Góp ý của đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường – Thái Bình

Thứ Hai 09:27 23-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tham gia ý kiến vào dự án luật, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh. Tôi đề nghị bỏ đối tượng nhà ở ra khỏi đối tượng của luật với hai lý do:

Lý do thứ nhất là không hợp lý, bởi vì nhà ở cũng là tài sản và các tài sản khác cũng là tài sản. Ví dụ một người tích góp cả đời mới xây dựng được một cái nhà vượt quá 500 triệu thì chúng ta phải nộp thuế, trong khi đó những tài sản khác như ô tô, bây giờ một chiếc ô tô bình thường nhất cũng trên 500 triệu và những du thuyền, những máy bay. Hiện nay có rất nhiều tư nhân người ta có cái này nhưng người ta không phải nộp thuế, trong khi đó người xây dựng được nhà ở thì phải nộp thuế. Cho nên tôi cho rằng nó không hợp lý, không khả thi bởi vì Pháp lệnh thuế nhà, đất chúng ta xây dựng từ năm 1992, năm 1994 chúng ta sửa nhưng đến nay chúng ta chưa thực hiện được, vậy phải có tổng kết đánh giá là tại sao như vậy, nó vướng vào cái gì và bây giờ chúng ta đưa ra thì nó có hợp lý hay không ?

Thứ hai, thuế về nhà thì chúng ta tính như thế nào? nhà thì rất nhiều dạng, ở đây chúng ta nói tính 1 m2 xây dựng nhưng 1 m2 xây dựng nó vô cùng lắm, nhà anh xây dựng bình thường, xây vữa, quét sơn, vôi ve bình thường thì nó khác còn nhà tôi xây bằng xi măng cát và nội thất của tôi toàn những loại đắt tiền, thậm chí nội thất của tôi còn hơn cả tòa nhà nhà anh. Vậy cách tính như thế nào và ai là người tính và diện tích ở đây ai là người đo, tôi thấy không khả thi cho nên tôi đề nghị đưa ra nhưng để giải quyết được cái chúng ta đang mong muốn ở đây thì chúng tôi đề nghị: chúng ta tách làm hai:

Một là, chúng ta xây dựng riêng một luật về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp,

Hai là, thuế tài sản, thuế đất phi nông nghiệp chúng ta có thể thông qua ở trong kỳ họp nhưng còn tài sản đề nghị chúng ta chuẩn bị lại và sau này có thể là Khóa XII cũng có thể là Khóa XIII nếu chúng ta làm xong lúc nào thì chúng ta sẽ thông qua lúc đó, nó phù hợp với tình hình thực tiễn. Đó là ý thứ nhất.

Ý thứ hai, về đối tượng không chịu thuế, ở trong quy định của chúng ta tại Điểm d, Khoản 1 tức là chúng ta quy định là đất đai, sông ngòi, kênh rạch thì không phải chịu thuế, tôi cho việc này không hợp lý. Xin báo cáo các vị đại biểu Quốc hội hiện nay sông ngòi, kênh rạch của chúng ta bị lấn chiếm rất nhiều, người ta đổ bê tông ở dưới song người ta đổ cột lên và người ta xây dựng nhà lên rất nhiều. Bây giờ xuất hiện thêm một hình thức nữa là có những con thuyền rất lớn. Thực ra nó là tòa nhà người ta đặt ở dưới sông và người ta kinh doanh, vừa ở vừa kinh doanh thì các đối tượng này có phải nộp thuế hay không? Theo quy định không phải nộp thuế bởi vì sông ngòi thì không phải nộp thuế. Tôi cho rằng cũng bất hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

Về mức tính thuế, hiện nay cách tính thuế của chúng ta rất không hợp lý. Ở các địa phương như chúng tôi chia ra phố chính này tính giá trị đất và nhà ở nhân với tỷ lệ % là bao nhiêu. Ở đây tôi chỉ xin lấy ví dụ không hợp lý ở chỗ gia đình nhà tôi cũng có 70m2 đất ở phố chính, một năm tôi phải nộp là 1 triệu tiền thuế. Trong khi nhà ở ngay sau lưng nhà tôi nhưng mà người ta quay ra ngõ, diện tích của người ta là 200m2, người ta sử dụng kinh doanh, tôi sử dụng ở, nhưng 1 năm người ta chỉ phải nộp 200.000 đồng tiền thuế. Xin báo cáo các vị như vậy, cho nên rất bất hợp lý. Tôi đề nghị đã nói đến đất sử dụng thì đất là như nhau, anh làm nhà ở, anh làm cái gì thì nó cũng là 1m2 đất chứ đừng tính giá trị của đất đấy ở điểm đấy, giá trị đất ở điểm chúng ta chỉ tính chuyển dịch thôi, tính thuế chuyển dịch thôi. Còn bây giờ đất nhà tôi mặt phố, khi tôi chuyển dịch thì tôi phải nộp nhiều thuế, khi tôi cho thuê thì tôi phải nộp thuế thu nhập. Khi tôi kinh doanh tôi phải nộp thuế kinh doanh. Tại sao tôi ở mặt đường mà tôi phải nộp thuế nhiều hơn những người ở chỗ khác. Điều này là không hợp lý và chúng tôi đề nghị xem xét và điều chỉnh lại. Chúng ta quy định 1 ngày thuế còn tất nhiên đối với vùng sâu, vùng xa và các nơi nào cần thiết phải xem xét để miễn, giảm thì chúng ta sẽ xem xét thì nó hợp lý hơn.

Về miễn thuế quy định tại Điều 19, có vị đại biểu nhắc rồi. Tức là chúng ta miễn thuế cho các đối tượng chính sách, vấn đề này chúng tôi hoàn toàn nhất trí. Nhưng bây giờ chúng ta phải quy định rõ ra, đối tượng chính sách ở đây thương binh, liệt sĩ thì đúng rồi nhưng miễn thuế bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất. Bây giờ các đồng chí thương binh hàng trăm căn hộ, hàng nghìn m2 đất vậy thì chúng ta miễn bao nhiêu. Nếu chúng ta không quy định cụ thể ở đây thì không được. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể vào đây.

Về thân nhân liệt sĩ thì đúng quá rồi, thân nhân liệt sĩ bây giờ là ai, bố, mẹ, các con ở tỉnh này, các con ở tỉnh kia, nếu không cẩn thận thì ở tỉnh này cũng được miễn, ở tỉnh kia cũng được miễn, muốn được miễn phải về xin giấy xác nhận, có khi lại đẻ ra tiêu cực. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm. Xin hết.

 

Các văn bản liên quan