Góp ý của ông Phạm Minh Tuyên – Trưởng Ban công tác đại biểu

Thứ Ba 09:57 22-12-2009

Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội,

Kính thưa các đồng chí,

Tôi xin có ý kiến tham gia vào điều anh Kiên gợi ý thì tôi thấy thế này:

Trước hết báo cáo với các đồng chí về đối tượng chịu thuế thực ra trong quá trình thảo luận ở tổ cũng còn rất nhiều ý kiến khác nhau và có thể nói rằng đối với đại biểu Quốc hội thì số đông là không muốn đưa đối tượng nhà vào là chịu thuế. Nhưng cá nhân tôi thì tôi cũng ủng hộ tinh thần là chúng ta nên đưa nhà vào để từng bước thực hiện đối tượng chịu thuế. Nhưng đặt vấn đề đưa vào như thế nào và cách tính ra làm sao cho nó hợp lý và nó phù hợp với hoàn cảnh thực tế chúng tôi cho rằng có lẽ cũng cần phải đầu tư thời gian và cân nhắc thật kỹ vấn đề này, đối với đối tượng chịu thuế là tôi tán thành đưa vào, nhà là đối tượng chịu thuế.

Vấn đề thứ hai, báo cáo với các đồng chí về phương pháp đây là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, các đồng chí trong Ban soạn thảo và Ủy ban thẩm tra các đồng chí nêu 3 vấn đề thì tôi thấy rằng thứ nhất là phương án áp dụng thuế đối với nhà ở thì đây Ủy ban Tài chính, ngân sách và các đồng chí Ban soạn thảo có 2 loại ý kiến. Thì chúng tôi cho rằng trong tình hình hiện nay mà chúng ta đưa đối tượng là nhà vào chịu thuế thì cũng còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Do đó nên chọn cách nào thì tôi thưa thật với các đồng chí là thâm tâm tôi thấy phương án của Ban Soạn thảo đưa ra là hợp lý nhất. Nhưng mà nó liên quan đến đối với nhân dân, nếu được là xu hướng chung trong nhân dân và bước đầu mình tạo ra một nhận thức, tức là từng bước trong pháp lệnh chưa có mà đưa vào luật thì cân nhắc phương án 1 của Ủy ban Tài chính, ngân sách có thể đáp ứng được cái chung của nhân dân. Nhưng về mặt tính khoa học và tính hợp lý kể cả cho lâu dài thì tôi cho là phương án của Ban soạn thảo là tốt nhất. Nhưng mà đúng ra là mình cân đối giữa cái trước mắt, cái lâu dài và cái ổn định trong nhân dân. Nếu bây giờ ta tính là chỉ người có nhà thứ hai trở lên tính thuế thì có lẽ nhân dân dễ chịu hơn và trong tình hình hiện nay có thể là tốt nhưng thực chất về mặt khoa học, về mặt chung thì tôi thấy nó cũng chưa thật hợp lý lắm. Nhưng có lẽ cũng phải xét tổng thể cả về mặt xã hội, cả về mặt chung thì cân nhắc thêm nhiều đến phương án 1, cá nhân tôi thấy như thế. Chứ còn đúng về mặt tính khoa học và thực tiễn cho lâu dài thì phương án của Ban soạn thảo vẫn tối ưu nhất. Đấy là ý kiến của tôi về đối với phương án này.

Vấn đề thứ hai, chỗ thứ hai thì anh Kiên cũng nói rồi, tôi cho chỗ này cũng không có vấn đề gì khác nhau cơ bản lắm các đồng chí giữa Ban soạn thảo với chỗ Ủy ban tài chính ngân sách các đồng chí tính toán thôi.

Vấn đề thứ ba, về mức thuế suất, ở đây có hai việc phải đặt ra tức là thuế suất đối với đất. Báo cáo với các đồng chí là quy định của pháp luật của chúng ta và hạn mức đất bây giờ còn rất nhiều quy định khác nhau. Thưa các đồng chí, văn bản pháp luật quy định tôi nhớ là trước đây quy định trung du thế nào, miền núi thế nào, thành phố thế nào, thị xã thế nào? Nhưng đây là bên cạnh những quy định của văn bản pháp luật của Nhà nước thì lại còn có những quy định đặc thù cho các đối tượng khác nhau. Vậy thì khi tính thế này chúng ta lấy cái gì để làm căn cứ sau này cũng phải hướng dẫn rất chặt chẽ. Tôi thí dụ như thế này, báo cáo các đồng chí ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội các đồng chí cán bộ ở những vị trí công tác khác nhau thì cũng được quy định phân những diện tích đất khác nhau, chỗ thì phân, chỗ thì mua và quy định này không thống nhất. Tôi nói ví dụ, như là một số các đồng chí bây giờ về hưu như là một số các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội được mua một diện tích 300m2 chẳng hạn, tôi giả định thế thôi. Thế thì mai kia tính các đồng chí thế nào? Ví dụ tính các đồng chí độ 120 hay 150, còn 150 về tiền lương hưu nộp 150 thì cao như thế này nộp làm sao? Đây là những vấn đề trong thực tế phải hết sức cân nhắc để tính mà sau này Bộ xây dựng hay Chính phủ có hướng dẫn cái này làm căn cứ để rồi chúng ta tính như thế nào đấy cho nó đảm bảo phù hợp với chính sách cán bộ, lại phù hợp với quy định chung và đối với những người dân nữa.

Về vượt định mức, cách tính vượt định mức thì tôi cho rằng trong quá trình này khi tính vượt định mức ở đây, tôi thống nhất nên áp dụng vượt định mức như của cơ quan soạn thảo, các đồng chí đề nghị chúng ta phân nhỏ hơn một chút để rồi là tỷ lệ nó đảm bảo chính xác cao hơn, thực ra thêm một mức nữa không có khó khăn gì lớn trong quá trình chúng ta triển khai thực hiện. Và cũng do đặc điểm của cách tính này thì giả định mà sau này Quốc hội lại không thống nhất với cách chúng ta chọn làm một nhà mà lại là hai nhà. Là hai nhà tức là có nhà nào cũng phải tính thuế thì cũng còn một việc nữa là tôi nói ví dụ bây giờ chúng ta quy định trong này 1 tỷ đồng Việt Nam thì chúng ta không chịu thuế chẳng hạn, ở đây tôi cứ nêu cả hai phương án, đồng tiền của Việt Nam thì thưa thật với các đồng chí là bây giờ đồng tiền này chúng ta quy định lấy giá trị đồng tiền nhưng thực ra hiện nay chúng ta đảm bảo giá trị ổn định của đồng tiền Việt Nam trong một dao động, các đồng chí cứ nói lên được khi mà nó trượt giá 15 - 20% thì chúng ta được phép, chúng ta điều chỉnh chúng ta thay đổi, nhưng tôi thưa thật với anh Ninh là các cơ quan làm việc rất khổ sở về việc này, rất khổ sở về việc đồng tiền chúng ta nó trượt giá. Và trong hướng dẫn cụ thể của các cơ quan chuyên môn về quản lý Nhà nước cũng không kịp thời và vận dụng chỗ này nay kiểm tra bảo đúng, mai kiểm tra thì sai.

Ví dụ, chiếc xe ô tô, các đồng chí quy định 800 triệu đồng đối với chức vụ A, 900 triệu đồng đối với chức vụ B, đồng chí mua đầu năm thì mua được một chiếc xe như vậy, nhưng mua cuối năm thì nó lên không mua được, giá trượt lên, chúng ta cũng không hướng dẫn. Cứ dần dần một tiêu chuẩn thực tế được áp dụng thì nó tụt xuống, dẫn đến một số các cơ quan chạy chọt qua dự án xong mua lại điều từ chỗ nọ sang chỗ kia. Mua từ chỗ này mấy tháng xong lại quyết định giảm giá, xong lại điều về chỗ kia để đi. Tôi nói đây là một chính sách của chúng ta không công bằng và không phù hợp với hoạt động trong thực tiễn. Vậy thì sau này nhà ví dụ quy định 1 tỷ, các đồng chí bảo 1 tỷ thì không miễn thuế, năm nay giá sắt, thép, xi măng là 1 triệu, sang năm lên 1,8 triệu, vậy chúng ta có lấy giá cố định năm 1994 để chúng ta thống nhất một mức giá vận dụng cho nhà này 1 tỷ không? Có gì để so sánh 1 tỷ năm nay với 1 tỷ sang năm hay không?

Hai là bây giờ nếu quy định là 1 tỷ thì được miễn, vậy tôi làm nhà 1,8 tỷ chẳng hạn vậy tôi có được trừ đi 1 tỷ để tôi chỉ nộp thuế 800 triệu hay tôi cũng phải nộp tất 1,8 tỷ? Hoặc tôi chỉ độ 1,3 tỷ thì tôi có được trừ đi 1 tỷ không? Chỗ này tôi đề nghị trong quá trình làm các đồng chí cũng giải thích cho rõ thêm một chút. Vì hiện nay chúng tôi rất băn khoăn về việc giá trị của đồng tiền Việt Nam không ổn định. Trước đây chúng ta lấy một giá cố định năm 1994 để tính cho quy đổi về tăng trưởng phát triển kinh tế và giá trị sản xuất hàng hóa, lâu nay tôi cảm giác hình như ta bỏ mất cái này rồi và cũng không biết lấy vào tỷ giá năm nào và nó trượt đến mức, thưa các đồng chí, định mức sử dụng của các cơ quan hành chính là rất khó khăn và nhiều đồng chí ở các tỉnh luồn lách kiểu này để chúng ta làm sai lệch những chủ trương chung. Vậy với nhà này thì nên tính như thế nào và cũng nên có một quy định. Ví dụ, bây giờ các đồng chí ấn định nhà này tại thời điểm ban hành luật này lấy giá sắt thép, xi măng của 1 tấn nó là x đồng và chúng ta áp dụng cho 5 hay 10 năm sau trong một giá cố định này để rồi làm căn cứ cho các đồng chí thuế tính thế này thì mới đảm bảo công bằng được.

Tôi thưa thật với đồng chí là năm nay ta làm nhà 1 tỷ thì được nhưng sang năm 2 tỷ chưa chắc đã làm được nhà bằng năm nay, công bằng trong xã hội lại không được thực hiện. Thế thì ta tính như thế nào tôi đề nghị các đồng chí nên giải trình rõ cách tính và phương pháp tính điểm để chúng ta áp dụng tính thế nào cho rõ. Tôi xin hết.

 

Các văn bản liên quan