Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Anh – TP Hà Nội

Thứ Tư 13:44 26-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa.

Kính thưa Quốc hội.

Về dự án Luật thuế nhà, đất tôi xin có một số ý kiến sau đây, thứ nhất về đối tượng chịu thuế, tôi đề nghị đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế vì những lý do sau:

Một là trong Báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Pháp lệnh thuế nhà đất của Chính phủ có nhận định, mặc dù đối tượng chịu thuế nhà đất của Pháp lệnh thuế nhà đất bao gồm cả nhà ở, nhưng do tình hình kinh tế xã hội và thời điểm ban hành vào năm 1992 nên chưa thực hiện được. Hiện nay thị trường nhà ở hầu hết các tỉnh, thành phố đặc biệt là thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hải Phòng, Đà Nẵng. Thị trường bất động sản về nhà ở đang phát triển mạnh, trên thị trường đã xuất hiện nhiều loại nhà như nhà chung cư cao cấp đắt tiền, nhà văn phòng cho thuê, các loại nhà liền kề, nhà biệt thự.

Mặt khác Luật nhà ở năm 2005, Luật kinh doanh bất động sản năm 2006 đã tạo hành lang pháp lý để cho công dân, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà để bán, cho thuê, cho mua và cũng từ đây dẫn đến tình trạng đầu cơ đẩy giá nhà cao gấp nhiều lần so với giá hiện thực làm méo mó thị trường khiến cho nhiều người làm công ăn lương không đủ để mua nhà ở. Vì vậy cần phải có các công cụ để điều tiết thị trường nhà ở, để đưa giá nhà về giá trị thực, tạo cơ hội cho nhiều người lao động có nhà ở. Một trong số các công cụ đó chính là thuế và đây cũng là công cụ có hiệu quả và có khả năng điều tiết cao thị trường nhà ở.

Hai là thực tế ở các thành phố lớn cho thấy mọi dự án xây nhà cao tầng chưa xây xong đã đăng ký hết số lượng căn hộ, nhưng người đăng ký mua lại không có nhu cầu sử dụng mà mua để đầu cơ và đa số là như vậy. Xu hướng phát triển hiện nay của thành phố cũng như sau này phát triển nhà ở chung cư, vì vậy ý kiến về lý do không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại Điểm 2, trang 2 Báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý Luật thuế nhà, đất cho rằng trên thực tế giá trị nhà ở lại gắn liền với giá nhà đất và đầu cơ lại tập trung vào đất, để hạn chế đầu cơ phải tập trung áp dụng công cụ điều tiết đối với đất. Tôi cho rằng chưa thuyết phục.

Ba là, Báo cáo giải trình cho rằng dự kiến số thu thuế từ nhà ở là không lớn. Trong khi đó, chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ, vì vậy, không nên thu thuế nhà ở.

Tôi cho rằng trong thời gian trước mắt thu thuế nhà ở là không đủ bù chi nhưng lợi ích xã hội là rất lớn. Việc ban hành chính sách đem lại hiệu quả xã hội, giảm chi phí cho toàn xã hội tạo điều kiện cho một bộ phận không nhỏ những người làm công ăn lương có cơ hội tiếp cận với nhà ở là điều Nhà nước nên làm và cần phải làm.

Mặt khác, khác với các tài sản khác thì đất ở, nhà ở lại là một loại bất động sản có giá trị đặc biệt. Người dân có thể không cần có ô tô, máy bay, tàu thủy nhưng không thể thiếu chốn nương thân. Vì vậy, việc đánh thuế nhà ở với việc đánh thuế tài sản khác là hai việc làm có ý nghĩa và nội dung hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên, để đảm bảo cho luật này không ảnh hưởng tới những người đang sử dụng những nhà ở có giá trị không lớn, những người có thu nhập thấp và trung bình, thì cần xây dựng phương án để đại bộ phận người dân ở khu vực nông thôn, ở những khu đô thị loại 4, loại 5 không phải nộp thuế. Còn đối với nhà ở đô thị loại 3 trở lên, nhà mới xây, biệt thự, căn hộ trung, cao cấp ở các đô thị lớn thì cần phải nộp thuế.

Vấn đề thứ hai là về mức thuế suất, tôi cho rằng cần tăng mức thuế suất với những lý do sau đây:

Thứ nhất, một trong những mục tiêu hàng đầu của dự án Luật thuế nhà, đất đặt ra là nhằm đưa dự án luật này trở thành công cụ quản lý vĩ mô để điều tiết, hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, khuyến khích thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh nhưng với mức thuế suất thấp như dự án luật tôi cho rằng khó có thể đạt được mục tiêu nêu trên.

Thứ hai, việc nâng mức thuế suất sẽ góp phần hạn chế tình trạng sử dụng lãng phí đất đai như hiện nay. Thực trạng sử dụng đất đai hiện nay, đặc biệt là đối với đất công việc sử dụng còn lãng phí. Việc nâng mức thuế suất sẽ là biện pháp quan trọng khuyến khích người dân sử dụng đất một cách tiết kiệm và có hiệu quả. Thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới cho thấy mức đầu tiên trong hạn mức tính thuế là 1%, trong khi mức lũy tiến cao nhất của dự án luật thuế này đề xuất là 0,1% là quá thấp. Có ý kiến cho rằng nếu đánh thuế cao sẽ là lực cản cho sự phát triển của thị trường bất động sản. Tôi cho rằng việc đánh thuế cao đối với những phần nhà, đất vượt định mức sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản, nắn thị trường bất động sản phát triển một cách lành mạnh và bền vững.

Mặt khác, việc áp mức thuế suất cao sẽ hạn chế được những tiêu cực trên thị trường, góp phần làm cho hoạt động mua bán trên thị trường bất động sản có ý nghĩa, mang lợi ích thiết thực cho người dân và cho cả nền kinh tế.

Trên đây là một số ý kiến góp ý về dự án Luật thuế nhà, đất. Xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan