánh và Tiền Giang. Họ có bị ràng buộc bởi trung ương hay địa phương đâu?
Đề nghị không nên nêu ra vấn đề rồi tìm cách giải quyết chính vấn đề đó mà cần tìm ra các giải pháp khác nhau để giải quyết vấn đề; khi giải quyết được vấn đề thì quy định sẽ thông thoáng.

6. Có nên cho phép một cá nhân thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn? Hay chỉ có “tổ chức” mới được quyền thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn như hiện nay?
 Nên, vì: i) trên thế giới, một cá nhân không những có thể thành lập công ty TNHH mà thậm chí có thể thành lập công ty cổ phần. ii) tạo cho cá nhân khả năng giới hạn phạm vi chịu trách nhiệm của họ khi tham gia kinh doanh, đồng nghĩa với việc tạo thêm cơ hội huy động vốn của tư nhân. iii) thực tế một cá nhân cũng có thể còn đăng ký lập doanh nghiệp của mình với số vốn lớn hơn nhiều cá nhân khác cùng đóng góp.
 Nên cho. Vì: 1) Luật ĐTNN đã tạo tiền lệ cho một cá nhân được thành lập công ty TNHH 100% vốn nước ngoài. Thực tế vận hành không thấy có khó khăn gì. 2) Thực tế hiện nay công ty TNHH 2 thành viên trở lên có nhiều thành viên chỉ là hình thức, đứng tên cho đủ số lượng, hậu quả là tranh chấp tiềm tàng, thiệt hại cho nhà đầu tư.
 Nên mở rộng hình thức doanh nghiệp này cho cả cá nhân (hoặc một số người cùng tham gia góp vốn) được thành lập, không nên hạn chế chỉ cho một tổ chức đứng ra thành lập như hiện nay. Quy định như vậy để đảm bảo an toàn cho các nhà đầu tư khi gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan gây ra.
 Nên. Vì: Các hộ cá thể có doanh thu lớn, thậm chí có mạng lưới bán lẻ khá rộng nhưng vẫn e ngại những rắc rối về tài chính có thể xảy ra khi ai đó trong gia đình đòi chia tách… nên họ vẫn giữ nguyên loại hình kinh tế hộ mà không muốn chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Nếu Luật Doanh nghiệp thống nhất có loại hình Công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân thành lập thì chắc chắn sẽ góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế; không gây biến động mà còn có lợi cho việc tổ chức lại hệ thống phân phối trong nước trước sự lấn lướt của các siêu thị do các thương nhân nước ngoài đầu tư hiện tại đã chiếm trên 10 đến 25% thị phần bán lẻ và ngày càng có xu hướng tăng cao đến 40%!.
 Một cá nhân cũng nên có quyền lựa chọn hình thức công ty TNHH để kinh doanh. Khác với hình thức doanh nghiệp tư nhân (là do 1 cá nhân làm chủ) thì hình thức này chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn mà họ đã đăng ký.
 Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù theo luật DN năm 1999 thì để thành lập công ty TNHH có 2 thành viên trở lên thì bắt buộc phải có ít nhất hai thành viên mới được thành lập nhưng bản chất của các Công ty TNHH này chỉ có 1 thành viên: Ví dụ – 2 vợ chồng, anh em… hoặc khi thành lập là 2 thành viên nhưng trong đó 1 thành viên có phần vốn góp rất ít, không đáng kể so với phần vốn góp của thành viên khác. Điều này cho thấy sự không phù hợp của pháp luật hiện hành dẫn đến tình trạng người dân lách luật còn các cơ quan quản lý nhà nước thì không quản lý được. Do vậy, việc cho phép một cá nhân được thành lập Công ty TNHH sẽ không có gì là trở ngại, vấn đề còn lại là các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp gì để quản lý hay không?
 Khi nói về công ty là nói về (i) trách nhiệm nó gây ra và (ii) người lập công ty (cổ đông) phải gánh chịu cho nó đến mức nào. Yêu cầu chịu trách nhiệm của người lập công ty giống nhau về tính chất, khác nhau về mức độ (hợp danh, trách nhiệm hữu hạn).
Vấn đề chính của cá nhân lập công ty một thành viên là cá nhân này dễ “biến”; truy ra họ ra là khó chứ không phải vấn đề trách nhiệm. Về chuyện công ty “biến mất” thì công ty hai thành viên cũng có nhiều cái “ma” như đã thấy. Vây vấn đề là giải quyết chuyện “biến mất” chứ không phải cấm không cho cá nhân lập công ty một thành viên. Có thể cho cá nhân lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên nhưng buộc họ phải có thêm thủ tục khai báo, chứng nhận lý lịch.

7. Về tiêu chuẩn người đại diện theo uỷ quyền.
 Không nên quy định. Đây là một chế định pháp luật dân sự và đã được pháp điển hóa trong bộ luật dân sự, không phải là vấn đề của luật tổ chức doanh nghiệp.
 Không nên quy định vì ủy quyền là một quan hệ dân sự. Quy định tiêu chuẩn người đại diện theo ủy quyền sẽ tạo phức tạp cho môi trường kinh doanh (như ai sẽ kiểm tra tiêu chuẩn này, các tiêu chuẩn mơ hồ, không rõ ràng…)
 Cần thiết phải có quy định tiêu chuẩn người đại diện theo ủy quyền để đảm bảo năng lực hành vi, năng lực pháp luật của những người được ủy quyền.
 Theo dự thảo thì người đại diện ủy quyền có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào không chờ chấp nhận, như vậy dễ gây ra sự gián đoạn trong việc điều hành nếu người được ủy quyền đang quản lý một công việc nào đó của công ty. Đề nghị bổ sung: “Trong trường hợp người đó đang giữ chức vụ quản lý công ty (Tổng giám đốc – Giám đốc chẳng hạn) thì phải được công ty mà người được ủy quyền tham gia chấp thuận thì sự thay thế mới có hiệu lực song không được kéo dài quá 60 ngày” nghĩa là đủ thời gian tìm người thay thế.
 Đồng ý. Đối với các công ty TNHH hay cổ phần tư nhân vì không có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người quản lý điều hành nên không có vấn đề gì song đối với công ty TNHH, công ty cổ phần mà thành viên là tổ chức tham gia Hội đồng thành viên (hay HĐQT) không phải là chủ sở hữu đích thực, mà chỉ là người đại diện cho chủ sở hữu hay người được ủy quyền khác ở cấp cao hơn thì rất dễ xảy ra sự lạm dụng địa vị để làm lợi cho riêng mình, làm hại cho công ty và những người khác (kể cả chủ sở hữu mà họ được ủy quyền làm đại diện), nhất là khi người đó được giao chức vụ Giám đốc hay Tổng giám đốc công ty. Do vậy người được ủy quyền phải hội đủ các tiêu chuẩn ít nhất như dự thảo.
 Không cần quy định tiêu chuẩn của người đại diện theo uỷ quyền vì đã có chế định người đại diện theo uỷ quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự và hoàn toàn có thể áp dụng đối với Luật DNTN. Bởi vì doanh nghiệp có quyền lựa chỉ định người phù hợp là đại diện theo uỷ quyền cho họ.
 Riêng về “tiêu chuẩn người đại diện ủy quyền” thì về ý nghĩa pháp lý đó là việc A nhờ B làm thay cho mình một việc gì đó bằng cách uỷ quyền; B có làm gì thì A chịu trách nhiệm. Tiêu chuẩn của người đại diện uỷ quyền phải do người uỷ quyền đưa ra (vì họ chịu trách nhiệm) cớ chi nhà nước can thiệp vào? B làm sai thì A chịu hay nhà nước chịu? Do đó không cần quy định, hơn nữa đã có luật dân sự rồi.
Nếu cần qui định về tiêu chuẩn người được uỷ quyền thì nên ghi chúng ra như một sự hướng dẫn chứ không bắt buộc. Một công ty cổ phần có 5 người, họ hàng bà con…. Họ muốn cử người con trai thứ, rất có uy tín, làm người đại diện. Vậy nếu người con trai kia thiếu một tiêu chuẩn mà luật đề ra thì những người kia không được chọn anh ta ư? Tại sao thế? Tại sao chính quyền cứ lo hộ dân như vậy?

8. Về tiêu chuẩn Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty trách nhiệm hữu hạn
 Không cần quy định vì về nguyên tắc cần tôn trọng quyền của chủ sở hữu công ty trong lựa chọn người quản lý điều hành công ty của họ, là quyền của họ trong việc quản lý và sử dụng đồng vốn của mình khi đưa vào kinh doanh. Nếu có quy định chỉ trong trường hợp những công ty TNHH một thành viên mà chủ sở hữu vốn là nhà nước.
 Không nên quy định tiêu chuẩn giám đốc. DNNN do Nhà nước là chủ sở hữu quy định tiêu chuẩn giám đốc. Các doanh nghiệp khác để cho chủ sở hữu lựa chọn giám đốc.
 Cần thiết phải có quy định tiêu chuẩn để đảm bảo năng lực hành vi, năng lực pháp luật của người được ủy quyền.
 Không cần quy định về tiêu chuẩn Giám đốc vì đây là chuyện nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tự quy định tiêu chuẩn này bằng các quy định cụ thể trong điều lệ.
 Quy định tiêu chuẩn của Giám đốc (Tổng Giám đốc) là không dưới 21 tuổi là không phù hợp. Vì theo Luật Dân sự, đủ 18 tuổi là đã đủ năng lực hành vi dân sự. Hơn nữa, tiêu chí về trình độ chuyên môn quá mơ hồ.
 Qui định “ không phải là người có liên quan của người đại diện ủy quyền của thành viên sở hữu hơn 25% vốn điều lệ của công ty” đọc nghe khó hiểu. Quy định đó không lý giải được sự việc sau: Tôi nắm 25% vốn trong công ty, tôi là thành viên hội đồng quản trị, vậy tôi sẽ không được thuê cháu tôi làm giám đốc vì cháu tôi bị cấm làm theo điều này! Cháu tôi học ở nứơc ngòai về mà tôi không được thuê ư? Tại sao vậy? Nó đáp ứng điểm 2.b, nhưng tôi không thuê nó được vì điểm 3.c!
Quan niệm ở ta về “conflict of interest” (xung đột lợi ích) cũng như sự ủy quyền chưa rõ ràng lắm vì mình quyết định theo tình cảm nhiều hơn lý trí, thân quen, sợ trách nhiệm. Áp dụng những điều đó ở ta cần phải bàn về ý nghĩa gốc của chúng ở nước ngòai, xem tình hình ấy ở ta, rồi xem áp dụng được đến đây sau đó mới ghi vào luật. Chưa làm như thế mà bê ngay cái của người ta vào luật mình (vốn họ đã có từ lâu và thường nhấn mạnh) thì nó lủng củng ngay.

9. Về thù lao, tiền lương và tiền thưởng của thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV), thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) và Giám đốc (Tổng giám đốc)
 Không hạn chế, nên cho doanh nghiệp quyết định phù hợp với kết quả kinh doanh. Vấn đề cần khống chế là việc trả thù lao, tiền lương, tiền thưởng ảnh hưởng tới lợi ích của chủ nợ.
 Tùy thuộc vào kết quả kinh doanh và do doanh nghiệp tự quyết, không nên có quy định cứng về vấn đề này.
 Không cần quy định vì đây là chuyện nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tự quy định những biện pháp chống sự lạm dụng trong việc chi lương, thù lao, tiền thưởng cho những người này bằng các quy định cụ thể trong điều lệ.
 Vấn đề lương thưởng của thành viên hay của giám đốc là do cơ quan thuế đặt ra vì khó thu thuế và do chủ sở hữu nhà nước nêu lên vì “bình đẳng” chứ không phải là vấn đề của doanh nghiệp. Hơn nữa, doanh nghiệp làm ăn đàng hòang họ có qui chế rõ ràng về vấn đề này mà không cần luật pháp can dự.

10. Về Ban Kiểm soát trong các công ty TNHH
 Thực tế các công ty TNHH hầu hết là công ty gia đình, bạn hữu. Nếu bắt buộc phải có ban kiểm soát thì không thể tìm được người đủ tiêu chuẩn là thành viên ban kiểm soát vì ai cũng có quan hệ thân hữu. Họ phải thuê người ngoài kiểm soát sẽ gây phiền hà. Nên để công ty TNHH tự lựa chọn, không hạn chế.
 Đối với Công ty TNHH có 2 thành viên thì không cần Ban kiểm soát.

11. Cơ chế vận hành của các cơ quan trong Công ty
 Luật nên quy định cụ thể về quy trình thành lập các cơ quan quản lý công ty vì thực tế thực hiện nhiều công ty còn rất lúng túng.
 Về cơ chế vận hành của các cơ quan, trong Luật chỉ cần quy định có tính nguyên tắc còn từng DN sẽ tự ban hành quy chế hoạt động của Ban giám đốc, của HĐQT để quy định về quyền hạn, trách nhiệm cũng như mối quan hệ của những thành viên này phù hợp với điều lệ của DN.

12. Về tỷ lệ quy định cho thành viên, cổ đông thiểu số
 Nếu giữ 10%, cần quy định vào Luật như quy định tại K3 Điều 21 b Nghị định 125.

13. Về vấn đề cung cấp, tiếp cận thông tin (Minh bạch hoá)
 Cần quy định thêm về hạn chế là phải nêu rõ lý do thì mới được cung cấp thông tin của doanh nghiệp đây cũng là biện pháp bảo đảm quyền kinh doanh hợp pháp của DN.

14. Về tư cách pháp lý của Công ty hợp danh và DNTN
 Thành viên hợp danh có được là người nước ngoài hay không? Cơ chế giám sát tài sản ở nước ngoài?
 Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân là không phù hợp với Điều 94 – BLDS, không phù hợp với điểm b khoản 1 Điều 95 Dự thảo. Điều 95b mâu thuẫn với khoản 1b Điều 95 Dự thảo.
 Loại công ty này vẫn được quyền tham gia tố tụng với tư cách Nguyên đơn và bị đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Quy định về cách thức chịu trách nhiệm tài sản đối với loại DN đối nhân này là hơi nặng (là phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình). Quy định này thì cũng chưa đảm bảo khả thi vì những thành viên loại công ty này không phải đăng ký vốn nên cũng không xác định là bao nhiêu nên quy định về tính vô hạn này là trừu tượng và không khả thi. Có thể áp dụng quy định là phải bồi thường thiệt hại cho đối tác với giá trị gấp bao nhiêu lần giá trị dịch vụ mà họ thu của khách hàng hoặc giá trị thiệt hại do hành vi của họ gây nên (gấp 2 lần chẳng hạn).

