VCCI góp ý Dự thảo Nghị định bãi bỏ một số Nghị định trong lĩnh vực Ngân hàng
Kính gửi: Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trả lời Công văn số 851/NHNN-PC của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 15/02/2017 về việc đề nghị cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị định bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:
Về cơ bản, việc ban hành một Nghị định để bãi bỏ các Nghị định khác không còn áp dụng trên thực tiễn sẽ tạo thuận lợi cho các đối tượng tác động khi tìm hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật, góp phần quan trọng vào việc tăng cường tính minh bạch và đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Những văn bản được bãi bỏ trong Dự thảo đều là các văn bản hướng dẫn các văn bản cấp trên đã hết hiệu lực hoặc bị thay thế, vì vậy về nguyên tắc đều là các văn bản phải bãi bỏ.
Do đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hoàn toàn thống nhất với nội dung Điều 1 của Dự thảo (danh sách các Nghị định được bãi bỏ).
Tuy nhiên, liên quan tới thời điểm có hiệu lực của Dự thảo (tức là thời điểm hết hiệu lực của các văn bản nêu tại Điều 1 Dự thảo). một số vấn đề sau đây có lẽ cần được Ban soạn thảo làm rõ hơn:
- Thời điểm hết hiệu lực của các văn bản liên quan là thời điểm nào?
Theo Khoản 4 Điều 154 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2014 quy định “Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành, văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực”. Chiếu theo quy định này thì các văn bản được liệt kê tại Điều 1 Dự thảo đều là các văn bản hướng dẫn Luật tổ chức tín dụng 2004 hoặc là trước đó nữa, vì vậy ít nhất là đã hết hiệu lực từ ngày Luật các tổ chức tín dụng 2010 (văn bản pháp luật hiện hành cao nhất về lĩnh vực này) bắt đầu có hiệu lực, tức là ngày 1/1/2011.
Trong khi đó Điều 2 Dự thảo hiện lại chưa nêu được thời điểm hết hiệu lực của các văn bản này (với cách quy định như hiện tại “hết hiệu lực kể từ ngày…” thì suy đoán sẽ là một ngày nào đó trong tương lai???)
Chú ý là thời điểm hết hiệu lực của một số văn bản được liệt kê tại Điều 1 có thể ảnh hưởng nhất định tới quyền và lợi ích của một số chủ thể (nếu các quyền và lợi ích trong quá khứ chưa được xử lý dứt điểm).
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ vấn đề này.
- Liệu có lỗ hổng về mặt pháp lý?
Theo giải trình tại phần “Sự cần thiết ban hành văn bản” của Tờ trình Dự thảo, thì các nghị định hướng dẫn Luật các tổ chức tín dụng năm 1997 (được sửa đổi, bổ sung năm 2004) (có liệt kê tên của các văn bản) sẽ được bãi bỏ vì các lý do:
– Các nội dung tại các nghị định này đã được quy định trong Luật các tổ chức tín dụng 2010 hoặc giao cho Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn, và
– Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc ban hành các văn bản theo thẩm quyền để quy định các nội dung được giao.
Nội dung giải trình trên là chưa đủ rõ ràng ở điểm: Ban soạn thảo cần chỉ ra tên của các văn bản do Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về những vấn đề trong các văn bản đã được bãi bỏ trên. Điều này sẽ giúp nhận biết được các vấn đề quy định trong các văn bản được bãi bỏ theo Dự thảo này đã được thay thế bởi quy định tại các văn bản đang có hiệu lực nào, từ đó nhận diện được liệu có “lỗ hổng” pháp lý do thiếu văn bản quy định hay không để có hướng xử lý tiếp theo (ví dụ ban hành văn bản thay thế).
Đề nghị Ban soạn thảo giải trình rõ vấn đề này để đảm bảo tính minh bạch trong chính sách.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.