Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị
Kính thưa các đồng chí,
Các đồng chí cũng không còn ý kiến
gì nữa, thời gian thì cũng không cho phép nữa, tôi xin phép phát biểu mấy ý
kiến kết thúc nội dung này. Đối với tinh thần chung của dự án luật này thì phải
rất chú ý đến tính an toàn của cả hệ thống trong điều kiện thực tế xã hội nước
ta và điều kiện quản lý của nước ta dù là một ngân hàng không an toàn thì nó
cũng rất dễ móc xích đến các ngân hàng khác và ảnh hưởng đến cả hệ thống và
không an toàn sẽ dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng, hậu họa lớn, đúng
như lời anh Thuận, nó cũng đe dọa đến sự tồn tại của cả hệ thống chính trị,
không phải đơn giản. Còn các nước đảng này lên cầm quyền, đảng kia lên cầm
quyền nhưng thể chế chính trị vẫn còn nguyên.
Ý thứ hai, mở cửa và thực hiện các
cam kết quốc tế nhưng phải tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại trong
nước phát triển, nếu không thì không còn là của mình nữa. Đây là 2 yêu cầu rất
quan trọng để các đồng chí suy nghĩ trong các điều, khoản quy định của các luật
này.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, trong
này các đồng chí có nêu một số điểm đã thống nhất với nhau. Tuy nhiên, trong những
điểm thống nhất với nhau tôi nói mấy ý như sau:
Về phạm vi điều chỉnh, các đồng chí
cũng nói là cũng đồng ý không điều chỉnh hoạt động giao dịch ký quỹ, zipô chứng
khoán và các sản phẩm tín dụng khác thuộc hoạt động của các công ty chứng khoán
v.v... sẽ thể hiện ở các luật khác rồi. Các đồng chí cũng rà lại xem Luật chứng
khoán đã điều chỉnh việc này hay chưa? Nếu chưa có thì cũng nên có kiến nghị để
xem xét, điều chỉnh, bổ sung những quy định này trong pháp luật về chứng khoán.
Hôm nay có anh Đỗ Hoàng Anh Tuấn ở đây, các đồng chí cũng rà lại để nó không bỏ
trống một lĩnh vực hoạt động.
Vấn đề thứ hai, xoay quanh vấn đề
xuất hiện một số dịch vụ mang tính chất tiền tệ trên thị trường vàng, thị
trường hàng hóa, cà phê, cao su. Như anh Giàu cũng có nói, trong báo cáo này
các đồng chí cũng có nói, thực ra trong Luật thương mại đã có quy định vàng
cũng là hàng hóa. Còn việc phát sinh một số những gì có tính chất tiền thì chắc
nó cũng còn mới, nó cũng chưa mang tính chất phổ biến thì do đó nó cũng chưa
phải là ổn định, chưa thật là rõ ràng. Cho nên chúng ta cũng thống nhất là chưa
nên đưa vào trong luật này. Còn Chính phủ có thể có một văn bản mang tính pháp
quy để điều chỉnh cho nó phù hợp hơn, nay mai mình tổng kết thấy nó mang tính
phổ biến, ổn định thì mình đưa vào trong luật nó đỡ hơn.
Về các vấn đề còn có ý kiến khác
nhau thì tôi nói những điểm mà các đồng chí cân nhắc thêm thôi: thứ nhất là
chúng ta thống nhất với nhau là hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng là lĩnh vực
hoạt động có điều kiện mà phải nói điều kiện của điều kiện không chỉ trong hoạt
động và kể cả tổ chức bộ máy và nhân sự cũng như cách quản trị trong lĩnh vực
này. Cho nên chúng ta cũng phải nghiên cứu để làm sao vừa quản lý nó chặt chẽ
nhưng mà cũng không hạn chế những hoạt động của các tổ chức tín dụng trong điều
kiện chúng ta đã mở cửa. Nhưng mà vẫn phải quán triệt được yêu cầu xuyên suốt
tôi đã nói ở bên trên, tính an toàn của hệ thống và tạo điều kiện cho ngân hàng
trong nước phát triển. Thực hiện những cam kết với quốc tế. Cho nên vấn đề thứ
nhất là xoay quanh đến hoạt động của các tổ chức tín dụng thì nhiều ý kiến là
tán thành theo cách đặt vấn đề của Ủy ban kinh tế thì các đồng chí cũng cân
nhắc thêm điều kiện này, cách lập luận đã có được nghiệp vụ trên thì đương
nhiên nó phát sinh nhiệm vụ sau. Nếu như chỉ chấp nhận một nghiệp vụ không thôi
thì tính hệ thống của nó vào trong thực tế nó cũng không khả thi, các đồng chí
cân nhắc chỗ này.
Vấn đề thứ hai, xoay quanh vấn đề
quy định về sở hữu cổ phần của cá nhân và tổ chức đầu tư vào một tổ chức tín
dụng khác thì nó chỉ khác nhau về tỷ lệ thôi. Lúc nãy anh Giàu có nói trước đây
tỷ lệ mình quy định 10 với 20, bởi vì vốn quy định lúc đó thuộc sở hữu rất là
bé, số tuyệt đối nó cũng nhỏ mặc dù 20% nhưng sắp tới quy định tới 5000 tỷ,
3000 tỷ, rồi nhiều hơn nữa thì cái 5%, 10% với số tuyệt đối nó lớn hơn nhiều
thì các đồng chí cũng cân nhắc để tiếp tục trao đổi thêm về vấn đề này. Chứ còn
nội dung không có vấn đề gì lắm.
Thứ hai, nó có vấn đề liên quan đến
các tổ chức tín dụng là ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng có áp dụng cùng một
mức hay không, hay hai mức, hai mức thì có phân biệt hay không thì các đồng chí
cũng sẽ tính. Bởi vì các tổ chức mà phi ngân hàng thì họ không được thực hiện
hai nghiệp vụ rất quan trọng là huy động tiền gửi và thanh toán thì các đồng
chí cần cân nhắc.
Về vấn đề góp vốn mua cổ phần của
các tổ chức tín dụng khác, nãy tôi có hỏi anh Giàu nếu mình đưa quy định này ra
thì có nghĩa áp dụng chung cho cả ngân hàng nước ngoài và ngân hàng trong nước,
nếu theo hướng đó thì nhiều đồng chí cũng thống nhất với cách đặt vấn đề của cơ
quan soạn thảo. Anh Giàu có nói một kinh nghiệm của Trung Quốc, sự hiện diện
của ngân hàng nước ngoài tại thị trường Trung Quốc thì nó chỉ chọn 1, 2 thôi,
anh Giàu nói một nhưng có thể tôi cũng chưa nắm được lắm, tạm nói có giao động
1, 2 thôi chứ không phải chấp nhận cho tất cả 4, 5 các loại hình thức ấy, nó
xuất phát từ yêu cầu an toàn của cả hệ thống thì các đồng chí sẽ cân nhắc thêm
từ thực tiễn vừa qua các đồng chí tổng kết. Còn đúng là nếu đầu tư vào các tổ
chức kinh tế khác thì chắc là không có vấn đề gì lớn nhưng đầu tư chéo nhau
giữa các tổ chức ngân hàng mà ngân hàng của ta ngân hàng nhỏ bé mà hình thành
vừa qua thì nó còn nhiều thứ lỏng lẻo lắm, tiêu chuẩn trên giấy là một đằng
nhưng trên thực tế nó nhiều cách lựa lách cho nên quản lý kiểm soát của chúng
ta cũng rất khó khăn. Cho nên nó đổ bể dù ở ngân hàng bé nó rỉ tai nó trở thành
ngân hàng to, ở một ngân hàng nó sẽ ra nhiều ngân hàng thì cũng rất nguy hiểm
thì các đồng chí cứ tiếp tục nghiên cứu thêm vấn đề này.
Xoay quanh vấn đề cho vay để kinh
doanh cổ phiếu, trong này Ủy ban kinh tế đặt vấn đề là đồng ý cho vay để đầu tư
thôi, không đồng ý cho vay về kinh doanh cổ phiếu, cho vay kinh doanh chứ không
phải đầu tư, ý Ủy ban kinh tế muốn mở rộng thêm ra cho vay kinh doanh. Chỗ này
từ thực tế thời gian vừa qua xã hội cũng đã có tín hiệu rồi trên diễn đàn Quốc
hội người ta cũng rất ái ngại trong vấn đề cho vay kinh doanh cổ phiếu và cho
vay kinh doanh bất động sản, dù ngắn hạn cũng trở thành dài hạn chứ không phải
là ngắn hạn chỉ thuần túy là ngắn hạn hoàn toàn. Cho nên chỗ này thực sự nhạy
cảm, cho nên các đồng chí cũng cân nhắc sợ cởi mở quá thì cũng rất dễ trong
điều kiện nước ta nó lại trở thành bong bóng trong 2 lĩnh vực này thì cũng rất
nguy hiểm. Còn nếu không thì chúng ta phải quy định cho phép nhưng những ràng
buộc rất chặt chẽ, hạn chế đến mức cần thiết, đủ sức để kiểm soát được thị
trường chứng khoán và thị trường bất động sản khi ngân hàng sử dụng tiền đi vay
để cho vay để đầu tư, việc đó phải tính. Vừa qua kinh doanh bất động sản, tham
gia vào thị trường chứng khoán anh nào có tiền của mình thật mà nó tụt xuống
đành ngậm đắng nuốt cay nhưng nó còn gốc để đấy, anh nào đi vay hoặc thế chấp
nhà vừa rồi nhảy lầu không kịp, không dám lộ ra bên ngoài, không đơn giản.
Chúng tôi ở địa phương cũng thấy và thực ra vừa qua những tín hiệu đó trong xã
hội thấy rất rõ. Cho nên quy định thêm việc cho vay vốn để kinh doanh cổ phiếu
cũng phải hết sức thận trọng. Tất nhiên mình nghiên cứu thêm một xu hướng nữa
là có những điều kiện rất chặt chẽ ràng buộc như thế nào đấy để nó không trói
cứng quá vào chỗ này.
Xoay quanh vấn đề có liên quan đến
bầu bán. Chúng tôi nghiêng về phương án mà 2 cơ quan đã thống nhất với nhau.
Đây cũng là một ngành có điều kiện không chỉ trong kinh doanh, kể cả trong tổ
chức bộ máy, trong quản trị kinh doanh. Cho nên đây cũng là dự kiến từ ban lãnh
đạo cũ, nhưng đúng nên theo hướng của anh Tuyên, trước đó tôi cũng có suy nghĩ
thì mình cũng mềm hơn một chút, giới thiệu phải giới thiệu có số dư theo những
tiêu chuẩn. Còn trong tình huống phát sinh tại đại hội mà có giới thiệu thêm
như thế nào các đồng chí sẽ tính, trên cơ sở mình có sự xem xét trước để có sự
chấp thuận khi bầu hình thành thì xử lý nó không phức tạp bằng là mình không có
ý kiến gì mà khi họ bầu ra đến lúc mình phải xem xét thì nhiều nhân sự nó cài
cắm lại với nhau, nó móc nối lại với nhau, nó chỉ vì mục tiêu lợi nhuận thôi
thì xử lý sau khó hơn xử lý trước nhiều. Hướng chúng tôi đồng ý với quan điểm
của cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra.
Xoay quanh vấn đề về công khai thông
tin, báo cáo các đồng chí, vừa rồi ở Luật ngân hàng Nhà nước chúng ta muốn nói
công khai thông tin ở dạng bình thường, nên có 3 cấp độ để thông tin. Nhưng đối
với tổ chức tín dụng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt thì có lẽ
nghiêng về một phương án chọn thời điểm và nội dung thông tin trước công chúng.
Không phải mới đặt họ vào trong tình trạng kiểm soát đặc biệt đã công bố công
khai thì rất nguy hiểm. Phải làm đến mức độ nào, kết luận ra sao và chọn thời
điểm, nội dung nào được công khai. Theo hướng đó thì thấy nó thuận hơn là từ
đầu đến đuôi chúng ta không có cái gì công khai trong trường hợp này.
Vấn đề cuối cùng, báo cáo các đồng
chí, cũng giống như Luật ngân hàng Nhà nước, sau hội nghị này đề nghị các đồng
chí giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra cũng tiếp tục tổ
chức một số những cuộc trao đổi, hội nghị, hội thảo về những vấn đề lớn, đặc
biệt là những vấn đề còn có ý kiến chưa thật thống nhất cao. Nhưng đối tượng
mời chúng tôi đề nghị nên có 3 loại đối tượng: Đối tượng thứ nhất là những anh
em hoạt động trong lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Đối tượng thứ hai là những anh em
hoạt động trong tổ chức tín dụng, người chịu sự điều chỉnh của luật.
Thứ ba là các nhà khoa học, các
chuyên gia mang tính lý luận, học thuật thì để chúng ta nghe cả 3 chiều. Anh
quản lý thì bao giờ cũng muốn nắm kéo về quyền của mình nhiều, anh mà chịu sự
điều chỉnh muốn là lỏng lẻo để mình còn ngọ ngoạy. Anh nghiên cứu chuyên gia
thì muốn cái gì nó cầu toàn, cứ hiện đại, cứ theo nước ngoài là hay chứ không
phải là cái của ta. Cho nên mình phải nghe cả 3 đối tượng này. Đối tượng mời
thì cũng cho đủ diện rộng để chúng ta nghe chúng ta chọn một phương án tốt
nhất. Còn như trên tôi đã nói thì 2 luật này Kỳ họp thứ 7 Quốc hội sẽ xem xét
thông qua cho nên chỉ còn có phiên họp tháng 4 có vấn đề gì cần xin ý kiến Ủy
ban Thường vụ Quốc hội thì thấy rằng cần phải xin thì các đồng chí sẽ chuẩn bị.
Nhưng vì nó phải thực hiện theo các quy trình cho nên nửa đầu tháng 3 đã phải
gửi dự thảo, báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật này và dự thảo Luật này
đến cho các đại biểu Quốc hội để cuối tháng 3 phải thu lại, để đầu tháng 4 xem
rút ra còn cái gì cần thiết phải xin ý kiến Thường vụ Quốc hội hay không. Vì Thường
vụ Quốc hội dự tính là họp vào trung tuần tháng 4 còn tháng 5 là không có thời
gian xem xét lại thì xem xét một số những vấn đề khác thì thấy rằng Chính phủ
còn phải chuẩn bị nó liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan khác nữa thì tài
liệu nó có thể chậm chạp hơn. Thời gian với các bước công việc thì cũng đưa lên
một số mốc như thế để các đồng chí chủ động chuẩn bị để khẩn trương hơn chứ
không phải từ giờ đến tháng 3, tháng 4 nó còn rộng dài và chúng ta không tiến
hành một số công việc thì chắc nó cũng khó khăn. Hai luật này nó có nhiều nội
dung nó cũng phức tạp và cũng nhạy cảm trong điều kiện trước hết từ nhận thức
sau đó chuyển hóa thành những nội dung quy định trong luật này. Xin phép đồng
chí Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí chúng ta kết thúc tại đây. Mời các đồng
chỉ nghỉ. Xin cám ơn tất cả các đồng chí.