Góp ý của đại biểu Nguyễn Trần Nam – Thứ trưởng Bộ Xây dựng

Thứ Ba 15:49 22-09-2009

Tôi cũng tán thành ý kiến của anh Hiền. Nhưng ở đây báo cáo với các anh về khởi điểm nộp thuế, ở đây viết là 500 triệu, nhưng trên bản chất anh hiểu là trên thực tiễn là 1 tỷ mới phải nộp. Tại vì trong dự thảo có dự kiến chỉ quy định 50% đơn giá do Nhà nước ban hành. Ví dụ 4 triệu/m2 x 150m = 600 triệu, nhưng trước đây các anh dự thảo 600 triệu Bộ Xây dựng góp ý các anh cũng tiếp thu đưa xuống một chút nhưng bản chất khi áp dụng cái này tức là nhà có giá trị 1 tỷ trở lên mới phải nộp thuế. Cho nên mức này tính ra hầu hết các nhà sở hữu 1 nhà đều không phải nộp. Tức là ngay ở trong các thành phố nếu tính là 1 tỷ mà chia cho đơn giá xây dựng 5 triệu 1m2 tức là nhà đẹp (nhà biệt thự 5 triệu/m2 là xây được rồi) thì 200 m2 là ở mức không phải nộp thuế nhà. Báo cáo các anh như thế đối với quan điểm của Bộ xây dựng chúng tôi thấy là mức này hơi cao. Như thế hầu hết chúng ta không có ai phải nộp thuế, đấy là một ý kiến về phía Bộ Xây dựng chúng tôi đang đề nghị nên tiếp tục phải hạ mức này xuống, quy định là 500 triệu nhưng thực tế là 1 tỷ mới phải nộp. Tại vì sau này Bộ Tài chính sẽ có quy định là chỉ có lấy 50% đơn giá. Cho nên những người xây dựng mới xây một cái nhà 1 tỷ là không phải nộp thuế.

Thứ hai, chúng tôi đề xuất là việc tính khởi điểm thuế nhà nên tính bằng m2 không nên tính bằng tiền. Tính bằng m2 rất dễ xác định tức là m2 nhà trong hợp đồng mua bán, trong nhà chung cư, trong nhà ở riêng đều trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu đất ở ghi rất rõ, cơ sở pháp lý để mình tính là rất rõ ràng. Thậm chí có chuyện tăng giảm hàng năm anh đều phải có kê khai, được giấy phép xây dựng cơi nới thêm thì ta rất dễ xác định.

Thứ hai, giá trị khởi điểm không bị thay đổi, nếu mình tính bằng tiền thì các anh cũng tính cơ bản là diện tích nhân với giá, nhưng sẽ có trường hợp nhà của một người nào đó năm nay vẫn diện tích như vậy không thuộc diện phải nộp thuế. Còn dưới hạn mức ví dụ như anh Hiền đề xuất đưa ra hạn mức 1 trong hạn mức không phải nộp thuế và hiện nay Dự thảo cũng đưa ra là dưới hạn mức không phải nộp thuế, nhưng chỉ đến kỳ sau kể cả anh có ổn định 5 năm. Nếu chúng ta thay đổi từng năm thì đến sang năm đơn giá không phải là 4 triệu mà 6 triệu, thậm chí đột biến lên đến 7 triệu thì năm ngoái tôi không thuộc diện nộp thuế nhà, sang năm tôi nhảy ngay vào dạng nộp thuế nhà, con số này rất bất ổn, nó dao động không ổn định, có thể gây bức xúc trong dân, sang năm nữa nó tụt xuống thì lúc đó liệu mình có đưa người ta vào diện nộp thuế không. Trong khi nếu mình tính khởi điểm nộp thuế bằng diện tích nhà thì nó công bằng dễ xác định vào ổn định, trừ khi anh cơi nới thêm diện tích, anh xây thêm anh mới phải nộp. Còn diện tích tôi vẫn là 80 m2 thì tôi không phải nộp, bất kể giá xây dựng biến động như thế nào, vì nhà đây tôi xây để ở, ai cũng có quyền có một nhà để ở, kể cả đồng bào dân tộc miền núi hay người kinh ở giữa thành phố thì ai cũng có quyền có nhà để ở. Trong khi đó nếu chúng ta quy định bằng tiền, tiền ở đây bằng diện tích x đơn giá, diện tích không thay đổi mà đơn giá thay đổi thì anh dễ nhảy từ diện không phải nộp thuế sang diện phải nộp thuế và ngược lại, như vậy tôi nghĩ là không ổn định, mặc dù ta có quy định là có ổn định 5 năm.

