Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lý Kim Khánh – Cà Mau

Thứ Năm 11:40 10-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế và đô thị hóa, mức độ ô nhiễm môi trường ở nước ta ngày càng tăng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và duy trì tăng trưởng bền vững, việc giải quyết ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên cấp thiết không chỉ đối với nước ta mà đã trở thành một vấn đề toàn cầu.

Do xuất phát điểm từ nền kinh tế thấp, chúng ta chú trọng nhiều hơn đến tăng trưởng kinh tế, chưa có điều kiện đầu tư, cải tạo môi trường, vì vậy ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng đã báo động. Tuy nhiên hiện nay nước ta chính sách bảo vệ môi trường qua các biện pháp tài chính còn tản mạn chưa tập trung, chỉ mới góp phần huy động một phần nhằm bù đắp, khắc phục những tổn hại về môi trường. Chưa điều chỉnh rộng rãi đến hoạt động sản xuất tiêu dùng đối với các sản phẩm gây hại cho môi trường. Do vậy việc ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế trong chính sách bảo vệ môi trường hiện hành, tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định điều chỉnh các hành vi gây tác động tiêu cực đến môi trường, góp phần nâng cao chất lượng đời sống.

Tuy nhiên còn một số quy định trong dự thảo luật, một số vấn đề cụ thể cần phải bàn:

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có thể đưa thuốc sử dụng trong nông nghiệp ra khỏi đối tượng chịu thuế vì đó là sản phẩm đầu vào thiết yếu của sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó hiện nay nhà nước ta cũng đang có nhiều chính sách để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ cho đời sống của người dân. Nay chúng ta lại thu thuế bảo vệ môi trường đối với các loại thuế sử dụng trong nông nghiệp thì sẽ làm tăng chi phí sản xuất, gây khó khăn cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp do chi phí các loại thuốc chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi phí sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo năng suất của cây trồng, dù có trả giá bao nhiêu thì người dân cũng phải mua thuốc sử dụng trong nông nghiệp để sử dụng.

Vấn đề thứ hai đặt ra là trên thực tế không phải chỉ có 5 nhóm đối tượng như trong dự thảo luật mà còn có nhiều đối tượng khác gây tác động xấu, lâu dài cho môi trường và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người. Do vậy, có thu thuế đối với toàn bộ các đối tượng đó hay không, nếu cho rằng Luật thuế bảo vệ môi trường là biện pháp tài chính chủ yếu để bảo vệ môi trường. Do đó tôi nhất trí cao với ý kiến của các đại biểu trước là Ban soạn thảo cần rà soát lại danh mục hàng hóa, nghiên cứu danh mục sản phẩm gây ô nhiễm môi trường trong các văn bản liên quan, khảo sát thêm thực tiễn để bổ sung, mở rộng đối tượng chịu thuế. Đồng thời đối với những đối tượng nhạy cảm nếu thu thuế mà gây tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh thì vẫn có thể đưa vào đối tượng chịu thuế nhưng sẽ thu thuế với mức thuế suất tối thiểu hoặc thuế suất 0% để xử lý linh hoạt một số trường hợp cần thiết, tránh tình trạng phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính ổn định của luật.

Về đối tượng không chịu thuế, các đối tượng không chịu thuế quy định trong Dự thảo luật còn bất hợp lý, chưa bao quát hết các đối tượng dẫn đến có đối tượng vừa không thuộc diện chịu thuế, vừa chịu thuế, có những đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến môi trường như các đại biểu trước đã phát biểu, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ vấn đề này hơn.

Về mức thuế đối với một số mặt hàng cụ thể, thuế đối với xăng, dầu, Ban soạn thảo cần xem xét tính toán hợp lý, tránh gây tác động đến với đời sống, giá thành sản phẩm, kìm chế lạm phát, duy trì kinh tế vĩ mô. Hiện nay, trong giá xăng dầu đã bao gồm nhiều loại thuế, phí nếu áp dụng mức thuế đối với xăng dầu như quy định trong Dự thảo, dù có trừ phí xăng dầu, giá xăng dầu bán vẫn sẽ tăng, đồng thời dẫn đến tăng theo nhiều mặt hàng giá cả, các dịch vụ khác. Đề nghị thu hẹp biên độ khung thuế và hạ mức trần với xăng dầu. Còn thuế đối với than, việc sử dụng than sẽ gây ảnh hưởng môi trường nghiêm trọng, do đó, việc thu thuế môi trường đối với than nhằm khuyến khích sử dụng tiết kiệm và giảm ô nhiễm môi trường là cần thiết. Tuy nhiên, biên độ khung thuế đối với than quy định trong Dự thảo luật là từ 6.000 - 30.000 đồng/tấn là quá rộng, đề nghị Ban soạn thảo thu hẹp biên độ thu thuế, đồng thời cũng cần phân loại từng loại than cụ thể gây mức độ nghiêm trọng như thế nào. Thuế đối với túi nhựa xốp, tôi cũng tán đồng cao như giải trình của Chính phủ về tác hại cùng với việc đưa túi nhựa xốp vào đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó góp phần thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong việc sử dụng. Khuyến khích sản xuất các dạng sản phẩm khác để thay thế, thân thiện với môi trường hơn.

Thứ ba, về phương pháp xác định thuế suất, tôi nhất trí như trong Báo cáo thẩm tra và các đại biểu đã phát biểu trước. Vấn đề này tôi không phân tích gì thêm, tôi tán thành với phương pháp tính thuế bảo vệ môi trường theo tỷ lệ %.

Thứ tư, về hoàn thuế. Hoàn thuế là khâu phức tạp, dễ sơ hở làm phát sinh nhiều tiêu cực gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, trong khi đó quy định trong dự thảo luật là: "Khi có quyết định hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật". Quy định như vậy chưa chặt chẽ, không phù hợp, vẫn còn sơ hở dẫn đến sơ hở trong hoàn thuế. Vì vậy, để tránh bị lợi dụng và đáp ứng được yêu cầu quản lý, đề nghị quy định theo hướng cụ thể hơn, chặt chẽ hơn. Xin hết

Các văn bản liên quan