Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Liêu – Ninh Thuận

Thứ Tư 13:45 26-05-2010

Kính thưa Quốc hội!

Trước hết, tôi bày tỏ sự đồng tình cơ bản với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội qua trình bày của đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách Phùng Quốc Hiển. Đặc biệt tôi nhất trí chưa đưa vấn đề nhà ở vào diện chịu thuế và tên gọi của luật là Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Về một số vấn đề cụ thể, tôi xin trình bày 2 vấn đề như sau:

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế và không chịu thuế. Lần trước chúng tôi cũng tham gia và cũng đề nghị nên có một số trường hợp miễn, giảm khác và đến nay thực sự đã xuất hiện vấn đề này. Bây giờ tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để đưa vào diện đối tượng không chịu thuế. Đó là theo quy định của Điều 22 của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng là đất sản xuất kinh doanh dành riêng cho thương binh, bệnh binh. Sắp tới đây Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật người khuyết tật thì cũng có một điều quy định đất sản xuất kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật quy định tại dự thảo Luật người khuyết tật ở Điều 34 và trong đó có quy định là được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật thì tôi nghĩ rằng đây chính là một quy định mà chúng ta cần phải làm rõ.

Thứ hai, xung quanh việc miễn, giảm thuế quy định tại Chương III của dự thảo chúng tôi thấy trong 2 điều này cũng có những vấn đề còn thiếu, cũng có những vấn đề thừa, nhưng cũng có những điều không chính xác, tôi xin nói cụ thể như sau:

Tại Khoản 3, Điều 9 về miễn thuế đất xây dựng nhà tình nghĩa, trại mồ côi, trại cai nghiện, Viện dưỡng lão thì những quy định này theo tôi chưa đầy đủ. Bởi lẽ nếu chúng ta nói đất xây dựng nhà tình nghĩa, còn nhà đại đoàn kết thì sao? Khi chúng ta nói đến trại trẻ mồ côi thì còn cơ sở nuôi dưỡng người già, cô đơn, người khuyết tật nặng. Khi chúng ta nói đến trại cai nghiện tức là theo 06, còn cơ sở phục hồi nhân phẩm tức là theo 05. Khi chúng ta nói Viện dưỡng lão thì còn cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở bảo trợ xã hội. Nhà tình nghĩa thực chất đã được quy định ở tại Khoản 5, tức là đối với người có công. Vì thế nên không cần thiết đưa nhà tình nghĩa ở đây và khoản này được viết lại như sau: "Đất xây dựng, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, cơ sở bảo trợ xã hội và Viện dưỡng lão".

Khoản 5, xung quanh vấn đề này có 5 đối tượng tôi xin có ý kiến cụ thể. Nếu chúng ta nói người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945, chúng ta vẫn thường nói với nhau đây là người hoạt động cách mạng tiền khởi nghĩa. Nhưng còn một đối tượng rất quan trọng tức là người hoạt động cách mạng trước năm 1945 mà chúng ta vẫn nói là lão thành cách mạng thì lại không thấy đưa vào đây. Khi chúng ta nói đến thương binh thì báo cáo với Quốc hội theo quy định hiện hành là đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh và bệnh binh thì hiện nay quy định là suy giảm khả năng lao động theo tỷ lệ phần trăm.

Thứ hai, có quy định tất cả những thương binh, bệnh binh mà có cùng mức suy giảm khả năng như nhau thì được hưởng chế độ ưu đãi như nhau từ trợ cấp. Do vậy, ở đây có vấn đề là đối với hạng thì chúng tôi đề nghị là chúng ta quy sang tỷ lệ phần trăm theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Đối với bệnh binh hạng 1/3 tức là mất sức từ 80% trở lên được miễn, trong khi đó thương binh hạng 2 và người hưởng như thương binh hạng 2 là mất sức lao động từ 61-80% thì bệnh binh hạng 2 cũng mất sức từ 60-80% cũng không thể giảm mà phải đưa vào ở mức này.

Thứ ba, đối với cha đẻ, mẹ đẻ của liệt sĩ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ trong đó còn một đối tượng rất quan trọng còn thiếu ở đây. Tức là người có công với cách mạng trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 được hưởng chế độ trợ cấp và chế độ khác như đối với thương binh, liệt sĩ. Do vậy đây là đối tượng còn thiếu.

Tiếp theo cha mẹ đẻ, vợ chồng liệt sĩ thực chất đây là thân nhân liệt sĩ vì vậy chỗ này chúng tôi đề nghị chỉ cần nói thân nhân của liệt sĩ đang hưởng chế độ hàng tháng là đầy đủ.

Thứ tư, đối với người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc màu da cam thì đây là đối tượng theo quy định của pháp luật hiện hành, là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đây là đối tượng có 2 tỷ lệ đã được quy định theo quy định của Chính phủ. Tức là một loại mất sức 80% trở lên và một loại là mất sức 80% trở xuống nên có thể phân ra làm hai loại miễn và giảm khác nhau.

Một điểm nữa, đối với những trường hợp người bị nhiễm chất độc màu da cam hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng như Khoản 5 này thì tôi đề nghị bỏ. Hoàn cảnh khó khăn ở đây thực chất là người nghèo vì thế đưa vào Khoản 6 là phù hợp. Cũng vì vậy chúng tôi đề nghị ở việc giảm thuế, hiện nay không có những trường hợp nào là cha mẹ đẻ, vợ chồng liệt sĩ mà không hưởng trợ cấp bởi vì quy định hiện hành đã sửa đổi, không quy định tuổi đối với những trường hợp này. Trước đây có quy định là cha mẹ đẻ của liệt sĩ, trường hợp cha đẻ 60 tuổi trở lên, mẹ của liệt sĩ, vợ của liệt sĩ 55 tuổi trở lên thì mới được trợ cấp. Nhưng quy định hiện hành đã bỏ độ tuổi vì đã là cha, mẹ đẻ, vợ của liệt sĩ thì đương nhiên được hưởng trợ cấp. Vì vậy tôi xin đề nghị bỏ điều cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng của liệt sĩ ở khoản giảm 50% thuế và chỉ có con của liệt sĩ không được trợ cấp hàng tháng. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan