Góp ý của đại biểu KSor Phước (KPă Bình) – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc

Thứ Ba 15:45 22-09-2009

Kính thưa các đồng chí,

Cơ bản tôi thấy sự cần thiết rõ rồi, ta nên sớm có luật này. Chúng ta quản lý đất nước chính thức từ năm 1975 đến nay sau khi đất nước thống nhất vẫn chưa có bộ luật về thuế nhà, đất này như thế nào.

Trước hết tôi xin tham gia mấy ý như sau.

Một, đối với đối tượng chịu thuế chúng ta ghi ở đây là có đất ở, có nhà ở. Tôi đang phân vân chuyện nhà ở, thế thì cũng có lý nhưng nó có một nguyên tắc nữa là bây giờ nếu thế này thì hình thành nên một quan điểm rất lớn là đối với các loại thuế, tức là thuế đối với các tài sản có sở hữu vì đây là nhà ở trong đó có những cái không có sở hữu. Nhưng nhìn chung nhà ở thường có sở hữu, sở hữu của cá nhân, tổ chức, bây giờ thuế đối với tài sản có sở hữu. Điều này là điều cần phải bàn thêm, cân nhắc kỹ thêm về loại thuế có sở hữu mà trong quyền sở hữu thì ta biết là nó có quyền sử dụng, quyền định đoạt đối với tài sản của họ. Chỗ này tôi còn đang phân vân, thật ra trong sở hữu ta cũng có những cái mà thế giới người ta làm. Ví dụ, đánh thuế vào thu nhập hay đánh thuế vào phần gửi tiết kiệm tăng mà lãi suất tiết kiệm ta cũng có. Nhưng đó là những tài sản sinh lời, nhà ở thì có những cái không sinh lời, nó gắn mãi với cuộc đời của một gia đình, người ta đánh cả thuế đó với những nhà không sinh lời. Tôi đề nghị điều này cân nhắc thêm, phải suy nghĩ kỹ chỗ này, thuế thu nhập hay sắp tới đây cũng có dự kiến qua thảo luận trên báo chí ta cũng đặt vấn đề là đánh cả thuế vào phần gửi tiết kiệm đối với lãi suất. Nhưng dù sao đó là những tài sản sinh lời mặc dù thuộc sở hữu nhưng có sinh lời. Nhưng nhà ở thì không phải nhà ở nào cũng sinh lời nên theo tôi phải cân nhắc thêm về thuế đối với nhà ở có sở hữu. Về điều này tuy chưa nghĩ kỹ nhưng tôi đang có suy nghĩ như vậy.

Thứ hai là bây giờ tính thuế như thế nào. Theo tôi, thứ nhất là trong này cũng có Dự thảo, nhưng tôi muốn nêu rõ thêm quan điểm của mình đối với đất ở và các loại đất dùng để sản xuất kinh doanh, đó là những đất cần phải chịu thuế, theo tôi đất đó phải chịu thuế. Cơ sở để tính thuế như anh Kiên nêu ra theo tôi đó là phải xác định nhóm đất đó nằm ở vùng nào, trước hết xác định theo vùng, trong này phải ghi ra 5 loại vùng, dưới vùng là theo nhóm, nhóm của Ban soạn thảo.

Thứ nhất, vùng đất đó là đất đô thị, đô thị có loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và loại 4, loại 5, ví dụ thế, tức là loại từ thị trấn trở lên đến đặc biệt là hai thành phố lớn, đó là căn cứ để tính sau này hệ số của đất ở và đất sản xuất kinh doanh.

Thứ hai là vùng nông thôn phải được tính riêng, nông thôn cũng phải có đất được tính thuế, đất sản xuất kinh doanh. Bây giờ ta đang phát khẩu hiệu làm sao "ly nông bất ly hương", vùng nông thôn sắp tới cũng sẽ xây dựng cơ sở công nghiệp và dịch vụ, cũng phải tính thuế. Thậm chí tính cả thuế về đất ở ở vùng nông thôn.

Thứ ba là nhóm nông thôn, miền núi và biên giới, nhóm này phải tính riêng ra, vùng này phải tính riêng ra.

Vùng thứ tư và vùng địa bàn đặc biệt khó khăn.

Vùng thứ năm mang tính chính trị rất cao, đó là vùng hải đảo, ta bây giờ đang ưu tiên vùng biển. Nhưng vùng này theo tôi phải cân nhắc, bảo hoàn toàn thì cũng không được. Ví dụ sắp tới chúng ta làm những vùng đặc khu như đảo Phú Quốc chẳng hạn, sẽ thu hút đầu tư, vùng Cô Tô hay một số vùng như Cát Hải, Cát Bà ở Hải Phòng tôi đến thấy sầm uất lắm. Bỏ hết thuế thì cũng không được, nhưng tính như thế nào, vùng nào. Cho nên ở từng vùng thì xác định từng nhóm. Ví dụ nhóm ở vùng tranh chấp nhiều thì nhóm đó không những không phải tính thuế mà Nhà nước phải đầu tư thêm, phải khuyến khích còn những nhóm ở vùng hải đảo nhưng ở vùng sầm uất có điều kiện làm ăn tốt thì phải tính thuế khác. Cho nên tôi đề nghị trước hết xác định vùng, dưới vùng là bắt đầu tính đến nhóm, tức là nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3.

Thứ hai, từ đó ta xác định phải nâng thêm hệ số giá trị sử dụng đất, ở mỗi vùng theo tôi có tới 5 hệ số. Hệ số thứ nhất là hệ số khu vực đất có giá trị cao nhất, hệ số thứ hai là hệ số khu vực đất có giá trị cao, hệ số thứ 3 là hệ số đất có giá trị cao trung bình, hệ số thứ 4 là hệ số đất có giá trị trung bình và hệ số thứ 5 là hệ số đất có giá trị thấp. Mỗi vùng, mỗi nhóm đều có những cái đó thì khi vào thuế người ta cứ tính anh ở vị trí nào là tôi tính ngay tiền của anh. Căn cứ tính thuế là phải theo quyết định giá đất do Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành ở đầu năm, theo luật quy định về Luật Tổ chức hội đồng nhân dân tỉnh. Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ ban hành cái khung là trong phạm vi do Thủ tướng Chính phủ quy định cho từng vùng như ở vùng đô thị loại 1 thì giá cao nhất và giá khởi điểm là bao nhiêu? theo tôi nên tính như vậy. Tính về diện tích đất sử dụng ở đây các đồng chí cũng nêu vấn đề lũy tiến, về cách tính lũy tiến thì tôi đồng tình vấn đề này.

Thứ ba, đối với nhà chung cư chịu về thuế đất ở như thế nào, tôi đồng tình ý kiến của Ủy ban Tài chính và ngân sách. Các đồng chí nêu có trường hợp nhà chung cư tầng 1 không sử dụng, nó có tầng hầm. Bây giờ có tranh chấp tầng hầm là thuộc Ban quản lý nhưng Ban quản lý có được quyền sử dụng đó không, ai cấp bìa đỏ cho Ban quản lý. Vừa rồi ta thấy ở Hà Nội tranh chấp giữa các hộ gia đình với Ban quản lý, bây giờ trong luật này phải làm rõ vấn đề này. Nếu đã như vậy thì đất này phải được tính khác, các hộ trên lô đất đó phải được tính khác và anh phải chịu trách nhiệm chính là như thế nào cũng phải tính lại. Thậm chí Ban quản lý là những người làm thuê cho các hộ, nếu ta tính bình quân cho các hộ trong lô nhà đó phải chịu mức thuế đó thì anh quản lý là anh làm thuê, anh không thể hoạnh họe các hộ dân được, phải cho rõ chỗ này.

Thứ hai, chúng ta khuyến khích làm nhà tầng để tiết kiệm diện tích đất cho nên theo tôi cũng phải có cơ chế thể hiện khuyến khích làm nhà tầng. Những nhà tư mà người ta làm 2-3 tầng mà ta tính cao lên thì không được, theo tôi với những gia đình đó ta phải tính ngược lại, anh càng lên cao, tầng 2, tầng 3 là sẽ có hệ số giảm thì sẽ khuyến khích làm nhà tầng. Làm sao chính sách thuế phải khuyến khích người sử dụng đất tiết kiệm nhất và có hiệu quả cao nhất.

Với những trường hợp miễn thuế tôi đề nghị bổ sung thêm một số đối tượng sau. Thứ nhất là các bệnh viện, nơi điều trị, điều dưỡng.

Thứ hai là các ký túc xá của học sinh, sinh viên đề nghị không tính thuế vì ta đang khuyến khích làm các khu nhà cho học sinh, sinh viên.

Thứ ba là các khu chung cư của công nhân ở các khu công nghiệp, nếu có tính thì cũng tính rất thấp, phải có chính sách ưu đãi khuyến khích làm nhà chung cư cho công nhân ở các khu công nghiệp.

Đối tượng thứ tư là những khu đất để làm dự phòng tránh thiên tai, bão lũ. Như ở miền Tây bây giờ có nhiều vùng đất phải làm trước, không phải chờ đến khi có thiên tai, bão lũ mới làm, khi đó không kịp nữa, phải dự phòng trước những khu đó. Đó là đất ở nhưng không thường xuyên, nó chỉ ở trong mùa bão. Những vùng này phải tính khác hoặc không nên tính.

Còn nhà ở như tôi đã nói, theo tôi cũng phải cân nhắc thêm, có lẽ phải có nhiều, thậm chí Chính phủ nên cho thảo luận lớn hơn nữa trước hết là về quan điểm đối với thuế đối với những tài sản có sở hữu. Với những tài sản có sở hữu mà không tạo ra thu nhập mới thì nên tính thuế như thế nào? Nếu có tính, theo tôi chỉ tính 1 lần trong cả cuộc đời của tài sản đó, tốt nhất là không tính. Còn những tài sản nào tạo ra lợi nhuận thì nên tính thuế. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan