Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung – Điện Biên

Thứ Ba 10:25 26-10-2010

Kính thưa Quốc hội.

Mặc dù tôi đã nghiên cứu rất kỹ Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tuy nhiên tôi thấy vẫn còn một số nội dung tham gia trong buổi thảo luận hôm nay.

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh, Điều 1 quy định đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, theo tôi nên bỏ đối tượng không chịu thuế ra khỏi phần này vì luật này không điều chỉnh những đối tượng không chịu thuế . Như vậy khi đã quy định đối tượng chịu thuế thì đương nhiên ngoài những đối tượng chịu thuế sẽ là đối tượng không chịu thuế. Và Điều 4, dự thảo quy định về đối tượng chịu thuế là không đúng, thì tôi xin được phân tích ở phần sau. Nếu luật này có quy định cả những đối tượng không chịu thuế thì sẽ phải liệt kê rất nhiều và có lẽ không thể liệt kê hết được.

Về giải thích từ ngữ, Khoản 1 thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào một số sản phẩm hàng hóa, tôi đề nghị thay từ "thu vào" bằng từ "áp dụng đối với" cho đúng nghĩa và chính xác.

Khoản 3: túi ni lông thuộc diện chịu thuế. Theo nội dung như Báo cáo giải trình, tiếp thu thì túi ni lông này chỉ thu vào túi nhựa xốp là chủ yếu, vì vậy cần giải thích túi nhựa xốp là gì? như vậy sẽ cụ thể, rõ ràng hơn. Tuy nhiên, cần xem xét lại túi này vì theo quy định như vậy chỉ có nhựa xốp ở dạng túi mới phải chịu thuế. Nhưng đã là nhựa xốp thì ở dạng nào, hình thù ra sao cũng đều gây tác hại xấu đến môi trường. Nếu như chỉ thu nhựa xốp ở dạng túi thì nên sửa lại Khoản 3 như sau: túi nhựa xốp là loại nhựa được làm từ màng nhựa đơn polyetylen (thường gọi túi ni lông), như vậy sẽ dễ hiểu hơn.

Về đối tượng không chịu thuế, tôi xin được tiếp tục phát biểu như sau. Quy định đối tượng không chịu thuế trong dự thảo luật là chưa hợp lý và không thể bao quát hết tất cả đối tượng không chịu thuế. Chỉ cần quy định các đối tượng chịu thuế thì đương nhiên những đối tượng nằm ngoài đối tượng chịu thuế là đối tượng không chịu thuế. Nếu quy định đối tượng không chịu thuế thì phải liệt kê toàn bộ các đối tượng phải chịu thuế ra khỏi toàn bộ nội dung tại Điều 4 dự thảo không phải là đối tượng chủ thể. Như vậy cụ thể Điều 4 cần xem xét như sau: tên đối tượng không chịu thuế là không chính xác vì toàn bộ nội dung điều luật không chỉ tới các đối tượng, mà chỉ tới những trường hợp không phải chịu thuế tức là miễn thuế, vì vậy tên điều luật nên sửa lại là miễn thuế.

Khoản 3, cần xem xét lại vì nội dung quy định này sẽ mâu thuẫn với Khoản 5 của dự thảo tại Điều 5 về người nộp thuế chỉ quy định đối với các hoạt động sản xuất và nhập khẩu mà không quy định việc nộp thuế của người xuất khẩu.

Thứ năm, về căn cứ tính thuế, tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6 có quy định đối với hàng hóa sản xuất trong nước số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra trao đổi, tiêu dùng nội bộ tặng cho, nhưng đối với các loại sản phẩm hàng hóa này thì khi đã sản xuất là đã gây tác động xấu đến môi trường mà không cần phải được bán, trao đổi tiêu dùng. Bởi vì luật này nhằm mục đích bảo vệ môi trường, vì vậy khoản này nên quy định lại như sau. Đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng sản phẩm hàng hóa tính thuế là số lượng sản phẩm hàng hóa đã sản xuất. Về mức thuế theo tôi chưa hợp lý cần xác định lại mức thuế trên cơ sở đánh giá mức độ gây tác động xấu đến môi trường của sản phẩm hàng hóa. Ví dụ, xăng có mức thuế cao hơn dầu, than có mức thuế thấp hơn xăng dầu là không hợp lý, là chưa phù hợp với căn cứ xác định mức thuế là mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

Về thời điểm tính thuế được quy định tại Điều 9 của dự thảo, Khoản 1 và Khoản 2 quy định thời điểm tính thuế đối với hàng hóa sản xuất trong nước. Do đó, việc quy định thời điểm tính thuế như trong dự thảo là không hợp lý và sẽ khó khăn cho việc quản lý thu thuế. Đồng thời không phù hợp với Điều 5, nên gộp 2 khoản này thành một khoản đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước, thời điểm tính thuế là thời điểm hoàn thành quá trình sản xuất ra sản phẩm và một phần nữa tôi xin bổ sung về đối tượng điều chỉnh của dự án luật này thì dự thảo luật không xác định đối tượng điều chỉnh của luật. Do đó không thể hiện rõ ràng hoạt động nào phải nộp thuế, hoạt động nào không phải nộp thuế, mục đích của thuế và đối tượng chịu thuế. Từ đó đã làm cho dự thảo luật cho dù có được xây dựng cẩn thận, đầy đủ đến đâu thì vẫn trở lên sơ sài gây khó khăn cho việc nghiên cứu áp dụng. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung một điều về đối tượng điều chỉnh tại Chương I. Xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan