Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Dũng – Tiền Giang

Thứ Năm 11:25 10-06-2010

Kính thưa Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Môi trường hiện là vấn đề xã hội đặc biệt quan tâm, luôn là đề tài nóng của các diễn đàn, bức xúc của công luận, là yêu cầu cấp bách để phát triển bền vững. Do vậy, tôi ủng hộ việc ban hành luật quy định một sắc thuế mới nhằm thiết thực góp phần bảo vệ môi trường.

Về đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, đồng thời chịu phí môi trường, tôi nghĩ thuế và phí đều là công cụ tài chính để bảo vệ môi trường, tuy có đặc điểm khác nhau nhưng sẽ bổ trợ cho nhau khi áp dụng đồng bộ. Chúng sẽ bổ trợ cho nhau tốt hơn trong công tác bảo vệ môi trường, do vậy tôi đồng ý với việc áp dụng cả phí môi trường và thuế môi trường ở những công đoạn khác nhau. Đồng thời đề nghị cùng với thuế môi trường cần xây dựng đồng bộ các công cụ tài chính, đặc biệt là chính sách thu phí, nhằm củng cố cơ sở pháp lý và cơ sở tài chính, bảo đảm nguồn tài chính cho bảo vệ môi trường, tăng cường trách nhiệm và quyền lợi của mọi tác nhân trong bảo vệ môi trường và thực hiện phương châm: người gây ô nhiễm môi trường phải có trách nhiệm chi trả chi phí khắc phục hậu quả ô nhiễm.. Người được hưởng thụ môi trường trong sạch cũng trả chi phí cho việc giữ gìn duy trì môi trường.

Về đối tượng chịu thuế, tôi đồng ý với quan điểm của Chính phủ, trong bối cảnh điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại chưa nên đưa tất cả hàng hóa gây ô nhiễm vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường mà cũng chỉ chọn lựa một số hàng hóa theo 3 nguyên tắc của Chính phủ đã trình vào diện chịu thuế trong 5 nhóm đối tượng dự thảo luật quy định chịu thuế tôi xin góp ý kiến như sau.

Về túi nhựa xốp, tôi nhớ lại trước đây mặt hàng này có giá thành cao so với mặt bằng giá lúc đó nên chưa được sử dụng nhiều, mặt khác đời sống nhân dân thấp, hàng hóa khan hiếm nên nhiều người thu nhặt tái chế vì vậy, chưa gây ô nhiễm môi trường. Nay túi nhựa xốp rất thuận tiện, giá rất rẻ người ta sử dụng nhiều nên không mấy ai cần đi thu nhặt, tái chế, do vậy nó được thải hẳn ra môi trường, vì chậm phân hủy nên nó trở thành vấn nạn gây ô nhiễm nghiêm trọng lâu dài ở tất cả mọi nơi, do vậy tôi tán thành cần được đánh thuế bảo vệ môi trường và thu ở mức cao để hạn chế dùng túi nhựa xốp đồng thời sẽ tạo điều kiện khuyến khích sản xuất và tiêu dùng mặt hàng khác thân thiện với môi trường. Hiện nay cũng có những mặt hàng nhựa khác như chai, can nhựa v.v... Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay của nước ta chưa nên quy định thu thuế với các mặt hàng này. Mặt khác tôi đề nghị Chính phủ có những chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các cơ sở doanh nghiệp thu nhặt, tái chế các sản phẩm từ nhựa phế thải để góp phần làm trong sạch môi trường. Với thuốc bảo vệ thực vật theo dự thảo chỉ quy định thu thuế đối với một số thuốc độc hạn chế sử dụng, các loại thuốc bảo vệ thực vật khác không quy định thu thuế bảo vệ môi trường. Tôi thấy hiện nay nông dân ta sản xuất phân tán nhỏ lẻ là phổ biến, mức sống còn thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Bản thân người nông dân bất đắc dĩ mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhất là các loại thuốc độc hại vì chính họ là người bị tác hại đầu tiên vì phải tiếp xúc với hóa chất đó. Nếu có loại thuốc khác thân thiện với môi trường, hiệu quả hơn, giá phải chăng thay thế chắc chắn họ không sử dụng loại thuốc độc hại. Trong khi đó số thu thuế trong dự tính không đáng là bao, dự kiến tổng thu theo phương án thấp của thu thuế môi trường là 14.325 tỷ thì dự thu từ thuốc bảo vệ thực vật chỉ là 1 tỷ, thế giới cũng không có mấy nước thu thuế bảo vệ môi trường với nhóm hàng này. Tôi đề nghị không thu thuế đối với thuốc bảo vệ thực vật nhằm thể hiện sự quan tâm và chính sách ưu ái của Đảng và Nhà nước đối với nông dân. Việc hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ môi trường nên thực hiện bằng cách khuyến cáo không sử dụng loại độc hại và khuyến khích tạo nguồn cung cấp các loại thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường.

Mặt khác, hiện nay thuốc lá là mặt hàng không khuyến khích nhưng có số lượng rất người sử dụng, tuy đã thu thuế tiêu thụ đặc biệt 65% nhưng nước ta là một trong những nước giá thuốc lá rẻ nhất thế giới, hiện nay ai sử dụng thuốc lá cũng được thuốc gói, thuốc đầu lọc, không sử dụng thuốc bánh, thuốc cuốn, thuốc lào, thuốc 555 không phải là mặt hàng xa xỉ như xưa. Thuốc rẻ, bao bì đẹp, hấp dẫn nên đã khuyến khích được nhiều người, nhất là thanh niên, thiếu niên sử dụng thuốc lá. Theo thông tin của Ban soạn thảo Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, nước ta có 56,1% nam giới hút thuốc lá, việc sử dụng thuốc lá đang tăng dần qua các năm, trong thuốc lá chứa nhiều chất độc hại không chỉ cho người hút mà người thụ động, gây ra 25 loại bệnh hiểm nghèo, hàng năm nước ta có khoảng 40.000 người chết do tác hại của thuốc lá, gấp mấy lần số người chết vì tai nạn giao thông. Có thông tin năm 2008 ở nước ta phải chi cho người hút thuốc lá đến 14.000 tỷ đồng, chưa kể số chi cho người bệnh, chỉ riêng chi cho điều trị 3 loại bệnh có liên quan đến hút thuốc lá 429 tỷ đồng mỗi năm, thuốc lá gây ô nhiễm độc hại, tốn hao như vậy rất cần thiết thu thêm thuế. Tôi đề nghị phải đánh thuế bảo vệ môi trường, không nên vì ngại thu thuế mà thuốc lá có giá thành cao, khó tiêu thụ nên giảm nguồn thu lớn cho ngân sách mà đánh đổi bằng sức khỏe của nhân dân. Tôi đề nghị thế giới chưa ai thu ta cũng thu, không chờ đợi việc nghiên cứu thu quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá, thu càng sớm, càng tốt. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan