Góp ý của ĐBQH Hà Văn Khoát – Bắc Kạn đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:59 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Sửa đổi Luật đất đai lần này trước hết nhằm đảm bảo để Luật đất đai mới được ban hành sẽ khắc phục được những bất cập thiếu sót trong Luật đất đai mà chúng ta đang thực hiện. Qua nghiên cứu tôi thấy dự thảo luật đã được xây dựng với nhiều nội dung, nếu hoàn thiện thêm và thực thi nghiêm chỉnh thì chúng ta kỳ vọng là sẽ phòng ngừa và ngăn chặn được những hạn chế trong tình hình quản lý đất đai hiện nay.

Về ý kiến tham gia dự thảo luật, tôi xin có một số ý kiến góp ý. Trước hết, tôi nhất trí với đại biểu Hùng ở Bình Phước và đại biểu Cường của Quảng Bình là đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về thẩm quyền, vai trò, vị trí của Hội đồng nhân dân các cấp trong vấn đề quy hoạch đất đai và kế hoạch đất đai. Đồng thời, tôi cũng đề nghị cần nghiên cứu cơ chế giám sát của nhân dân và của các đoàn thể chính trị xã hội trong tổ chức thực hiện luật này.

Thứ hai, về thu hồi đất, tôi nhất trí với quy định là nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch để tạo quỹ đất sạch, góp phần chủ động triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua không ít dự án thực hiện kéo dài, có dự án kéo dài hàng chục năm, dự án treo do nhiều nguyên nhân khác nhau gây lãng phí đất rất lớn. Nên chăng có quy định thu hồi đất theo phân kỳ đầu tư các dự án kinh tế - xã hội lớn, có quy mô lớn để tránh lãng phí về đất đai. Tuy nhiên, nếu thu hồi đất theo phân kỳ kế hoạch của các dự án kinh tế xã hội sẽ lại có nguy cơ một dự án có thể có nhiều mức giá khác nhau, dẫn đến phát sinh khiếu kiện như trong thời gian vừa qua.

Tôi đồng ý với Khoản h Điều 55 quy định về thời hạn các dự án không thực hiện hoặc tiến độ chậm thì sẽ bị thu hồi đất. Nếu chúng ta thực hiện nghiêm túc vấn đề này chắc chắn sẽ có bước chuyển biến mới trong việc quản lý đất đai.

Thứ ba, về giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất. Tôi nhất trí với ý kiến của Ủy ban kinh tế của Quốc hội nên nghiên cứu thu hẹp đối tượng thuộc diện giao đất không thu tiền sử dụng đất. Các đối tượng khác cần nghiên cứu có thể thu tiền ở từng mức độ cho phù hợp. Trong này khái niệm các dự án phát triển kinh tế xã hội là rất rộng nên có quy định cụ thể hơn trong vấn đề này.

Thứ tư, về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất hiện tại chúng ta đang thực hiện và dự thảo luật mới cũng quy định là giá đất tính để đền bù theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi đất. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua không ít trường hợp khi thu hồi đất là đất nông nghiệp, đất vườn, đất ruộng hoặc đất khác. Sau khi thu hồi bằng một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển sang đất ở làm cho giá đất tăng lên vài chục lần. Người được bồi thường mặc dù được ưu tiên tái định cư ngay trên đất cũ của mình nhưng số tiền được bồi thường cũng không đủ để mua mảnh đất đã được cấp, gây thắc mắc lớn ở nhiều địa phương, đề nghị Ban soạn thảo lưu ý vấn đề này.

Thứ năm, về thẩm quyền thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong vấn đề này chỉ có việc cấp giấy chứng nhận là Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn, còn lại quy định không được ủy quyền tiếp cho người bên dưới. Tôi tán thành ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội là vấn đề này nên giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân chứ không phải giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân vì hai lẽ sau:

Thứ nhất là như phân tích của một số đại biểu Quốc hội và như của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã phân tích.

Thứ hai, tôi cho rằng nếu quy định như vậy thì e rằng Chủ tịch Ủy ban nhân dân sẽ quá tải trong công việc và việc phục vụ nhân dân có lúc sẽ khó khăn và đình trệ bởi vì chúng ta phải tính toán có thể vì lý do nào đó bất khả kháng mà chức danh chủ tịch Ủy ban nhân dân này có thể trong một thời gian dài không thực hiện được nhiệm vụ của mình, cần phải cân nhắc vấn đề này.

Ý kiến thứ sáu, về giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tôi tán thành trong dự thảo luật nêu tại Điều 28, Điều 96 v.v..., tôi đề nghị có quy định thêm đất ở, đất sản xuất do nhà nước cấp và do đoàn thể, do cộng đồng mua cho hộ nghèo theo việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, tôi đề nghị phải quy định chuyển nhượng phải có điều kiện riêng để khắc phục các hộ này sau khi được cấp lại bán đi, chuyển nhượng đi trong khi nhà nước rất khó khăn mới có thể có được đất để cấp cho đồng bào nghèo.

Cuối cùng, trong thời gian qua có vấn đề gây nhiều thắc mắc trong nhân dân đó là khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội ví dụ như mở đường giao thông qua một khu đất vốn trước đó giá trị thấp nhưng khi có dự án đi qua thì đất đó có chênh lệch địa tô lớn. Trong khi người có thu hồi đất để thực hiện dự án đó thì đi tái định cư nơi khác gặp nhiều khó khăn và người ở bên cạnh không bị thu hồi thì tự nhiên có một mảnh đất sinh lợi rất lớn, gây ra thắc mắc rất lớn trong nhân dân, đề nghị Ban soạn thảo nên tính đến những trường hợp này. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan