Công văn số 0780/LĐTM-PC ngày 23/5/2025 về việc góp ý Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử

Thứ Sáu 15:23 23-05-2025

Kính gửi: Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 3746/BTC-CHQ ngày 25/3/2025 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng giá trị nhỏ

Điều 12 Dự thảo quy định miễn thuế nhập khẩu với đơn hàng có giá trị nhỏ (từ 1 triệu đồng trở xuống). Tuy nhiên, cơ chế này chưa thực sự phù hợp và có nguy cơ tiếp tục tạo ra sự không bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước:

– Phần lớn hàng hoá nhập khẩu sẽ được miễn thuế nhập khẩu: giá trị mỗi đơn hàng TMĐT thường có giá trị thấp, thường không quá 1 triệu đồng. Chẳng hạn, năm 2024, hơn 324,1 triệu sản phẩm nhập khẩu đã được bán qua sàn Shopee, tạo ra doanh thu 14,2 nghìn tỉ đồng, tức giá trị trung bình chỉ khoảng 43.682 đồng/sản phẩm.[1] Như vậy, quy định ngưỡng 1 triệu đồng đồng nghĩa với phần lớn hàng hoá TMĐT nhập khẩu sẽ không chịu thuế nhập khẩu;

– Tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hoá sản xuất trong nước: các doanh nghiệp trong nước phải nộp thuế nhập khẩu với nguyên vật liệu nhập khẩu về để sản xuất hàng hoá, trong khi hàng hoá TMĐT được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu. Điều này vô hình trung vẫn tạo ra sự bất bình đẳng trong chính sách thuế, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hoá nước ngoài.

Do vậy, cần thiết cân nhắc áp dụng một chính sách thuế nhập khẩu toàn diện, không miễn giảm với hàng hoá TMĐT nhập khẩu.

Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách thuế nhập khẩu với hàng hoá TMĐT nhập khẩu sẽ gặp nhiều thách thức. Khó có thể áp dụng quy định về mã HS như hàng hoá nhập khẩu truyền thống cho hàng hoá TMĐT vì các lý do sau:

– Số lượng mã HS trong mỗi chuyến hàng rất lớn: mỗi lô hàng TMĐT thường gồm nhiều đơn hàng nhỏ, mỗi đơn hàng lại có nhiều mặt hàng với mã HS rất khác nhau.

– Khó khăn trong việc xác định mã HS: số lượng hàng hóa TMĐT vô cùng đa dạng có thể dẫn đến khó khăn quy mô lớn trong việc xác định mã HS, làm chậm trễ quá trình giao nhận, dẫn tới huỷ đơn hàng, gây thiệt hại cho người bán và sàn TMĐT.

Thực chất, quy định miễn thuế với ngưỡng 1 triệu đồng cũng xuất phát từ nguyên lý: chi phí hành thu với các sản phẩm giá trị nhỏ có thể lớn hơn nhiều so với số tiền thuế thu được.

Để giải quyết vấn đề này, kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần đơn giản hoá biểu thuế cho hàng hoá TMĐT. Ví dụ, có thể gộp các mã HS thành một số “giỏ hàng hóa” theo nhóm ngành hoặc công dụng, mỗi giỏ tương ứng với một mức thuế suất cụ thể. Chẳng hạn:

– Giỏ 1: Quần áo, giày dép, hàng dệt may, bộ đồ giường;

– Giỏ 2: Thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, tai nghe…

Theo cách này, doanh nghiệp có thể dễ dàng phân loại hàng hóa thay vì tranh luận chi tiết mã HS cụ thể cho từng sản phẩm nhỏ lẻ. Canada đã áp dụng cách làm này từ năm 2012, sử dụng ba nhóm hàng hóa thay thế cho gần 5.400 mã HS (xem Phụ lục 1).

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi lại quy định về thuế nhập khẩu với hàng hoá TMĐT, theo hướng quy định biểu thuế suất đơn giản hoá và áp dụng cho mọi đơn hàng TMĐT bất kể giá trị.

  1. Miễn giấy phép, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa giá trị nhỏ

Điều 11.1 Dự thảo đang dự kiến cho phép miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống nhưng mỗi năm tổng giá trị không quá 48 triệu đồng với mỗi tổ chức, cá nhân. Quy định đang thiết kế theo hướng quản lý theo người mua (người nhập khẩu).

Tuy nhiên, quy định này có thể chưa thực sự phù hợp với đặc điểm TMĐT và có thể tạo ra lỗ hổng trong thiết kế chính sách. Tương tự như phân tích ở trên, việc áp dụng ngưỡng 1 triệu đồng gần như không có tác dụng đáng kể nào khi phần lớn hàng nhập khẩu hiện nay có giá trị thấp. Điều này dẫn đến hệ quả là phần lớn hàng hóa TMĐT sẽ không phải chịu giấy phép, kiểm tra chuyên ngành, dù tổng giá trị hàng bán vào Việt Nam có thể rất lớn, gây bất bình đẳng với hàng hóa trong nước.

Cách thức thiết kế hiện tại vẫn dựa trên tư duy của hoạt động nhập khẩu truyền thống, trong khi có sự khác biệt rõ rệt giữa hai hình thức:

  – Nhập khẩu truyền thống: Các doanh nghiệp nhập khẩu thường là các tổ chức chuyên nghiệp, đã xác định rõ danh tính và chịu sự kiểm soát chặt chẽ. Trong khi đó, thông tin về người bán nước ngoài lại khó kiểm chứng, thường xuyên thay đổi. Do đó, cơ quan nhà nước thường kiểm soát theo người mua;

– Nhập khẩu qua TMĐT: thông tin về người bán (kể cả người bán nước ngoài) rõ ràng hơn nhiều so với người mua, kiểm soát bởi sàn TMĐT theo quy định tại Nghị định 52/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, do thói quen mua sắm dựa vào đánh giá và độ tin cậy, đơn hàng thường tập trung vào một số lượng người bán nhất định, giúp việc giám sát tập trung và hiệu quả hơn.

Vì vậy, thay vì tiếp tục quản lý theo người mua, có thể chuyển sang quản lý theo người bán. Cụ thể:

– Các người bán có số lượng đơn hàng nhỏ trong năm có thể được miễn kiểm tra chuyên ngành;

– Các người bán có số lượng đơn hàng lớn: hàng hoá có số lượng đơn hàng lớn sẽ phải tuân thủ quy định về giấy phép và kiểm tra chuyên ngành tương tự như cơ chế áp dụng trong hoạt động chuyển phát nhanh.

Cơ chế này sẽ đồng thời đảm bảo quản lý theo rủi ro, theo đó, tập trung quản lý với các hàng hoá có khối lượng giao dịch lớn trên thị trường.

Từ những phân tích trên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc xây dựng cơ chế quản lý giấy phép, kiểm tra chuyên ngành với hàng hoá theo người bán.

  1. Các trường hợp không được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành

Điều 11.2 Dự thảo quy định việc miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành không áp dụng với trường hợp các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có cảnh báo về an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, nguy hại cho kinh tế, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Việc này là cần thiết nhằm đảm bảo các lợi ích công cộng trong nước. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ở thời điểm áp dụng các quy định này. Việc có thể khiến đơn hàng dù đã được đặt và vận chuyển nhưng người mua bỏ hàng không nhận do chi phí phải trả lúc đó quá lớn so với dự tính ban đầu, từ đó gây thiệt hại cho các doanh nghiệp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng không áp dụng quy định về cảnh bảo với các đơn hàng đã gửi thông tin đến cho Hệ thống.

 

  1. Kiểm tra thực tế hàng hóa

Điều 16.1 Dự thảo quy định việc kiểm tra thực tế với hàng hóa. Việc kiểm tra thực tế hàng hoá khi có phát hiện nghi ngờ và theo nguyên tắc quản lý rủi ro là cần thiết và hợp lý. Tuy nhiên, việc này sẽ làm phát sinh thời gian vận chuyển, giao nhận hàng hoá. Nhiều trường hợp hàng hoá thương mại điện tử được vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh. Nếu phát sinh việc kiểm tra thực tế hàng hoá có thể khiến doanh nghiệp dịch vụ chậm giao hàng và phải bồi thường cho khách hàng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định theo hướng: Trong trường hợp cần kiểm tra thực tế hàng hoá thì cơ quan hải quan phát thông báo bằng văn bản hoặc bằng phương tiện điện tử cho người làm thủ tục. Khi đó, người làm thủ tục có thể dùng thông báo chính thức này của cơ quan hải quan để thông báo đến cho người nhận hàng về sự chậm trễ giao hàng, cũng như làm căn cứ trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng vận chuyển, giao nhận hàng hoá.

  1. Xử lý trong trường hợp Hệ thống gặp sự cố

Điều 7.4 Dự thảo quy định cơ quan hải quan thông báo nếu Hệ thống gặp sự cố không khai báo được. Tuy nhiên, Dự thảo chưa có quy định về phương thức cung cấp thông tin trong trường hợp này. Cụ thể, doanh nghiệp có được khai hồ sơ giấy (và cập nhật bản điện tử sau khi Hệ thống hoạt động trở lại) hay không? Nếu không, doanh nghiệp có thể đối mặt với tình trạng hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu do không thông quan được. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ vấn đề trên.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.

[1] https://tuoitre.vn/dau-dau-vi-thue-hang-nhap-gia-tri-nho-qua-thuong-mai-dien-tu-20250401080754609.htm

PHỤ LỤC 1: HỆ THỐNG HÀI HOÀ CHUNG CỦA CANADA 2012[1]

GIỎ HÀNG HÓA 1 – HS 982515100000

Bộ đồ giường/Khăn trải giường/Khăn tắm/Rèm cửa/ Quần áo/Trang phục (không bao gồm trang phục tôn giáo và sari) Giày dép và các bộ phận của giày dép (bao gồm cả giày trượt)/Hàng dệt may

THUẾ SUẤT MFN

 

20%

THUẾ SUẤT FTA

 

MIỄN THUẾ

GIỎ HÀNG HÓA 2 – HS 9825200000

Phụ tùng ô tô (không bao gồm động cơ / bộ phận đánh lửa) / Dụng cụ hỗ trợ làm đẹp / Mỹ phẩm / Đồ vệ sinh / Bộ tẩy lông du lịch / Xe đạp / Xe ba bánh / Bàn chải / Kẹo / Sô cô la, đồ ăn vặt / CD / DVD (nhạc ghi sẵn) / Gốm sứ / Sản phẩm vệ sinh / Đánh bóng / Sản phẩm bôi trơn / Đồng hồ / Máy pha cà phê / Trà / Đồ nấu ăn/Đồ dùng nhà bếp/ Bộ đồ ăn / Gậy chơi golf / Bóng / Túi xách/ Ví / Mũ / Dụng cụ viết/vẽ/sơn/ Đồ trang sức (Thành phẩm/vật mẫu) / Da và sản phẩm từ da/ Va li / Hàng hóa khác chưa phân vào đâu /Nhạc cụ (Đàn ghi ta, đàn organ, trống, v.v.) /Các sản phẩm bằng nhựa, NES / Sari (Thiết bị thể thao (không bao gồm ván trượt / vợt / gậy chơi khúc côn cầu / bỏng bầu dục)/ Thảm dệt / Dụng cụ cầm tay (không dùng điện) / Ô dù / Gậy đi bộ / Roi / Cây trồng

THUẾ SUẤT MFN

 

8%

THUẾ SUẤT FTA

 

MIỄN THUẾ

GIỎ HÀNG HÓA 3 – HS 9825300000

Phụ tùng ô tô cho động cơ /bộ phận đánh lửa / Phụ tùng xe đạp / Máy ảnh và các bộ phận /phụ kiện CD/DVD ( trống / chưa ghi ) / Máy tính / Máy tính xách tay và các bộ phận/phụ kiện / Ván trượt / Gậy chơi khúc côn cầu / Vợt / Thiết bị bóng bầu dục / Thiết bị điện (Công tắc/phích cắm/ổ cắm, v.v.) Xe đạp tập thể dục/ Thiết bị leo cầu thang để tập thể dục và các bộ phận của thiết bị/ Kính mắt (Kính râm, v.v.) /Bộ phận máy móc, NES / Kính hiển vi /Phụ tùng xe máy Bộ phận và phụ kiện của nhạc cụ /Đồ mới lạ / Đồ lễ hội / Điện thoại – Đầu / Tai nghe/ Micro điện thoại / Dụng cụ điện (cầm tay) / Máy phát hiện đá quý/kim loại/ Vật liệu in (Tác phẩm nghệ thuật in/sách/tài liệu quảng cáo, v.v.) /Mũ bảo hộ / Phần mềm / Đồ chơi / Thẻ / Đồ thủ công mỹ nghệ / Đồ thủ công theo sở thích / Máy chơi trò chơi điện tử và trò chơi điện tử / Máy quay / Máy ảnh kỹ thuật số / Đồng hồ đeo tay/ Bộ phận của đồng hồ & phụ kiện

THUẾ SUẤT MFN

 

MIỄN THUẾ

THUẾ SUẤT FTA

 

MIỄN THUẾ

[1]https://global-express.org/assets/files/amgads-paper-de-minimis-vat-gst-on-lvs/GEA%20PROPOSAL%20ON%20DUTYTAX%20COLLECTION%20ON%20IMPORTED%20LOW%20VALUE%20SHIPMENTS.pdf