Góp ý của Đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung – Nghệ An

Thứ Năm 11:26 10-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Hôm nay là ngày 05/06 - ngày Quốc tế bảo vệ môi trường, chúng tôi nghĩ việc Quốc hội ta tiến hành thảo luận và góp ý kiến vào dự án Luật thuế bảo vệ môi trường là việc làm rất có ý nghĩa. tham gia ý kiến vào dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, tôi tán thành với các quan điểm của Chính phủ về mục tiêu cũng như yêu cầu của việc xây dựng Luật thuế bảo vệ môi trường, tôi xin tham gia ý kiến vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường.

Dự thảo đưa ra 5 nhóm đối tượng phải chịu thuế bảo vệ môi trường là xăng, dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp, thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng, tôi hoàn toàn tán thành với phân tích của Chính phủ bởi đây là 5 nhóm mặt hàng khi sử dụng gây ô nhiễm trên diện rộng. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung thêm một số đối tượng chịu thuế như các đại biểu trước tôi đã phát biểu. Ở đây tôi xin phân tích thêm về vấn đề thuốc lá và các sản phẩm về thuốc lá bởi các lý do sau đây.

Thứ nhất, xuất phát từ tác hại từ thuốc lá đối với sức khỏe và môi trường, khói thuốc đã được các cơ quan quốc tế nghiên cứu về ung thư thuộc tổ chức y tế thế giới xếp vào hạng các chất gây ung thư bậc 1, tức là nhóm các chất mà chỉ cần một khối lượng nhỏ cũng có thể gây ung thư, không có hạn mức tức là hoàn toàn có hại cho mình và cho người khác dù chỉ là một khối lượng nhỏ. Ngoài ra trong 4.000 chất hóa học mà khói thuốc có nhiều chất gây ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết. Một nghiên cứu gần đây cho thấy khói thuốc lá còn chứa chất Polonium, một chất phóng xạ đặc biệt nguy hiểm và không ổn định đến mức người ta cấm sử dụng nó trong hoạt động y tế. Nó đọng lại ở các nhánh phế quản, từ đó gây ra ung thư, như vậy khói thuốc chính là nguyên nhân của các căn bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh về tim mạch, thần kinh và nội tiết v.v.... Khói thuốc cũng được coi là chất độc hại nhất trong môi trường cư trú, người thường xuyên hít phải khói thuốc có nguy cơ bị ung thư phổi gấp 26 lần so với những người không hít phải khói thuốc. Hiện nay trên 50% nam giới ở Việt Nam hút thuốc, do vậy số người phải thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc thụ động là rất cao, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Không chỉ khói thuốc mà rác thải từ thuốc lá cũng gây ô nhiễm môi trường. Ở Việt Nam chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các mẩu thuốc lá, tàn thuốc lá được vứt một cách bừa bãi ở mọi nơi, mọi chỗ, trong công sở, trên đường đi và các khu vực công cộng. Hầu hết các đầu lọc thuốc lá không thể tái sinh được và thực tế 95% đầu lọc được làm từ nhựa Xenlulo Acetate và mất nhiều năm mới phân hủy được. Như vậy để bảo vệ môi trường và sức khỏe, việc đưa thuốc lá vào đối tượng chịu thuế môi trường là hoàn toàn cần thiết, nhằm góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền được sống trong bầu không khí không có khói thuốc của những người không hút thuốc.

Thứ hai, xuất phát từ thực trạng sản xuất và sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá vào hàng cao nhất thế giới và việc sử dụng thuốc lá vẫn tăng dần qua các năm, mặc dù Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong phòng chống tác hại của thuốc lá. Mỗi năm Việt Nam sản xuất khoảng hơn 4 tỷ bao thuốc lá với giá cả thuộc vào loại thấp nhất trên thế giới, chỉ khoảng 0,26đôla/1bao, trong khi đó ở Trung Quốc là 1,52đôla/1bao và ở Anh là 6,93đôla/1bao. Chính điều này đã giúp cho thanh thiếu niên và người nghèo dễ dàng tiếp cận với việc hút thuốc. Mặc dù giá cả thấp như vậy nhưng chi tiêu cho thuốc lá cũng sẽ làm giảm các chi tiêu thiết yếu của xã hội, của gia đình đặc biệt là các hộ có thu nhập thấp, dẫn đến nguy cơ nghèo đói ở các đối tượng này. Do đó việc đánh thuế môi trường đối với mặt hàng thuốc lá sẽ làm tăng giá của mặt hàng này, làm cho thanh thiếu niên và người nghèo sẽ phải cân nhắc, phải tính toán khi sử dụng và chắc chắn sẽ góp phần hạn chế sử dụng hơn.

Thứ ba, xuất phát từ thực tiễn pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá ở Việt Nam. Pháp luật của Việt Nam chúng ta có một số điều khoản nhằm hạn chế sử dụng thuốc lá như cấm quảng cáo thuốc lá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên bao thuốc lá phải có một tỷ lệ thích hợp để ghi khuyến cáo tác hại của thuốc lá, cũng như là chúng ta đã thi hành một số biện pháp về hàng rào thuế quan để nhằm giảm lượng thuốc lá lưu thông trên thị trường và gần đây nhất chúng ta có quy định cấm hút thuốc lá tại các nơi công cộng.

Việt Nam đã tham gia công ước khung về kiểm soát thuốc lá và công ước này có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 17 tháng 3 năm 2005. Tuy nhiên, việc xử lý của chúng ta chưa triệt để và chưa tác động mạnh đến thói quen sử dụng thuốc lá của một bộ phận nhân dân. Trong khi chưa có một đạo luật riêng về phòng chống tác hại của thuốc lá thì việc đưa thuốc lá vào diện đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, tôi cho rằng đó là giải pháp mạnh mẽ để thực hiện cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Đối chiếu với 3 nguyên tắc mà cơ quan soạn thảo đưa ra để làm cơ sở xác định các sản phẩm hàng hóa nào thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, tôi cho rằng sản phẩm thuốc lá hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu nêu trên như tôi đã phân tích. Chính vì vậy tôi đề nghị cần bổ sung thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan