Góp ý của ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật

Thứ Ba 10:00 22-12-2009

Kính thưa đồng chí Phó chủ tịch chủ trì,

Kính thưa các đồng chí,

Về ý kiến thứ nhất là gợi ý của đồng chí Phó chủ tịch là có đưa thuế nhà vào diện thu thuế không? Tôi thấy là chưa nên, tôi nhớ khi Hội đồng Nhà nước Khóa VIII năm 1991 ban hành Pháp lệnh về thuế nhà, đất vào tháng 6 năm 1991, lúc bấy giờ Hội đồng Nhà nước ban hành theo ủy quyền của Quốc hội tức là Quốc hội Khóa VIII giao cho Hội đồng Nhà nước được ban hành một số sắc thuế mới. Lúc bấy giờ Hội đồng Nhà nước ban hành tháng 6 năm 1991 pháp lệnh nhưng sau một năm ban hành thì thấy không thể thi hành được. Cuối cùng pháp lệnh đó có lịch sử là một pháp lệnh sau một năm ban hành không thi hành được. Đến tháng 7 năm 1992 Hội đồng Nhà nước phải ban hành pháp lệnh mới để thay thế, trong đó có hai nội dung:

Một là pháp lệnh năm 1992 là bỏ tất cả các quy định về thuế nhà và chỉ nói là không áp dụng về thu thuế nhà và sẽ được sửa đổi bổ sung khi có điều kiện. Tóm lại từ năm 1992 đến nay chúng ta không thu thuế nhà, lý do lúc khi ban hành Pháp lệnh về thuế nhà đất cả năm 1991 - 1992 có 3 mục đích:

Thứ nhất là tăng cường quản lý Nhà nước về xây dựng và sử dụng nhà ở.

Thứ hai là sử dụng tiết kiệm đất theo quy định của Luật đất đai.

Thứ ba là động viên sự đóng góp của chủ sở hữu nhà và người sử dụng đất vào ngân sách nhà đất.

Đó là 3 mục tiêu khi ban hành khi bàn Pháp lệnh năm 1991 cũng tranh luận rất nhiều nhưng khi sửa năm 1992 thì bàn là nhà ở của chúng ta có đặc điểm là luôn gắn liền với đất đai, nhà và đất luôn luôn gắn với nhau, tính giá trị nhà để đánh thuế không phải bằng 500 triệu hay 1 tỷ như chúng ta định nói, không có ý nghĩa. Nếu mảnh đất đó nằm ở đô thị Hà Nội thì 500 triệu đó nâng lên vài chục tỷ ngay nhưng 500 triệu đó mà nằm ở Ninh Bình hay Tuyên Quang thì thú thực không có ý nghĩa.

Bây giờ chúng ta đánh thuế về tài sản hay thế nào, nếu đánh thuế về tài sản thì vấn đề thứ hai lúc bấy giờ chúng tôi nhớ là thấy tình hình thu nhập chung của dân chưa cao. Năm 1992 là mới bắt đầu vào thời kỳ chuyển đổi, thu nhập còn thấp, hơn nữa một bộ phận nhà cửa lúc bấy giờ còn ở chế độ Nhà nước phân, sau đó bỏ chế độ bao cấp vẫn dùng, dần dần đến bây giờ đã hóa giá nhà hết chưa thì không biết.

Thứ ba là tham khảo tài liệu nước ngoài, tôi thấy chúng ta hay viện dẫn kinh nghiệm quốc tế nhưng kinh nghiệm quốc tế rất khác nhau. Khu vực Châu Á ví dụ Đài Loan tôi biết, không biết Trung Quốc có không tôi chưa biết nhưng các nước ASEAN có nước đánh thuế nhà nhưng có những nước không thu thuế nhà, chỉ thu thuế đất. Ngay cả các nước ở khu vực Châu Âu, những nước phát triển cũng rất khác nhau, có nước thu thuế nhà, có nước không thu thuế nhà. Chúng ta phải nghiên cứu tất cả cho kỹ vì sao chúng ta phải thu thuế nhà. Thực ra thu thuế nhà đây là đánh vào thuế tài sản nó giống như Pháp lệnh thuế thu nhập cao của chúng ta, nay mai chúng ta mới chuyển thì bây giờ chúng ta chuyển là pháp lệnh, Luật thuế thu nhập, tức là muốn dần dần. Nhưng với tình hình hiện nay, với thu nhập hiện nay kể cả chúng ta là những người đương chức mà đặt vấn đề đó ra nó đã phù hợp chưa, tôi thấy rằng cân nhắc phải cân nhắc rất kỹ và trong điều kiện như vậy thì tôi thấy là hãy chưa nên, chúng ta sửa Pháp lệnh Thuế Nhà đấy nhưng mà nội dung Pháp lệnh Thuế nhà đất đặt vấn đề là chưa thu Thuế nhà đất, thuế nhà thì nên như vậy. Chứ còn nếu đặt vấn đề ra thì chúng tôi thấy nó chưa được, ví dụ quản lý Nhà nước về xây dựng và sử dụng nhà ở thì hiện nay chúng ta đã quản lý được bao nhiêu đâu, nhà ở chúng ta nắm được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sở hữu đất chưa cấp được, thậm chí có những nơi dân làm thủ tục hết cả rồi, lên phường, lên quận rồi, quận không giải quyết, hàng năm trời không giải quyết. Tất cả những chuyện như vậy ngay ở Hà Nội này chúng ta đã làm đâu. Nếu chúng ta chưa làm được thì không thể đánh nổi thuế nhà, vả lại cách chúng ta tính giá trị nhà 500 triệu căn cứ vào số m2 xây dựng thì nó không phải. Vì nếu tính vào giá trị nhà như vậy năm nay tôi xây 500 triệu nhưng sang năm thì giá trượt lên, hai là có tính khấu hao không, 10 năm sau thế không thu nữa à? Ví dụ nhà cấp 1, cấp 2 là nhà vĩnh viễn mà tôi xây cách đây 10 năm là hết 500 triệu nhưng bây giờ khấu hao nhà có khấu hao không? nó phải tính lại chỗ đó và chúng tôi đề nghị thế này đây là một sắc thuế rất quan trọng nếu định tính thuế nhà có lẽ không bị thúc ép bởi việc thời hạn là cuối năm nay thông qua mà chúng tôi thấy là cần phải lấy ý kiến nhân dân. Vì đây là một sắc thuế cũng hết sức quan trọng liên quan đến toàn bộ đời sống của dân, chúng tôi cho rằng người ta không, tạm thời chưa nộp, nhưng rõ ràng cái sắc thuế này là sắc thuế đánh cho tất cả thì chúng ta phải xin ý kiến nhân dân và như thế để có thời gian chuẩn bị kỹ. Chúng tôi đề nghị là nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm nước ngoài, chúng ta cứ nói là thông lệ, các đồng chí đều nói là thông lệ quốc tế như vậy nhưng tôi có tài liệu trong tay thì không phải thông lệ quốc tế nước nào cũng thu thuế nhà và thu thuế đất của họ cách như thế nào. Nó phải nghiên cứu cho nó kỹ ít nhất không được nhiều thì cũng phải được những nước trong khu vực này và họ thử xem cái thu nhập bình quân đầu người của họ tính theo GDP là bao nhiêu, GDP bình quân đầu người của chúng ta phấn đấu mấy chục năm vừa qua mới được 1000 USD một đầu người, trong khi đó người ta vài ba chục nghìn thì người ta mới đánh thuế. Tôi đề nghị phải nghiên cứu kỹ kinh nghiệm nước ngoài, nếu không nghiên cứu kỹ kinh nghiệm nước ngoài mà chúng ta cứ nói người ta có thì tôi chưa yên tâm. Lý do vì sao Pháp lệnh năm 1991 của Hội đồng nhà nước ban hành sau 1 năm phải sửa ngay và đưa quy định không thu thuế nhà là lý do như tôi đã trình bày.

Vấn đề thứ hai, nếu tính thuế nhà thì tính thế nào? Cách tính trong này chúng tôi thấy chưa làm rõ được việc là nhà luôn gắn liền với đất ở, ví dụ nhà chung cư phải tính theo giá trị khu đất mà nhà chung cư đó tọa lạc, nếu tính theo tầng cũng không phải, tính theo m2 có phải không? Khu đất tọa lạc, ví dụ xây ở 37 Hùng Vương phân bổ cho các khu dân cư, nhà chung cư 20 tầng ở đây với nhà chung cư ở tận Ba La - Bông Đỏ không phải khu trung tâm thì 2 nhà chung cư này khác nhau. Những nhà riêng lẻ gắn liền với đất thì chúng ta phải tách phần diện tích đất xây nhà để tính cho nhà thì mới được, ví dụ, một biệt thự xây trên mảnh đất 200 m2, đất xây dựng chỉ có 60m2, chúng ta lại tính thuế đất ở là 200m2. Tính đất ở lúc này chỉ được phép tính 120m2 còn lại, nếu người ta xây 80m2, thì 80m2 kia tính vào giá trị nhà, 120m2 kia là khuôn viên đất ở. Nếu tính theo cách của chúng ta trong này thì lẫn lộn giữa toàn bộ diện tích đất với đất xây dựng nhà. Nếu tính như vậy thì chưa được, kể cả 2 phương án của Thường trực Ủy ban Tài chính và cơ quan soạn thảo, tôi thấy không rõ. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan