Góp ý của bà Nguyễn Thị Thủy - Khoa Luật Đại học Thương mại Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh
Bản tổng hợp ý kiến tại Hội thảo do VCCI tổ chức về Dự thảo Luật Thuế môi trường
Ngày 19 tháng 01 năm 2010, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc Hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo Luật thuế môi trường (sau đây gọi tắt là Dự thảo) tại thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo đã nhận được nhiều góp ý từ đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia, luật sư … Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi tới quý Cơ quan những ý kiến đóng góp cho Dự thảo trong Hội thảo.
1. Về sự cần thiết ban hành Luật thuế môi trường
Đa số các ý kiến góp ý đều cho rằng, việc ban hành Luật thuế môi trường là cần thiết, bởi vì:
- Vấn đề bảo vệ môi trường đang trở nên cấp thiết và nhận được sự quan tâm của xã hội. Nhất là trong thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường (ô nhiễm nguồn nước, không khí, rác thải …) đang ngày càng đáng báo động, đặc biệt là khu vực đô thị;
- Ở Việt Nam hiện nay, nhóm công cụ kinh tế (các loại thuế, phí, quỹ môi trường, quota phát thải …) còn ít được sử dụng mặc dù đây là nhóm công cụ cho phép nhà sản xuất, kinh doanh chủ động sử dụng các nguồn lực của mình để thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường một cách có hiệu quả, được nhiều nước trên thế giới áp dụng;
- “Người gây ô nhiễm phải trả tiền” là một trong những nguyên tắc đặc thù của pháp luật môi trường. Việc tác động vào lợi ích kinh tế của các chủ thể sẽ tác động đến hành vi xử sự của các chủ thể đối với môi trường theo hướng có lợi cho môi trường.
2. Về đối tượng chịu thuế
Phần lớn ý kiến trong Hội thảo cho rằng, các đối tượng chịu thuế được quy định trong Dự thảo là phù hợp, tuy nhiên cần mở rộng đối tượng hơn nữa vì bản chất các chất gây ra ô nhiễm môi trường không đơn thuần là 5 nhóm được liệt kê trong Dự thảo (ví dụ, các chất phá hủy tầng ozon có nhiều chất tại sao chỉ đưa mỗi chất HCFC?), mặt khác, để mọi người có thể tìm hiểu được những thông tin về những tác hại đối với môi trường của các đối tượng chịu thuế, đề nghị Ban soạn thảo cung cấp những luận cứ khoa học về mức độ gây hại của các loại hàng hóa này.
Về sản phẩm túi ni lông, có nhiều ý kiến trái chiều khi Dự thảo đưa loại hàng hóa này vào đối tượng chịu thuế:
- Có ý kiến cho rằng nên đánh thuế cao đối với túi ni lông để tác động đến hành vi của người sử dụng là hạn chế sử dụng loại sản phẩm này. Hiện nay, túi ni lông có giá thành rất thấp nếu đánh thuế thấp vào loại mặt hàng này thì không tạo ra quá nhiều biến chuyển và việc điều chỉnh hành vi của người dùng là không hiệu quả;
- Hiệp hội nhựa lại có ý kiến: túi ni lông thực tế là sản phẩm nhựa, mà nhựa là sản phẩm thân thiện với môi trường so với các chất khác, lại có thể tái sinh. So sánh với các chất liệu khác, ví dụ như giấy, thì quá trình sản xuất ra túi nhựa ít gây ô nhiễm hơn quá trình sản xuất ra túi giấy và quá trình tái sinh nhựa không phát sinh bất kì khí thải nào. Theo kết luận của một nghiên cứu gần đây ở châu Ấu thì túi nhựa sinh học không thân thiện với môi trường gấp nhiều lần so với túi nhựa PE. Do vậy, không nên đưa sản phẩm túi nhựa vào đối tượng chịu thuế. Hiệp hội nhựa và các công ty nhựa cũng đưa ra ý kiến là cần xác định chính xác tên của sản phẩm này là “túi nhựa” chứ không phải là “túi ni lông”.
Về mặt hàng xăng: Xăng đang là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Lý do đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này là vì tác động xấu đến môi trường nên phải cần thiết hạn chế sử dụng hoặc tìm kiếm sản phẩm khác thân thiện với môi trường để thay thế. Nếu đưa xăng vào đối tượng chịu thuế của Luật thuế môi trường với cùng lý do trên thì xăng đã chịu hai loại thuế của cùng một mục đích điều chỉnh, như vậy là không hợp lý. Do đó, đề nghị đưa xăng ra khỏi đối tượng chịu thuế của thuế tiêu thụ đặc biệt khi xăng là đối tượng chịu thuế của Luật thuế môi trường.