15. Về công ty nhà nước và Luật doanh nghiệp (thống nhất)
 Cần có quy định công ty nhà nước là công ty TNHH một thành viên chủ sở hữu là nhà nước và có quy định tự động đăng ký các công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên. Bên cạnh đó cần có luật hoặc pháp lệnh về sử dụng, quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp không cần phải quy định buộc công ty nhà nước làm các thủ tục chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên.
 Cần có thời hạn 05 năm để chuyển đổi các doanh nghiệp Nhà nước theo Luật DN chung: có nghĩa trong vòng 05 năm kể từ ngày Luật DN chung có hiệu lực, các doanh nghiệp trên phải xây dựng điều lệ cho phù hợp Luật DN chung, quá thời hạn trên, nếu không xây dựng được điều lệ mới thì điều lệ cũ sẽ không còn giá trị, ở những điểm trái với Luật DN chung.
 Đề nghị cần quy định trong một Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện Luật Doanh nghiệp chung và Luật Đầu tư chung ,rằng tất cả các DNNN hiện nay trong vòng 5 năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp chung có hiệu lực phải chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp chung, và Luật DNNN sẽ bị huỷ bỏ trong thời hạn này sau khi Quốc hội ban hành Luật về quản lý và đầu tư nguồn vốn Nhà nước trong hoạt động kinh doanh. Trong Nghị quyết đó cần khẳng định cơ chế mới về quản lý đối với vốn Nhà nước kinh doanh theo những hướng mà trên thế giới áp dụng và có kinh nghiệm, đặt ra lộ trình cho Chính phủ và các cơ quan khác thực hiện.
 Dù mục tiêu của Luật Doanh nghiệp (thống nhất) là áp dụng cho cả DNNN nhưng trên thực tế việc sắp xếp chuyển đổi DNNN rất khó khăn. Hơn nữa số lượng doanh nghiệp nhà nước dù có thu hẹp thì nó vẫn còn, như một công cụ cần thiết của Nhà nước trong nền kinh tế. Vì vậy, đề nghị cứ để 2 Luật DNNN và Luật DN (thống nhất) song song tồn tại, khi nào có DNNN hoặc bộ phận của nó, được chuyển đổi thành công ty TNHH 1 thành viên, hay công ty cổ phần thì các công ty này, tự nhiên trở thành đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp (thống nhất) theo trình tự thủ tục như đang áp dụng hiện nay, không cần thiết phải đặt ra thời hạn hay bắt buộc để “đưa” công ty nhà nước vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất).
 Việc áp dụng Luật Doanh nghiệp đối với các công ty nhà nước là đúng và cần thiết và phù hợp với mục tiêu ban hành Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên khác với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo hình thức liên doanh và 100% vốn NN (là hình thức Công ty TNHH) cần phải quy định về trình tự thủ tục riêng để chuyển đổi sang công ty TNHH hay cổ phần - là loại công ty mà vốn của doanh nghiệp tách bạch với vốn của chủ sở hữu.
 Chế độ trách nhiệm hữu hạn hay vô hạn chuyển lúc nào cũng được vì người bị ảnh hưởng là chủ nợ của công ty chứ không phải là chủ sở hữu công ty. Hiện nay chủ nhà nứơc chịu trách nhiện vô hạn đối vơi chủ nợ của DNNN nhà núơc; muốn giới hạn trách nhiệm kia lại thì chỉ cần thông báo cho chủ nợ.
Vấn đề của DNNN là vấn đề kế tóan, sử dụng tiền, cử người làm giám đốc và ai là chủ sở hưũ vốn, chứ không phải chế độ trách nhiệm vô hạn hay hữu hạn. Giải quyết nhanh bốn việc trên thì sẽ chuyển đổi được doanh nghiệp này. Cần mất bao nhiêu thời gian để làm việc đó? Đó là câu hỏi về ý chí chính trị.

16. Cơ chế chuyển đổi những doanh nghiệp FDI hiện tại sang Luật Doanh nghiệp thống nhất
 Xử lý thế nào nếu cá nhân người nước ngoài hoặc cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia với cá nhân, tổ chức Việt Nam đăng ký thành lập công ty tại Việt Nam?
 Nên có một phần riêng dành quy định việc đăng ký thành lập doanh nghiệp cho các cá nhân, tổ chức nước ngoài.
 Cần có thời hạn 05 năm để chuyển đổi các doanh nghiệp FDI: có nghĩa trong vòng 05 năm kể từ ngày Luật DN chung có hiệu lực, các doanh nghiệp trên phải xây dựng điều lệ cho phù hợp Luật DN chung, quá thời hạn trên, nếu không xây dựng được điều lệ mới thì điều lệ cũ sẽ không còn giá trị, ở những điểm trái với Luật DN chung. Thời hạn cần dài như vậy để tạo ra sự ổn định cho các doanh nghiệp, đặc biệt có lợi cho các bên Việt Nam đàm phán với đối tác khi xây dựng điều lệ mới (dự kiến luật mới sẽ bỏ nguyên tắc nhất trí trong liên doanh).
 Cần quy định trình tự thủ tục gọn nhẹ để chuyển sang đối với DN liên doanh và 100% nước ngoài trừ loại hình hợp đồng hợp tác kinh doanh.

17. Về hộ kinh doanh cá thể
 Nếu một cá nhân dùng tên của mình để thực hiện giao dịch thì được xem như là doanh nghiệp tư nhân. Nếu có hai hay nhiều người cùng thực hiện một giao dịch (mà không ĐKKD) thì được đối xử như một công ty hợp danh thông thường.
 Về vấn đề DN tư nhân và hộ kinh doanh, có thể quy định như sau: những hộ kinh doanh phải tiến tới thành lập DNTN, nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
a/ Nếu họ kinh doanh thường xuyên từ hai địa điểm trở lên;
b/ Họ thuê ít nhất từ 10 lao động trở lên;
c/ Nếu họ là trang trại, và có diện tích đất canh tác, đất trang trại ít nhất từ 5ha trở lên;
d/ Nếu doanh thu của họ trung bình hàng tháng từ 100 triệu đồng trở lên…
 Không cần vì tự họ sẽ phải chuyển đổi hình thức phù hợp.
 Ở các nứơc khác cơ sở kinh doanh có những hình thức khác nhau dựa trên trách nhiệm mà chủ phải chịu khi cơ sở gây ra thiệt hại hay nợ nần ai; còn ở ta, mình phân chia cơ sở kinh doanh theo hình thức. Vào năm 1990 ta có ba luật: công ty, doanh nghiệp tư nhân, và cá nhân và nhóm kinh doanh (hộ kinh doanh nhỏ). Nay cần phải xác nhận là sẽ phân chia cơ sở kinh doanh theo trách nhiệm đã, không theo hình thức nữa.
Vậy đã phân chia theo trách nhiệm (là tính chất) rồi thì không còn quy mô (kích thứơc) để bàn khi đổi từ kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp. Anh nợ 10$ thì trả 10$ chứ không thể bảo tôi nợ 10$ nhưng tôi nhỏ tôi chỉ trả 8$. Còn nếu anh múôn chỉ trả 8$ thì phải công bố cho mọi người biết lúc ra kinh doanh. Aáy là nói lên hình thức của cơ sở mình. “Này tôi chịu trách nhiệm vô hạn hay giới hạn đấy nhé!”.
Đề nghị cho chuyển đổi ngay, không phân biệt qui mô vì đây là sự thay đổi quan niệm và tính chất.
Khi mọi người trong xã hội giao dịch với nhau mà dựa trên trách nhiệm thì lúc nào cũng là được, chứ không có gì là không được. Trách nhiệm ít thì đền ít (bán gói xôi) trách nhiệm nhiều thì đền nhiều (bán cái máy bay). Doanh nghiệp với người chủ là một, không có tách nhau như ở công ty trách nhiệm, và chịu trách nhiệm vô hạn.

18. Về quản lý Nhà nước
 Cần có quy định một số nội dung: về hệ thống ĐKKD từ TƯ đến địa phương. Phải có một cơ quan ít nhất ở cấp Cục để 1) bảo hộ tên doanh nghiệp trong toàn quốc; 2) quản lý đăng báo các thông tin về doanh nghiệp như thành lập, hoạt động và giải thể, quản lý tờ bố cáo doanh nghiệp.
 Cần làm rõ hơn khái niệm quản lý Nhà nước đối với DN. Nên chăng bỏ khái niệm quản lý nhà nước trong Luật DN chung. Thực chất quản lý nhà nước chuyên ngành đã được quy định trong các luật khác. Nên Luật DN chung chỉ cần quy định sự hỗ trợ và khuyến khích của Nhà nước và những nguyên tắc xử lý DN nếu DN vi phạm Luật DN chung. Ngoài ra, Luật cần quy định cấm những trường hợp can thiệp vào hoạt động DN và biện pháp xử lý đối với những người can thiệp trái phép vào hoạt động DN. Có thể đưa ra nguyên tắc rằng những cơ quan có thẩm quyền khi hành xử liên quan đến hoạt động của DN phải dựa trên những căn cứ pháp luật và nếu hành xử tuỳ tiện, không có căn cứ pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm và buộc phải bồi thường thiệt hại cho DN. DN có quyền từ chối những yêu cầu của các cơ quan Nhà nước nếu những yêu cầu đó không nêu rõ các căn cứ pháp luật.
 Cần có một chương về quản lý của Nhà nước đối với các doanh nghiệp để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, đảm bảo định hướng chung cho sự phát triển nền kinh tế đất nước, đồng thời cũng là đảm bảo tự do kinh doanh cho các doanh nghiệp.
 Chương này không cần thiết


III – ĐÓNG GÓP VỀ CÁC VẤN ĐỀ KHÁC
1. Giải quyết như thế nào khi có 3 cơ chế thành lập doanh nghiệp khác nhau, chẳng hạn như doanh nghiệp dân doanh tiến hành ĐKKD khi thành lập còn các DNNN phải hoàn tất thủ tục ra quyết định thành lập doanh nghiệp trước sau đó mới ĐKKD, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì phải xin giấy phép đầu tư. Mỗi loại đối tượng đều có những yêu cầu khác nhau. Giải quyết như thế nào với trường hợp một công dân Mỹ, một công ty cổ phần của Úc, một doanh nghiệp dân doanh Việt Nam và một doanh nghiệp nhà nước muốn cùng nhau thành lập một công ty cổ phần ở Hà Nội.
2. Vấn đề nhân thân của người thành lập và quản lý doanh nghiệp: đây là vấn đề co ngành tư pháp và ngành công an chịu trách nhiệm. Thực tế, việc xác định một lý lịch tư pháp không quá khó, quá lâu. Nhưng do vấn đề phối hợp công tác và vấn đề nội bộ nên chính các cơ quan nhà nước gây khó cho nhau. Giải quyết vấn đề này liên quan đến cải cách tư pháp và cải cách hành chính trong các cơ quan pháp luật.
3. Về đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất: Luật hiện hành quy định người góp vốn không phải đóng lệ phí trước bạ, nhưng lại không quy định họ có phải đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất hay không, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc góp vốn bằng bất động sản. Luật mới cần quy định các bất động sản có giấy tờ hợp pháp được góp vốn vào DN bất kỳ lúc nào và được miễn mọi thuế, lệ phí. Trong trường hợp này DN và người góp vốn chỉ làm động tác đổi tên sở hữu chủ trên giấy tờ bất động sản và đăng ký với Phòng đăng ký kinh doanh, và cơ quan quản lý và đăng ký bất động sản. Tương tự như vậy, đối với những động sản có đăng ký khác, thủ tục đăng ký tại cơ quan quản lý hoặc cơ quan đăng ký cũng có thể ghi luôn trong Luật DN.
4. Về báo cáo tài chính: Cần thiết lập cơ chế đối với DNTN và TNHH, công ty hợp danh, báo cáo tài chính có thể dưới dạng đơn giản nhất trong phạm vi một trang. Còn đối với những công ty khác thuộc loại hình cổ phần hoặc theo quy định của pháp luật phải có kiểm toán thì báo cáo tài chính sẽ thuộc loại phức tạp hơn, vì những công ty này cần được sự giám sát chặt chẽ của những người góp vốn không phải là quản lý công ty. Tất cả những báo cáo tài chính được nộp cho cơ quan đăng ký kinh

Các văn bản liên quan