Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đặng Văn Xướng – Long An

Thứ Năm 11:41 10-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Luật Thuế bảo vệ môi trường cùng với các pháp luật bảo vệ môi trường và các pháp luật liên quan hiện nay khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường sống của chúng ta hiện nay với vấn đề xuống cấp rất nghiêm trọng, cho nên ban hành luật này là rất cần thiết. Tôi xin đóng góp 3 nội dung dưới đây.

Trước hết, về mục tiêu, yêu cầu xây dựng luật thuế này. Theo tôi ngoài 5 điểm như Tờ trình của Chính phủ, tôi đề nghị phải bổ sung yêu cầu kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan khi xây dựng dự án luật này. Nếu chúng ta áp dụng theo hướng này thì sẽ rất dễ lý giải cũng như áp dụng đối với việc chúng ta xác định đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, mức thuế, biểu khung thuế và các mức thuế cụ thể trong dự án luật. Ví dụ tất cả các đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường vào luật này mà phần nhiều chúng ta vẫn để lại áp dụng đối với phí. Mức thu thuế ở mức sàn đối với xăng dầu như dự thảo bằng mức phí xăng dầu hiện hành, đối với than cũng bằng mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện hành, các khoản phí xăng dầu cũng như bảo vệ môi trường hiện hành hiện nay chúng ta cũng thực hiện bằng mức thu tuyệt đối.

Ý kiến thứ hai, về đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 3. Tôi cơ bản đồng tình với dự thảo luật là trước mắt chúng ta chỉ đưa 5 nhóm hàng hóa chịu thuế đó là: xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng vì 5 lý do sau đây:

Một, đây là sắc thuế mới và phức tạp nên chúng ta cần phải quy định để đảm bảo tính khả thi.

Hai, mục đích của việc ban hành sắc thuế này không phải mục đích chính là tăng thu ngân sách, cái chính là phục vụ cho phát triển kinh tế bền vững, ý thức cho người tiêu dùng để có trách nhiệm trong bảo vệ môi trường sống. Thu ngân sách tất nhiên là có nhưng nó chỉ là mục tiêu thứ yếu.

Ba, nếu chúng ta mở rộng, sẽ làm hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, cũng như các sản phẩm hàng hóa của chúng ta, nó sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và làm khó khăn trong điều kiện chúng ta đang tập trung để khôi phục kinh tế sau thời gian bị suy thoái.

Tư, nhiều nước trên thế giới người ta cũng làm như vậy. Chúng ta không nên hăng hái, tiên phong đi đầu trong vấn đề này. Ví dụ một số nước Châu Âu người ta dự kiến đưa phân bón hóa học vào diện chịu thuế, nhưng thực tế người ta chưa áp dụng. Một số nước như Đan Mạch, Bỉ cũng không áp dụng Thuế bảo vệ môi trường với sản phẩm hóa chất bảo vệ thực vật, nhiều nước không thu thuế bảo vệ môi trường đối với trường hợp hoạt động không chịu thuế như ở Điều 4. Tôi thấy trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn chúng ta không nên mở rộng.

Thứ năm, về mặt kỹ thuật lập pháp mà nói theo tôi trước mắt chúng ta cũng chưa thể đưa ngay vào luật này tất cả những hàng hóa mà khi chúng ta sử dụng sẽ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên tôi cũng thống nhất đối với một số đại biểu đề nghị luật nên quy định theo hướng mở để chúng ta linh hoạt hơn trong việc bổ sung các đối tượng chịu thuế sau này mà chúng ta khỏi cần phải sửa luật. Chúng ta làm việc này bằng cách nào? Tôi đề xuất: một là bổ sung một khoản quét vào Điều 3 quy định giao cho Chính phủ sẽ có bổ sung tùy theo điều kiện phát triển của đất nước chúng ta. Hai là bổ sung vào luật một điều mới có thể đặt tên là nguyên tắc đánh thuế bảo vệ môi trường. Điều này gồm hai khoản, Khoản 1 quy định về nguyên tắc mọi hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường đều phải chịu thuế bảo vệ môi trường nhưng phải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ. Khoản 2 quy định mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xây dựng phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường. Theo phương án này tôi cũng đề nghị bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 8 quy định giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế tuyệt đối cụ thể cho từng loại hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường theo các nguyên tắc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 của điều này để không trùng lặp. Và đóng góp ý kiến này tôi cũng đồng thời không đồng tình giao thẩm quyền quy định thuế tuyệt đối cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội mà thẩm quyền này giao cho Quốc hội.

Ý kiến thứ ba, tôi đồng ý với mức thuế suất tuyệt đối như đại biểu đã phân tích cũng như trong Tờ trình Chính phủ nêu cũng rất rõ. Riêng khung thuế suất đối với than thì tôi đề nghị mức sàn giữ nguyên, nhưng mức trần cần phải nâng lên. Xin có một số ý kiến như vậy, xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan