Góp ý của TS Lê Văn Luyện – Trưởng khoa Kế toán – Kiểm toán Học viện Ngân hàng

Thứ Năm 11:37 08-04-2010

Ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Kiểm toán độc lập

    =======                                       

 

 

      Sau khi đọc toàn văn bản dự thảo Luật Kiểm toán độc lập (tháng 3/2010), về tổng thể và các chương, các điều, khoản, tiết của dự thảo luật tôi đều nhất trí. Tôi chỉ xin có một vài ý kiến xin được chỉnh sửa về nội dung chi tiết như sau:

1. Tại Điều 2, khoản 2 ở cuối của khoản này nên cụm từ “và được Việt Nam công nhận” vì trong thực tế, Việt Nam có thể là thanh viên tham gia vào các điều ước quốc tế nhưng có thể có những điều cụ thể mà VN chưa công nhận.

2. Trong Điều 4:

   - Khoản 1 tôi đề nghị thay thế hai từ công việc trong cụm từ “ … về báo cáo tài chính và các công việc kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán” thành “ … về báo cáo tài chính và các đối tượng kiểm toán khác theo hợp đồng kiểm toán” thì đúng hơn. Vì ý kiến của KTV là ý kiến nhận xét về đối tượng kiểm toán.

   - Khoản 6 nên thay đoạn “…do tính chất và quy mô hoạt động mà việc kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị này nếu không đúng đắn sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của công chúng đối với báo cáo kiểm toán” bằng “… do báo cáo tài chính và kết quả hoạt động của những đơn vị này cần được công bố rộng rãi cho công chúng” thì sẽ gọn và hợp lý hơn.

   - Các khoản 7,8,9,10 nên thay cụm từ “Là loại hình kiểm toán do kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán thực hiện để….” bằng cụm từ đơn giản nhưng chuẩn xác hơn là “Là công việc kiểm toán để ….”

3. Trong Điều 6, khoản 3 nên bổ sung và chỉnh sửa lại cho rõ hơn như sau:

    Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền và cá nhân khác khi sử dụng báo cáo kiểm toán để đưa ra các quyết định của mình phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định đó” để rõ nghĩa hơn.

4. Trong Điều 7

   - Khoản 2 nên bổ sung trong đoạn “Tuân thủ chuẩn mực kiểm toán Việt Nam,…” thành “Tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và các chuẩn mực nghề nghiệp Việt Nam,…” vì trong thực tế khi kiểm toán các lĩnh vực kinh tế khác nhau thì đòi hổi KTV phải tuân thủ cả các chuẩn mực nghề nghiệp khác.

   - Khoản 3 có thể bỏ đi cũng được vì ngay trong khoản 2 khi đã tuân thủ chuẩn mực kiểm toán thì có cả chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp.

5. Trong Điều 8:

    - Khoản 1 trong cụm từ cuối có thể bỏ 2 từ “doanh nghiệp” mà chỉ cần là “phải được kiểm toán độc lập kiểm toán”.

    - Khoản 4 thay bằng: “Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng phải kiểm toán bắt buộc khi nộp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và khi công khai phải có báo cáo kiểm toán đính kèm. Những đơn vị này  công bố hay sử dụng BCTC chưa được kiểm toán trong các giao dịch kinh tế hay báo cáo cho cơ quan nhà nước được coi là vô hiệu và bị xử phạt vi phạm hành chính”. Vì ngoài các cơ quan nhà nước thì nhiều đối tượng khác sử dụng BCTC của những đơn vị đó.

6. Điều 9 tôi đề nghị thay đổi như sau cho gọn và rõ nghĩa hơn:

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức không phải là đối tượng kiểm toán bắt buộc thuê kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán để nâng cao uy tín của đơn vị và  minh bạch trong hoạt động kinh tế”.

7. Điều 10, khoản 2, tiết d nên bổ sung vào cuối cụm từ “và kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam” vì Bộ Tài chính không chỉ chấp thuận cho doanh nghiệp kiểm toán VN hoạt động ở nước ngoài mà cũng cần chấp thuận đối với kiểm toán nước ngoài tại VN.

   Ỏ tiết g theo tôi phần tổng kết, đánh giá về hoạt động kiểm toán độc lập không nên đưa vào thành nhiệm vụ của bộ Tài chính mà nên để cho Hiệp hội nghề nghiệp làm.

8. Điều 12

  - Khoản 1:

    + Các tiết a,b,c nêu như dự thảo vừa quá cụ thể vừa chưa đủ vì có thể còn nhiều trường hợp khác có liên quan về lợi ích kinh tế sẽ làm mất đi tính độc lập, khách quan của kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán. Từ đó, tôi đề nghị thay thế 3 tiết này bằng “Ngoại trừ phí kiểm toán và chi phí được nhận theo hợp đồng kiểm toán, các kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán không được hưởng các lợi ích kinh tế dưới bất kỳ hình thức nào

   + Bổ sung các hành vi bị cấm khác như: Kiểm toán ở những đơn vị mà chính kiểm toán viên hoặc doanh nghiệp kiểm toán mình làm dịch vụ lập sổ sách, báo cáo kế toán cho đơn vị đó. Cấm các hành vi gây tổn hại cho đối tượng được kiểm toán và các bên liên quan.

   - Khoản 2: Tiết đ nên bổ sung vào cuối cụm từ “hoặc kiểm toán ở những đơn vị có người thân trong gia đình đang giữ những vị trí đó

   - Khoản 3, tiết b nên thêm vào cuối cụm từ “… ngoại trừ những thông tin, tài liệu cần được bảo mật theo quy định bảo mật nhà nước

9. Điều 13:

   - Khoản 1:

    + Tiết k nên thay cụm từ “Do thiếu cẩn trọng hoặc cố tình xác nhận báo cáo tài chính có nhiều gian lận, sai sót,….” bằng cụm từ “Gian lận ….” là đủ. Vì thiếu cẩn trọng ở một mức độ nhất định có thể do sự hạn chế về kinh nghiệm, sức khoẻ, tâm lý của kiểm toán viên thì không thể coi là vi phạm pháp luật mà sẽ được điều chỉnh bởi chuẩn mực kiểm toán có liên quan đến uy tín nghề nghiệp. Hơn nữa nếu chỉ xét đến hành vi cố tình xác nhận báo cáo tài chính có nhiều gian lận, sai sót thì cũng chưa đủ và thoả đáng vì những gian lận hay sai sót trong BCTC không phải là do kiểm toán viên gây ra, khi kiểm toán có thể họ không phát hiện ra thì không thể coi đó là vi phạm pháp lụât. Nhưng nếu phát hiện kiểm toán viên có hành vi gian lận dưới bất kỳ hình thức nào, nội dung kiểm toán gì thì đó cũng là vi phạm pháp luật.

    + Tiết m đề nghị thay đổi như sau: “Không tuân thủ pháp luật về kiểm toán độc lập, vi phạm các chuẩn mực kiểm toán và chuẩn mực nghề nghiệp gây tổn hại cho các bên liên quan”.

10. Điều 14, khoản 2 đề nghị thay thế như sau: “Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên hoặc tương đương về kinh tế tài chính, kế toán, kiểm toán”. Vì có nhiều trường hợp họ có bằng đại học ở các ngành khác nhưng họ đã tham dự đào tạo về tài chính, kế toán, kiểm toán với các chứng chỉ tương đương mà thế giới và các Hội nghề nghiệp công nhận thì họ cũng có thể thi và được cấp chứng chỉ KTV. Ngoài ra, không cần sử dụng từ ngân hàng vì trong tài chính đã bao gồm ngân hàng ở đó.

11. Điều 16, khoản 1, tiết c nên thay bằng “Đủ trình độ chuyên môn để đáp ứng yếu cầu nghề nghiệp”. Vì họ có thể cập nhật kiến thức dưới nhiều phương pháp khác nhau chứ không nhất thiết phải tham gia đầy đủ các chương trình.

12. Điều 53, khoản 1 thêm cụm từ “tính trung thực, hợp lý của” vào như sau

  Là loại báo cáo bằng văn bản do kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán lập và công bố để nêu rõ ý kiến chính thức của mình về tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính của một đơn vị đã được kiểm toán”. Vì kiểm toán viên cũng chỉ đưa ra ý kiến của mình về tính trung thực hợp lý của BCTC chứ không thể đưa ra ý kiến về các vấn đề khác.

13. Điều 59 theo tôi nên bỏ khoản 3 “Hồ sơ kiểm toán đưa vào lưu trữ phải đầy đủ, có hệ thống, phải phân loại, sắp xếp thành từng bộ hồ sơ riêng theo thứ tự thời gian phát sinh và theo từng hợp đồng kiểm toán, từng cuộc kiểm toán”. Vì vấn đề này do chuẩn mực nghề nghiệp điều chỉnh.

     Trên đây là một số góp ý của tôi nhìn từ quan điểm cá nhân, xin gửi đến ban soạn thảo nghiên cứu xem xét.

                                        TS Lê Văn Luyện

                                         Trưởng khoa Kế toán - Kiểm toán

                                         Học viện ngân hàng

Các văn bản liên quan