Góp ý của ĐBQH Nguyễn Công Bình – Yên Bái đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:58 21-12-2012


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, với những bất cập, hạn chế của Luật đất đai hiện hành, tôi đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi Luật đất đai năm 2003. Tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Một, tôi đồng tình với quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, cần quy định rõ hơn về thẩm quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về đất đai. Đồng thời, cần có chế tài mạnh hơn nữa về trách nhiệm trong quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này, nhất là các chế tài về thực hiện sai quy hoạch, về cấp, giao đất không đúng thẩm quyền, thu hồi đất sai quy định, không tôn trọng quyền của người sử dụng đất.

Về giá đất, đây là vấn đề lớn được người dân đặc biệt quan tâm, khiếu tố trong dân nhiều là do quy trình, cơ chế thu hồi đất, nhất là về giá đất, luật hiện hành quy định giá đất sát với giá thị trường, luật sửa đổi quy định giá đất phù hợp với giá thị trường. Tôi thấy vẫn mờ mờ, chưa sáng rõ. Tôi đề nghị cần có tiêu chí dễ hiểu, cụ thể để xác định giá đất đó là phù hợp với giá thị trường như trong dự thảo luật có quy định.

Mặt khác trong dự án luật cũng cần có quy định rõ cơ quan, đơn vị nào là xây dựng giá đất và cơ quan đơn vị nào thẩm định về giá đất đó.

Hai là về những điều, khoản cụ thể trong dự án luật sửa đổi. Tôi băn khoăn với nhiều quy định trong dự thảo luật, tôi xin đơn cử một số vấn đề. Điều 75, về bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất ở, tại Khoản 3 có quy định: trường hợp hộ gia đình cá nhân được bố trí tái định cư mà tiền bồi thường về đất ở và tài sản gắn liền với đất ở không đủ mua một suất tái định cư theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh thì được nhà nước hỗ trợ để đủ mua suất tái định cư. Theo tôi chỉ quy định như vậy thì chưa đủ rõ và nếu không có nhà thì gây khó khăn cho người dân, vì người dân đang có nhà ở, có đất do bị thu hồi, nay chỉ có một mảnh đất muốn làm nhà thì không có tiền, vay mượn thì không có gì để mà trả, có thể họ lại bán đất đi để sống qua ngày và tìm nơi tạm bợ để ở, như vậy cuộc sống người dân sẽ ngày một khó khăn hơn và không đảm bảo mục tiêu nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn so với nơi ở cũ.

Tại Điều 119, quy định về đất trồng lúa, tại Khoản 4 về tổ chức, cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp tử đất trồng lúa nước, phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng đất. Quy định về các tổ chức, cá nhân phải bù bổ sung diện tích đất trồng lúa bị mất, có ý tốt là chỉ trong trường hợp thật sự cần thiết mới sử dụng đến đất chuyên trồng lúa nước. Nhưng tôi băn khoăn về tính khả thi ở quy định này. Vì ở nhiều nơi sau khi lấy diện tích đất lúa thì lấy diện tích đất ở chỗ nào để khai hoang làm ruộng nước. Mặt khác, để thành đất chuyên trồng lúa nước phải có các điều kiện khác như về thủy lợi, độ màu mỡ của đất đó, như hiện nay việc trồng lại rừng bị mất đi do làm thủy điện cũng đã rất khó khăn mà đất để trồng rừng thì dễ hơn là đất để khai hoang ruộng chuyên trồng lúa nước. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ thêm về vấn đề này.

Vấn đề thứ ba, đất đai là vấn đề lớn và có tính chất rất phức tạp, đồng thời có tác động trực tiếp đến kinh tế, chính trị, xã hội. Mặt khác, đối tượng điều chỉnh của luật này rất rộng và người dân rất quan tâm đến việc thực hiện Luật đất đai. Chính vì vậy, tôi xin trân trọng đề nghị Quốc hội cần có kế hoạch để lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật đất đai (sửa đổi). Tôi xin hết ý kiến, xin trân trọng cảm ơn.

Các văn bản liên quan