Về thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng: một số ý kiến không đồng tình với việc đánh thuốc đối với “thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng” vì nếu sử dụng đúng liệu lượng thì những loại thuốc sử dụng trong nông nghiệp, thuốc trừ mối, thuốc bảo quản lâm sản, thuốc khử trùng kho sẽ có lợi chứ không gây hại. Dự thảo cần phải xác định một cách rõ ràng mục tiêu đánh thuế môi trường là đánh vào các sản phẩm gây hại cho môi trường hay là tác động xấu đến sức khỏe của con người. Việc xác định rõ mục tiêu sẽ quyết định đến việc xác định các đối tượng chịu thuế.
3. Về đối tượng không chịu thuế
Dự thảo quy định 3 trường hợp không phải chịu thuế môi trường là các hàng hóa không sử dụng, tiêu thụ trong nước nên không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tại Việt Nam. Đây là ba trường hợp hợp lý với yêu cầu đặt ra của Luật thuế môi trường là điều tiết vào hàng hóa gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, quy định trên chưa bao quát hết các trường hợp hàng hóa không được sử dụng ở Việt Nam, thiếu trường hợp “hàng hóa mược đường qua của khẩu, biên giới Việt Nam”. Rõ ràng, trong trường hợp này, hàng hóa mặc dù cũng có yếu tố độc hại và ảnh hưởng xấu đến môi trường nhưng chúng không được sử dụng và tiêu dung trên lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, trường hợp này về lý thuyết hoàn toàn giống trường hợp được nêu tại khoản 1 Điều 5 Dự thảo: “Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam cửa khẩu biên giới Việt Nam”. Đề nghị khoản 1 Điều 5 Dự thảo cần được sửa đổi như sau: “Hàng hóa vận chuyển quá cảnh hoặc mượn đường qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu theo quy định của Chính phủ”.
4. Về người nộp thuế
Dự thảo quy định thuế môi trường thu đối với 3 hành vi là khai thác, sản xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, thuế môi trường chỉ nên thu một lần nên nếu khâu khai thác đã nộp thì khâu sản xuất không phải nộp nữa, tương tự nếu khâu nhập khẩu đã nộp thì đến khâu sản xuất sẽ được khấu trừ số thuế đã nộp. Dự thảo cần phải quy định rõ điều này để tránh thu nhiều lần cho một đối tượng.
Đề nghị Dự thảo bổ sung vào Điều 4 Dự thảo như sau để đảm bảo bao quát và điều tiết hết đối với mọi hàng hóa có ảnh hưởng xấu đến môi trường Việt Nam và được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam:
5. Về Biểu khung thuế môi trường
Biểu khung thuế môi trường quy định trong Dự thảo là chưa hợp lý bởi các điểm sau:
- Xăng có hàm lượng lưu huỳnh (là một trong những yếu tố gây ô nhiễm môi trường) thấp hơn dầu diesel nhưng lại có thuế suất cao hơn (xăng có mức thuế là 1.000 – 4.000 đồng/lít, dầu diesel là 500 – 2.000 đồng/lít). Cần phải có căn cứ khoa học để xác định mức thuế phù hợp;
- Khoảng cách giữa mức sàn và mức trần của mức thuế là khá cao (than, các thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng, dung dịch HCFC gấp 5 lần; xăng, dầu diesel là 4 lần …) trong khi Dự thảo không đưa ra các căn cứ để xác định các tiêu chí áp dụng mức thuế thấp nhất, cao nhất, trung bình trong khung thuế, điều này có thể gây tâm lí không ổn định cho nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đối với các đối tượng chịu thuế.
6. Các vấn đề khác
Để Dự luật này khi ban hành có tính khả thi và hiệu quả, Ban soạn thảo cân nhắc một số vấn đề sau:
- Cách thức thu thuế và hoàn thuế (trong trường hợp nhiên liệu được sử dụng trong công nghiệp, có hệ thống xử lý khí thải để xử lý chất thải đạt TCCP trước khi thải ra môi trường) cần đơn giản, dễ thực hiện tránh tình trạng tranh cãi giữa người phải nộp thuế và người thu thuế;
- Bộ máy thực hiện việc thu thuế là cơ quan nào cũng cần cân nhắc kỹ vì mặc dù đây là một loại thuế nhưng do tính đặc thù của nó đòi hỏi bộ phận thu thuế phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực môi trường.
Trên đây là các ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia góp ý cho Dự thảo Luật thuế môi trường trong Hội thảo, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi tới quý Cơ quan. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.