Góp ý của ĐBQH Nguyễn Lâm Thành – Lạng Sơn đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 16:02 21-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Việc sửa đổi Luật đất đai là một yêu cầu cấp thiết của sự nghiệp phát triển đất nước hiện nay, của thực tiễn đời sống và mong đợi của nhân dân. Đây là một luật lớn và tôi xin chỉ đề cập một số khía cạnh liên quan đến hạn điền, thời hạn giao đất, giá đất, quy hoạch và đền bù tái định cư.

Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XI về đất đai đã chỉ rõ tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng có thời hạn theo hướng kéo dài hơn quy định hiện hành, mở rộng hạn điền, chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, từng giai đoạn, sớm có giải pháp đáp ứng nhu cầu đất sản xuất và việc làm cho bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không có đất sản xuất. Đây là một định hướng, quan điểm chỉ đạo hết sức rõ ràng. Việc mở rộng hạn điền và tăng thời hạn giao đất là cần thiết để tăng cường sức sản xuất cho xã hội. Nhưng đi liền với nó là tích tụ ruộng đất và sẽ có một bộ phận nông dân mất đất làm gia tăng những vấn đề an sinh xã hội. Đây là một bài toán cần được lựa chọn cân nhắc, mở rộng là một nhu cầu khách quan, nhưng quan trọng là độ mở của nó là bao nhiêu cho phù hợp. Liên quan đến dự thảo, Điều 111, Khoản 1 quy định thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, sử dụng quy định tại các Khoản 1, 2, Điểm b, Khoản 3, Khoản 4 của Điều 114 là 50 năm và được gia hạn tiếp 50 năm tổng cộng là 100 năm. Các trường hợp đặc biệt khác như dự án đầu tư vào vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và 70 năm và được xét gia hạn tiếp. Tôi rất băn khoăn vì điều này và nhiều cử tri có ý kiến băn khoăn về điều này vì thấy thời hạn đó quá dài, 50 năm là đủ ra đời cho 3 thế hệ, 100 năm là 6 thế hệ, theo tôi chỉ nên quy định là 30 năm và gia hạn tiếp 30 vì hiện nay chúng ta mới chỉ quy định là 20 năm. Nếu quy định là 30 năm và gia hạn tiếp 30 năm là 60 năm thì gấp 3 lần như hiện nay với các lý do. Việt Nam là nước có qũy đất không lớn cả về đất tự nhiên và đất nông nghiệp với 0,4 ha/người và 750 m2 đất nông nghiệp/người có thể nói là nước thấp nhất thế giới. Xu hướng bình quân đất đai càng thấp, dân số tăng do chuyển mục đích sử dụng, hiện chúng ta có 84 triệu người, 14 triệu hộ nông dân sống nhờ đất với 3/4 dân số, cuộc sống của hàng chục triệu nông dân là ưu tiên quan trọng.

Thứ hai, quá trình phân chia và quản lý đất đai của Việt Nam đang diễn ra mới chỉ ở giai đoạn đầu, thị trường đất đai đang trong quá trình hình thành và vận hành. Hệ thống chính sách đất đai đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Thực tế vừa qua cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề xung đột về lợi ích trong lĩnh vực đất đai, chúng tôi mới có 20 năm triển khai thực hiện Luật đất đai do vậy nảy sinh rất nhiều vấn đề và cũng nhiều nhóm được hưởng lợi từ chính sách đất đai nhưng đồng thời có nhiều nhóm yếu thế bị bất lợi trong quá trình thực hiện chính sách đất đai. Trong nội dung này tôi đề nghị phân loại đối với đất khai hoang phục hóa, đất đầu tư ở những dự án ở vùng đặc biệt khó khăn nhưng không vượt quá 50 năm so với quy định dự thảo là 70 năm.

Về nội dung thứ hai là quy hoạch đất đai, tôi nhất trí với quy định về quy hoạch đất đai ở 3 cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện là phù hợp. Tôi xin không phân tích.

Tại Khoản 7, Điều 37 nguyên tắc lập quy hoạch sử dụng đất đề nghị bổ sung trong quy hoạch ưu tiên quỹ đất bảo đảm cho đời sống và sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số với các lý do.

Thứ nhất, tại Điểm c, Khoản 1, Điều 28 đã quy định trách nhiệm nhà nước phải bổ sung có những chính sách lo cho đồng bào dân tộc. Lý do thứ hai là qua giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, một trong những lý do các địa phương giải quyết được vấn đề thiếu đất của đồng bào, một phần là do không bố trí được quỹ đất và không bố trí quy hoạch đất đai cho việc xử lý. Do vậy, cần phải đưa nội dung quy hoạch vào trong vấn đề ưu tiên trong việc giải quyết đất cho đồng bào dân tộc và tôi đề nghị sửa khoản này là "quy hoạch kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm ưu tiên quỹ đất cho các mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, an ninh lương thực, bảo vệ môi trường và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số".

Nội dung thứ ba, về nguyên tắc tính giá đất và bồi thường khi thu hồi đất. Về những khái niện thu hồi đất, trưng thu, trưng mua, trưng dụng có ý kiến cho rằng không dùng khái niệm thu hồi đất mà chuyển sang dùng khái niệm "trưng mua, trưng dụng" sẽ hợp lý hơn. Vấn đề này theo tôi bắt nguồn từ nguồn gốc về đất đai, ở các nước đất đai có nguồn gốc rõ ràng về việc mua bán trao đổi giữa tư nhân và nhà nước. Quyền sở hữu đất đai được thể hiện rất rõ nên khái niệm trưng mua, trưng dụng là hợp lý khi nhà nước yêu cầu sử dụng. Đối với nước ta đất đai có nhiều nguồn gốc khác nhau từ việc giao, cấp, mượn, cho thuê, mua, tự khai hoang phục hóa trong quan hệ giữa chủ thể nhà nước, tổ chức và cá nhân. Người dân có vị thế và quyền khác nhau về đất đai tương ứng với các hình thức này. Một mặt chúng ta vẫn khẳng định quyền của nhà nước là thu hồi đất trong những trường hợp cho thuê, giao đất có thời hạn và những trường hợp đất đai bị vi phạm. Trưng dụng là đối với các trường hợp đất đai của tổ chức, cá nhân đã đầy đủ các quyền hợp pháp và quyền sử dụng theo luật định thì sẽ sử dụng hình thức trưng mua và trưng dụng.

Về định giá đất, theo dự thảo quy định là giá đất do nhà nước quyết định bảo đảm nguyên tắc phù hợp với giá thị trường thay vì quy định sát với giá thị trường như trước đây. Rõ ràng khái niệm "giá thị trường" là không rõ ràng, rất nhiều mơ hồ và chưa được định dạng rõ. Nguồn gốc bản chất đất đai ở Việt Nam khác các nước, đất vừa qua bị thổi giá, bị méo mó do trào lưu tâm lý cũng như thao túng của một số nhóm lợi ích và một phần là do quy hoạch nóng, một phần do chính sách quản lý của chúng ta. Những vấn đề liên quan đến giá đất và đền bù trong tái định cư cần được giải quyết về những tồn tại trong thời gian qua là:

Đất đền bù được bù đắp cho người dân chuyển đổi một giá trị tài sản tương ứng và cần phải tính toán những giá trị hữu hình như thu nhập, sinh kế từ vị trí chuyển đổi mảnh đất cũ, chênh lệch giá đền bù giữa người gương mẫu thực hiện trước và người thực hiện sau, chênh lệch giá giữa các dự án trong cùng một khu vực , chênh lệch giá giữa các địa phương ở các vùng giáp ranh và hai vấn đề lớn là chênh lệch lợi ích giữa người bị thu hồi và người phải di dời và người ở lại được hưởng lợi và chênh lệch giữa người bị thu hồi đất và các chủ đầu tư đất kinh doanh. Đây là những nguyên nhân cơ bản mà cần phải được giải quyết. Theo tôi nguyên tắc định giá đây là trên nguyên tắc kinh tế và thị trường chứ không phải chỉ là một nguyên tắc thị trường không. Việc thu hồi đất quan trọng phải đảm bảo nơi ở, nơi sản xuất cho người dân và Chính phủ cũng cần xem xét lại những vấn đề này và tổng kết những vấn đề này trong thực tiễn. Trong nội dung dự thảo tôi đề nghị thiết kế những nội dung riêng về trách nhiệm cơ quan, chính quyền trong việc thu hồi đất và những điều, khoản liên quan đến chính sách đối với đồng bào dân tộc. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan