Góp ý của ĐBQH Y Mửi – Kon Tum đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 16:01 21-12-2012


Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo và Báo cáo thẩm tra về Luật đất đai (sửa đổi). Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất là về chính sách đất ở và đất sản xuất cho người dân tộc thiểu số, tôi thống nhất rất cao với quan điểm của các đại biểu phát biểu trước và dự thảo luật lần này cần bổ sung thêm chính sách bảo đảm của Nhà nước đối với đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tại Điểm c, Khoản 1, Điều 28. Bởi vì hiện nay còn 300 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số vẫn đang thiếu hoặc không có đất ở và đất sản xuất. Tuy nhiên, để hạn chế việc thiếu đất sản xuất do sang nhượng, dự thảo luật lần này cần bổ sung thêm quy định về giao dịch quyền sử dụng đất, có điều kiện đối với diện tích đất nhà ở Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số là việc giao dịch mua, bán, cho, tặng chỉ diễn ra trong phạm vi gia đình hay cộng đồng, dòng tộc với điều kiện khi người dân không có nhu cầu sử dụng đất được hỗ trợ hay không còn năng lực sử dụng đất được hỗ trợ vừa tự nguyện giao dịch cần đảm bảo các điều kiện của đối tượng thụ hưởng chính sách theo quy định.

Thứ hai, đất đai là nền tảng cho nền kinh tế truyền thống và phương thức sống của người dân. Xét về lịch sử đây cũng là nơi hình thành và phát triển lịch sử cộng đồng, các phong tục tập quán đối với người dân tộc bản địa, đất đai không chỉ có ý nghĩa to lớn về mặt kinh tế sản xuất mà còn mang ý nghĩa văn hóa tập trung. Tuy nhiên trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa họ là nhóm yếu thế trong quá trình tham gia vào nền kinh tế thị trường và vì những lý do khác nhau họ trở thành người thiếu đất và mất tư liệu sản xuất ngay trên mảnh đất họ đang sinh sống.

Qua tiếp xúc cử tri, trong dự thảo Điều 111, 114. Điều 111 về thời hạn giao đất nông nghiệp, Điều 114 hạn mức giao đất nông nghiệp, qua tiếp xúc cử tri chúng tôi thấy đại đa số cử tri mong muốn nhà nước giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số sử dụng ổn định lâu dài không quy định thời hạn với hạn mức giao đất nông nghiệp trên 30 ha trở lên, như vậy mới nhằm tạo sự an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài, nhằm góp phần ổn định an ninh nông thôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi thống nhất cao với dự thảo hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân quy định tại Điều 115. Ý của tôi khác với ý của đại biểu Y Thông. Tôi thấy quy định này phù hợp với miền núi và đặc biệt là vùng Tây Nguyên bởi nó sẽ hạn chế được việc mua bán, chuyển nhượng đất ồ ạt làm xáo trộn và thu hẹp không gian phát triển của đồng bào Tây Nguyên. Thực tế cho thấy từ xưa đến nay đồng bào Tây Nguyên chưa di cư ra khỏi vùng Tây Nguyên mà tồn tại và phát triển trên không gian đất đai, rừng núi vùng Tây Nguyên. Bởi vậy, giới hạn này sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững của Tây Nguyên và phù hợp với chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được ghi nhận trong Hiến pháp. Tuy nhiên, đối với các vùng khác thì soạn thảo nên nghiên cứu thêm trong việc giới hạn mức chuyển quyền vì Hiến pháp cũng như Luật dân sự không giới hạn tài sản hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình. Bởi vậy tôi đề nghị giới hạn này chỉ áp dụng cho miền núi, đặc biệt vùng Tây Nguyên.

Thứ ba, về quản lý sử dụng đất của các nông, lâm trường, đây là vấn đề lớn đang nảy sinh nhiều tồn tại bất cập ở tất cả các địa phương. Do vậy Luật đất đai (sửa đổi) còn có những điều, khoản làm cơ sở xử lý các tồn tại bất cập này theo hướng:

Thứ nhất, quy định rõ hình thức thuê đất đối với diện tích đất nông, lâm trường đang sử dụng đúng mục đích.

Thứ hai, đối với diện tích đất các nông, lâm trường đang sử dụng quá thời hạn quy định hoặc sử dụng không đúng mục đích hay sử dụng không có hiệu quả thì cần kiên quyết thu hồi và giao cho các địa phương để làm thủ tục giao cho các hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp nuôi trồng thủy sản, làm muối nhưng thiếu đất sản xuất. Vì theo báo cáo thống kê của Chính phủ trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì hiện nay ở nước ta có đến 300.000 hộ với 2 triệu người dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở sản xuất. Nếu tính tất cả đối tượng khác thì số người dân thiếu đất sẽ còn cao gấp nhiều lần, trong khi đó việc thực hiện Quyết định số 146 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách thu hồi đất sản xuất của nông, lâm trường để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số là hộ nghèo mới chỉ đạt được 14,2% trên tổng diện tích đất do các nông, lâm trường quản lý.

Thứ ba, luật cần quy định rõ về giải pháp xử lý đối với diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân nhận khoán của nông, lâm trường nhưng đã chuyển nhượng, cho thuê, sử dụng trái pháp luật. Theo đó quy định đẩy nhanh việc thu hồi đất bàn giao cho địa phương để giao cho hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối nhưng thiếu đất sản xuất. Tôi xin hết ý kiến, trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan