VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi của Tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Kính gửi: Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 2168/TTGSNH của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi của tổ chức tín dụng phi ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
Dự thảo chủ yếu liên quan đến thủ tục hành chính, vì vậy cần cụ thể, rõ ràng, đảm bảo tính minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng áp dụng. Về cơ bản, các quy định tại Dự thảo khá cụ thể, rõ ràng , tuy nhiên để hoàn thiện, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:
- Về hồ sơ
- “Văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua việc thay đổi”
Phần lớn hồ sơ của các thủ tục chấp thuận những thay đổi của tổ chức tín dụng phi ngân hàng quy định tại Dự thảo đều có tài liệu là “văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua việc thay đổi”.
Yêu cầu có văn bản này trong Hồ sơ đồng nghĩa với việc để được thay đổi một số nội dung, tổ chức tín dụng phi ngân hàng (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) sẽ phải thực hiện hai thủ tục: i) thủ tục để có quyết định thông qua việc thay đổi của cơ quan có thẩm quyền và ii) thủ tục để được chấp thuận những thay đổi. Về bản chất, yêu cầu này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải có một “giấy phép con” khác trước khi thực hiện thủ tục chấp thuận này.
Điều này dường như chưa thống nhất với quy định tại Điều 29 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 theo đó với những nội dung thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 29, thì doanh nghiệp phải thực hiện các thủ tục hành chính để sửa đổi, bổ sung giấy phép/chấp thuận những thay đổi, có nghĩa chỉ phải thực hiện 01 thủ tục.
Từ góc độ nội dung, việc cần phải chấp thuận 2 lần (quyết định thông qua việc thay đổi, chấp thuận việc thay đổi) cho cùng một việc (và rất có thể là bởi cùng một cơ quan có thẩm quyền là không hợp lý, gây tốn kém thời gian, công sức của doanh nghiệp.
Hơn nữa, xét về tính minh bạch, liên quan tới thủ tục thông qua việc thay đổi, không rõ doanh nghiệp làm thế nào để có được văn bản của cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua việc thay đổi? cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua việc thay đổi là cơ quan nào? Trình tự, thủ tục quy định ở đâu? Tiêu chí nào để cơ quan có thẩm quyền quyết định thông qua?
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ về những vấn đề trên, trong trường hợp không giải trình thuyết phục, đề nghị bỏ các văn bản này trong các hồ sơ của thủ tục quy định tại Dự thảo.
- “Văn bản, tài liệu chứng minh tổ chức tín dụng phi ngân hàng có quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp trụ sở tại địa điểm mới”
Điểm c khoản 1 Điều 6 Dự thảo quy định trong hồ sơ đề nghị chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính phải có “văn bản, tài liệu chứng minh tổ chức tín dụng phi ngân hàng có quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp trụ sở tại địa điểm mới”. Quy định này là chưa rõ ràng về loại tài liệu doanh nghiệp sẽ phải cung cấp, vì không rõ những văn bản nào chứng minh có quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp trụ sở.
Để đảm bảo cách hiểu thống nhất và thuận lợi khi triển khai, đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về các văn bản, tài liệu chứng minh tổ chức tín dụng phi ngân hàng có quyền sử dụng hoặc sở hữu hợp pháp trụ sở tại địa điểm mới (ví dụ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở; Hợp đồng thuê nhà …).
- “Tài liệu chứng minh sự cần thiết của việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh”
Điểm c khoản 1 Điều 10 Dự thảo quy định hồ sơ đề nghị tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá 01 ngày phải có “tài liệu chứng minh sự cần thiết của việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh”. Quy định này có điểm bất cập i) không rõ tài liệu này nhằm mục đích gì, bởi trong quy định tại điểm a, đơn vị có yêu cầu đã phải giải trình về lý do của việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh rồi, tức là đã giải trình về sự cần thiết rồi; tài liệu này nếu có phải là tài liệu chứng minh lý do của việc tạm ngừng chứ không phải chứng minh sự cần thiết; ii) cụ thể tài liệu này là tài liệu gì ngay cả bản thân cơ quan có thẩm quyền cũng không thể xác định trước được (bởi có thể có các lý do tạm ngừng kinh doanh khác nhau, hơn nữa không phải lý do nào cũng có tài liệu chứng minh.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định về tài liệu này (bỏ điểm c khoản 1 Điều 10). Trường hợp có căn cứ thuyết phục để giữ lại thì sửa thành “Tài liệu chứng minh lý do tạm ngừng kinh doanh” và nêu rõ tên tài liệu liên quan (xác định căn cứ vào các lý do có thể được chấp nhận cho tạm ngừng hoạt động kinh doanh quá 1 ngày).
- Báo cáo về danh sách cổ đông lớn
Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 12 Dự thảo, trong hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép, doanh nghiệp phải cung cấp “Báo cáo về danh sách cổ đông lớn”, tuy nhiên Dự thảo lại không có quy định hoặc dẫn chiếu tới quy định về việc xác định thế nào được cho là “cổ đông lớn”. Điều này có thể tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng.
Vì vậy đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về khái niệm này..
- Về thời gian giải quyết thủ tục
- Về trình tự, thủ tục thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính (Điều 6)
Khoản 2 Điều 6 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận, trong đó có quy định về việc lấy ý kiến giữa các cơ quan nhà nước với nhau, cụ thể:
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản lấy ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức tín dụng phi ngân hàng đang đặt trụ sở chính và nơi tổ chức tín dụng phi ngân hàng đề nghị được chuyển đến. Sau khi lấy ý kiến của các cơ quan này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ trình Thống đốc quyết định sửa đổi, bổ sung giấy phép.
Dự thảo quy định cụ thể về thời gian Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng lấy ý kiến các cơ quan nhà nước có liên quan và thời hạn trình Thống đốc quyết định, tuy nhiên lại không quy định về thời hạn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi chuyển đến và nơi đang đặt trụ sở chính phải có ý kiến. Điều này sẽ khiến cho quy trình thủ tục trở nên kéo dài và thiếu minh bạch.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về khoảng thời hạn Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức tín dụng phi ngân hàng đang đặt trụ sở chính và nơi tổ chức tín dụng phi ngân hàng đề nghị được chuyển đến phải có ý kiến.
- Về thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chính (Điều 7)
Điều 7 Dự thảo quy định, khi thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chính (không phát sinh thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính do thay đổi địa giới quản lý hành chính, đổi tên tòa nhà đặt trụ sở,…), doanh nghiệp gửi Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) văn bản thông báo về việc thay đổi địa chỉ trụ sở chính và đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép về việc thay đổi địa chỉ đặt trụ sở chính. Thời hạn để giải quyết thủ tục hành chính này là 10 ngày làm việc.
Đây là khoảng thời gian khá dài để giải quyết trường hợp khá đơn giản, không mất quá nhiều thời gian để thẩm định, vì việc thay đổi trụ sở chính không phát sinh thay đổi địa điểm mà do thay đổi địa giới quản lý hành chính.
Do đó, để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, tinh giản thủ tục hành chính, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục xuống (có thể là 05 ngày làm việc).
- Về tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét khi giải quyết thủ tục hành chính
- Về các nội dung cơ quan nhà nước liên quan có ý kiến:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Dự thảo thì sau khi nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ của doanh nghiệp về việc đề nghị chấp thuận thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ có “văn bản gửi lấy ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi tổ chức tín dụng phi ngân hàng đang đặt trụ sở chính và nơi tổ chức tín dụng phi ngân hàng đề nghị được chuyển đến” và ý kiến của các cơ quan này sẽ là một trong những cơ sở để Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thẩm định và trình Thống đốc quyết định.
Dự thảo không có quy định về việc các cơ quan được lấy ý kiến sẽ cho ý kiến về nội dung gì? Và dựa trên cơ sở nào để cho ý kiến? Điều này khiến cho quy trình thủ tục hành chính chưa minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về những nội dung cho ý kiến (cho ý kiến về những khía cạnh nào), căn cứ cho ý kiến (dựa vào đâu để đồng ý hay không đồng ý) và giá trị của ý kiến (nếu một trong hai hoặc cả hai ủy ban nhân dân liên quan không đồng ý thì Thống đốc có thể quyết định chấp thuận hay không)?
Đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ các thủ tục hành chính trong Dự thảo và quy định rõ về những nội dung cơ quan nhà nước có liên quan sẽ cho ý kiến trong các trường hợp thủ tục hành chính, cơ quan cấp phép có văn bản hỏi xin ý kiến các cơ quan này.
- Về tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định
Phần lớn các thủ tục hành chính trong Dự thảo đều không có quy định về tiêu chí để cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, xem xét hồ sơ và quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận những thay đổi của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện và khiến cho thủ tục hành chính trở nên thiếu minh bạch.
Ví dụ đối với trường hợp đề nghị tạm ngưng kinh doanh quá 01 ngày (Điều 10):
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải giải trình lý do xin tạm ngừng, nhưng lý do nào thì thích hợp để chấp nhận cho tạm dừng, lý do nào không? Cơ quan có thẩm quyền dựa vào đâu để quyết định chấp nhận hay từ chối?
- Hơn nữa, nếu lý do chỉ thích hợp để tạm ngưng kinh doanh vài ngày nhưng doanh nghiệp lại xin tạm ngừng vượt quá thời gian cần thiết đó thì cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định thế nào (chấp thuận nhưng sửa lại thời gian tạm ngừng hay từ chối hoàn toàn?). Có giới hạn tối đa của số ngày được phép tạm ngừng hoạt động không? Hay là số ngày này do doanh nghiệp đề xuất và cơ quan nhà nước sẽ xem xét quyết định?
Do đó, đề nghị Ban soạn thảo rà soát tất cả các quy định vè thủ tục hành chính và quy định cụ thể các tiêu chí để cơ quan có thẩm quyền xem xét và quyết định.
- Thay đổi nội dung, phạm vi hoạt động (Điều 8)
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo thì đối với những hình thức cấp tín dụng khác (chưa quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khác) thì “tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước” và khoản này quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.
Quy định trên là chưa rõ ở điểm: Chấp thuận mà Ngân hàng Nhà nước cấp theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo có được xem là “hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước” không (tức là chấp thuận của Ngân hàng chính là “hướng dẫn” cho trường hợp cụ thể liên quan? Nếu đúng thì tại sao không quy định “sau khi có chấp thuận của Ngân hàng” mà lại là “hướng dẫn của Ngân hàng”) ? Hay là Ngân hàng Nhà nước chỉ chấp thuận về việc “sẽ hướng dẫn” và sẽ cần có một văn bản cụ thể khác để hướng dẫn về các nội dung liên quan mà chưa được quy định trong văn bản nào? Nếu là như vậy thì tại sao phải cần tới 2 loại giấy tờ từ Ngân hàng Nhà nước cho một việc như vậy?
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại khoản 2 Điều 8 Dự thảo để làm rõ quy định này theo hướng:
- Hoặc là quy định “tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ được thực hiện sau khi có quyết định chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước”. Chú ý là ở đây thực chất Ngân hàng Nhà nước sẽ không có hướng dẫn gì cụ thể cho tổ chức tín dụng phi ngân hàng mà chỉ chấp thuận phương án/không chấp thuận phương án mà tổ chức tín dụng đề xuất trong hồ sơ.
- Hoặc là quy định “tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ được thực hiện sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước” như hiện tại nhưng hồ sơ, trình tự, thủ tục xin hướng dẫn sẽ theo hướng: doanh nghiệp nêu vấn đề, nêu đề xuất; còn phản hồi của Ngân hàng Nhà nước sẽ không phải là chấp thuận hay từ chối mà là hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp (có thể theo hoặc không theo phương án doanh nghiệp đề xuất – trong trường hợp Ngân hàng hướng dẫn một phương án khác với phương án doanh nghiệp đề xuất thì cần giải thích rõ lý do và hướng dẫn cụ thể cách thức thực hiện).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư hướng dẫn về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận những thay đổi của tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.