Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Hanh – Vĩnh Phúc

Thứ Năm 11:24 10-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu Tờ trình số 24 ngày 6/4/2010 và Báo cáo thẩm tra dự án Luật 158 ngày 21/4/2010 của Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội cơ bản tôi nhất trí, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Một, việc ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường là hết sức cần thiết, nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định, điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường. Về bản chất thuế bảo vệ môi trường được xem là công cụ kinh tế trong quản lý môi trường, thực hiện Điều 112 Luật bảo vệ môi trường tổ chức hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh một số sản phẩm gây tác động xấu, lâu dài đến môi trường và sức khỏe của con người phải nộp thuế môi trường. Việc ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường còn có ý nghĩa xã hội rất sâu sắc, góp phần làm thay đổi hành vi của con người theo hướng có lợi cho môi trường. Tôi đồng tình với cách đặt vấn đề thu thuế bảo vệ môi trường đương nhiên mang lại một nguồn thu nhất định cho ngân sách, nhưng quan trọng hơn vẫn là nhằm thay đổi nhận thức người dân về vai trò của môi trường đối với cuộc sống, đó là mục tiêu cao nhất mà luật pháp và các chính sách về môi trường hướng tới.

Việc đánh thuế môi trường góp phần hạn chế sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm thay thế hoặc hạn chế tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm. Với mục đích như vậy sẽ góp phần tiết kiệm cho cá nhân, cho xã hội, giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý ô nhiễm.

Thời gian qua Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, huy động một phần đóng góp của đối tượng gây ô nhiễm môi trường. Chính phủ đã ban hành các khoản phí, lệ phí thu đối với các hoạt động liên quan tới môi trường như: phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn. Nhưng tình hình chung về môi trường của nước ta hiện nay ngày càng gia tăng cả trên mặt đất, trong lòng đất, nước và trong không khí. Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường hết sức nặng nề, gây bức xúc mạnh mẽ trong dư luận xã hội như nhà máy Vedan bóp chết sông Thị Vải. Gần đây nhân dân cũng quan tâm về sông Cà Lồ ở Sóc Sơn - Hà Nội cũng bị đầu độc, Vịnh Hạ Long bị Công ty dầu thực vật Cái Lân xả nước thải công nghiệp độc hại vào Vịnh v.v...

Việc gây ô nhiễm môi trường còn được che dấu tinh vi nên khó phát hiện. Có trường hợp công trình gây ô nhiễm môi trường được đưa sâu vào trong lòng đất, ngụy tạo dưới nhiều hình thức rồi xả thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, việc giải quyết và xử lý vi phạm môi trường thực hiện còn chậm trễ, chưa thật kiên quyết, gây thêm bức xúc trong lòng dân. Tôi đề nghị cần kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhất là những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khi có đủ dấu hiệu của tội phạm thì phải truy tố xét xử theo đúng luật. Bộ luật hình sự của nhà nước ta đã dành cả một Chương XVII quy định các tội phạm về môi trường.

Hai là đối tượng chịu thuế Điều 3. dự thảo Luật quy định 5 nhóm đối tượng chịu thuế, theo tôi thì chưa thật ổn và còn thiếu nhiều. Tôi đề nghị phải liệt kê, rà soát các mặt hàng để đưa thêm vào nếu quy định theo nhóm đối tượng như dự thảo thì vẫn không bao hàm được hết các đối tượng chịu thuế, hoặc không liệt kê được hết theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Đề nghị Ban soạn thảo quy định và chuẩn bị để Chính phủ quy định đối tượng chịu thuế cụ thể hơn cho phù hợp với thực tế hiện nay. Về đối tượng chịu thuế cũng còn nhiều ý kiến khác nhau, tôi đề nghị nếu liệt kê trong luật thì cần bổ sung thêm đối tượng chịu thuế một số hàng như chất tẩy rửa, đặc biệt là các hóa chất độc hại. Tuy nhiên luật cần sớm đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận xã hội. Nếu thuế đánh vào xăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và tăng giá các mặt hàng khác. Thuế đánh vào thuốc bảo vệ thực vật cao sẽ làm tăng chi phí cho người nông dân, do đó cần cân nhắc làm sao cho có lý, có tình phù hợp với sức dân, lòng dân, đúng như Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội đã nhấn mạnh các quy định phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Một mặt động viên hợp lý nguồn thu cho khắc phục hậu quả môi trường, mặt khác bảo đảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước không gây xáo trộn sản xuất kinh doanh. Đặc biệt không làm tăng gánh nặng tài chính đối với người tiêu dùng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước và nhân dân.

Cuối cùng tôi đồng tình với quan điểm nói về bảo vệ môi trường phải là những tổng hợp các biện pháp. Thuế là một biện pháp quan trọng dùng để điều tiết khuyến khích lĩnh vực sản xuất sạch, hạn chế tối đa lĩnh vực sản xuất xấu hại đến môi trường. Cũng cần tránh huynh hướng nộp thuế để được lại xả thải tự nhiên gây ô nhiễm môi trường, nộp thuế để tiếp tục đầu độc những dòng sông và đầu độc bầu không khí trong lành của xã hội. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan