Góp ý của đại biểu Hà Văn Hiền – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế

Thứ Ba 15:48 22-09-2009

Báo cáo các đồng chí,

Tôi xin có mấy ý kiến như sau.

Thứ nhất, tôi rất tán thành với ý là luật này cũng có tính đặc thù rất lớn và nó có tính phức tạp, nó tác động đến hầu hết các đối tượng trong xã hội ở các tầng lớp, cho nên chúng tôi tán thành cái này. Cái này chúng ta còn lấy ý kiến nhiều, cho nên tán thành đưa ra nhiều phương án để lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, các đối tượng, các tổ chức.

Thứ hai, khi chúng ta thiết kế theo chúng tôi cũng nên chọn theo phương án tức là chúng ta có lộ trình, có từng bước một. Ví dụ chúng ta quy định chu kỳ là 5 năm thì chu kỳ đầu có thể chúng ta quy định ở mức độ rất mềm, phù hợp với nhiều loại đối tượng. Sau quá trình đó chúng ta rút kinh nghiệm và nâng lên dần dần thì nó phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay.

Thứ ba, Hiến pháp của chúng ta quy định đối với tất cả mọi người có quyền sở hữu về nhà ở, tất cả mọi người đều có nhà ở, mà nhà ở đi kèm với đất ở. Cho nên thái độ của chúng ta đối với 2 loại tài sản này phải khác đối với các tài sản khác, không thể đánh đồng loạt như nhau khi chúng ta xem xét tính các loại thuế được.

Về ý kiến chung chúng tôi có 3 ý kiến như vậy.

Đi vào nội dung cụ thể chúng tôi thấy có mấy điểm như sau.

Suy cho cùng nó cũng chỉ còn lại ở chỗ tức là về căn cứ tính thuế, tức là giá và thuế suất. Đối với nhà, tôi có 2 suy nghĩ, vì đây là thảo luận lần đầu. Suy nghĩ thứ nhất tôi cũng có ý kiến như anh KSor Phước là có nên tính thu thuế nhà bây giờ không? Vì nhà này do người ta tạo ra và người ta sử dụng, quyền của người ta được có nhà ở.

Ý thứ hai, nếu tính thuế thì chúng tôi có suy nghĩ như sau. Theo thiết kế của dự thảo các anh tính theo diện tích nhà, theo giấy phép hoặc theo diện tích nhà đang ở và tính đơn giá là theo đơn giá xây dựng do Nhà nước ban hành, điểm này chúng tôi tán thành. Cũng không nên đặt vấn đề tính đến vị trí từng nhà một vì chênh lệch nhà ở đây là chênh lệch về địa tô, đất đai chứ không phải chênh lệch về cái nhà mà người ta xây dựng lên. Căn cứ tính thuế này chúng tôi tán thành.

Đối với trường hợp nhiều nhà, chúng tôi cũng đồng ý với phương án mà Uỷ ban Tài chính, ngân sách đưa ra là không nên tính tổng diện tích nhà mà tính theo nhà đăng ký ở từng nơi một. Như trong dự thảo luật phần đăng ký tính thuế đã được đề cập, anh có nhà ở chỗ nào anh đăng ký chỗ đó và anh tính thuế theo cái nhà đã đăng ký đó, không cộng dồn các nhà ấy lại cho một người để tính thuế.

Đối với đất, căn cứ tính thuế: thứ nhất là theo diện tích đất sử dụng hoặc theo giấy tờ nếu có hoặc chưa có giấy tờ thì theo diện tích đất thực tế sử dụng, chúng tôi tán thành điểm này trong dự thảo luật. Nhưng về giá 1m2 chúng tôi còn băn khoăn, theo thiết kế trong dự thảo luật giá 1m2 tính theo mục đích sử dụng do Nhà nước quy định, điểm này tôi thấy có mấy vấn đề sau.

Một là quy định như thế này thì sẽ tạo ra sự chênh lệch rất lớn giữa các vị trí trong một khu vực. Tôi lấy ví dụ trong một đô thị thì giá trong đô thị, ngoài đô thị có những chỗ chênh lệch nhau mấy chục lần, có chỗ 1triệu/1m2, có chỗ tới 40triệu/1m2, có chỗ tới 60triệu/1m2 hoặc hơn nữa, sự chênh lệch này là rất lớn, trong khi mục đích sử dụng đều là nhà ở. Theo Hiến pháp người ta được quyền đó mà bây giờ phải chịu thuế chênh lệch nhau nhiều như vậy thì có nên không.

Hai là giá đất chúng ta quy định trong Luật đất đai là xác định theo giá thị trường mà lại công bố hàng năm, mỗi năm họ thay đổi. Vậy chu kỳ 5 năm thay đổi thì thay đổi chỗ này như thế nào, đấy là điều cần phải đặt ra để chúng ta bàn bạc, xem xét. Nên tôi thấy để cho nó phù hợp thì nên chăng ta tính giá thuế đất đối với đất ở là nó khác. Ví dụ, ta xác định một giá tính thuế chung cho loại đất ở đô thị và loại đất ở nông thôn trong định mức, còn ngoài định mức tức là đất anh để cho thuê hoặc anh để kinh doanh thì nó khác, còn đất để ở thì chúng ta xác định trong đô thị một loại giá tính thuế và ở nông thôn một loại giá tính thuế có được không? Như vậy thì nó phù hợp với quyền người ta được sử dụng đất đó để ở. Còn đương nhiên anh vượt định mức, anh dùng để kinh doanh hay cho thuê anh phải chịu một thuế suất khác. Tôi xin nêu ý kiến như vậy.

Về thuế suất tôi thấy thứ nhất về nhà ở với suy nghĩ như trên, tôi còn băn khoăn về chuyện có nên tính thuế nhà ở không. Tôi đề nghị đưa giá khởi điểm để tính thuế là đúng, nhưng mức tôi đề nghị nâng lên chứ không để 500 triệu, có thể tới 700 triệu, sau một thời gian, sau một chu kỳ thực hiện chúng ta sẽ tính toán sau. Bởi vì như vậy thì số người không phải nộp thuế nhà nhiều hơn, bây giờ anh về nông thôn mà tính giá một nhà 700 triệu cũng là rất nhiều. Cho nên đưa ra giá khởi điểm thì tôi tán thành, nhưng vì đặc điểm của luật thuế này nên tôi đề nghị nâng mức giá khởi điểm còn phương án thì tôi đồng ý phương án 1 là 0,03% thuế suất.

Về đất ở đây trong dự thảo có đưa ra 3 phương án, nhưng tôi chọn phương án 2,  phương án 3 để nó phù hợp với tất cả những ý kiến bên trên chúng tôi nói, có nghĩa là đối với đất trong định mức là 0% còn vượt định mức là 0,06% và vượt 3 lần là 0,09%. Như vậy kết hợp phương án 2 và phương án 3 trong dự thảo luật. Xin hết ý kiến.

Kính thưa các đồng chí,

Tôi xin cung cấp thêm một số thông tin để các đồng chí Thường vụ nắm thêm. Báo cáo các đồng chí, khi tiến hành thẩm tra dự án luật này chúng tôi đã tổ chức một số phiên lấy ý kiến, một phiên lấy ý kiến ở Thành phố Hồ Chí Minh, một phiên lấy ý kiến ở Thành phố Hà Nội, để lấy ý kiến của các doanh nghiệp, các chuyên gia liên quan đến Luật thuế nhà, đất này. Khi đưa ra thì hiện nay có 3 luồng ý kiến khác nhau, luồng ý kiến thứ nhất cho rằng chưa nên thu đối với thuế nhà mà chỉ nên thu đối với thuế đất, cách lập luận như anh Kiên vừa nêu. Tức là nếu tôi đầu tư về nhà thì khi mua bán bình thường tôi cũng phải nộp các loại thuế khác và khi nào phát sinh việc mua bán thì tôi phải nộp thuế, tại sao nhà của tôi là một loại tài sản ở đó mà anh lại đánh thuế vào nhà tôi đang ở, đó là một lý do người ta đặt ra. Cho nên chúng ta đặt ra là chỉ nên thu thuế đất thôi, không thu thuế nhà, người ta nói đầu cơ là đầu cơ ở đất thôi chứ không phải đầu cơ ở nhà, đó là luồng ý kiến lập luận thứ nhất, luồng ý kiến thứ hai bảo nếu chúng ta phải có sự nhìn nhận mới, chúng ta phải đánh thuế đối với tài sản mà nhà đất cũng là một loại tài sản. Tuy nhiên cách đánh chỉ mang tính chất tập duyệt thôi, đánh ở mức hợp lý như ý kiến của Ban soạn thảo đưa ra tỷ lệ thu cũng hợp lý thôi, chưa đặt ra mục tiêu chống đầu cơ, chưa đặt ra mục tiêu gì lớn hơn mà chỉ là hạn chế đầu cơ, dần dần đưa việc quản lý nhà, đất đi vào nề nếp. Đó là nhóm ý kiến thứ hai.

Nhóm ý kiến thứ ba là nhóm ý kiến rất quyết liệt. Nhóm ý kiến mà chúng ta phải tập trung vào để lấy mục tiêu chống đầu cơ là chính, tăng thu cho ngân sách và thậm chí như đoàn đại biểu của Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh có những đồng chí phát biểu là nếu cho Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành thu thì chúng tôi có thể thu được rất nhiều để đầu tư cơ sở hạ tầng. Ta đặt ra lý do là tại sao bây giờ trong khi điều kiện cơ sở hạ tầng rất yếu kém này chúng ta không thu nguồn thu từ nhà, đất để đầu tư, để cải tiến được điều kiện sống, điều kiện ở hiện nay ở các đô thị lớn. Ví dụ như Thành phố Hồ Chí Minh có thể tích cực thì có khi còn thu hàng tỷ đô la về thuế nhà, đất này. Đây cũng là một luồng ý kiến chúng tôi xin cung cấp thông tin với các đồng chí.

Vấn đề thứ hai, quan điểm của cơ quan thẩm tra chúng tôi, cũng thấy thuế này thông lệ quốc tế thì phần lớn là loại thuế của địa phương. Chúng tôi đi thấy rất nhiều nơi có các bang người ta quy định ra thu như thế nào, thuế suất ra sao do người ta quy định và đó là nguồn thu nhập của ngân sách bang đó. Nhưng đối với chúng ta, báo cáo các đồng chí, chúng ta lại do Quốc hội quyết định về thuế suất và mức thuế này khác. Quan điểm của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là có thể những vấn đề Quốc hội sẽ quyết định ví dụ như về thuế suất, nhưng về giá tính thuế kể cả nhà, kể cả đất nên giao cho các địa phương. Như vậy sẽ giải quyết được như ý kiến của anh KSor Phước, có thể những vùng chúng tôi thấy địa phương người ta bảo không cần thu, người ta không thu vì cư dân ở đó khó khăn người ta không thu. Cho nên quan điểm của Ủy ban Tài chính, Ngân sách chúng tôi muốn thuế nhà, đất này nên phân cấp mạnh cho các địa phương và Quốc hội nên quy định ở mức độ nào đó những vấn đề có tính chất quy định của Hiến pháp, còn như giá tính thuế nên đưa về cho các địa phương. Đấy là một ý kiến xin báo cáo với các đồng chí như vậy.

Còn anh em chúng tôi cũng thảo luận rất kỹ hiện nay cái mới nhất chính là thuế nhà ở. Đã là thuế nhà ở, có thể nói đây là một loại tài sản, nhưng tài sản trên đất, gắn liền với đất, cho nên đưa ra một mức như thế nào cho phù hợp. Nhiều khi nhà không giá trị bao nhiêu, nhưng vì nó gắn với đất nên tự nhiên nhà có giá trị. Đấy là một câu chuyện đặt ra khi tính toán chúng tôi cũng tính toán. Đặt ra mức, trước đây dự kiến mức 600 triệu, sau đó rút xuống 500 triệu. 500 triệu này thưa các đồng chí, như anh Nam đã phân tích thì đã tính toán trên đơn giá xây dựng mới nhân với một tỷ lệ nhất định, mà tỷ lệ này trong dự thảo của nghị định dự kiến chỉ có 50%. Có nghĩa là khởi điểm tính thuế một căn nhà 500 triệu này, tức là cái nhà phải giá 1tỷ thì mới đánh thuế, anh Hiền đề nghị 700 triệu tức là 1,4tỷ. Vì đơn giá tính thuế của 1m2 nhà là giá nhà mới nhân với một tỷ lệ nhất định mà tỷ lệ đó trong dự thảo dự kiến đưa lên là 50%, tức là nhà phải có giá 1tỷ trở lên thì mới thuộc diện chịu thuế, như vậy thì cũng loại rất nhiều. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu anh Nam nói như thế thì mức này là quá cao, hầu như là không thu được, ngay như chúng ta cũng chưa xây được một cái nhà nào 1tỷ, nông thôn lại càng không, loại hết, ở thành phố nhà 1tỷ cũng không nhiều lắm, đây cũng là một vấn đề cần cân nhắc thêm.

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nếu Luật thuế nhà, đất đưa ra mà chỉ thu được 1.200 tỷ như ý kiến của Bộ Tài chính thì không đủ chi phí để hành thu. Báo cáo các đồng chí nào là dữ liệu, nào là kê khai, chi phí đo đạc v.v... có thể nói là 1.200 tỷ này không đủ chi phí để hành thu, nếu như vậy thì thay đổi luật để làm gì nếu thu thấp như thế này. Đây cũng là một luồng ý kiến để đóng góp thêm cho các đồng chí. Tôi rất ủng hộ quan điểm là việc thu chúng ta chưa đặt ra là mục tiêu hàng đầu mà đưa vấn đề tập dượt để người dân và cơ quan quản lý Nhà nước chúng ta đưa tất cả các vấn đề nhà ở, đất ở vào quản lý và cũng làm cho người dân quen với loại thuế, coi thuế nhà, đất là một loại thuế đánh vào tài sản, cách đặt vấn đề của chúng tôi là như vậy.

Về những chính sách miễn giảm trong này cũng còn nhiều luồng ý kiến khác nhau, chúng tôi thấy rằng đối với thuế nhà, đất chúng ta nên đặt chính sách miễn giảm ở mức độ hợp lý và có thể cao hơn so với các loại thuế khác. Có nhiều ý kiến cho rằng đã thuế thì phải trung lập, tại sao lại đưa quá nhiều chính sách xã hội vào đây, quan điểm của chúng tôi cho rằng đối với thuế nhà, đất so với các thuế khác chúng ta cũng nên đặt vấn đề là miễn giảm ở mức độ cao và đối tượng rộng hơn thì sẽ phù hợp với tình hình và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan