Góp ý của đại biểu Quốc hội Phương Thị Thanh – Bắc Kạn

Thứ Hai 09:28 23-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách, tôi cơ bản đồng tình với chủ trương nâng Pháp lệnh thuế nhà, đất lên thành luật. Tôi xin được phát biểu một số nội dung như sau:

Về một số điều khoản trong dự luật thể hiện tính khả thi chưa cao, cụ thể: Việc xác định căn cứ tính thuế là diện tích nhà, đất ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất. Đối với nhà, đất không có giấy chứng nhận thì diện tích là diện tích thực tế đang sử dụng. Đối với người có nhiều đất thì căn cứ vào diện tích đất vượt hạn mức để áp dụng lũy kế tính thuế, mỗi mức cao hơn 0,03%. Các quy định như trên khi tổ chức thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn với lý do:

Thứ nhất, tiến trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của chúng ta rất chậm. Ở các địa phương cơ bản chưa thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Đối với nhà, đất không có giấy chứng nhận thì việc xác định diện tích sử dụng thực tế rất phức tạp, khó khăn và tốn kém. Nếu chỉ dựa vào số liệu tự kê khai thì phần lớn là không chính xác, hơn nữa người tự kê khai thường không kê khai đầy đủ, gây khó khăn và thất thoát nguồn thu ngân sách của Nhà nước. Nếu Nhà nước tiến hành đo đạc, xác minh diện tích thì sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian, cũng không đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện.

Thứ hai, để thu được thuế lũy tiến đối với người có nhiều nhà, nhiều đất ở nhiều địa phương khác nhau đòi hỏi phải có cơ sở quản lý dữ liệu nhà, đất chặt chẽ, liên thông giữa các địa phương. Các số liệu về nhà, đất của từng cá nhân, tổ chức phải được cập nhật thường xuyên, trong khi đó hiện nay chúng ta chưa có cơ sở này để thực hiện.

Thứ ba, dự thảo luật quy định đối với nhà có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên phải nộp thuế, nhưng lại chưa xác định cơ quan nào thực hiện chức năng thẩm định giá trị nhà và căn cứ nào để lấy mức khởi điểm nhà có giá trị là 500 triệu đồng trở lên để tính là mức khởi điểm để tính thuế. Với lý do trên tôi đề nghị cần phải cân nhắc thời điểm có hiệu lực của luật.

Về đối tượng điều chỉnh, so với Pháp lệnh về thuế nhà, đất hiện hành thì dự thảo luật có bổ sung đối tượng chịu thuế là nhà ở. Việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tôi đề nghị cần phải cân nhắc với những lý do như sau.

Thứ nhất, nhà ở là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân, khi làm nhà ở nhiều người phải vay mượn hoặc có người nhiều năm sau mới trả hết nợ. Trước khi có được số tiền để xây dựng nhà thì người dân cũng phải thực hiện nghĩa vụ về thuế, trong quá trình xây dựng nhà cũng phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công xây dựng. Việc đánh thuế về nhà sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng lên thuế.

Thứ hai, tài sản nhà, đất là vấn đề nhạy cảm, tác động trực tiếp đến mỗi người dân. Đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn mang ý nghĩa chính trị. Trong bối cảnh của nền kinh tế và đời sống của người dân nước ta còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thêm một sắc thuế có thể gây tâm lý không đồng thuận.

Thứ ba, trên thực tế việc kiểm soát diện tích, đánh giá giá trị nhà để tính thuế là vấn đề phức tạp. Có nhà thì xuất đầu tư rất lớn, nhưng có nhà xuất đầu tư lại rất thấp, có sự chênh lệch rất lớn, trong khi các điều kiện để thực hiện lại chưa sẵn sàng. Do vậy trước mắt tôi đề nghị chỉ nên thu thuế đối với đất ở, đất phi nông nghiệp, chưa áp dụng thuế đối với nhà ở. Đề nghị Chính phủ cần có lộ trình để các địa phương thực hiện quản lý dữ liệu nhà ở của các địa phương.

Về diện tích nhà, đất tính thuế. Dự thảo luật quy định diện tích nhà, đất tính thuế là phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận. Trong trường hợp chưa có giấy chứng nhận là diện tích thực tế đang sử dụng. Quy định này chưa chặt chẽ, vì trên thực tế không phải mọi trường hợp diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng bằng diện tích thực tế. Tình trạng cơi nới, lấn chiếm nhà, đất vẫn đang xảy ra, phần lớn diện tích này không được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Do đó sẽ không công bằng nếu quy định người có giấy chứng nhận rồi thì phải nộp thuế theo diện tích ghi trong giấy chứng nhận và người chưa có giấy chứng nhận thì nộp trên diện tích đang sử dụng. Vì vậy đề nghị cần quy định cho phù hợp.

Về thẩm quyền xác định tỷ lệ phần trăm để xác định giá tính thuế đối với từng loại nhà ở. Về nội dung này việc xác định tỷ lệ phần trăm đối với từng loại nhà ở để đánh thuế là vấn đề quan trọng của dự thảo Luật. Vì thuế nhà, đất liên quan trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế, tác động trực tiếp đến số thu ngân sách Nhà nước và thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội do Hiến pháp quy định.

Việc luật giao Chính phủ quy định là không phù hợp về mặt thẩm quyền và không đảm bảo ý nghĩa điều chỉnh thực tế của luật. Do vậy đề nghị là bổ sung quy định nhằm xác định rõ nội dung trong luật này. Về miễn thuế, giảm thuế, việc quy định miễn thuế nhà ở, đất ở của người dân tộc thiểu số tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn là chưa phù hợp. Nếu quy định như dự thảo Luật thì sẽ tạo ra sự so sánh giữa người không phải là dân tộc thiểu số với người dân tộc thiểu số cùng sống ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Họ cùng sinh sống, cùng làm ăn với điều kiện như nhau nhưng có người được miễn, có người lại phải nộp thuế. Tôi đề nghị dự thảo Luật cần quy định miễn thuế nhà ở, đất ở của người sống tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời cũng đề nghị là được miễn thuế nhà ở, đất ở đối với người dân ở địa bàn biên giới, hải đảo để họ yên tâm giữ vững chủ quyền quốc gia.

Về tính cụ thể của luật thì các quy định trong dự thảo Luật thì chưa được cụ thể, có 8/13 nội dung là giao cho Chính phủ hướng dẫn thực hiện. Tôi đề nghị là Chính phủ căn cứ vào thực tiễn 10 năm thực hiện pháp lệnh để cụ thể hóa trong luật những vấn đề để áp dụng trong thực tiễn. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan