Luật chưa kín nên bàn rất rối

Thứ Năm 16:04 25-10-2007

Thảo luận về Dự luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN):

Luật chưa kín nên bàn rất rối

Lao Động số 248 Ngày 25/10/2007  

(LĐ) - * Đánh thuế từ tiền làm thêm giờ không động viên được người lao động.

Ngày 24.10, đại biểu Quốc hội chia tổ để bàn thảo về Dự luật Thuế TNCN. Nhiều ý kiến khác nhau; nhiều ý kiến mở rộng và thậm chí cả nhiều sự hiểu chưa đúng về các quy định trong dự luật. Điều này được nhiều chuyên gia chỉ rõ rằng dự luật vẫn chưa thật kín kẽ, cụ thể. Vì thế, dường như sự bàn thảo khó tập trung và thống nhất.

Liệu có hiểu lầm?

Ngày 24.10, bàn thảo luận hầu hết đều nóng với câu chuyện thuế TNCN từ tiền làm thêm giờ, tăng ca và giảm trừ gia cảnh. Đối với tiền làm thêm giờ, mọi ý kiến đều cho rằng đây là điều bất hợp lý. Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho biết: Không ai muốn làm thêm giờ, tăng ca. Ngay cả luật cũng hạn chế mức làm thêm giờ. Tuy nhiên do yêu cầu công việc thì NLĐ mới phải làm thêm. Vì thế việc quy định đánh thuế TNCN từ tiền làm thêm giờ là không phù hợp và không động viên tinh thần NLĐ. Số đông đại biểu cũng cho rằng đây là quy định "tận thu" đối với NLĐ.

Thế nhưng theo chuyên gia của Bộ Tài chính thì dường như các đại biểu đã có sự "hiểu lầm". Cụ thể tinh thần của luật là chỉ đánh thuế đối với "tiền lương làm thêm giờ và phần tiền lương trả cao hơn so với tiền lương làm việc ban ngày theo quy định của pháp luật". Theo đó thì chỉ phần "lương gốc" mới phải chịu thuế; còn phần "phụ trội" tức là phần trả thêm, cao hơn giờ làm chính thì không phải chịu thuế. Chuyên gia này ví dụ: Nếu ngày làm chính NLĐ được trả 50.000đ, ngày làm thêm được trả 100.000đ; suy ra phần chịu thuế của làm thêm chỉ tính trên 50.000đ "lương gốc" mà thôi (?).

Tương tự đối với việc giảm trừ gia cảnh, nhiều đại biểu cho rằng dự luật còn chưa kín kẽ khi không đưa đối tượng "cậu" (em mẹ) và "anh chị em ruột" vào trong đối tượng người phụ thuộc. Chuyên gia này cũng cho rằng đúng là dự luật chưa thể hiện rõ; song với phần ghi "những người trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của Chính phủ" đã bao hàm các đối tượng này.

Cũng ở nội dung giảm trừ gia cảnh, trong khi các đại biểu lo ngại cơ quan thuế không thể quản lý nổi ai là người phụ thuộc? Cả hệ thống chính quyền cấp cơ sở sẽ phải chịu sức ép của công việc "xác nhận" người phụ thuộc hay từ đây có thể sẽ bị lợi dụng, phát sinh cơ chế xin - cho và tiêu cực... thì chuyên gia này lại khẳng định: Sẽ không cần cơ chế "xác nhận". Chuyên gia này cho biết luật này sẽ thực hiện theo cơ chế "tự khai tự nộp". Sau một thời gian, cơ quan thuế sẽ hậu kiểm và xử lý những ai vi phạm.

Nên "đánh thuế theo lộ trình"

Đây là kiến nghị được khá nhiều đại biểu đồng tình. Hầu hết đại biểu Quốc hội khi được hỏi đều cho rằng dự luật quá ôm đồm, phức tạp mà không tính đến yếu tố khả thi. Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh cho rằng thị trường chứng khoán còn mới mẻ, tiềm ẩn nhiều rủi ro và bất ổn, nhà đầu tư chưa chuyên nghiệp... thì việc đánh thuế và mức thuế cao là chưa nên. Ông Hoàng Anh cho rằng có nên để thêm một thời gian, khi thị trường đi vào ổn định thì việc bổ sung danh mục chịu thuế này cũng là chưa muộn.

Tương tự, ông Trần Ngọc Vinh cho rằng việc ưu đãi cổ phần, ưu đãi cổ tức thể hiện tinh thần tạo điều kiện NLĐ gắn bó với DN. Thực tế có thể xảy ra tình trạng "bán lúa non" cổ phần. Nhưng việc không đánh thuế từ cổ tức chính là điều kiện cơ bản để NLĐ phấn đấu, bảo vệ phần tài sản của mình tại DN; góp phần ổn định DN cũng như cho chính NLĐ. Đặc biệt đây cũng chính là động lực để các DN đẩy mạnh CPH. Việc bỏ ưu đãi này có thể thực hiện khi tiến trình CPH cơ bản hoàn thành.

Còn nhiều điều "đối kháng"

Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm: Việc miễn thuế từ kiều hối là phù hợp. Thế nhưng đây lại là sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng rất lớn giữa các cá nhân. Nhóm đại biểu này phân tích: Kiều hối thực chất chính là tiền cho tặng, thậm chí là thừa kế... thế nhưng lại không phải chịu thuế. Song với tiền, tài sản cho tặng trong nước thì lại phải chịu thuế. Nếu khoản kiều hối hàng chục ngàn USD không phải chịu thuế; so sánh với việc cho tặng cái xe máy có khi chỉ là vài triệu nhưng phải chịu thuế thì thật thiên vị.

Khoảng cách giữa dự luật và thực tế còn thể hiện ở việc: Liệu cơ quan thuế có thể tính được thu nhập "theo quy định của pháp luật" đối với những "người phụ thuộc" không làm tại các cơ quan, DN? Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng "có thể phải dùng biện pháp điều tra thủ công". Tuy nhiên, các đại biểu và chuyên gia cho rằng việc điều tra này sẽ... bất khả thi và cơ quan thuế cũng không đủ người, không có khả năng để điều tra. Nhiều đại biểu khác còn khẳng định: Sau khi DN thực hiện tất cả các nghĩa vụ đối với DN và NLĐ thì mới chia cổ tức. Vì vậy, nếu đánh thuế cổ tức chính là đánh thuế trùng.

Phạm Anh

 

Các văn bản liên quan