Điểm thứ ba, về thuế đất, chúng tôi cũng thấy nếu trước đây theo Pháp lệnh thuế nhà, đất chúng ta thu bằng thóc thì thực tế cũng quá thấp, cả nước ta vừa rồi thu được 500 tỷ/1năm. Nhưng nếu bây giờ ta chuyển sang thu thuế đất dựa vào giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hàng năm thì như anh Hiền phân tích, chúng tôi cũng có bàn bạc và trao đổi với Bộ Tài chính rồi, chúng tôi thấy việc này không công bằng. Tại vì trên thực tế hiện nay ở đô thị đặc biệt giá đất chênh lệch khoảng 45 lần. Tại đô thị loại 1 chênh 106 lần giữa mức thấp nhất và mức cao nhất. Đô thị loại 5 thậm chí còn chênh 223 lần, giá này theo quan điểm của chúng tôi là để đền bù giải phóng và nó áp sát giá thị trường, nó thay đổi rất nhanh từng thời điểm, ít nhất thì ta cũng công bố hàng năm.

Trong Hiến pháp quy định ai cũng có quyền có nhà ở. Trước hết có nhà ở thì phải có đất ở. Một người ở một khu vực cũng dùng nhà để ở như anh KSor Phước nói, tức là không sinh lời gì cả, tôi chỉ dùng để ở. Ví dụ như ở Hoàn Kiếm, hàng Ngang, hàng Đào cũng là bố mẹ hương hỏa để lại, mà diện tích ở Hà Nội chỉ có 80m2 hạn mức nhà ở thì tự nhiên tôi phải nộp, mà thu nhập đời sống cũng đắt đỏ, khó khăn, điều kiện sống cũng không phải là tốt, nếu ở các khu tập trung mật độ cao vệ sinh môi trường rất kém. Trong khi đấy người ở rộng hơn ở nơi khác cũng dùng để ở thì lại không phải nộp hoặc nộp chênh nhau rất lớn. Ở đây chúng tôi tính ra ví dụ như 1 người khu trung tâm ở 160m2 thì mỗi năm sẽ phải nộp đến 4,86 triệu đồng theo phương án này, cũng là một con số lớn, 2 tháng lương của người ta, trong khi đó áp giá đất này thì sẽ có người chỉ nộp 120 đồng/1m2/1năm. Trong khi theo thóc hiện nay 0,055kg thóc theo pháp lệnh đã là 1.890đ vì giá đất của mình chênh nhau hơn 200 lần cho nên theo phương án này chúng tôi thấy cũng không nên dùng giá đất này để áp tính giá thuế đất. Chúng ta nên ban hành thuế đất như anh Ksor Phước gợi ý, ở các vùng miền ta ban hành một loại giá chỉ để thu thuế, không có giá trị gì về mua bán hay chuyển nhượng hay đền bù, áp thuế này ở các vùng để thu thuế thì hợp lý hơn. Bởi vì mình nói giá đất ở khu vực đô thị hay vùng trung tâm có giá trị cao thì giá trị cao này chỉ phát sinh khi có chuyển dịch, tức là khi có mua bán mà khi mua bán là phải nộp thuế theo thuế kinh doanh bất động sản, theo thuế thu nhập. Khi tôi chuyển dịch phát sinh lợi nhuận tôi nộp thuế còn khi tôi đang ở thì nó chỉ có giá trị là cái nhà ở chứ có sinh lời gì đâu. Trong khi đó ở giống nhau, thậm chí diện tích ít hơn, chật hơn lại phải nộp thuế nhiều hơn người ở đất rộng vì giá đất chênh nhau hàng trăm lần. Vấn đề này chúng tôi thấy không hợp lý cho nên chúng tôi đề xuất về thuế đất chúng ta nên ban hành một khung giá để tính thuế. Bộ Tài chính có thể tham khảo cùng các bộ ngành khác để quy định ra một khung tính thuế căn cứ vào các vùng miền, đô thị v.v.v.... Đó là ý kiến của Bộ Xây dựng về thuế đất.

Việc thứ ba, chúng tôi thấy hiện nay trong dự thảo luật cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc một người có nhiều nhà và có nhiều đất ở các địa phương khác nhau thì nộp thuế như thế nào. Có một số ý kiến các đồng chí phát biểu là có nhà, đất ở địa phương nào thì đăng ký ở địa phương đó, theo tôi như thế ta không giải quyết được vấn đề điều tiết người có nhiều nhà, đất ở nhiều địa phương khác nhau, ta nên tính tổng. Ví dụ anh ở Điện Biên định mức đất ở là 350m2 mà anh có 300m2 như thế anh cũng không phải nộp nếu như phương án của anh Hiền trong hạn mức là không phải nộp rồi anh lại có 80 m2 ở Hà Nội anh cũng không phải nộp và ở Quảng Ninh anh có 200 m2 cũng trong hạn mức thì cũng không phải nộp. Như thế thì ta không điều tiết được vấn đề là những người sở hữu nhiều nhà và đất, mục tiêu, quan điểm chúng ta đặt ra cũng không thực hiện được. Theo tôi, chúng ta nên đề xuất là cho phép người sở hữu nhiều nhà, nhiều thửa đất ở các địa phương khác nhau được quyền chọn một vị trí nhà đất để tính hạn mức, còn lại các phần ở các chỗ khác thì phải coi nó ngoài hạn mức, được coi trên hạn mức và phải được nộp thuế. Như thế nó mới công bằng, đấy là ý kiến của Bộ Xây dựng. Xin hết.

Các văn bản liên quan