Ai bảo vệ người tiêu dùng?

Thứ Hai 14:06 29-10-2007


VSATTP/TLAN/1250t
BÁO ĐỘNG VỀ TÌNH TRẠNG VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM:
AI BẢO VỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG?


·       Có đến 11 cơ quan nhà nước đều chịu trách nhiệm (!?)

Vấn đề không mới song nói như ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) thì tình hình đang rất nghiêm trọng và hầu như đang đi vào ngõ cụt. Một cuộc hội thảo với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng” đã được Vinastas tổ chức trong bối cảnh như vậy...

MỐI LO CANH CÁNH…

Không khó khăn để liệt kê những loại thực phẩm đang có nguy cơ đe dọa sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng (NTD) hiện nay, song không dễ dàng để trả lời câu hỏi: Biết ăn cái gì cho an toàn? “Trong bữa ăn của mọi người, từ thịt cá, rau quả đến nước chấm… không thứ gì là không bị ô nhiễm, mất vệ sinh. Thế nhưng liệu có ai có thể không ăn được không? Không ai cả, nhưng vừa ăn lại vừa run…”-  Ông Đỗ Gian Phan  nói lên tâm trạng chung cua người dân hiện nay. Tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang là mối lo cánh cánh, thương trực của NTD. Ngay cả nhưng nơi tưởng có thực phẩm an toàn như các vùng trồng rau sạch, hay các siêu thị, các cửa hàng rau sạch…, theo ông Đỗ Gia Phan “có thực sự an toàn hay không, vẫn chưa có ai dám khẳng định rõ”. Thực tế không ít người sẵn sàng bỏ thêm tiền để mua nhưng mớ rau trong thật ngon mắt để đổi lấy sự an toàn cho mình, nhưng sau đó lòng tin của họ cứ nhạt dần do không đủ rau an toàn để bán và có nhiều loại rau bán ngoài chợ đã được trà trộn để bán trong các cửa hàng rau an toàn mà chẳng ai kiểm soát, xử lý.

Số liệu của Cục Quản lý chất lượng VSATTP cho thấy, các vụ ngộ độc thực phẩm do sản phẩm nông nghiệp và thủy sản còn chiếm tỷ lệ rất cao. Cụ thể, từ năm 2000 đến năm 2006, về ngộ độc thực phẩm do thủy sản là 271 vụ với 5.230 người mắc và 142 người chết; Ngộ độc do cá nóc là 125 vụ với 726 người mắc và 120 người chết; Ngộ độc thực phẩm do rau, củ, quả là 168 vụ với 3.082 người mắc và 16 người chết; Ngộ độc do hóa chất bảo vệ thực phẩm là 13 vụ với 2.615 người mắc phải và 6 người chết; Ngộ độc do nấm độc là 99 vụ với 473 người mắc phải và 81 người chất. Số liệu của Cục Quản lý chất lượng VSATTP cũng cho thấy có đến 86,6% việc chế biến thực phẩm chủ yếu là hộ gia đình, cá thế, trong đó có đến 86,7% không đạt yêu cầu về điều kiện VSATTP (chủ yếu về điều kiện cơ sở và con người). Đặc biệt, tình hình chế biến thực phẩm ở các bếp ăn tập thể, dịch vụ thức ăn đường phố còn vi phạm rất nghiêm trọng về VSATT: Tỷ lệ bốc thức ăn bằng tay là 67,3%; Tỷ lệ không rửa tay là 46,1%; Tỷ lệ bàn tay nhiễm E.coli (ô nhiễm phân) là 50- 90% (tùy địa phương); Tỷ lệ giò chả có hàn the là 30- 70%. Bên cạnh đó là tình hình hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng cũng còn khá phổ biến…

TRÁCH NHIỆM… CHIA ĐỀU (!?)

Theo PGS.TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng VSATTP, theo khuyến cáo của WHO và FAO, các hoạt động kiểm soát VSATTP phải được đảm bảo “từ trang trại đến bàn ăn”, tức là phải đảm bảo VSATTP ngay từ khi nuôi, trồng, chăm sóc, thu hoạch đến khi chế biến, phân phối, lưu thông và tiêu dùng. Có lẽ đó cũng là lý do mà vấn đề này được “chia chung” cho các cơ quan QLNN. Theo một cơ quan chức năng, hiện có đến 11 cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm về từng khâu như sản xuất do Bộ NN & PTNT phụ trách chế biến thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương, trên bàn ăn thuộc bộ Y tế… “Việc phân công như vậy làm cho ranh giới mỗi khâu không rõ ràng, có khâu có nhiều cơ quan cùng chịu trách nhiệm, nhưng có khâu lại không có ai. Vì có nhiều người chịu trách nhiệm mà lại không có ai chịu trách nhiệm chính nên công việc chung không ai lo, nẩy sinh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, kết quả là công việc không tiến triển được…”- Ông Đỗ Gia Phan nhận xét. Theo đề xuất của Vinastas, nhà nước cần có các quy định rõ ràng trách nhiệm cho từng khâu, đồng thời giao trách nhiệm cho một cơ quan chịu trách nhiệm chung trong cả quá trình từ đồng ruộng tới bàn ăn. Cơ quan này có trách nhiệm và có quyền điều phối công việc có liên quan và chịu trách nhiệm chung với nhà nước và NTD.

 “Tháng 1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập một hội nghị toàn quốc để chuyên bàn về bảo đảm thực phẩm an toàn cho NTD, nhiều ý kiến đã được nêu ra, nhưng cho đến nay, tình hình vẫn không mấy khả quan hơn…” - Ông Phan thẳng thắn. Là một trong các cơ quan đảm nhiệm một khâu trong quá trình “từ trang trại đến bàn ăn”, PGS.TS Trần Đáng cũng thừa nhận, hiện công tác đảm bảo VSATTP ở Việt Nam  mới triển khai được một chu kỳ chương trình mục tiêu với sự đầu tư còn quá hạn hẹp (năm 2006 mới đạt 50 tỷ đồng cho toàn quốc), và chúng ta vẫn đang phải đối mặt vói một thực trạng với những thách thức, bất cập rất lớn, cần phải quan tâm giải quyết.  PGS. TS Trần Đáng cũng cho rằng, quy định pháp lý về quản lý VSATTP cơ bản  là đầy đủ song biến các quy định này thành thực tế còn rất hạn chế. Vi du, theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh phải tổng kết công tác VSATTP giai đoạn 2001- 2005 và xây dựng kế họach 2006- 2010 nhưng đến nay mới có 22/64 tỉnh, TP có tổng kết có báo cáo và kế hoạch do lãnh đạo UBND ký. Trên toàn quôc có 10.876 xã, phường thì đến hết năm 2006 mới có 5.950 xã phường có Ban chỉ đạo (54,6%) và mới chỉ có 30- 40% xã phường có kế hoạch và chỉ đạo về VSATTP ở xã, phường mình… “Như vậy, ngay cả ở tuyến cơ sở đã không có sự chỉ đạo về VSATTP thì chắc chắn không thể có thực phẩm an toàn từ trang tại được…”- Cục trường Cục Quản lý chất lượng VSATTP Trần Đáng nhận định.

Cũng dễ hiểu khi tổ chức cuộc hội thảo này đại diện của Vinastas- một tổ chức phi chính phủ, cho biết, Vinastas cũng không có tham vọng gì hơn là “một lần nữa muốn gióng lên một tiếng chuông báo động về vấn đề VSATTP đang rất nghiêm trọng hiện nay…”

THANH THANH
 
 

Các văn bản liên quan