Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu kết luận Hội nghị

Thứ Tư 09:58 26-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Qua buổi thảo luận cho ý kiến về Báo cáo giải trình, tiếp thu của Thường vụ Quốc hội về dự án luật này, cho đến lúc này có 16 ý kiến phát biểu tại Hội trường, các đồng chí phát biểu rất trách nhiệm, phong phú. Đồng chí Phạm Quốc Anh có giải trình, tiếp thu một số vấn đề bước đầu.

Vấn đề thứ nhất, trong báo cáo của Đoàn thư ký gửi tới các vị đại biểu Quốc hội, vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp qua thảo luận chúng tôi thấy đa số ý kiến, có thể nói là tuyệt đối, đồng tình với phạm vi điều chỉnh tại Điều 2 của luật, trong đó quy định 3 vấn đề. Một là tranh chấp trong hoạt động thương mại, hai là tranh chấp mà ít nhất một bên có hoạt động thương mại và các loại tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật có quy định được giải quyết bằng phương thức trọng tài. Phạm vi như vậy phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay của chúng ta, tôi xin phép không nhắc lại những ý mà các vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu.

Vấn đề thứ hai là quản lý nhà nước về trọng tài Điều 15 cũng tán thành với dự thảo luật nhưng cũng đề nghị cân nhắc thêm việc quy định thẩm quyền cấp và đăng ký như thế nào cho gọn gàng và có thể nói là nhanh chóng hơn. Chỗ này có ý kiến của một đại biểu đề nghị cân nhắc thêm.

Vấn đề thứ ba, về phạm vi trách nhiệm của trọng tài viên tại Điều 22, trong Báo cáo giải trình và dự thảo chỉ quy định trách nhiệm là đối với trường hợp do lỗi cố ý, nhưng qua phân tích của các vị đại biểu Quốc hội thấy rằng cũng có cả những trường hợp vô ý. Vì ở đây việc anh ra phán quyết mà sai trái, gây thiệt hại cho các bên, có lỗi của anh trong vấn đề áp dụng pháp luật thì anh cũng phải chịu trách nhiệm. Việc này chúng tôi sẽ cân nhắc và báo cáo lại với Quốc hội sau.

Vấn đề thứ tư là thẩm quyền của trọng tài trong việc thu thập chứng cứ và áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Điều 47, Điều 50. Đây là vấn đề có thể nói các vị đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian trao đổi tranh luận nhất trong buổi hôm nay và trước đây. Có vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Tòa án và cơ quan tư pháp trong đạo luật này như thế nào để làm rõ được tính đặc thù của tố tụng trọng tài nhưng cũng cần có sự hỗ trợ của cơ quan tòa án. Chỗ này cũng đề nghị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ giải trình tới đây với Quốc hội khi xem xét thông qua dự án luật.

Về căn cứ hủy phán quyết của trọng tài tại Điều 69, ở đây có Khoản 2, Điểm d cân nhắc nguyên tắc không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam có liên quan, chỗ này ý kiến rất khác nhau.

Vấn đề thứ năm về Tòa án xét đơn yêu cầu phán quyết trọng tài tại Điều 72, nhất là Khoản 11 của điều này về trình tự Giám đốc thẩm và tái thẩm trong trường hợp có vi phạm, gây thiệt hại cho quyền lợi của các bên có thể theo tố tụng dân sự để giải quyết. Đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu tại Hội trường hôm nay đề nghị cân nhắc không nên quy định thủ tục này vì tố tụng trọng tài cần nhanh gọn, mau lẹ, có lợi cho các bên, tạo ra hiệu lực của phán quyết trọng tài, cho nên cân nhắc đề nghị bỏ chỗ này, đây cũng là thông lệ quốc tế.

Thứ hai, trong pháp luật hiện hành của ta, ví dụ như trình tự khiếu nại trong Luật Bầu cử cũng chỉ quy định có quyền khởi kiện ra tòa và một thẩm phán giải quyết một lần là xong, quyết định của thẩm phán là quyết định cuối cùng, điểm này chúng tôi xin tiếp thu.

Ngoài ra, các vị đại biểu Quốc hội còn đề cập đến rất nhiều điều khoản cụ thể khác như Điều 4 về nguyên tắc công khai, đồng chí Phạm Quốc Anh có tiếp thu rồi.

Điều 20 về tiêu chuẩn trọng tài viên, đề nghị cân nhắc để có thể bổ sung thêm tiêu chuẩn nữa là đã qua lớp bồi dưỡng nghiệp vụ trọng tài viên hoặc có thể cân nhắc điều kiện về trình độ ngoại ngữ. Chỗ này chưa thể tiếp thu ngay được vì trọng tài quốc tế có tiêu chuẩn ngoại ngữ rồi, ở đây có cả trọng tài, có cả trọng tài vụ việc, có trọng tài quy chế rất khác nhau.

Điều 22, tôi vừa nói.

Khoản 2, Điều 69 đã báo cáo với Quốc hội rồi.

Điều 23 có ý kiến đại biểu đề nghị bỏ điều này về Hiệp hội trọng tài sẽ được quy định trong pháp luật về lập Hội.

 

         Về kỹ thuật lập pháp Quốc hội cho rất nhiều ý kiến, tôi thấy rằng rất xác đáng, ví dụ như ý kiến của đại biểu Xuyên, đại biểu Nguyễn Văn Thuyết của Lạng Sơn và nhiều đại biểu khác nữa thì tại Điều 1, Điều 3 và Điều 83 chúng tôi sẽ tiếp thu nghiên cứu đầy đủ ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ giải trình trong báo cáo trước khi thông qua dự án luật này. Xin cảm ơn Quốc hội. 

Các văn bản liên quan